Thấm đòn lúa vụ ba

TTCT - Những nhược điểm và hệ lụy của cả ba yếu tố kinh tế - môi trường - xã hội của phương thức canh tác này đã bộc lộ. Hậu quả sau trận lũ năm 2011 và tình trạng giá lúa tụt giảm thê thảm năm 2013 khiến nhiều nông dân điêu đứng vì lỗ quá nặng.

Phóng to
Tăng vụ nhưng thu nhập của người trồng lúa không tăng tương ứng - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Về lý thuyết, gia tăng thời vụ canh tác sẽ làm gia tăng sản lượng lượng thực, dẫn đến gia tăng số lượng lúa xuất khẩu và có lẽ là đất nước sẽ có thêm nguồn thu ngoại tệ từ việc bán lúa, nông dân có thêm thu nhập... Điều này có phần đúng, nhưng thực tế thì phần lời lớn nhất từ việc gia tăng sản lượng lúa chủ yếu rơi vào túi các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo, các công ty mua bán phân bón, thuốc nông dược...

Ai lợi?

Thời gian lao động của nông dân trên ruộng tăng lên nhưng thu nhập không tăng tương xứng. Bài toán kinh tế nông nghiệp tính cho canh tác lúa vụ 3 đã bỏ qua rất nhiều yếu tố liên quan đến giá thành. Tăng vụ liên tục khiến đất đai bị vắt kiệt dinh dưỡng, sâu bệnh có môi trường phát triển nên nông dân phải liên tục tăng lượng phân bón hóa học và phun thuốc trừ sâu.

Để kiểm soát nước trong đê bao, các máy bơm phải tăng thời gian hoạt động khiến chi phí thủy lợi tăng theo. Bài toán kinh tế này cũng không cộng chi phí thời gian lao động gia tăng của nông dân cho việc đắp đê, cho chống lũ, chăm sóc lúa. Nếu xem xét trên diện rộng hơn ở toàn đồng bằng, thiệt hại về kinh tế còn lớn hơn rất nhiều chứ không chỉ ở quy mô nông hộ.

Việc gia tăng diện tích đê bao ở các vùng trũng tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười khiến nước lũ chảy mạnh hơn gây xói lở mạnh, diện tích và thời gian ngập ở các tỉnh phía dưới hạ lưu cũng tăng theo, nhiều cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống, công trình dân dụng mau xuống cấp, một số hoạt động xã hội bị ngưng trệ khi ngập lũ tăng. Tất cả thiệt hại kinh tế này khó có thể kiểm kê hết được nhưng chắc chắn là con số không hề nhỏ.

Về mặt môi trường, làm lúa liên tục có nghĩa là trên đất trồng chỉ còn độc canh cây lúa, tính đa dạng sinh học dần trở nên nghèo nàn. Do việc gia tăng khối lượng sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu vào ruộng lúa khiến môi trường đất, nước và sinh vật (cả con người) bị đầu độc.

Tôm cá trên sông rạch ngày càng ít đi, nhiều loài động vật hoang dã gần như biến mất. Nguồn nước bị cầm tù trong đê bao bị ô nhiễm và nhiều bệnh liên quan đến nguồn nước gia tăng. Do không tiếp nhận được nước lũ đến hằng năm nên trong diện tích đê bao, phù sa không thể bồi đắp cho đồng ruộng được.

Sau mỗi mùa thu hoạch, rơm rạ ngoài đồng không thể phân hủy kịp cho vụ mùa sắp đến, nên người trồng lúa chọn giải pháp là đốt đi khiến ô nhiễm khói gia tăng, vi sinh vật trong đất bị chết và đồng ruộng mất đi một nguồn phân bón hữu cơ quý giá mà người nông dân buộc phải thay thế bằng một lượng phân bón hóa học.

Về mặt xã hội, bức tranh nông thôn cũng bị thay đổi. Nông dân làm việc nhiều hơn, ít có điều kiện nghỉ ngơi và phải đối đầu với nhiều vấn đề về giá cả, thị trường ngày càng phức tạp. Nông dân lúc nào cũng ám ảnh lo âu với giá lúa tụt giảm.

Sự bất ổn trong sinh kế nông nghiệp đã khiến nhiều thanh niên nông thôn bây giờ không còn mấy thiết tha với đồng ruộng và càng có xu thế bỏ lên các vùng đô thị hay khu công nghiệp để mưu sinh. Hình ảnh mùa nước nổi nhẹ nhàng trong thơ văn đang dần biến thành mùa lũ dữ cho nhiều vùng hạ lưu.

Trước khi quá trễ

Đã đến lúc cần phải ngưng việc tiếp tục xây dựng, mở rộng diện tích đê bao triệt để với mục đích gia tăng sản xuất lúa vụ 3. Vấn đề trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh thời tiết cực đoan ngày một bất thường và có thêm những dấu hiệu xấu hơn về biến đổi khí hậu và nước biển dâng, vùng đồng bằng đang lún sụt.

Các nghiên cứu độc lập của các giảng viên Trường đại học Cần Thơ và Trường đại học An Giang cũng như nhiều nhà khoa học khác suốt năm năm qua đã khẳng định việc mở rộng sản xuất lúa vụ 3 không thể là giải pháp bền vững lâu dài trên mọi yếu tố cho vùng ĐBSCL.

Theo nghiên cứu dài hạn tính năng suất giảm tích lũy liên tục trong 24 năm (được thực hiện từ 1963-1999) của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), trồng lúa ba vụ liên tục trong năm sẽ làm giảm năng suất lúa: trung bình giảm 1,6%/năm trong vụ mùa khô, xấp xỉ 44% trong 24 năm (tương ứng vụ đông xuân), 2,0%/năm vụ đầu mùa mưa, tức 58% trong 24 năm (tương ứng vụ hè thu) và 1,4%/năm vụ cuối mùa mưa, tức 38% trong 24 năm (tương ứng vụ 3, vụ thu đông).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận