Chuyện quả nhãn đi Tây

TTCT - Ngày 22-12, lô nhãn đầu tiên do Công ty Ánh Dương Sao (Q.7, TP.HCM) xuất khẩu bằng đường biển dự kiến đến Mỹ sau hơn một tháng.

Vườn nhãn của ông Nguyễn Ngọc Hữu (trái) ở Tam Hiệp, Bình Đại, Bến Tre - một trong những vườn nhãn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ - Ảnh: Thành Nhơn
Vườn nhãn của ông Nguyễn Ngọc Hữu (trái) ở Tam Hiệp, Bình Đại, Bến Tre - một trong những vườn nhãn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ - Ảnh: Thành Nhơn

Trước đó, công ty này đã xuất thành công ba lô nhãn tươi sang Mỹ bằng đường hàng không. Để có tin vui này, các nhà vườn trồng nhãn ở ĐBSCL phải mất nhiều năm nỗ lực thay đổi thói quen để đạt chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

Ông Mike Dodds là đại diện Công ty AloeFruitWave (Anh). Lý do khiến ông cùng chúng tôi đến thăm vườn nhãn rộng 3ha của ông Út Hiện (Phạm Hữu Hiện) ở xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp là vì “tôi nghe nói đây là vùng trồng nhãn nổi tiếng ở ĐBSCL, lại vừa có chứng nhận xuất khẩu vào Mỹ nên đến tìm hiểu cơ hội mua hàng đưa về Anh”.

 Anh là thị trường khó tính nhất châu Âu, nhưng nếu được thị trường này chấp nhận thì nhãn của Việt Nam có thể xuất đi bất cứ thị trường nào khác.

(Ông MIKE DODDS, đại diện Công ty AloeFruitWave, Anh)

Từ giống nhãn Ido

Tại những gốc nhãn Ido (Thái Lan) chuẩn bị thu hoạch, những chùm nhãn sai trĩu quả to như ngón tay cái nhiều đến nỗi có cảm tưởng chỉ một cơn gió mạnh, cành nhãn oằn trái sẽ gãy. Như hiểu được ý mọi người, ông Út Hiện chỉ vào hệ thống giàn giáo được dựng bằng những cây tràm rồi giải thích: “Hệ thống giàn này vừa đỡ cho cành nhãn không bị gãy, vừa là điểm tựa để leo lên hái trái dễ dàng”.

Đã ba năm nay, gia đình ông Út Hiện và nhiều người khác trong xóm chuyển sang trồng theo phương thức VietGAP có ghi hồ sơ chăm sóc, bón phân, phun thuốc đầy đủ. Với giá bán hiện nay tại vườn từ 25.000-30.000 đồng/kg và năng suất lên đến 25-30 tấn/ha/năm, người trồng nhãn Ido ước tính thu nhập 500-700 triệu đồng/năm.

Thưởng thức nhãn tươi mới hái, ông Mike Dodds không ngớt lời ngợi khen chất lượng không thua kém gì nhãn Thái Lan mà công ty ông đang mua hàng. Tuy nhiên, để xuất khẩu vào Anh và châu Âu nói chung, nhà vườn cần làm theo Global GAP, một tiêu chuẩn cao hơn VietGAP.

“Anh là thị trường khó tính nhất châu Âu, nhưng nếu được thị trường này chấp nhận thì nhãn của Việt Nam có thể xuất đi bất cứ thị trường nào khác” - ông Mike Dodds nói và cho biết thêm sẽ cử chuyên gia của công ty sang cùng với đối tác hỗ trợ những nông dân làm theo quy trình Global GAP, điều mà ông Út Hiện cho rằng không quá khó sau khi đã nắm vững cách trồng theo VietGAP và chuẩn của Mỹ.

“Về cây nhãn Ido thì ở ĐBSCL không mấy người có những kinh nghiệm vừa đau đớn, vừa vui sướng như tôi” - ông Út Hiện khẳng định.

Theo một số cán bộ nông nghiệp và nông dân ở địa phương, ông Út Hiện là người đầu tiên đưa nhãn về cù lao An Hòa gần 20 năm trước. Thời đó, đâu đâu người ta cũng trồng nhãn tiêu da bò. Do loại nhãn này rất dễ bị bệnh chổi rồng gây chết hàng loạt, lây lan rất nhanh lại rất khó chữa trị, ông Út Hiện để tâm tìm giống nhãn mới thay thế.

Nhờ các mối quan hệ, ông biết Thái Lan có giống nhãn Ido hầu như miễn nhiễm với bệnh chổi rồng và có chất lượng cao hơn, năm 1997 ông sang Thái Lan đưa giống nhãn Ido về trồng thử nghiệm. Nhưng đúng như cảnh báo của các nhà khoa học, tỉ lệ đậu hoa của nhãn Ido rất thấp do không hợp thổ nhưỡng. 

Thế là ông Út Hiện tự mày mò tìm tài liệu, gặp gỡ các nhà khoa học, tự lai tạo và điều chỉnh thành phần dinh dưỡng cho cây nhãn. Theo quan sát của ông, cây nhãn Ido phát triển nhanh cần chăm sóc nhiều từ lúc nhỏ đến khi lớn, tức phải bón phân đầy đủ, xử lý kali đúng cách để cây đậu trái.

Không phụ lòng người, cứ mùa nhãn sau vườn nhãn nhà ông Út Hiện đậu hoa nhiều hơn vụ trước và đạt tới 70-80% vào năm 2000. Mùa thu hoạch năm đó, đúng như ông Hiện từng chứng kiến tại Thái Lan, trái nhãn Ido cho quả to đều, cơm dày và ngọt lịm. Ông Hiện chọn những chùm nhãn đẹp nhất đi tham dự cuộc thi Trái cây ngon ĐBSCL lần thứ tư và giành được giải nhì.

Ông còn lập cả một bộ hồ sơ về giống nhãn này để đăng ký thương hiệu nhãn Út Hiện và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng. Tiếng lành đồn xa, bà con xung quanh tìm tới vườn nhà ông để tham quan và đặt mua nhãn giống.

Qua gần 20 năm bén rễ và thích nghi ở cù lao An Hòa, nay cây nhãn Ido đã vươn ra ngoài huyện Châu Thành đến các tỉnh thành khác tại miền Đông, miền Tây Nam bộ. Nếu như trong vùng trồng nhãn bị bệnh chổi rồng tấn công thì có đến 90% số cây bị nhiễm bệnh, nhưng nhãn Ido chỉ bị nhiễm bệnh từ 5-10% rồi sau đó tự khỏi. 

Ông Mike Dodds, đại diện Công ty AloeFruitWave (Anh), tỏ vẻ rất hài lòng khi tham quan vườn nhãn của ông Út Hiện ở An Hòa, Châu Thành, Đồng Tháp - Ảnh: Trần Mạnh
Ông Mike Dodds, đại diện Công ty AloeFruitWave (Anh), tỏ vẻ rất hài lòng khi tham quan vườn nhãn của ông Út Hiện ở An Hòa, Châu Thành, Đồng Tháp - Ảnh: Trần Mạnh

Cơ hội đi xa

Cách nay hai năm, khi nghe tin Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang làm việc với các nhà quản lý của Mỹ để đưa trái nhãn, trái vải vào thị trường này, nhiều công ty xuất khẩu đã đến làm việc với bà con nông dân trồng nhãn ở An Hòa.

Thời gian hai năm qua cũng chứng kiến những đổi thay tích cực của người trồng nhãn về tập quán canh tác, quản lý dịch hại cũng như chịu sự giám sát và kiểm tra của các cơ quan chức năng Việt Nam lẫn Mỹ. 

TS Nguyễn Hữu Đạt, giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II (Bộ NN&PTNT), cho biết ban đầu Mỹ yêu cầu các vùng trồng trái cây xuất khẩu vào Mỹ ít nhất phải có chứng nhận VietGAP, đồng thời phải tuân thủ yêu cầu về danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật mà Mỹ quy định.

Tuy nhiên qua một thời gian thực hiện, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đề xuất với phía Mỹ chỉ cần nông dân áp dụng quy trình VietGAP và tuân thủ yêu cầu của Mỹ là đủ. Bởi để có chứng nhận VietGAP, nông dân phải trả thêm chi phí cho các bên chứng nhận, tức mất đi một phần thu nhập. Sau thời gian cân nhắc, phía Mỹ đã đồng ý với đề xuất trên.

Tháng 10 vừa qua, sau những đợt kiểm tra cuối cùng của chuyên gia Mỹ, Cục Bảo vệ thực vật và Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ đã chính thức cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Mỹ cho khoảng 30ha nhãn An Hòa. 

Ngoài ra, có thêm ba vùng nhãn khác ở Bến Tre và Cần Thơ cũng được Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ cấp mã số cho vùng trồng. Ông Vũ Công Bằng, giám đốc Công ty nông sản Việt, cho biết đã làm việc với nông dân xã Tam Hiệp (huyện Bình Đại) vì đây là vùng trồng nhãn chất lượng cao của Bến Tre.

Theo ông Bằng, nếu tuân thủ tốt quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, người trồng nhãn trong chuỗi liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu sẽ không quá lo về đầu ra, nhất là khi trái nhãn vận chuyển được bằng đường biển.

Bám trụ chờ hái trái ngọt

Vùng trồng nhãn rộng hơn 500ha của xã Tam Hiệp những ngày này nhộn nhịp không khí phấn khởi sau khi được phía Mỹ cấp mã số để xuất khẩu. Trên chuyến đò qua cù lao, một nông dân hào hứng cho biết: “Dân cù lao Tam Hiệp mình kiên trì bám trụ với cây nhãn, giờ hái trái ngọt rồi”. 

Hỏi ngẫu nhiên một người dân về người có thâm niên trồng nhãn lâu năm ở đây, chúng tôi được chỉ đến vườn của ông Nguyễn Ngọc Hữu, hiện đang canh tác hơn 2ha nhãn tiêu Huế và nhãn xuồng cơm vàng.

“Bây giờ đố ai tìm được một chai thuốc trừ sâu trong vườn nhãn của tui. Xịt xong là tui gom lại hết chứ để tràn lan trong vườn thì làm gì đạt tiêu chuẩn sạch” - ông nói trong lúc dẫn chúng tôi dạo quanh vườn.

Từ khi gia đình ông Hữu tham gia sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, năng suất vườn nhãn tăng lên hẳn, cụ thể nhãn tiêu tăng lên 15-20 tấn/ha, nhãn xuồng cơm vàng 8-12 tấn/ha. 

Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm, người nông dân ở Tam Hiệp gặp không ít khó khăn. Ngoài việc phải giữ chất lượng trái đồng đều, đạt tiêu chuẩn sạch, người trồng phải ghi chép cụ thể quy trình, thời gian phun thuốc, rải phân trong danh mục được cấp phép...

“Trước đây làm ăn chụp giật mới phun thuốc xong được 2-3 ngày, thấy nhãn được giá thế là hái đem bán mà không quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng. Còn bây giờ phải cách ly đúng ngày mới được hái” - ông Lê Quốc Dũng, nông dân có hơn 20 năm trồng nhãn, chia sẻ và cho biết thêm người trồng nhãn đang áp dụng kỹ thuật luân phiên cho ra trái quanh năm.

“Tuy khó hơn so với làm chính vụ nhưng nhờ vậy trái nhãn được giá, có thể đảm bảo xuất khẩu sang thị trường Mỹ quanh năm” - ông Dũng giải thích.

Hiện nay, định kỳ hằng tháng Chi cục Bảo vệ thực vật và Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư tỉnh Bến Tre đều xuống mở lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nhà vườn cũng như tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm, tiếp nhận ý kiến.

Ông Phạm Hồng Tươi, phó chủ tịch UBND xã Tam Hiệp, cho biết: “Chúng tôi đã thành lập nhiều tổ liên kết sản xuất, bầu ra tổ trưởng, tổ phó và cán bộ phụ trách kỹ thuật để đôn đốc, nhắc nhở tổ viên thực hiện đúng quy trình kỹ thuật. Các tổ sẽ thường xuyên kiểm tra chéo lẫn nhau để đảm bảo không có tình trạng cả vùng trồng nhãn bị mất uy tín vì một vài cá nhân không chịu tuân thủ kỹ thuật hoặc làm ăn chụp giật”. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận