Hướng đến nền nông nghiệp khôn ngoan

TTCT - Năm 2013 được nhiều nhà khoa học về khí tượng thủy văn và môi trường lưu ý khi thời tiết bất thường và sự cố thiên tai để lại những dấu hằn tổn thương cho nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Phóng to
Đường đi của các trận bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Việt Nam năm 2013

Câu chuyện “ngăn ngừa và thích ứng” tiếp tục được đề cao. Việt Nam là một trong những quốc gia được Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) hỗ trợ triển khai “một nền nông nghiệp thích ứng khôn ngoan với biến đổi khí hậu”.

Số người chết trên toàn thế giới do thiên tai năm 2013 theo Công ty bảo hiểm Swiss Re ước tính là gần 25.000 người (năm 2012 là 14.000 người), tổn thất kinh tế khoảng 150-200 tỉ USD. Thiên tai đã làm trầm trọng hơn tình trạng dễ tổn thương và nạn nghèo đói cho hàng chục triệu người thế giới.

Do trời và do người

Năm 2103 cũng ghi nhận sự gia tăng về thiên tai ở Việt Nam. Bão lũ được xem là thảm họa lớn nhất về thiệt hại nhân mạng, tài sản và kinh tế. Sau bão lũ là các thiên tai khác như khô hạn, xâm nhập mặn, lốc xoáy, sạt lở bờ sông, xâm thực biển, cháy rừng... Trong họp báo Chính phủ đầu tháng 12-2013, bộ trưởng - chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết Việt Nam thiệt hại 28.000 tỉ đồng do thiên tai năm nay, bao gồm cả các hiểm họa liên quan bão lũ như vấn đề xả lũ trong vận hành thủy điện.

Năm 2013, Việt Nam đã hứng chịu 15 trận bão (mọi năm chỉ từ 9-11 trận). Tại vùng biển phía Nam, trong năm 2013 chứng kiến những kỳ triều cường (tháng 11 và 12) cao nhất trong 61 năm qua. Triều cường ngày 5-12 trên sông Sài Gòn cũng chạm mức kỷ lục 1,68m.

Ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, số liệu quan trắc độ mặn mùa khô 2013 tại các cửa sông từ Bến Tre đến Cà Mau cho thấy đường ranh của nồng độ mặn trên 4‰ đến sớm hơn năm trước, vào sâu hơn trong đất liền. Mùa khô 2013, miền Trung và Tây nguyên chịu đựng tình trạng thiếu nước ngọt và hạn hán kéo dài hơn.

Sạt lở bờ sông và xâm thực biển trong năm 2013 xảy ra hầu hết ở các vùng cửa sông và các tỉnh ven biển từ Bắc Trung bộ đến tận mũi Cà Mau, hàng trăm ngàn hecta đất ở và rừng ngập mặn đã bị nước biển cuốn trôi. Tốc độ và số điểm bị sạt lở không hề giảm mà có khuynh hướng tăng hơn các năm trước, dù nhiều địa phương đã cố gắng tìm các biện pháp ngăn chặn.

Trong tháng cuối của năm, tuyết rơi ở Sa Pa sớm hơn và dày hơn các năm qua - một hiện tượng được đánh giá là bất thường nhất trong 30 năm qua. Đánh giá nguyên nhân của thực trạng này còn khá nhiều tranh cãi, cả do tác động bất thường của thiên nhiên, cả do những sai lầm cố ý hoặc vô ý của con người.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã xác định Việt Nam là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng tồi tệ nhất bởi biến đổi khí hậu do nằm trong vùng có mật độ dân số cao, khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng và vùng sản xuất nông nghiệp thường tập trung ở vùng duyên hải hẹp và thấp, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.

Thiên tai là một trong các nguyên nhân chính cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam và là nguyên nhân gây ra tình trạng đói nghèo của người dân vùng nông thôn, rừng núi và ven biển. WB và Tổ chức Toàn cầu về phục hồi và giảm nhẹ thiên tai (GFDRR) ước tính khoảng 59% tổng diện tích đất và 71% dân số của Việt Nam cư trú trong vùng thường xuyên bị bão lũ.

Các trận bão đến vùng biển Việt Nam trong năm 2013

Tên bão

Thời gian xuất hiện ở Việt Nam

Vận tốc gió lớn nhất (m/s)

Việt Nam

Quốc tế

1

Sonamu

1/1 - 10/1

95

2

Bebinca

19/6 - 24/6

75

3

Rumbia

27/6 - 2/7

95

4

Cimaron

15/7 - 18/7

75

5

Jebi

26/7 - 3/8

100

6

Mangkhut

5/8 - 14/8

75

7

Usagi

9/8 - 17/8

195

8

Utor

14/8 - 16/8

205

9

18W

16/9 - 19/9

55

10

Wutip

25/9 - 1/10

130

11

Nari

13/10 - 15/10

140

12

Krosa

27/10 - 5/11

150

13

Wilma

1/11 - 8/11

55

14

Haiyan

3/11 - 11/11

230

15

Podul

9/11 - 15/11

65

Tiếp tục tìm kiếm giải pháp ứng phó

Vấn đề là mức độ tàn phá của thiên nhiên vượt qua khả năng chống đỡ của cộng đồng địa phương. Thái độ sẵn sàng và hành động phòng tránh tùy thuộc nhiều yếu tố, quy mô kinh tế và xã hội ở các cấp khác nhau, đồng thời cũng tùy thuộc vào hoàn cảnh và chiến lược sinh kế của người dân địa phương.

Một thực tế thử thách lớn cho các cấp chính quyền và các tổ chức xã hội là chi phí phục hồi và tái thiết sau thiên tai, trong điều kiện một quốc gia đang phát triển như Việt Nam thường là cao hơn và khó khăn hơn so với chi phí của xây dựng và huy động nguồn lực bổ sung trong điều kiện bình thường. Nhiều người dân và ban ngành do vậy muốn có những dự đoán chính xác hơn về tình hình khí hậu trong các năm tới.

Song thật không dễ dàng gì để có những phỏng đoán như vậy trong tình hình thiên tai ngày càng bất thường và thời tiết phức tạp. Đây là vấn đề nan giải không chỉ riêng ở Việt Nam mà ở ngay cả những quốc gia có nền khoa học tiên tiến khác.

Trong vài năm qua, nhiều quốc gia cũng lúng túng trong xác định hướng nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp hữu hiệu ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, đặc biệt là những nước đang phát triển, nền kinh tế còn lệ thuộc lớn vào sản xuất lương thực và thực phẩm.

FAO mới đây đã triển khai một phát kiến tương đối mới với Việt Nam, gọi là nền nông nghiệp thích ứng khôn ngoan với khí hậu (Climate smart agriculture - CSA). Sản xuất nông nghiệp vẫn là ngành rất dễ bị tổn thương do những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Nông nghiệp lại cũng là một trong những ngành sản xuất vừa đóng góp trong việc hấp thụ khí carbon trong không khí vừa góp phần làm gia tăng hiệu ứng nhà kính, gây nên hiện tượng nóng lên toàn cầu do sự phát thải cao khí metan (CH4) và nitrous oxide (N2O).

Việt Nam được chọn là một trong ba quốc gia (cùng với Malawi và Zambia) nhận được một khoản tài trợ 3,3 triệu euro của Liên minh châu Âu (EU) và 2 triệu euro của FAO để triển khai ý tưởng này theo từng đặc điểm sản xuất nông nghiệp đặc thù của mỗi quốc gia.

Theo hướng dẫn của FAO (2010, 2013), nền nông nghiệp khôn ngoan với khí hậu không phải là một chỉ dẫn thực hành công nghệ nông nghiệp áp dụng chung mà là một phương pháp đòi hỏi phải đánh giá đặc thù cho từng địa phương để xác định công nghệ và thực hành sản xuất nông nghiệp phù hợp với địa phương đó.

Vậy một nền nông nghiệp khôn ngoan với khí hậu cần được nhìn nhận ra sao? Trước hết là việc xác định nông nghiệp ở các nước đang phát triển sẽ tiếp tục phải qua một chuyển biến đáng kể để đáp ứng những thách thức liên quan đến an ninh lương thực và biến đổi khí hậu.

Thực hành “khôn ngoan khí hậu” hiệu quả đã hiện hữu và có thể được thực hiện trong hệ thống nông nghiệp của các quốc gia đang phát triển. Theo đó, các quốc gia áp dụng phương pháp tiếp cận dựa vào hệ sinh thái, ở quy mô rộng mà yếu tố quan trọng nhất là đảm bảo sự điều phối và hợp tác liên ngành trong ứng phó biến đổi khí hậu hiệu quả.

Kế đó, nhất thiết phải có đầu tư đúng mức trong việc lấp đầy dữ liệu và khoảng trống kiến thức trong nghiên cứu phát triển công nghệ, phương pháp cũng như bảo tồn, chọn lọc và sản xuất giống phù hợp.

Một điểm chủ chốt khác là yêu cầu có sự hỗ trợ về thể chế và tài chính nhằm cho phép các nông hộ thực hiện việc chuyển đổi sang nền nông nghiệp thông minh với khí hậu; tăng cường năng lực thể chế để thúc đẩy phổ biến thông tin nông nghiệp thông minh với khí hậu trên diện rộng và số đông nông dân.

Mô hình này cũng yêu cầu sự nhất quán trong hoạch định và thực hiện chính sách trong mối quan hệ giữa nông nghiệp, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.

Với nhận thức rằng nguồn tài chính hiện có và dự kiến không đủ mạnh để đáp ứng với các thách thức biến đổi khí hậu và an ninh lương thực đối với ngành nông nghiệp, các quốc gia thực hiện mô hình này cần kết hợp sáng tạo các nguồn tài chính công và tư nhân dành cho biến đổi khí hậu và an ninh lương thực để đáp ứng yêu cầu đầu tư cho ngành nông nghiệp.

Và để việc giải ngân nhanh và hiệu quả nguồn tài chính cho nông nghiệp, cơ chế tài chính cần phải được thiết lập rất cụ thể cho từng lĩnh vực.

Năm 2013 là một trong 10 năm có nhiệt độ không khí nóng nhất kể từ khi có chuỗi số liệu về nhiệt độ nóng toàn cầu từ năm 1850 đến nay. Tại vùng Bắc cực, ngày 30-7 ghi nhận nhiệt độ không khí tăng lên mức cao nhất trong lịch sử là 25,9°C. Tại vùng biển Arctic ở Nam cực, diện tích băng đang giảm trung bình khoảng 2,6% cho mỗi thập niên.

Mực nước biển toàn cầu năm 2013 cũng đã tạo kỷ lục mới với mức tăng 3.2 ± 0.4 mm/năm, cao hơn mức tăng mực nước biển trung bình từ 2001-2010 là 3 mm/năm. Nếu xu thế mực nước biển dâng cả thế kỷ 20 chỉ tăng trung bình 1,6 mm/năm thì mức độ dâng nước biển năm 2013 là gấp đôi.

Sự bất thường của thời tiết năm 2013 đồng hành cùng các hiện tượng thiên tai cực đoan xảy ra nhiều nơi, siêu bão Haiyan kinh hoàng đi qua Philippines tháng 11-2013, lốc xoáy cực mạnh tháng 5-2013 ở Mỹ, mưa lớn kỷ lục ở Ấn Độ tháng 6-2013 và lũ lụt lớn nhất trong 70 năm qua xảy ra cuối tháng 5, đầu tháng 6-2013 trên diện rộng ở nhiều nước châu Âu, trận cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử nước Úc tháng 1-2013.

(Tuyên bố tạm thời về tình trạng khí hậu năm 2013 trên toàn thế giới mà Tổ chức Khí tượng thế giới đưa ra ngày 13-11-2013 tại Geneva)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận