Đầy và khuyết...

LÂM MINH TRANG 20/05/2017 02:05 GMT+7

TTCT- Sáng đầu tuần chị ra chợ về, lo cô em ốm phải uống thuốc nên vừa về đến nhà chị lật đật vừa giở gói cháo sườn vừa kể: Con bé bán cháo sườn này thiệt hay.

Minh họa: Lê Đình Quỳ
Minh họa: Lê Đình Quỳ

 

Từ ngày mẹ mình mất cũng hơn năm, mình ít mua mà nó vẫn nhớ khách. Hồi nãy trên đường ra chợ, nó đi đâu chạy ngang, thấy chị là tấp xe vô kêu rối rít “chị, chị lên đây em chở ra chợ, cho nhanh!”.

Rồi khi đến hàng nó mua cháo, nó còn nhớ là bà không ăn nhiều tiêu, không lấy sườn chỉ lấy thịt bằm... Khi biết là mua cho em thì đổi lại, lại còn nói em chắc ăn nhiều hơn bà, nên múc thêm cho lưng môi cháo nữa mà không tính thêm tiền! Buôn bán vậy nên có gánh cháo mà nuôi cả nhà...

Em nằm lơ mơ, nghe chị kể chuyện “đạo đức nghề nghiệp” của em cháo sườn mà buồn. Buồn vì ốm, ở nhà nên mở trang báo đầu tuần ra đọc liền, mà đọc thấy toàn chuyện “khuyết tật”: hết ông ủy viên này bị kỷ luật, đến chuyện 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư được viện trợ phải hủy vì hết hạn sử dụng, trong khi bệnh nhân đang điều trị thì thiếu thuốc, các bệnh viện phải chạy “mượn thuốc” nhau lòng vòng.

Rồi chuyện xe tải lao vào xe khách kinh hoàng gây ra tai nạn thảm khốc, người mất, người bị thương đã vượt qua con số 50. Chuyện một anh cầu thủ “ngáo đá” sa sút phong độ, tiền mất, nghiệp dứt, giờ được đồng đội cưu mang cho cơ hội làm lại cuộc đời.

Chuyện “người tiêu dùng bị “sập bẫy” khi những “ông dịch vụ” coi khách hàng - người nuôi sống mình - là cái mỏ để đào chứ không phải là “thượng đế” vì đã đem đến miếng cơm manh áo, mà thực tế là miếng “sơn hào, hải vị” cho mình...

Ngần đó chuyện rồi liên hệ với việc em cháo sườn “nhớ khách quen lâu”, mới thấy ông bà mình dạy đâu sai “thương nghề, nghề để của cho”, rồi “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.

Cái thương, cái tinh ở đây đâu chỉ thuần nói về kỹ năng, kỹ thuật khi làm nghề, mà còn cả cái lòng đặt vào nơi chốn mình đang ở, nghề nghiệp mình đang theo, con người mình đang quan hệ. Không mở được cái lòng ra, không hết tâm, hết sức chăm lo nghề, không trân trọng người đang làm ăn với mình, thì đừng mong gì nói đến những chuyện “kinh bang tế thế” khác.

Xã hội nhìn dưới lăng kính một bà giáo già đang ốm chắc cũng nhiều phần không khách quan, chưa đến nỗi dị dạng nhưng đầy khuyết tật. Những khuyết tật nhiều khi ít thấy bằng mắt thường, nhưng nó lại “ung nhọt” đến nỗi hễ chỉ cần “con kiến” đụng nhẹ là cũng vỡ bung.

Rồi khi “vỡ trận, thất thủ”, lại nhao nhao châu về “luận tội”, đổ thừa qua lại cho nhau. “Luận... đổ” thì hay lắm, nhưng để chung tay làm đầy chỗ khuyết đó thì anh nọ chỉ anh kia, chỗ nọ đẩy về chỗ... khác.

Giá thử em cháo sườn “độc quyền” ở cái chợ nhỏ xíu nhà mình “đâu cần” tấp vô chị để “em chở giùm ra chợ cho nhanh”, đâu cần “à, em chị ăn thì em lấy sườn, bớt thịt bằm lại và thêm ít cháo, ít tiêu” thì khách vẫn phải mua vì cần quá, vì chợ chỉ có em bán món này.

Nhưng chắc có lẽ nếu em cháo sườn “đâu cần” thì đâu ai nói được vì sao từ một gánh bán sáng, giờ em phải bán cả ngày.

Từ chỗ vài bà mẹ có con nhỏ đi làm sớm ghé mua, nay em có cả hàng dài khách mua xếp chờ đến lượt. Từ một cái nhà lụp xụp ở quê, nay em đã mua được nhà thành phố, đưa bốn người em ra Sài Gòn nuôi đi học, còn lo được cho cha mẹ già nghỉ ngơi, khỏi làm lụng vất vả ở quê.

Và cũng chẳng ai nói cho em cháo sườn biết, chỉ có “môi cháo thêm” của em, mà bà giáo này thấy đủ để lấp đầy cả một “trang báo xã hội nhiều khuyết” ngoài kia!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận