Bày biện lại bữa tiệc buffet đô thị

TTCT - Thu phí giao thông cá nhân hầu như chắc chắn sẽ được thực thi, nhất là sau khi nghị quyết phiên họp tháng 2 vừa qua của Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính "khẩn trương" trình phương án thu phí.

Phóng to
Không giải quyết rành rẽ vấn đề giao thông, đô thị sẽ là ác mộng với số đông - Ảnh: Thuận Thắng

Sức hút trung tâm đô thị lớn

Khu vực trung tâm các đô thị lớn thường có lợi thế về kinh doanh, tiếp cận khách hàng có khả năng chi trả cao, là điểm hẹn của khách du lịch, trung tâm văn hóa và giải trí. Vì vậy đây là vị trí đắc địa để gia tăng khai thác, cho thuê mặt bằng và đầu cơ mua sắm bất động sản với kỳ vọng tận dụng được các yếu tố ngoại ứng "không mất tiền mua" này.

Giá bất động sản ngày càng tăng đã thúc đẩy quá trình "chất thêm tầng" các công trình xây dựng hiện hữu hay chuyển đổi mục đích khai thác sang loại hình khác để mỗi đơn vị diện tích có nhiều khách hàng đến hơn, thu lợi nhuận cao hơn. Thực tế đó càng làm gia tăng nhu cầu đi lại vào khu vực này.

Tuy nhiên do đã được xây từ lâu - thuở đi xe đạp là chủ yếu - nên cơ sở hạ tầng giao thông ở trung tâm không thể đáp ứng tốc độ gia tăng nhu cầu đi lại như hiện nay, sự thay đổi cơ bản của các loại hình phương tiện giao thông hiện nay. Đô thị càng lớn, nhu cầu đi vào trung tâm càng cao; đô thị càng phát triển nhanh, vốn thu hút càng nhiều hơn để cải tạo. Điều này luôn mâu thuẫn với "khả năng chịu tải" của không gian và hạ tầng - những yếu tố cứng rất khó thay đổi.

Việc khai thác không gian đô thị dưới giác độ kinh tế có thể được hình dung như một bữa tiệc buffet với khách đến dự để thưởng thức các "món ngon" là các điểm thu hút ở trung tâm đô thị. Người có bất động sản có thể bày đồ bán cho khách ăn. Người ở bên ngoài đến muốn ăn phải trả phí vào cửa: bao gồm tiền thuê địa điểm (hay chỗ ngồi) và chi phí đi lại, thuế (chống tắc nghẽn, vào nội ô).

Khách VIP (như người sử dụng xe hơi) đòi hỏi đường rộng và có đủ chỗ đỗ xe. Giải pháp phân làn cho xe hơi, cũng như dành đủ lối đi riêng cho khách VIP, không phải lúc nào cũng có tác dụng, bởi khi làn đường hẹp thì việc phân làn triệt để thực chất làm giảm hiệu quả sử dụng không gian vào giờ cao điểm. Chuyện lấn tuyến của đa số khách đi xe hai bánh vốn phải chen chúc trong lề, do vậy, là một thực tế giao thông khó tránh.

Dù có chính sách thu hút đầu tư, di chuyển các dịch vụ ra ngoài khu vực trung tâm, nhưng dường như các nhà quản lý vẫn thỏa hiệp chất tải thêm vào các khu vực hạ tầng còn yếu. Nỗ lực cải tạo hạ tầng ở trung tâm có tăng lên thì khó có thể so sánh với tốc độ tiêu xài của khách đi xe hơi cá nhân. Ưu tiên phân làn cho xe hơi vào trung tâm chắc chắn dẫn đến giảm không gian cho xe máy - nhu cầu đi lại của đa số. Cần nhớ rằng số lượng xe hơi chỉ bằng 1/8 xe máy tại Hà Nội hay 1/10 tại TP.HCM (năm 2011), theo báo cáo của sở giao thông vận tải hai thành phố này.

Với thực trạng hiện nay, khách hàng không còn nhiều lựa chọn để tiếp cận tới nơi cần đến, tuyến phải đi và nơi đỗ xe. Tình trạng ùn tắc trên các tuyến chính càng làm giảm chất lượng cuộc sống và gia tăng chi phí xã hội, gia tăng ô nhiễm về lâu dài. Nếu không giải quyết, "bữa tiệc buffet đô thị" sẽ dần trở thành "ác mộng" cho số đông, bất bình đẳng ngày càng tăng bởi số người thu lợi lớn là rất ít trong khi cơ sở chi phí chung cho tất cả người tham gia lại tăng lên không ngừng.

Nếu để tình trạng này kéo dài: khách đến ngồi thêm không trả phí; người bày hàng dùng thêm tài nguyên mà không trả thêm cho ban tổ chức; và không điều tiết, kiểm soát đầu vào thu cho đủ thì chính quyền đô thị cũng sẽ khánh kiệt. Bữa tiệc buffet trở thành quá rẻ cho những người "ăn tham" và họ sẽ ngày càng đông. Tiếp tục bao cấp và bù đắp từ các khu vực khác, nguồn thu khác chỉ càng làm gia tăng bất bình đẳng xã hội theo khu vực và theo nhóm thu nhập.

Ðể bữa tiệc vẫn còn "xơi được"

Có năm lời giải cho các vấn đề trên, mà đầu tiên là nguyên tắc "nhà chật đừng sắm salon to". Xe hơi cá nhân - phương tiện chiếm dụng nhiều tài nguyên và không gian đô thị nhất, ô nhiễm cao - cần hạn chế vào trung tâm giờ cao điểm. Cách làm này là thu phí vào trung tâm giờ cao điểm - phương án mà TP.HCM đang nghiên cứu. Việc hạn chế cần giải quyết đồng bộ với quản lý bãi đỗ xe như tăng phí trông xe giờ cao điểm, giới hạn thời gian đỗ và tăng phí giữ xe ở trung tâm.

Nguyên tắc thứ hai là "dùng nhiều phải trả nhiều". Trong không gian hạn hẹp trung tâm đô thị, việc chiếm dụng nhiều hơn tài nguyên công cộng của người này đồng nghĩa hạn chế quyền của người sử dụng phương tiện khác và "bóc lột" số còn lại bằng chi phí thời gian và nhiên liệu. Sử dụng xe hơi ở trung tâm làm phát sinh chi phí xã hội thì cần phải bồi hoàn cho xã hội qua cước vận tải công cộng. Dùng càng nhiều trả không tương xứng là nguyên nhân cạn kiệt tài nguyên chung và vô tình khuyến khích sử dụng phương tiện cá nhân. Chi phí xã hội của xe hơi phải được tính ngược lại người sử dụng bằng thuế chống tắc nghẽn, giá xăng/lốp/phụ thu, và phí đỗ xe cao theo khu vực.

Nguyên tắc thứ ba "kiểm soát số khách vào cửa". Việc xác định ngưỡng chịu tải của hạ tầng đô thị rất khó do những cố gắng của chính quyền đô thị, thích ứng của người dân và công nghệ đáp ứng nhu cầu đi lại như nâng cấp cải tạo cơ sở hạ tầng và phân bố lại "quầy hàng" (quy hoạch lại); nhưng rõ ràng vẫn có thể kiểm soát vấn đề này bằng cách đo xem mỗi dự án sẽ làm ảnh hưởng đến khu vực lân cận như thế nào. Nếu mỗi công trình có thể làm xấu đi, và xấu đi đáng kể so với hiện trạng thì phải kiên quyết gác lại chờ giải quyết xong tắc nghẽn hiện có. Vấn đề quan trọng là công cụ, năng lực và tính liêm chính của đội ngũ gác cửa (quản lý quy hoạch và giao thông đô thị).

Thứ tư là "bố trí lại khu bày tiệc và cách ăn". Việc bố trí lại được cân nhắc từ chuyện đưa cơ sở/dịch vụ nào ra ngoại ô, bố trí lại hướng tuyến vận tải và tuyến hành khách, bố trí lại điểm đỗ xe, tổ chức thời gian - phân luồng và phân thời gian – đổi giờ đi lại. Việc phân luồng và hạn chế thời gian hoạt động trong nội ô cần áp dụng cho cả xe hơi cá nhân vào giờ cao điểm ở một số khu vực để loại hình này tự điều chỉnh chỉ đi vào giờ thấp điểm. Có thể bán (thậm chí bán đấu giá) quyền đổi biển số (ví dụ màu vàng) cho doanh nghiệp và người thu nhập cao được đi vào mọi thời gian (ví dụ 1-3 triệu đồng/tháng). Những người đi ít mua vé theo ngày và trừ vào thẻ tự động - nạp thẻ cào.

Thứ năm là "mở rộng bàn tiệc và khả năng phục vụ". Song song với việc đầu tư vào hệ thống xe buýt, tàu điện (tàu ngầm và trên cao) thì mạng lưới cần được đầu tư nâng cấp, đặc biệt là các nút giao thông của các tuyến đường chính. Theo tiêu chuẩn, bề rộng mỗi làn xe khi vào các ngã tư phải rộng gấp ba lần bề rộng bình thường mới đảm bảo giảm thiểu ùn tắc. Trong khi đó, rất ít nút giao thông hiện nay đảm bảo chỉ tiêu này và chúng ta đang đầu tư dưới tầm cho các nút giao thông lớn về cả công tác quy hoạch, quản lý lẫn đầu tư.

Bài toán của giao thông đô thị tựu trung ở việc đáp ứng nhu cầu đi lại của tuyệt đại đa số với chi phí thấp hơn, thuận tiện hơn, nhanh hơn và công bằng hơn. Bữa tiệc buffet đô thị phải là tiệc vui cho số đông, mang lại sức khỏe cho toàn bộ hoặc chí ít là đại đa số khách hàng sinh sống hay đến với mỗi đô thị. Vấn đề kinh tế cần các giải pháp kinh tế và cần phải áp dụng đồng bộ lâu dài để các giải pháp hành chính và kỹ thuật có thể phát huy hiệu quả.

Người đi xe hơi đang trả cùng mức phí như người tham gia giao thông khác trong khi họ chiếm dụng tài nguyên nhiều hơn: khoảng 5 lần khi đỗ xe (15m2/3m2 - tính cả đường vào), 4 lần khi lưu thông trên đường (20m2/4m2) và 6 lần khi lưu thông qua nút giao thông (năng lực thông ôtô qua nút giao thông ít hơn - bằng 1/6 xe máy trong điều kiện đường đông). Cứ mỗi xe hơi tăng thêm nhưng chỉ chở 1-2 người, số người xếp hàng (ùn tắc) sẽ càng dài thêm bởi đơn giản nó chiếm dụng chỗ đứng của 4-6 người khác. Trong khi đó, số người bình quân trong mỗi xe hơi để đi làm chỉ là 1,5 và nếu chủ xe không tự lái xe thì thực tế khả năng phục vụ chỉ là 1.

TS NGUYỄN NGỌC HIẾU
(Học viện Hành chính)

__________

(1) Bữa tiệc buffet cho phép người ăn đông hơn số chỗ ngồi; khách có thể chọn chỗ ngồi linh hoạt, ăn theo sở thích. Ðồ ăn được cung cấp điều chỉnh theo nhu cầu khách ăn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận