Năm 2016 + 1 giây = ?

ĐỨC HOÀNG 29/12/2016 00:12 GMT+7

TTCT- Năm 2016, giờ chuẩn quốc tế sẽ có thêm một “giây nhuận” bổ sung vào sau 23 giờ 59 phút 59 giây. Thật không dễ dàng đi tìm ý nghĩa của một giây ấy.

Năm 2016 này, chúng ta sẽ có thêm một giây trước giao thừa, một giây ấy để làm gì?
Năm 2016 này, chúng ta sẽ có thêm một giây trước giao thừa, một giây ấy để làm gì?

“Giây nhuận” là gì?

Mơ ước “một ngày có nhiều hơn 24 tiếng” thật ra không phải là mơ ước. Bởi vì một ngày của chúng ta luôn nhiều hơn 24 tiếng. Thậm chí nếu loài người tồn tại đủ lâu, chúng ta sẽ được chứng kiến thời điểm một ngày có 25 tiếng, thêm một tiếng ngủ trưa.

Đó có vẻ là một mệnh đề lạ tai. Nhưng nó đúng, nếu xét đến “một ngày” là khi Trái đất tự quay quanh trục một vòng; còn “24 tiếng” là khoảng thời gian được quy định bởi 400 cái đồng hồ nguyên tử đặt ở khắp nơi trên thế giới - thứ mà chúng ta vẫn đang căn cứ vào để sinh sống, làm ăn, thiết kế máy móc và phóng tàu vũ trụ...

Tốc độ quay quanh trục của Trái đất đang chậm dần, là vì tốc độ quay quanh Trái đất của “ông em” Mặt trăng chậm hơn tốc độ quay quanh trục của hành tinh chúng ta.

“Ông em” này, với khối lượng khá đồ sộ (bằng 1/81 Trái đất) có khả năng níu chân anh mình bằng lực hút của nó - gây ra hiện tượng thủy triều mà ta quan sát được. Kết quả của cuộc “đèo bòng” này là Mặt trăng sẽ quay quanh Trái đất nhanh hơn, còn Trái đất sẽ quay quanh trục của mình chậm đi.

Hiện tượng này khiến trong vòng 7 thế kỷ qua, mỗi thế kỷ chứng kiến ngày dài ra thêm khoảng từ 1,4 đến 1,7 miligiây. Đến năm 1961, khi khái niệm “giờ, phút, giây” được chính thức chuẩn hóa bằng đồng hồ nguyên tử, thì mỗi ngày đã dài hơn 24 tiếng khoảng 1-2 miligiây, tức là cứ 2 hoặc 3 năm chúng ta có thêm 1 giây.

Năm 1972, các nhà quản lý thời gian quyết định sẽ phải bù đắp giây thiếu hụt này để cho “năm chuẩn” (đo bằng đồng hồ nguyên tử) và “năm xịn” (căn cứ theo vòng quay của Trái đất, hay là vị trí của chúng ta trong vũ trụ) không được chênh nhau quá 0,9 giây.

Họ chèn một “giây nhuận” vào giờ chuẩn UTC vào tháng 6 hoặc tháng 12 hằng năm. Từ đó tới nay đã có 26 giây nhuận được thêm vào giờ chuẩn của chúng ta.

Ngày 31-12-2016 này, nếu bạn là người kỹ tính, muốn chính xác đến từng giây, hãy tự thêm vào 1 giây sau 23 giờ 59 phút 59 giây. Năm nay, chúng ta sẽ có một khoảnh khắc gọi là 23 giờ 59 phút 60 giây, trước khi chính thức bước sang năm mới, 0 giờ 0 phút 0 giây ngày 1-1-2017.

“Giây nhuận” tạo ra cuộc luận chiến kéo dài suốt nhiều thập kỷ qua về tính cần thiết của nó. Rất nhiều nhà khoa học đã lên tiếng đòi bỏ thứ tỉ mẩn này đi, lý do quan trọng nhất là đại chúng chẳng mấy ai biết đến sự tồn tại của nó. Nó có cần thiết với cuộc sống hằng ngày của ta không?

Tất nhiên ít người dám nói là có. Ta đơn giản là không thể biết vị trí tuyệt đối của mình trong vũ trụ để nói rằng nếu thời gian không chỉ chính xác chỗ tôi đang đứng so với Mặt trời và các ngôi sao khác, tôi sẽ không thể làm việc hiệu quả được.

Nhưng một số còn tin rằng nó có thể gây gián đoạn các hệ thống máy tính được đồng bộ chặt chẽ về thời gian.

Những người ủng hộ giây nhuận thì nói rằng nhân loại đã xác định thời gian bằng vòng quay của Trái đất trong hơn 5.000 năm, truyền thống này không nên bị bỏ vì một số lo lắng kỹ thuật vô căn cứ. Nếu đã xác định “thời gian” là vòng quay của Trái đất thì phải tôn trọng nó.

Những cuộc luận chiến ấy về cơ bản là rất xa xôi và khó tiếp thu với những người ngoại đạo. Trong hơn một thập kỷ qua, đã có ít nhất ba cuộc họp lớn của các nhà khoa học đòi bỏ giây nhuận, nhưng nó vẫn liên tục được thêm vào. Lần gần nhất là ngày 31-12-2015.

Cần nói thêm, khi Trái đất mới hình thành, một ngày chỉ có 6 tiếng. Do tốc độ tự quay giảm dần nên một ngày cứ kéo dài ra, tới thời khủng long thì một ngày “đã” có 23 tiếng, tới thời chúng ta thì nó xấp xỉ 24 tiếng. Nếu ai đó sống thêm 200 triệu năm nữa, họ sẽ được chứng kiến cái mơ ước “một ngày có 25 tiếng” trở thành hiện thực.

Một giây trong đời

Cuối cùng thì điều này, những giây nhuận và việc Trái đất đang quay chậm có ý nghĩa gì với cuộc đời chúng ta?

Hãy xem bình luận dưới một bài viết trong mục “Khoa học” về việc ta sẽ có 25 tiếng/ngày sau 200 triệu năm nữa.

Có cách nào làm cho Trái đất quay chậm hơn nữa không!?! Càng chậm càng tốt. Tui thiếu nợ nhiều quá. Gần đến ngày trả mà chưa có tiền. Sợ giang hồ nó chém!” - một người viết.

Mấy sếp rất thích tin này, vì trong tương lai một ngày phải đi làm 9 tiếng” - một người trào phúng. “Vẫn chỉ làm việc 8 tiếng một ngày thôi, chúng ta có một giờ dư ra để ngủ trưa” - một người phản đối, kèm theo mơ ước của tất cả giới nhân viên văn phòng.

Vậy là mỗi ngày mình lại phải đợi nàng thêm một giờ nữa sao?” - cuộc bông đùa tiếp tục. “Bạn cần nghĩ tích cực hơn, là bạn sẽ có thêm một giờ để gần nàng” - một người khác trả lời.

Rõ ràng là sẽ không ai thực sự đi tìm được ý nghĩa của một giờ được thêm vào mỗi ngày, đừng nói là một giây được thêm vào mỗi năm. Các nhà khoa học có thể kỹ tính với vị trí của chúng ta trong vũ trụ, nhưng với đa số, thời gian là một khái niệm của cảm xúc.

Một ngày của các nhà khoa học khác với một ngày của một người đang thiếu nợ bị giang hồ săn đuổi, khác với một ngày của một bệnh nhân ung thư. Cũng chẳng ai đo được một giờ của những người đang yêu. Những người bận rộn vẫn sẽ luôn mong ước “một ngày có nhiều hơn 24 giờ” trong khi trên thực tế nó đã luôn như vậy rồi.

Năm 2016 này, chúng ta sẽ có thêm một giây trước giao thừa. Một giây ấy đủ để làm gì? Với tốc độ phát âm trung bình, nó không đủ để có thêm một điều ước. Nếu phải lẩm nhẩm điều gì trong giờ khắc đặc biệt ấy, nó có thể là: “Hết một giây rồi”. Đúng một giây.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận