Thu nhập cơ bản: Ai cũng có tiền

LÊ QUANG 12/01/2016 22:01 GMT+7

TTCT - Ai cũng có tiền để đủ sống - đó là mơ mộng hão huyền của các triết gia rảnh rỗi hay thật sự là con đường dẫn đến công bằng xã hội?

Chợ Giáng sinh ở Helsinki, Phần Lan -DPA
Chợ Giáng sinh ở Helsinki, Phần Lan -DPA


Dĩ nhiên, con người cần một khoản thu nhập ở mức cơ bản để tồn tại, vấn đề chỉ là kiến tạo được các điều kiện bảo đảm. Lần đầu tiên trong xã hội loài người, Thụy Sĩ và Phần Lan có thể đưa ra chìa khóa dẫn đến thành công.

Không khỏi liên tưởng đến Karl Marx

“Một bóng ma đang ám ảnh châu âu: bóng ma chủ nghĩa cộng sản” - Karl Marx mở đầu như thế trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản 1848. Ta không thể không thấy mối liên quan khi xét đến một ý tưởng đang ám ảnh châu Âu: ý tưởng về thu nhập cơ bản.

Và ta sẽ không phải đợi quá lâu để kiểm chứng nó, thậm chí ngay trong năm 2016 mới bắt đầu. Vì hai quốc gia phồn vinh hạng nhất nhì ở châu lục này đã đưa ý tưởng cách mạng độc nhất vô nhị đó vào chương trình chính trị của mình.

Thụy Sĩ, đất nước vẻn vẹn 8,5 triệu dân có truyền thống dân chủ cơ sở, vốn quen đưa ra biểu quyết nhiều chính sách ở tầm từ trung ương đến làng xã, sẽ tổ chức trưng cầu ý dân vào mùa hè tới và kết quả được trực tiếp luật hóa để thi hành. Phần Lan thì không hẳn có tốc độ đó, nhưng chính phủ đã quyết định bắt đầu hoạch định trong năm 2016 để phát triển một dự án tiên phong cho đầu năm 2017.

Tuy nhiên, hôm nay chưa phải thời điểm để lạc quan quá sớm. Tương tự ý tưởng của Marx và Engels hồi năm 1848, con đường dẫn đến nhà nước châu Âu đầu tiên có thu nhập cơ bản cho 100% dân số sẽ rất chông gai.

“Ý tưởng thiếu ý thức hệ”

Hay nói cụ thể hơn, ngay những cha đẻ của ý tưởng trên và đối thủ của họ cũng chưa hề thống nhất ở một định nghĩa ổn định, thế nào là “thu nhập cơ bản”? Cuộc tranh luận trên cũng diễn ra ở Đức. Từ bộ óc của đảng cánh tả Đức Gregor Gysi đến Thủ tướng Angela Merkel hay chính trị gia lọc lõi Roger Koeppel của Đảng Nhân dân Thụy Sĩ - mỗi người hay mỗi chính đảng theo đuổi một ý tưởng riêng có ít nhiều khía cạnh dị biệt.

Điểm chung duy nhất của mọi mô hình là mỗi người dân được nhận thường xuyên một lượng tiền nhất định, vô điều kiện, nghĩa là không cần kiểm tra xem họ có cần hay không và nhà nước nhìn chung không có quyền can thiệp nhiều vào cái gọi là “phạm vi cá nhân”. Thu nhập cá nhân đó có tác động gì thì tùy vào định nghĩa cụ thể mà ta sẽ xét chi tiết hai mô hình đã hiển hiện trước mắt là Thụy Sĩ và Phần Lan.

Thụy Sĩ sẽ biểu quyết, nhưng tạm chưa ấn định số tiền cụ thể để sau này xét cho sát thực tế. Những người đưa ra sáng kiến này đã có hình dung khá cụ thể: người trưởng thành cần mỗi tháng 2.500 franc Thụy Sĩ (xấp xỉ 2.483 USD) mà không cần làm việc, trẻ con và người về hưu được phát ít hơn.

Đại đa số người Thụy Sĩ tin rằng họ vẫn sẽ tiếp tục đi làm, không những vì họ sẽ có tổng thu nhập cao hơn mà lúc đó con người sẽ có tâm thế thoải mái và có năng suất lao động cao hơn, do không còn sợ bị thất nghiệp. Đây là một mô hình mà nếu thành công sẽ mang đầy tính nhân bản.

Ngược lại, Phần Lan tranh cãi về số tiền 800 euro (hơn 862 USD), thế chỗ cho toàn bộ các loại trợ cấp xã hội hiện có. Chính phủ thiên hữu định đập một nhát chết hai con ruồi: khuyến khích người thất nghiệp chấp nhận cả những việc làm lương thấp, và thu nhỏ bộ máy quản lý xã hội cồng kềnh. Không thể phủ nhận là mô hình này mang lại một động lực cao hơn cho cả xã hội.

Láng giềng Đức nghĩ sao?

Sự khác biệt giữa hai mô hình khá lớn. Hãy thử làm hai con tính trên với nước Đức, vốn có tiềm lực kinh tế và chế độ phúc lợi khá tốt, để xét hệ quả.

Theo mô hình Thụy Sĩ và trừ đi các khoản, 2.500 franc tương ứng 1.500 euro, nghĩa là nước Đức sẽ phải phát cho dân khoảng 1,2 nghìn tỉ euro, tương ứng với 41,1% sức mạnh kinh tế của năm 2014 (2,9 nghìn tỉ).

Còn mô hình Phần Lan chỉ đòi hỏi 530 tỉ euro (hay 18,2% ngân sách). Thoạt tiên cả hai con số đều có vẻ cao, nhưng ta hãy so sánh: trong năm 2014 Đức chi 849,2 tỉ cho các khoản hỗ trợ xã hội, nghĩa là một khoản tiền nằm đâu đó giữa hai con số trên. Nhìn từ Đức, mô hình Phần Lan sẽ gây ra vấn đề lớn nếu mọi trợ cấp xã hội bị bãi bỏ, còn mô hình Thụy Sĩ thì không hẳn rơi vào phạm trù viễn tưởng.

So với thời điểm năm 2011 thì khoảng cách giữa hai mô hình còn ghê gớm hơn. Ở thời điểm ấy, các gia đình có tổng thu nhập - trước khi trừ thuế và bảo hiểm xã hội - chừng 1,8 nghìn tỉ euro. Vậy mô hình Thụy Sĩ sẽ bảo đảm hai phần ba thu nhập cá nhân. Áp lực phải đi làm để kiếm tiền sẽ biến mất (cũng là chủ ý của tác giả mô hình này). Còn theo mô hình Phần Lan thì chỉ 30% thu nhập được bảo đảm, người dân phải kiếm 70% kia, chủ yếu do đi làm.

Hãy tưởng tượng tiếp: châu Âu sẽ mang hai bộ mặt hoàn toàn khác biệt. Người thì lười biếng và ích kỷ, chỉ bị thúc lưng mới chịu đi làm, người khác thì yêu lao động và lấy công việc làm niềm vui, còn nếu không thế cũng chẳng bị tước mất khoản tiền đủ sống.

Làng quê Thụy Sĩ -Lê Quang
Làng quê Thụy Sĩ -Lê Quang

 

Mổ xẻ từng mô hình

Phong trào “Thu nhập cơ bản vô điều kiện” ở Thụy Sĩ thu thập được 126.000 chữ ký ủng hộ, đây là một con số rất ấn tượng ở đất nước này. Nếu họ thành công, hiến pháp sẽ được bổ sung một câu ngắn gọn: “Thu nhập cơ bản tạo ra cho toàn dân đủ điều kiện tồn tại trong phẩm giá và tham gia cuộc sống xã hội”. Như đã nói, người ta sẽ ấn định mức tiền cụ thể sau này.

Những người đưa ra chủ trương trên nhấn mạnh rằng 2.500 franc là mức hợp lý. Một đôi vợ chồng không con sẽ có thu nhập gốc là 5.000 franc mỗi tháng. Tiền lương được cộng thêm vào. Chậm nhất đến đây sẽ có người hỏi: Ai dại gì mà đi làm nữa? Và câu hỏi này hoàn toàn có lý. Nếu cả xã hội hay số đông lười nhác thì nền kinh tế quốc dân không thể cứ thế in tiền để phân phát?

Người Thụy Sĩ nêu một luận cứ đáng suy ngẫm: mọi cuộc thăm dò dư luận xưa nay đều cho thấy đa số người Thụy Sĩ vẫn tiếp tục đi làm, thậm chí vẫn làm việc cũ, kể cả vừa trúng số độc đắc. Một số sẽ chọn công việc hấp dẫn hơn. Ít người bỏ công việc để chỉ sống bằng tiền được phát. Số này ở Đức là 20%, cao hơn Thụy Sĩ một chút.

Có vẻ như dân ở đây chỉ thấy cuộc đời có ý nghĩa khi đi làm. Phong trào “Thu nhập cơ bản vô điều kiện” dự tính sẽ thành công về trung hạn hay dài hạn, nếu chẳng may sáng kiến này thất bại trong năm 2016. Vì một xã hội phồn vinh thường có đồng thuận cao là không để ai chết đói, tuy nhiên nếu câu hỏi về sống và chết phụ thuộc vào ý thức lao động thì điều đó sẽ làm trì trệ sức sáng tạo. Và suy ngược lại: khi cuộc sống được đảm bảo tối thiểu thì công việc mới thật sự đem lại niềm vui và năng suất.

Từ hè 2015, Phần Lan có một chính phủ liên minh từ các phe Tự do, Bảo thủ và Thiên hữu. Trong khế ước liên minh có một điểm mặc định là xét câu hỏi “Thu nhập cơ bản vô điều kiện”. Theo lịch trình mà giám đốc nghiên cứu của An sinh xã hội Phần Lan (KELA) Olli Kangas thông báo, 2017 là năm bắt đầu thử nghiệm.

Cả năm 2016 chỉ để KELA nghiên cứu bốn phương án khác nhau rồi trình chính phủ lựa chọn. Ở thời điểm này chưa thống nhất phát tiền cho toàn dân hay chỉ những người có nhu cầu chính đáng.

Người thạo tin ở xã hội Phần Lan tin rằng biện pháp phát tiền này nhằm giảm áp lực cho bộ máy quản lý an sinh xã hội và bớt số người thất nghiệp. Nhưng một khía cạnh vô cùng quan trọng là nhà nước sẽ không còn cắt xén quyền tự do của người dân thông qua hệ thống bao cấp dàn trải, đồng thời giải phóng họ khỏi cơ chế xin - cho xưa nay.

Điểm khác biệt với Thụy Sĩ là người Phần Lan không thể trông chờ có mức sống xông xênh tương tự với số 800 euro được phát đó, nếu họ không làm thêm. Ngay con số 800 cũng chỉ là dự tính không chính thống. So với Đức thì 800 euro chỉ có sức mua của 664 euro, hay nói cách khác, người Phần Lan nhận tiền ban phát của nhà nước thì chỉ có mức sống như người lĩnh trợ cấp (Hartz-IV) ở Đức.

Ngó qua Hà Lan

Có vẻ như ý tưởng trên không đơn độc. Từ đầu năm 2016 trở đi, 330.000 cư dân của thành phố Utrecht sẽ thử nghiệm một dự án có 250 người tham gia. Một số địa phương khác của Hà Lan cũng theo chương trình này.

Theo đó, mỗi người lớn ở tuổi lao động đang hưởng trợ cấp xã hội sẽ được phát 900 euro/tháng, vì vậy không thể gọi khoản tiền này là thu nhập cơ bản không điều kiện. Các thành viên tham gia dự án được chia làm ba nhóm với những quy định khác nhau.

Trong đó một nhóm nhận tiền vô điều kiện - người ta muốn tìm hiểu động cơ làm việc và tinh thần đóng góp vào các hoạt động thiện nguyện có khác với những người bị buộc phải tham gia.

Kết quả của các dự án thử nghiệm khiến các nhà xã hội học hồi hộp. Phải chăng có nhiều con đường dẫn đến mục đích “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” vốn vẫn bị nghi là viễn tưởng?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận