Xe ôm

VŨ THỊ HUYỀN TRANG 05/04/2017 19:04 GMT+7

TTCT - Tôi vừa ôm con vừa xách lỉnh kỉnh đồ đạc bước xuống từ xe khách lúc 11h trưa. Đầu vẫn còn váng vất cơn say xe, chưa kịp hít gió trời thì đã bị cánh xe ôm vây quanh.

Minh họa: Lê Đình Quì
Minh họa: Lê Đình Quì


Điểm xuống của vợ chồng tôi là một trong số rất nhiều bến xe tự phát trong thành phố, nằm sát gầm cầu. Hơn chục chiếc xe ôm xếp hàng ngồi sẵn trong quán nước chờ khách.

Họ nhao nhao hỏi: “Mẹ con em về đâu anh chở?”, “Có người nhà đón chưa?”, “Cháu bé trông kháu quá, lên xe em chở về đi chị?”. Tôi không nói gì, chỉ đáp lại bằng những cái lắc đầu đầy mệt mỏi. Chồng tôi đang bận khuân vác đồ đạc từ trên xe xuống.

Lần nào về quê cũng vậy, thùng to thùng nhỏ đựng từ con gà, quả trứng đến mấy mớ rau sạch, nắm lá chè xanh. Thực phẩm sạch từ quê được chắt chiu nâng niu mang về phố. Mỗi tội đồ đạc nhiều nên di chuyển rất cực.

Chồng tôi dặn: “Hai mẹ con đứng đây trông đồ để anh vào bãi lấy xe”. Sau khi biết chúng tôi đã có xe nhà, cánh xe ôm bảo: “Chị cứ để đồ đấy, ai lấy mấy đồ này mà phải trông. Bế con vào quán nước ngồi cho đỡ nắng”. Miệng thì cười đáp lại nhưng mắt tôi vẫn dè chừng họ.

Cánh xe ôm ở bến xe thường để lại ấn tượng không tốt đối với nhiều người. Họ chụp giật, mất lịch sự, hay nói tục chửi bậy và có người còn “hành nghề” móc túi.

Trong ký ức của tôi vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh cha nhễ nhại mồ hôi, mặt méo xệch khi thò tay vào túi áo ngực đã thấy tiền không cánh mà bay. Đó là lần đầu tiên tôi xuống thủ đô dự kỳ thi đại học cách đây tròn mười năm. Những đồng tiền mẹ dành dụm cho tôi khăn gói đi thi đã biến mất cùng tờ giấy ghi địa chỉ nhà người thân.

Tôi chỉ kịp nhìn thấy gã xe ôm vừa lôi kéo vừa thò tay vào túi áo cha nhanh như chớp. Nhưng tôi đâu thể làm gì vì gã xe ôm ấy ngay lập tức biến mất trong đám đông nhộn nhạo. Để cha con tôi phải lếch thếch khổ sở đi bộ khắp hang cùng ngõ hẻm lần tìm nhà người thân trong trí nhớ.

Kể từ đó, tôi thường né tránh những tiếng mời chào “xe ôm đi em” ở các bến xe.

- Bế con vào đây mà ngồi. Nắng lắm. Tội đứa nhỏ.

- Toàn quần áo, rau củ mất thế nào được mà lo.

Tôi ngửa mặt nhìn trời. Nắng xuân không gay gắt nhưng cũng đủ khiến con trẻ lấm tấm mồ hôi. Đành bỏ đống đồ đạc bên đường, tôi bế con chạy vào quán nước. Một anh xe ôm kéo ghế mời tôi ngồi rồi đưa tay vuốt má con.

Một người khác chạy lại nựng nịu đòi bế. Tôi không muốn đưa con mình cho người lạ nên giữ chặt con. Nhưng lạ thay, con tôi lại thân thiện cười đùa với họ, giơ tay đòi được bế. Con bé nép vào ngực người đàn ông lạ y như mỗi lúc bình yên nép vào ngực cha. Anh ta quay ra nói với chị chủ quán nước:

- Mười tám năm nay mới được bế đứa trẻ vào lòng. Đến con của mình cũng từng ấy năm chưa một lần được ôm lấy nó.

- Thế ra tù không tìm gặp con lần nào à?

- Tìm chứ nhưng mẹ con nó không muốn gặp. Sợ mình quấy phá.

Anh ta trao lại con cho tôi, nhấp ngụm trà mà mắt đượm buồn. Một người khác vừa chở xong cuốc xe ôm, ngồi xuống chìa tay về phía con tôi. Con bé cười tươi rói khoe răng thỏ.

- Bé này có khóc đêm không chị? Con nhà em khóc suốt, đêm nào cũng phải thay vợ thức dỗ con.

- Có khi do bé đói.

- Thì vợ em ít sữa mà. Làm việc vất vả chẳng có thời gian nghỉ ngơi. Đêm đến con lại quấy khóc ít ngủ thành ra tiết sữa kém. Mà con bé nhà em không dạn người thế này đâu. Chỉ bám cha mẹ thôi.

Con tôi được chuyền tay từ người này sang người khác. Nhìn những khuôn mặt bặm trợn, hai cánh tay xăm trổ chắc hẳn nhiều người lớn đã cảnh giác dè chừng họ hệt như tôi vậy.

Nhưng ánh mắt đen láy thơ ngây của con trẻ khiến tôi nghĩ, phải chăng người lớn sống trong lòng phố lâu năm đã thiếu thốn lòng thành và dư thừa quá nhiều hoài nghi.

Chúng tôi rời khỏi bến sau khi mấy anh xe ôm giúp chồng tôi buộc đồ lên xe một cách khéo léo để còn đủ chỗ ngồi cho ba người. Có cánh tay giơ lên vẫy chào trẻ thơ.

Có tiếng cười lẫn đâu đó trong tiếng còi xe inh ỏi. Con tôi nhoài người khỏi vai mẹ nhìn theo họ - những người xe ôm thân thiện ở một bến xe tự phát trong thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận