​Giải pháp nào cho tăng trưởng tín dụng?

TTCT - Tăng trưởng tín dụng vẫn tiếp tục trì trệ. Đây là năm thứ tư liên tiếp kể từ năm 2011 tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức thấp. Vậy giải pháp nào cho tăng trưởng tín dụng?

Dù là buổi sáng nhưng khu vực thực phẩm khô ở chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thời gian gần đây rất thưa khách - Ảnh: Thanh Đạm
Dù là buổi sáng nhưng khu vực thực phẩm khô ở chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thời gian gần đây rất thưa khách - Ảnh: Thanh Đạm

Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho đến ngày 31-7, tổng dư tín dụng toàn hệ thống đối với nền kinh tế tăng 3,68% so với cuối năm 2013, thấp hơn 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái và mới đạt chưa đầy một phần ba so với chỉ tiêu cả năm đã đề ra, từ 12-14%.

Đây là năm thứ tư liên tiếp kể từ năm 2011 tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức thấp. Nếu như trong các năm 2011 và 2012 mức tăng trưởng tín dụng lần lượt là 12% và 8,91% được coi là thành tựu của chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm đạt mục tiêu đưa mức lạm phát từ 18,13% năm 2011 xuống còn 6,81%, thì mức tăng trưởng tín dụng 12,52% năm 2013 và tiếp tục ở mức thấp như hiện tại bị xem là thất bại trong việc khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế.

Dù tăng trưởng tín dụng thấp nhưng doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận vốn từ các ngân hàng. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, 50% doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn khi tiếp cận vốn vay với mức lãi suất từ 10-12%/năm. Trong thời gian vừa qua, NHNN đã cố gắng đưa ra nhiều biện pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng.

Chính sách cam kết ổn định tỉ giá phần nào làm gia tăng tín dụng ngoại tệ. Nhưng với tỉ trọng chỉ chiếm khoảng 15% thì mức tăng trưởng 12,03% trong sáu tháng đầu năm 2014 của tín dụng ngoại tệ cũng không bù đắp được cho mức tăng chỉ 2,17% của tín dụng nội tệ.

Gần đây, NHNN cũng thúc đẩy các ngân hàng thương mại tăng cường khả năng cho vay tín chấp bằng cách xếp hạng tín dụng doanh nghiệp, tuy nhiên các ngân hàng tỏ ra khá thận trọng với hình thức cho vay này vì nỗi lo nợ xấu.

3 nguyên nhân

Tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp trong hai năm 2011 và 2012 được lý giải là bởi chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm đưa tỉ lệ tổng tín dụng của nền kinh tế trên GDP từ mức 135% trong năm 2010 xuống mức dưới 100% vào cuối năm 2012. 

Nhưng với tỉ lệ tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế hiện tại đã ở mức tương đối an toàn, thấp hơn mức 97% vào cuối năm 2013, thì đây không còn là nguyên nhân của hiện tượng tín dụng thấp nữa.

Ngoài các nguyên nhân hành chính liên quan tới cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn cũng như các vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo, có ba nguyên nhân chủ yếu khiến tăng trưởng tín dụng của Việt Nam yếu. Đó là mặt bằng lãi suất cho vay vẫn cao so với các nước trong khu vực, tỉ lệ nợ xấu cao và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu.

Lãi suất cho vay của Việt Nam hiện thời vẫn còn cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như Malaysia, Philippines hay Trung Quốc. Hầu hết các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á đều có mức lãi suất cho vay vào khoảng 5%. Trong khi đó, dù đã giảm mạnh so với các năm trước, mặt bằng lãi suất cho vay trung bình của Việt Nam vẫn ở mức 10,5% vào năm 2013.

Tình trạng nợ xấu của toàn hệ thống tín dụng tiếp tục gây cản trở tăng trưởng tín dụng. Tính đến cuối tháng 2-2014, tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng trong toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 3,86%, tương đương với 122.000 tỉ đồng.

Nhưng theo Thanh tra NHNN, nếu tính cả số nợ xấu được cơ cấu theo quyết định 780 thì tỉ lệ nợ xấu của toàn hệ thống lên tới 9,71%. Ngay cả như thế thì mức này vẫn thấp hơn con số 15% mà Báo cáo triển vọng hệ thống ngân hàng 2014 của Moody công bố ngày 18-2.

Tỉ lệ nợ xấu cao buộc các tổ chức tín dụng phải tiến hành xử lý nợ xấu và tài sản thu hồi nợ cũng như thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng nhằm hạn chế phát sinh nợ xấu mới. Hệ quả là các tổ chức tín dụng thay vì tăng cấp tín dụng cho khu vực doanh nghiệp, đã tìm đến kênh trái phiếu chính phủ ngay cả khi mức lãi suất thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ lãi vay trung bình cho doanh nghiệp.

Theo Bộ Tài chính, trong sáu tháng đầu năm 2014, các ngân hàng đã mua khoảng 83% trong 150.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ phát hành.

Trên tất cả, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung vẫn là yếu tố cốt lõi ngăn cản tăng trưởng tín dụng.

Sau một thời gian dài phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế và sức mua giảm sút, nhiều doanh nghiệp chỉ có thể hoạt động cầm chừng. Các doanh nghiệp trở nên vô cùng thận trọng trong việc vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, họ thường tận dụng nguồn vốn tự có và tiết kiệm chi phí sản xuất hơn là tiếp cận tới ngân hàng để vay vốn.

Đối với các doanh nghiệp có nợ xấu cao, có nhu cầu vay vốn thì ngân hàng lại thận trọng cho vay vì e ngại rủi ro.

Doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với việc tiếp cận tín dụng ngân hàng một phần là do sức mua trong nước chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Ngoại trừ hai tháng đầu năm thị trường bán lẻ hàng hóa có sức mua tích cực, các tháng còn lại hàng hóa đều tiêu thụ ở mức thấp.

Tính chung sáu tháng đầu năm 2014, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1.439 nghìn tỉ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi đã loại trừ yếu tố tăng giá. Chỉ số này thấp hơn 10,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

Tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế thấp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp trong nước, dẫn đến việc làm và thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng. Người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn bất chấp các nỗ lực đẩy mạnh cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng.

Như vậy, người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng do thu nhập bị ảnh hưởng; doanh nghiệp ứ đọng hàng hóa tồn kho do sức mua thấp dẫn đến giảm nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất.

Về phía khu vực các tổ chức tín dụng, do không thể giảm được mặt bằng lãi suất cho vay cũng như nhiều điều kiện vay vốn đặt ra nên không thể cấp vốn được cho nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn. Hệ quả là những doanh nghiệp này buộc phải đóng cửa, cắt giảm tiền lương và nhân công.

Vòng luẩn quẩn giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, giữa doanh nghiệp và ngân hàng, giữa ngân hàng với người tiêu dùng dường như chưa tìm được lối thoát. Trong khi Chính phủ cũng đang loay hoay với bài toán kích cầu cho nền kinh tế nhưng lại bị ràng buộc bởi tỉ lệ nợ công trên GDP đang ở mức cao và thâm hụt ngân sách vẫn triền miên từ năm này sang năm khác.

Đi tìm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

Một gói kích cầu khổng lồ như năm 2009, kéo theo nhiều hệ lụy xấu sau đó với nền kinh tế, có lẽ nằm ngoài cân nhắc của phần lớn giới làm chính sách trong giai đoạn hiện nay. Và những gói kích cầu nhỏ kém hiệu quả như kiểu gói tín dụng 30.000 tỉ đồng hỗ trợ nhà ở triển khai từ giữa năm 2013 tới nay đã chứng tỏ chúng hầu như không có tác dụng nhiều đến tăng trưởng tín dụng.

Vì thế, ngoài việc theo đuổi các giải pháp ngắn hạn như tháo gỡ vướng mắc trong vay vốn giữa doanh nghiệp và ngân hàng hay xem xét điều chỉnh lãi suất của các khoản vay cũ từ những năm 2011, chúng tôi cho rằng nên tập trung vào các giải pháp mang tính dài hạn theo hướng trọng cung nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và duy trì lạm phát ở mức thấp, qua đó giúp khu vực doanh nghiệp mở rộng năng lực sản xuất, tăng năng suất lao động, quay trở lại ngân hàng để vay tín dụng.

Khu vực doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả nhưng lại chiếm tỉ trọng tín dụng lớn nhất trong nền kinh tế được xem là cội nguồn cản trở sự phát triển năng động của toàn bộ nền kinh tế. Đẩy mạnh tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước chính là chìa khóa cho sự thành công của chính sách trọng cung.

Xử lý nợ xấu của nền kinh tế cần được đẩy mạnh hơn nữa. Sự ra đời của Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) vào tháng 8-2013 đã nhen nhóm hi vọng cho việc gỡ nhanh nút thắt này. Tuy nhiên, sau hơn một năm hoạt động, VAMC vẫn chỉ dừng ở khâu chuyển nợ xấu từ khu vực này sang khu vực khác của nền kinh tế hơn là loại bỏ được nợ xấu ra khỏi nền kinh tế.

Cuối cùng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho phát triển công nghệ và giáo dục để tăng tỉ lệ đóng góp của nhân tố năng suất tổng hợp (TFP) trong GDP là giải pháp không bao giờ thừa. Với mức TFP chỉ đóng góp 28,2% trong tăng trưởng GDP năm 2012 thì rõ ràng Việt Nam còn rất nhiều dư địa để cải thiện chỉ số này. Đây là giải pháp giúp nền kinh tế tăng trưởng bớt phụ thuộc dần vào vốn.

Cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút vốn đầu tư của cả trong lẫn ngoài nước là giải pháp ít tốn kém nhất nhưng hứa hẹn đem lại nhiều tác dụng hơn cả. Song hành với việc cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như vừa qua, Chính phủ cũng nên cắt giảm các loại lệ phí và các thủ tục liên quan đến nộp thuế, phí và lệ phí.

Chính phủ cũng cần tập trung cắt giảm chi tiêu thường xuyên từ mức trên 22% GDP của năm 2013 xuống mức 18-20% để có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển và góp phần giảm thâm hụt ngân sách cũng như sức ép từ nợ công trong tương lai. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận