Darwin tội nghiệp!

DUY VĂN 16/02/2017 22:02 GMT+7

TTCT- Đó là lời cảm thán của nhà báo Tây Ban Nha gốc Ai Cập Baher Kamal. Là vì, như ông mỉa mai, “khi Darwin viết “Nguồn gốc các loài”, nhà tự nhiên học người Anh này đâu ngờ rằng ngày nay người máy, chứ không phải tự nhiên, sẽ làm chủ quá trình tiến hóa”.

minh họa
minh họa


Việc người máy có làm chủ cuộc sống chúng ta hay không, đến nay vẫn còn là đề tài tranh cãi. Nhưng lời ta thán của Baher Kamal không hiểu sao nhắc người viết về những bức biếm họa chế giễu sự lệ thuộc (hoặc tuân phục) mù quáng của chúng ta vào công nghệ, vốn đang có dấu hiệu đưa loài người trở về thời... nguyên thủy hơn là giúp tiến hóa.

Càng nhiều càng rối

Một năm qua, kỹ thuật phục vụ con người tiến xa tới đâu người ta khó mà biết hết. Chỉ nhớ là ứng dụng thiết bị không người lái đang được khai thác để chuyển hàng tới tận nhà người tiêu dùng, còn trong lĩnh vực công nghiệp, cuộc “cách mạng công nghiệp thứ tư” giúp người ta chỉ việc ngồi tính robot sẽ thay thế bao nhiêu công việc của con người.

Đại học Oxford cho rằng máy móc sẽ làm một nửa công việc ở Mỹ trong 20 năm tới, còn Tổ chức Phát triển và hợp tác kinh tế (OECD) trong báo cáo “Tương lai của việc làm qua các con số” đã thận trọng khi dùng từ substitution - thay thế.

Vâng, các cỗ máy sẽ thay thế con người. Nhưng “sự thay thế có nghĩa là hủy bỏ những công việc nào đó, không phải là hủy bỏ việc thuê mướn người”, báo cáo OECD cố an ủi!

Ở tốc độ phát triển vũ bão là công nghệ thông tin, truyền thông. Với sự hiện diện của Internet, không gian thông tin cho phép việc sản xuất thông tin tự do, cho phép lan truyền và tiếp nhận thông tin với bất kỳ số lượng nào ở một vận tốc mà trước đây các nhà báo chỉ có thể mơ.

Nhưng cũng từ đây xuất phát nghịch lý: khối lượng thông tin đã làm giảm giá trị chính nó. Nói như nhà phân tích địa chính trị Valeri Korovin (Nga), việc thông tin liên tục đổ dồn về trên mạng Internet khiến xuất hiện “rác thông tin”, và thông tin càng nhiều, khả năng tiếp thu của chúng ta càng kém đi, chưa nói khả năng phân tích và đánh giá thông tin.

Từ đó xuất hiện xu hướng đang được nói tới rất nhiều thời gian gần đây: tin giả (fake news). Trên chính trường thế giới, fake news “rộ” lên trong kỳ bầu cử tổng thống Hoa Kỳ.

Một thăm dò mới công bố của Pew Research cho biết 64% người Mỹ tin rằng chính vì tin giả mà xã hội Mỹ không thể đánh giá thông tin một cách khách quan, 20% người được hỏi thú nhận họ cũng góp phần lan truyền tin giả trên mạng xã hội.

Năng lực bao quát của ta đâu?

Nhưng kiểm chứng các kiểu tin giả bằng cách nào khi có lần chính vị tổng thống của đất nước quyền lực nhất thế giới Barack Obama phải thừa nhận những thông tin giả này “được đóng gói rất tốt”? (phát biểu tại Berlin, hôm 17-11-2016).

Thì đây, cổng thông tin factcheck.org (một dự án của Trung tâm chính sách công Annenberg) ngày 18-11 đã đưa ra tám lời khuyên giúp người dùng mạng không sập bẫy thời công nghệ truyền thông xã hội, trong số đó ngoài một số nguyên tắc trùng với nghiệp vụ báo chí (kiểm chứng nguồn tin, kiểm chứng thông tin của nguồn tin, tìm hiểu tác giả, không thiên vị), còn có một số “kim chỉ nam” kiểu như: xem nó có phải trò chơi khăm không, xem lại ngày tháng thông tin được post lên mạng, đọc hết thông tin thay vì chỉ đọc đầu tin...

Nhưng suy cho cùng, đó cũng chỉ là những chỉ dẫn kỹ thuật. Mark Gerzon trong quyển sách Công dân toàn cầu (Global Citizens, 2010) đã giới thiệu một lộ trình căn cơ hơn.

Ông khuyên các công dân thời thế giới phẳng nên xây dựng cho mình “năng lực nhìn bao quát chứ không chỉ nhìn chi tiết rời rạc, nhìn thể thống nhất nguyên thủy và cơ bản, chứ không chỉ bề nổi của nhân loại bị chia cắt”, mà theo ông, “năng lực này đòi hỏi không chỉ sự quan sát, nó đòi hỏi chúng ta phải học”.

Học không trong “cái hộp” định kiến của mình, mà học “ở những biên giới, nơi các nền văn hóa va chạm với nhau”. Có lẽ chỉ bằng cách này, chúng ta mới không bị thao túng bởi “rác thông tin”.

Trở lại với lời cảm thán về Charles Darwin, tác giả Baher Kamal kể Carl Bass, CEO của Autodesk - một công ty tư nhân chuyên “làm phần mềm cho những người chế tạo các thứ”, đã mô tả tiến trình tự động hóa không ngừng của thời đại chúng ta như sau: “Công xưởng tương lai chỉ có hai nhân viên: một người và một con chó.

Con người ở đó để cho con chó ăn. Còn con chó ở đó để canh không cho con người động vào các thiết bị”.

Không tội nghiệp Darwin sao được, Baher Kamal viết, khi có nằm mơ chắc ông cũng chưa bao giờ nghĩ “tiến trình chọn lọc tự nhiên của ông sẽ bị thay thế bằng tiến trình chọn lọc nhân tạo như hiện nay, bị chi phối bởi lòng tham không thể kìm nén và lợi ích tài chính của các tập đoàn”.

Về phần mình, có lẽ đã đến lúc chúng ta ý thức về thời đại thông tin thành... rác, học cách chọn lọc thông tin cho mình, thay vì trở thành những người bị công nghệ “chọn lọc nhân tạo” đưa về... thời nguyên thủy?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận