Manchester: Ngôn ngữ học và khủng bố

CHIÊU VĂN 31/05/2017 06:05 GMT+7

TTCT- Thành phố Manchester (Anh), nơi ít nhất 22 người đã thiệt mạng vì vụ tấn công khủng bố tại một nhạc hội vào tối 22-5 vừa qua, là một trong những đô thị toàn cầu hóa nhất thế giới, và không xa lạ với các thảm kịch do sự khác biệt chủng tộc, tôn giáo và chính trị.

Bức ảnh chụp cảnh sau tiệc mừng năm mới 2016 ở khu trung tâm Manchester được ca tụng vui là một "kiệt tác tình cờ" và cho thấy sự đa dạng cũng như cởi mở của thành phố. Ảnh: qz.com

 

Chỉ có dân số nửa triệu người, nhưng theo một nghiên cứu năm 2012, thành phố Manchester có tới gần 200 ngôn ngữ được sử dụng hằng ngày, bao gồm rất nhiều thứ tiếng hiếm gặp.

Thành phố cũng tự hào với hai câu lạc bộ bóng đá tầm cỡ toàn cầu: Manchester United và Manchester City, những ban nhạc nổi tiếng thế giới, và thứ thời tiết ảm đạm chán chường.

Thật trớ trêu, chính sự đa dạng đáng thèm muốn đó, cùng tinh thần tự do và cởi mở của Manchester, lại đang là điều gây băn khoăn nhất sau vụ khủng bố đẫm máu đầu tuần.

Về ngôn ngữ, Manchester rộng hơn cả nhiều quốc gia

“Sự đa dạng về ngôn ngữ ở Manchester cao hơn so với rất nhiều nước - giáo sư Yaron Matras, thuộc dự án Manchester đa ngôn ngữ, nói - Rất có thể đây là thành phố số 1 châu Âu về sự đa dạng ngôn ngữ, với dòng người di cư và dòng sinh viên nước ngoài đổ về đây.

Chúng tôi biết khoảng 2/3 học trò học phổ thông ở Manchester nói song ngữ, một con số rất lớn, điều cho thấy nền văn hóa ngôn ngữ đa dạng ở đây quý giá ra sao”.

Ở đô thị này có nhiều thứ tiếng rất hiếm gặp như Chitrali của miền bắc Pakistan, Konkani ở tây Ấn Độ, Dagaare từ Ghana, và tiếng Uyghur từ tây bắc Trung Quốc.

Không để hận thù đánh bại

Đó còn là một thành phố rất trẻ trung, với 1/5 trong dân số 500.000 người là sinh viên, rất nhiều người là du học sinh ở cả ba đại học lớn trong thành phố, và cũng là lực lượng khán giả chính của buổi hòa nhạc kết thúc trong kinh hoàng của Ariana Grande vào đầu tuần.

Phản ứng của người dân Manchester sau vụ tấn công đã xứng danh với thành phố đa dạng mà họ vẫn tự hào.

Các khách sạn tuyên bố cung cấp phòng miễn phí cho những người mắc kẹt vì khủng bố, hầu hết là sinh viên học sinh, do các phương tiện công cộng của thành phố ngừng hoạt động hoàn toàn trong ngày sau đó (23-5).

Các tài xế taxi cũng tình nguyện chở miễn phí. Mọi dịch vụ giúp đỡ được thông báo qua hashtag #RoomForManchester. Những lời kêu gọi giữ vững bản sắc cởi mở của Manchester cũng đã xuất hiện ngay sau đó.

Cùng với hashtag #manchester, người dùng Twitter Vernon Kay viết: “Thành phố vĩ đại nhất thế giới... Sẽ không để hận thù đánh bại”.

Manchester cũng không xa lạ với những vụ tấn công kiểu này, dù đây là vụ đẫm máu nhất ở Anh kể từ tháng 7-2005, khi 56 người thiệt mạng trong vụ tấn công trên tàu điện ngầm ở London.

Năm 1996, chỉ cách sân khấu ngoài trời Manchester Arena, nơi diễn ra vụ tấn công tối 22-5, không đầy 2km, tổ chức Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA) đã cho nổ một chiếc xe tải chở bom làm hơn 200 người bị thương.

Sân khấu Manchester Arena là “thánh đường” của đời sống ban đêm ở khu vực trung tâm, nằm gần một giáo đường được dựng từ thế kỷ 13 của thành phố và khu giải trí Printworks rất đông người trẻ.

Trung tâm thành phố, một sự pha trộn của kiến trúc thời Victoria và những tòa nhà mới rất hiện đại, thu hút hàng nghìn người của cả khu vực Greater Manchester tới giải trí mỗi đêm.

Và âm nhạc luôn là một phần máu thịt của Manchester, với những ban nhạc lừng lẫy các năm 1980 và 1990 như Joy Division, The Smiths, New Order và Oasis.

Cũng chính ở những địa điểm công cộng như Manchester Arena, người ta có thể dễ dàng thấy quảng cáo việc tìm người với yêu cầu các ứng viên biết tiếng Ả Rập, Quảng Đông, Pháp, Đức, Bahasa Indonesia, Ý, Nhật Bản, tiếng Hoa phổ thông, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Panjab, với mức lương có thể lên tới 35.000 bảng mỗi năm.

Khoảng 8.000 học trò ở Manchester cũng theo học ở các trường cộng đồng mà ngoài tiếng Anh còn dạy thêm ngôn ngữ mẹ đẻ của các em, từ Sanskrit tới tiếng Bosnia.

Sự tương tác đa ngôn ngữ, đa văn hóa, trên nền tảng châu Âu và Anglo-Saxon đó đã trở thành một “yếu tố phi chính thức” tạo ra sự cố kết về xã hội và đối thoại để vượt qua khác biệt, theo lời các nhà nghiên cứu.

Là một trong những thành phố công nghiệp hóa và đón nhận người nhập cư một cách có tổ chức đầu tiên trên thế giới, Manchester - cùng với những siêu đô thị như Paris, London, Berlin và New York - mở ra tầm nhìn về một tương lai toàn cầu hóa mà rồi con người sẽ sống trong đó.

Kết luận của những chuyên gia ngôn ngữ học cũng có thể dùng để thay cho câu trả lời với vụ khủng bố: “Thành phố dung nạp và chấp nhận những cộng đồng khác nhau trong các không gian công cộng của nó và ở những không gian riêng tư của mỗi cộng đồng.

Tất cả những điều này khẳng định sự cởi mở và hòa hợp của Manchester sẽ không thể thay đổi”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận