Những ai kỳ vọng thái quá?

HỒNGV VÂN 24/11/2016 04:11 GMT+7

TTCT - Cuộc bầu cử năm 2016 ở Mỹ đã đem lại đủ sắc thái cảm xúc, thậm chí cả cho những người không phải là cử tri Mỹ.

Với nhiều người, tấm bản đồ phủ kín màu đỏ này là một cơn ác mộng thật sự -vox.com
Với nhiều người, tấm bản đồ phủ kín màu đỏ này là một cơn ác mộng thật sự -vox.com

Tới tận tối 7-11, một ngày trước bầu cử, những người ủng hộ ứng viên Hillary Clinton vẫn đang đủng đỉnh chờ đợi một chiến thắng áp đảo về phần họ. Nhưng rồi sự đổ vỡ diễn ra thật chóng vánh và đầy cảm xúc.

Kim đồng hồ cứ chạy và họ đứng tim nhận ra Donald Trump mới là người chiến thắng. Những cuộc thăm dò dư luận đã sai. Bạn bè của họ đã sai. Giới truyền thông đã sai. Làm sao điều này lại có thể xảy ra?

Vì sao và vì sao?

Họ cảm thấy mất phương hướng, cảm tưởng mình đã bị lừa một cách ngu ngốc. Nước mắt đã rơi. Có lẽ tất cả chỉ là một cơn ác mộng. Họ thức dậy sau một đêm dài và chợt nhận ra chẳng có cơn ác mộng nào hết.

Chỉ còn lại nỗi buồn và sự lo lắng là vẫn hiện hữu. Một số người chia sẻ họ còn không muốn bước ra khỏi giường. Nhiều người khác tuyên bố sẽ chuyển tới sống ở Canada và có cả những kẻ tìm quên trong men rượu...

Ai cũng muốn một lời giải thích, nhưng cảm giác buồn đau cực độ, thất thần và lạc lõng đó, trong mắt các nhà tâm lý học, không phải điều gì mới mẻ. Trong chuyên môn của họ từ lâu đã có khái niệm dùng để chỉ hiện tượng đau khổ, choáng váng bởi kết quả của một cuộc bầu cử: “hiệu ứng đồng thuận giả”.

Chúng ta có xu hướng đánh giá quá cao một người khác cùng chia sẻ chung ý kiến với mình và khi nhận ra sự thật không như mong đợi, chúng ta bỗng cảm thấy bất ngờ và hụt hẫng.

Phát biểu với Vox, chuyên gia về khoa học hành vi Todd Rogers của Trường quản trị công Kennedy, Đại học Harvard, giải thích rằng trong các cuộc bầu cử chính trị, cả hai phe đều nghĩ chiến thắng sẽ thuộc về họ.

Điều này có nghĩa trong tất cả các vòng tranh cử luôn có một nửa (hoặc gần như thế) số người đi bầu sẽ phải thất vọng với kết quả cuối cùng, bất kể trước đó truyền thông và các cuộc thăm dò dư luận đã “định hướng” thế nào đi chăng nữa.

Trong đời thực, chúng ta luôn có khuynh hướng muốn kết bạn với những người có chung suy nghĩ, sở thích, đọc những tờ báo có quan điểm tương đồng và quan điểm chính trị giống nhau tất nhiên là cực kỳ quan trọng, thậm chí là điều quan trọng nhất trong nhiều mối quan hệ bạn hữu. Điều này khiến chúng ta dễ bị suy sụp khi kết quả cuối cùng trái ngược hoàn toàn với mong đợi.

Thất bại của một trong số các ứng cử viên có thể dễ dàng quật ngã người ủng hộ hơn các hiện tượng khác như bạo lực, thảm họa quốc gia” - ông Rogers nhấn mạnh.

Trong một nghiên cứu của mình, ông sử dụng một tập dữ liệu, trong đó đo đạc mức độ cảm xúc của người dân về thất bại trong chính trị (đặc biệt sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012, khi ông Obama tái đắc cử) so với các thảm họa quốc gia khác như vụ đánh bom trong cuộc thi marathon Boston hay vụ xả súng vào Trường tiểu học Sandy Hook.

Kết quả là tác động đến từ kết quả của một cuộc bầu cử có ảnh hưởng gấp hai lần - nói cách khác là gây ra đau khổ gấp đôi - so với các thảm kịch ở tầm vóc quốc gia. Lý giải nghịch lý này, ông Rogers dẫn ra “bản ngã” trong mỗi con người.

Và “gió sẽ cuốn đi”

Các phe phái chính trị tác động nhiều hơn lên đời sống tinh thần, xã hội và địa lý của chúng ta hơn là chúng ta tưởng - ông Rogers giải thích - Do vậy khi một phần của chúng ta bị giáng một đòn mạnh, cả thân thể sẽ trở nên choáng váng trong chốc lát”. Tệ hơn, nỗi đau của thất bại khó nguôi ngoai hơn niềm vui chiến thắng.

“Lý thuyết kỳ vọng” (prospect theory) trong tâm lý học là lời giải thích cho trạng thái tâm lý này. Các nhà kinh tế học hành vi Daniel Kahneman, Jack Knetsch và Richard Thaler từng tiến hành một thí nghiệm nổi tiếng chứng minh lý thuyết này.

Một nửa đối tượng tham gia nghiên cứu được đưa một cái cốc và được yêu cầu đặt giá bán nó, trong khi nửa còn lại sẽ đưa ra mức giá mà họ sẵn lòng trả để mua chiếc cốc đó. Kết quả, những “người bán hàng với kỳ vọng” định giá chiếc cốc cao gấp đôi so với những “người mua kỳ vọng”.

Bây giờ, hãy tưởng tượng chiếc cốc tượng trưng việc thắng bại trong cuộc bầu cử. Chúng ta luôn đánh giá cao hơn những gì đang sở hữu, ở đây là chiến thắng và không hề mảy may nghĩ tới bản thân sẽ thất vọng ra sao trong hoàn cảnh phải nhận thất bại cay đắng.

Ít ra thì trong một vài ngày tới, nỗi buồn của bên thua cuộc sẽ dần phai nhạt. Nhà tâm lý học xã hội Dan Gilbert nhận ra rằng chúng ta có xu hướng phản ứng thái quá đối với các sự việc mang tính thời sự, do đó những cảm xúc này sẽ không kéo dài quá lâu như chúng ta nghĩ.

Những người trúng số cũng vậy, họ sẽ nhanh chóng quay lại cuộc sống đời thường sau khi trải qua sự kiện đầy biến động đó.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận