Quá thiêng liêng để “mặc cả”?

BAN CẦM 06/09/2016 22:09 GMT+7

TTCT - Báo cáo cuối năm 2015 về giáo dục của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tiếp tục nói về một câu chuyện đã cũ: sự “bội bạc” của nghề giáo.

media.jrn.com
media.jrn.com


Khảo sát ở 34 nước thuộc OECD và các nước như Argentina, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga cho thấy đầu tư của chính phủ cho giáo dục trên toàn cầu đã giảm trung bình 1/3 trong giai đoạn 2010-2012. Một bài báo của Time trong cùng giai đoạn viết rằng nghề giáo kiếm được ít hơn tất thảy so với lao động tương đương ở những ngành khác.

Theo điều tra của Hiệp hội Giáo viên và giảng viên (ATL) năm ngoái, 73% giáo viên thực tập đã cân nhắc bỏ nghề vì khối lượng công việc quá lớn, hơn 54% nói rằng họ không nghĩ sẽ theo đuổi công việc này trong 10 năm và gần 1/4 trong số đó chia sẻ rằng mình chắc chắn sẽ bỏ dở sự nghiệp này trong vòng 5 năm.

79% các giáo viên trẻ than phiền rằng họ không cân bằng được công việc và cuộc sống, với 46% trong số đó phải làm việc trung bình 6-10 giờ vào cuối tuần.

Một báo cáo khác của Trung tâm Thống kê giáo dục quốc gia Hoa Kỳ cho biết 68% trường công ở Mỹ vẫn khuyết ít nhất một vị trí. Có 70% trong số 900 sinh viên tốt nghiệp các trường hàng đầu của Hoa Kỳ đã trả lời rằng họ sẽ đi dạy học nếu có thể mang về nhà 150.000 USD/năm, gấp gần 3 lần mức lương trung bình của giáo viên trên toàn nước Mỹ.

Tất cả những điều kể trên dường như chỉ ra rằng việc dạy thêm và nâng cao thu nhập cho nghề giáo là một nhu cầu chính đáng, trong bối cảnh những nguyên tắc thị trường đang thắng thế và lợi nhuận chi phối rất nhiều công việc. Nhưng bất chấp những điều đó, có những công việc hàm chứa rất nhiều quy tắc đạo đức và trách nhiệm thiêng liêng, mà nghề giáo là một trong số đó.

Giáo dục, hơn cả một nghề nghiệp

Hãy nghe Dan Moutthrop, CEO của The City Club of Cleveland - một trong những diễn đàn ngôn luận lâu đời nhất nước Mỹ, bộc bạch về nghề giáo, công việc ông đảm nhận một thập kỷ trước: “Tôi vẫn nhớ mỗi khi tôi dạy học, có những sinh viên ngồi nghiêm ngắn, họ muốn nói chuyện với tôi.

Lúc ấy tôi nhớ rõ rằng mình đã hỏi Amanda - một học trò - tại sao cô lại ở đây, tại sao cô nói với tôi tất cả về cuộc đời mình?... Chúng tôi trò chuyện, tôi có thể sẽ phải nói rằng có những điều cô không nên chia sẻ với tôi, nhưng dù thế nào, trong khoảnh khắc ấy, tôi đã là một phần của sự thấu cảm đã nâng cô dậy và giúp cô tiến về phía trước”.

“Khi bạn gặp ai đó, họ hỏi bạn làm gì, bạn nói rằng bạn dạy học và họ nói “tốt cho bạn quá”, bạn hẳn chỉ muốn nói rằng không, điều đó có thể tốt cho các bạn và tốt cho cộng đồng, tốt luôn cho cả nền dân chủ, nhưng thực tế thì nó không tốt cho tôi, và có lẽ không tốt cho sức khỏe của tôi, cuộc hôn nhân của tôi. Tôi ước gì mình có nhiều thời gian hơn cho con cái, nhưng tôi lại quá bận rộn vì phải giúp đỡ nuôi dạy con cái của các bạn”.

“Nhưng bất chấp tất cả, bạn là một phần của sự thấu cảm..., bạn là một phần của điều sẽ kiến tạo cho cộng đồng những gì tốt đẹp hơn.

Các nhà hoạch định chính sách sẽ luôn luôn đặt ra những yêu cầu thay đổi trong lớp học của bạn, nhưng rốt cuộc vẫn là bạn đứng đó, trong lớp của mình, làm những gì tốt nhất, cung cấp những bài giảng chất lượng.

Là bạn, trong lớp học của mình, với trình độ và phẩm giá cao, niềm tin rằng mình có thể dìu dắt những đứa trẻ này - những mầm non mới nhú của nhân loại - có thể làm tốt nhất những gì chúng đang làm, dù là học tập, làm việc hay tu dưỡng”.

Có thể đấy là những dòng lạc quan, nhưng bất chấp những gì đang khiến người ta rời bỏ nghề giáo và kêu gào, nó vẫn có những lực hấp dẫn thiêng liêng: 80% những người được khảo sát của Hiệp hội Giáo viên và giảng viên Anh cho biết họ chọn công việc này vì muốn làm việc với những người trẻ và tạo ra sự khác biệt.

32% nói rằng họ tìm thấy niềm vui từ việc giảng dạy. Và “sự thấu cảm” không phải một khái niệm viển vông: giá trị của việc giảng dạy được chứng minh qua con số 37% học viên cho biết họ đã được truyền cảm hứng từ giáo viên cũ của mình.

Không có lý do gì để “mặc cả”

Khảo sát mức lương của OECD có thể làm người ta hiểu nhầm rằng nghề giáo bị bạc đãi, nhưng cần phải hiểu rằng tất cả các nghề đều có đặc thù, với những kỹ năng, lợi ích và khó khăn đặc thù, mà lương chỉ là một phần trong đó (dù là phần rất quan trọng).

Lương tối thiểu có thể là một lý do khác gây bất bình, nhưng đấy chỉ là một nửa vấn đề. Hãy lấy ví dụ ở New York, nơi lương tối thiểu được tăng từ 8,75 USD lên 9 USD/giờ vào đầu năm nay, nhưng thay vào đó giờ làm việc được quy định giảm từ 39 giờ/tuần xuống còn 29 giờ/tuần.

Tức là mức lương tối thiểu sẽ phải tăng lên ít nhất 11 USD để người lao động Mỹ có thể được nhận mức thu nhập tương đương thu nhập của hệ thống lương cũ. Nhưng dù tăng hay giảm thì đấy là mức có thể đảm bảo một cuộc sống tối thiểu, và không có ngoại lệ với bất kỳ ai, ngay cả nghề giáo.

Thêm vào đó, các dữ liệu của OECD và đa số khảo sát về thu nhập của giáo viên đều chỉ thống kê dựa trên tiền lương, chưa nói đến phụ cấp.

Trong thực tế, giá trị của phúc lợi (dựa trên tỉ lệ phần trăm tiền lương) và rất nhiều ưu đãi khác của các giáo viên trường công trung bình gấp đôi so với một lao động tương đương trong một công ty tư nhân lớn. Điều gì sẽ xảy ra nếu các giáo viên được nhất loạt tăng lương (hoặc dạy thêm đại trà)? Chất lượng giáo viên là một vấn đề, nhưng đánh giá xem ai là người xứng đáng với mức thu nhập cao hơn không hề dễ dàng.

Cuối cùng, tranh cãi về câu chuyện nghề giáo có nên được hưởng những ưu đãi thu nhập rốt cuộc là cuộc tranh cãi mang tính ý thức hệ giữa những quy tắc đạo đức và tư duy thị trường chi phối tất cả.

Giáo viên, cũng như bất cứ lao động phổ thông nào trong xã hội này, đều có quyền đặt lợi nhuận lên trên hết và đòi hỏi những đặc quyền “kiếm thêm”, dựa trên cơ sở rằng họ đang phải gánh vác một trách nhiệm đặc biệt và những gì mang về thậm chí không đủ sống, nhưng chắc chắn vẫn có những người tin nghề giáo là một cái gì đó lớn lao, thiêng liêng hơn, vượt qua sự chi phối tàn nhẫn của thị trường và ươm mầm cho niềm tin vào những thứ tốt đẹp hơn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận