Sau sữa bột đến văcxin, tiếp theo sẽ là gì?

CẢNH CHÁNH 21/04/2016 21:04 GMT+7

TTCT - Tháng 3 vừa qua, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) công bố đã bắt giữ đường dây buôn bán văcxin hết hạn hoặc không được bảo quản đúng cách trị giá hơn 570 triệu nhân dân tệ tại hơn 20 tỉnh. Vụ bê bối gây chấn động người dân nước này, một lần nữa khiến họ mất lòng tin vào hàng nội.

Người dân Trung Quốc  tập trung trước cổng chính của Ủy ban y tế và kế hoạch hóa gia đình quốc gia Trung Quốc ở Bắc Kinh - Ảnh: RFA


Một làn sóng các ông bố bà mẹ đưa con qua Hong Kong chích ngừa đến mức chính quyền sở tại phải ra quy định hạn chế…

Làm gì để bảo vệ con?

Lily, một bà mẹ trẻ ở Trung Quốc từng theo học ở đặc khu Hong Kong, cho biết khi con lớn hơn sẽ cố gắng dẫn con đi đặc khu tiêm chủng vì bạn bè cô đa số đều chọn văcxin nước ngoài để an toàn cho con mình. Sau vụ bê bối văcxin gần đây, khiến cô cảm thấy may mắn với quyết định của mình. Ngay sau vụ việc, đa số gia đình đều quyết định sẽ ra nước ngoài tiêm chủng, người có điều kiện thì đi Mỹ, còn ít điều kiện hơn thì đi đặc khu Hong Kong.

Một bà mẹ khác chia sẻ trên tờ Tòa Án Nhân Dân ngày 28-3: “Là một người mẹ yếu đuối, tôi chỉ biết cố hết sức bảo vệ đứa con của mình. Khi con vừa ra đời, tôi âm thầm nghiên cứu thành phần sữa bột, khi mua tã thì học cách nhận biết chất tẩy trắng quang học, biết cách kiểm tra hàm lượng formaldehyde, học cách phân biệt hoa quả không bị chích thuốc...

Còn giờ đây tôi đang âm thầm học hỏi để trở thành một chuyên gia văcxin. Đến bao giờ thì các bà mẹ như tôi sẽ đỡ vất vả hơn?”.

Làn sóng săn hàng ngoại bất đắc dĩ

Kể từ sau vụ bê bối sữa năm 2008, các bà mẹ nước này hầu như không còn tin tưởng vào sữa nội, họ săn lùng sữa ở Hong Kong, New Zealand, Anh, Úc, Đức... Theo tờ Đô Thị Phương Nam, trước làn sóng mua sữa ồ ạt của người dân đại lục, ngay từ năm 2013 Hong Kong đã ban hành quy định mỗi người chỉ được mua không quá 1,8kg sữa.

Từng có người dân đại lục mua 85kg sữa khi qua cửa khẩu bị phạt tù 6 tháng.

Trong cuộc họp quốc hội của Trung Quốc vào đầu tháng 3, ông Hàn Trường Vũ Phú, bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, thừa nhận trên tờ Tân Kinh: “Người dân đi mua sữa ở nước ngoài, mua hàng hóa của họ, mang tiền đến cho họ, nhưng lại bị họ hạn chế số lượng mua, đây đúng là nỗi nhục của ngành sữa Trung Quốc”.

Tờ Thanh Niên Trung Quốc cho biết sau khi ra lệnh hạn chế mua sữa, ngày 30-3 vừa qua, Sở Y tế đặc khu Hong Kong lại tiếp tục công bố không nhận tiêm chủng cho trẻ em không phải người Hong Kong. Bắt đầu từ ngày 1-4, các viện sức khỏe bà mẹ trẻ em ở toàn Hong Kong mỗi tháng chỉ có 120 suất tiêm văcxin cho trẻ em không phải dân địa phương.

Lily chia sẻ với tờ Chứng Khoán Trung Quốc, khi học ở Hong Kong người nhà và người thân thường nhờ mua sữa bột. Lúc đó cứ thắc mắc tại sao họ phải tốn công đến thế. Nhưng đến khi làm mẹ mới phát hiện thực phẩm, thuốc men của con cái rất quan trọng, để mua được thực phẩm, thuốc men an toàn họ không quản ngại lùng sục săn hàng chất lượng trên khắp thế giới.

Bạn bè của cô, những ông bố bà mẹ trẻ đều có cùng suy nghĩ như cô, họ trở thành những người chuyên săn hàng nước ngoài bất đắc dĩ.

Theo báo cáo của trang mạng mua sắm taobao.com của Trung Quốc, từ năm 2005 - 2015, phạm vi mua sắm trực tuyến qua các trang mạng nước ngoài của người dân nước này đạt gần 100 nước và khu vực với 200 mặt hàng. Trong đó sữa bột và đồ dùng trẻ em là mặt hàng được mua nhiều nhất. Hiện nay ở nước đông dân nhất thế giới này nếu lên mạng sẽ không khó tìm thấy các thông tin kinh nghiệm săn hàng nước ngoài do các bà mẹ chia sẻ. ■

Gia đình anh Cao Trường Hồng ở xã Hồi Long, huyện Giao Khẩu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc có ba đứa con. Mùa hè năm 2006, con trai lớn của anh đi tiêm văcxin viêm màng não Nhật Bản ở phòng y tế trong thị trấn. Sau khi tiêm được một tháng, con anh sốt cao, đến ngày thứ tư thì miệng sùi bọt mép, chảy máu mũi, tay chân co cứng. Con anh được đưa đến bệnh viện, bác sĩ kết luận: thằng bé bị viêm não Nhật Bản. Mặc dù được cứu sống nhưng con anh trở nên chậm phát triển.

Năm 2007, vợ anh lại sinh thêm một đứa con trai, do vợ không có sữa nên uống sữa bột Tam Lộc ngay từ bé. Mỗi ngày đứa bé uống gần 1 lít sữa. Lúc đó sữa Tam Lộc là nhãn hiệu nổi tiếng. Đứa bé vẫn phát triển bình thường nhưng hay đi tiểu, còn tóc thì lưa thưa và vàng hoe. Khi con được 7 tháng, vào ngày 16-9-2008, Đài truyền hình CCTV Trung Quốc công bố 69 lô sữa của Công ty Tam Lộc chứa chất melamine có thể gây hại cho trẻ em.

Hai vợ chồng đưa con đến bệnh viện, bác sĩ kết luận con anh bị sạn thận và còi xương, vợ chồng anh đau đớn tột độ.

Năm 2010, khi xảy ra vụ bê bối văcxin ở Sơn Tây, gia đình anh và một số gia đình khác đã mang đơn đi kiện, tổ điều tra tai biến trong tiêm chủng dự phòng tỉnh Sơn Tây chính thức xác nhận những đứa trẻ mắc bệnh viêm màng não Nhật Bản không loại trừ khả năng do tiêm chủng. Họ tiếp tục vác đơn kiện đến Bắc Kinh.

Điều lạ lùng là sau đó gia đình anh được chính quyền trao 10.000 NDT tiền thưởng vì đoạt giải sáng tạo kỹ thuật dù anh chẳng làm gì để có thể sáng tạo ra cái gì!

Năm 2011 vợ chồng anh sinh thêm một con gái, vợ chồng anh quyết định không cho con uống sữa bột, không cho tiêm văcxin. Họ vẫn sống trong những tháng ngày vất vả, anh phải ngược xuôi đi tìm việc làm thêm mỗi khi tiệm sửa xe vắng khách, nỗi đau lại cứa vào tim mỗi khi có ai hỏi đến.

(Nguồn: mạng Thanh niên Trung Quốc)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận