​GMO và cuộc tranh luận chưa kết thúc

HẢI MINH (TỔNG HỢP) 25/05/2015 22:05 GMT+7

Đó là những phép mầu của khoa học sẽ giúp con người lần đầu tiên trong lịch sử có thể quên đi nỗi ám ảnh về cái ăn, hay là sự đầu độc dần mòn chúng ta?

Một cuộc biểu tình phản đối Monsanto ở Mỹ. Dòng chữ trên tấm biển: “Monsanto, nơi sản xuất GMO và chất độc da cam” - Ảnh: wordpress.com

Đó là chiến tích lớn nhất của con người trong cuộc chinh phục tự nhiên, hay sự can thiệp thô bạo và phi đạo đức vào quá trình tiến hóa để thu về những khoản lợi khổng lồ cho các tập đoàn nông nghiệp và hóa sinh, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng?Cuộc tranh luận về thực phẩm biến đổi gen (GMO) sẽ chưa thể kết thúc trong tương lai gần.

Một cuốn sách mới ra mắt ở London lại làm dấy lên những tranh cãi dữ dội xung quanh GMO. Altered gens, twisted truth - How the venture to gentically engineer our food has subverted science, corrupted government, and systematically deceived the public (Những gen biến đổi, sự thật bị bóp méo - Các tập đoàn biến đổi gen thức ăn của chúng ta đã phá hoại khoa học, làm tha hóa chính phủ và lừa gạt công chúng một cách có hệ thống ra sao) đã gây nên một làn sóng tranh luận mới về GMO.

Như một quả bom

Tác giả cuốn sách, Steven Druker, là một luật sư người Mỹ chuyên về lợi ích công và là giám đốc Liên minh vì sự minh bạch trong sinh học. Druker cũng là người đứng nguyên đơn trong vụ kiện nổi tiếng mà bị đơn là Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khi tổ chức đầy quyền lực này cho phép thương mại hóa GMO.

Cuốn sách của Druker xuất hiện trong một thời điểm rất nhạy cảm khi nhiều quốc gia lớn ở châu Âu đang xem xét việc trồng đại trà để thương mại hóa các loại nông sản biến đổi gen, sau khi Nghị viện châu Âu cho phép từng thành viên trong khối tự quyết định về vấn đề này. Druker cho rằng “sẽ là cực kỳ ngu ngốc” nếu cho phép một công nghệ rủi ro đến không thể chấp nhận được xuất hiện trên thị trường.

Cuốn sách là kết quả 15 năm nghiên cứu và điều tra tỉ mỉ của Druker. Trong đó, ông khẳng định GMO được phép thương mại hóa từ năm 1992 ở Mỹ chỉ vì FDA đã che đậy các cảnh báo nghiêm trọng của chính những nhà khoa học trong tổ chức này về rủi ro của GMO, cũng như vi phạm luật pháp liên bang Mỹ về an toàn thực phẩm khi cho phép GMO được quảng bá mà chưa thông qua các thử nghiệm an toàn tiêu chuẩn.

Theo Druker, rất nhiều nhà khoa học tiếng tăm đã đưa ra các tuyên bố gây hiểu lầm về GMO, bao gồm cả các tổ chức rất uy tín như Viện Khoa học quốc gia Hoa Kỳ, Hiệp hội Khoa học hiện đại Hoa Kỳ hay Hội Khoa học hoàng gia Anh. Ông khẳng định trong cuốn sách rằng quá nhiều người hiện vẫn không hay biết gì về những rủi ro của GMO và trái ngược với rất nhiều nghiên cứu được công bố lâu nay, sức khỏe con người trên thực tế đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì GMO, với hàng chục ca tử vong và hàng nghìn trường hợp mắc các chứng bệnh nặng được ông dẫn ra trong sách.

Hơn nữa, bằng chứng của Druker cho thấy GMO còn gây hại cho cả động vật cũng như là nguyên nhân khả dĩ nhất của các ca nhiễm độc không rõ lý do cả ở động vật và ở người.

“Trái với những đánh giá của phía ủng hộ, các tập đoàn lớn đã thực hiện việc biến đổi gen các loại nông sản không phải dựa trên cơ sở khoa học vững chắc, mà đó là hành động bóp méo một cách có hệ thống khoa học, tất cả kết quả đó sẽ sụp đổ nếu được soi rọi bằng sự minh bạch của những sự kiện thực tế thuần túy” - Druker nói với The Washington Post. Nhiều nhà khoa học, bao gồm các chuyên gia của FDA, cũng đã kết luận rằng công nghệ biến đổi gen hiện đại khác biệt rất cơ bản với quá trình chọn giống truyền thống của nghề nông và ẩn chứa nhiều rủi ro cực kỳ nguy hiểm.

Sự tiếp tay của chính phủ Mỹ?

Trên thực tế, cộng đồng khoa học chưa bao giờ đạt được sự đồng thuận tuyệt đối về GMO. Thật ra, ngay cả cá nhân mỗi nhà khoa học cũng có thể “sớm đầu tối đánh” trong cuộc chiến giữa hai phe ủng hộ và phản đối. Mới đây nhất, Bill Nye, một nhà khoa học lừng lẫy ở Mỹ (đồng thời là ngôi sao truyền hình với chương trình khoa học thường thức nổi tiếng “Bill Nye The Science Guy”), đã nhảy từ phe phản đối sang ủng hộ GMO sau một chuyến thăm tới Monsanto - tập đoàn công nghệ hóa sinh và nông nghiệp chuyên về GMO số một thế giới hiện nay.

Trong cuốn sách Undeniable (Không thể phủ nhận) in tháng 11-2014, Nye cho rằng việc biến đổi gen của các loại cây nông sản cần phải ngừng lại, vì “chúng ta không thể biết điều gì sẽ xảy ra với các loài khác trong việc can thiệp quá nhiều vào hệ sinh thái như thế”. Tuy nhiên, vào đầu tháng 3, sau một chuyến đi tới Monsanto, tập đoàn có doanh số 14,9 tỉ USD trong năm 2013, ông đã đổi ý: “Tôi tới Monsanto, đã dành nhiều thời gian với các nhà khoa học ở đây và tôi đã đánh giá lại quan điểm của mình. Tôi rất hào hứng nói với thế giới về sự thay đổi đó. Khi bạn đang yêu, bạn sẽ muốn nói với thế giới”.

Nye không phải là nhân vật tiếng tăm đầu tiên bỗng nhiên đổi ý và “đang yêu” sau một chuyến làm việc cùng Monsanto, cũng là một trong hai công ty sản xuất chất độc da cam quy mô lớn nhất ở Mỹ. Tháng 8-2011, trang mạng chuyên tiết lộ thông tin mật WikiLeaks đã công bố các công hàm ngoại giao cho thấy Bộ Ngoại giao Mỹ đang vận động hành lang ở quy mô toàn cầu cho Monsanto và các tập đoàn nông nghiệp - hóa sinh khác của nước này để đưa sản phẩm GMO xâm nhập “các quốc gia mục tiêu” tại châu Phi, Mỹ Latin hay châu Á, nơi GMO vẫn còn chưa phổ biến, cũng như ở một số nước châu Âu phản đối GMO.

Tháng 5-2013, tới lượt tổ chức bảo vệ người tiêu dùng phi lợi nhuận Mỹ Food & Water Watch xuất bản một báo cáo chi tiết cho thấy mối quan hệ bí ẩn giữa Chính phủ liên bang Mỹ và hàng loạt công ty công nghệ hóa - sinh lớn đã từ từ nhưng chắc chắn đẩy các sản phẩm GMO lên kệ hàng không chỉ ở Mỹ mà nhiều nước khác trong những năm qua.

Bản báo cáo đã “xem xét kỹ lưỡng năm năm các công hàm của Bộ Ngoại giao giai đoạn 2005-2009 để cung cấp phân tích toàn diện đầu tiên về chiến lược, chiến thuật và các mục tiêu ngoại giao của Mỹ để thao túng chính sách với các thực phẩm biến đổi gen trên toàn cầu”. Trọng tâm của bản báo cáo chính là Monsanto, công ty có trụ sở tại St. Louis, Missouri, nhà tiên phong về GMO ở Mỹ và là một trong những tập đoàn có giá trị lớn nhất của Mỹ.

Theo bản báo cáo, chiến lược của Bộ Ngoại giao Mỹ gồm bốn bước: thúc đẩy các lợi ích của ngành kinh doanh công nghệ sinh học, vận động hành lang với các chính phủ nước ngoài nhằm giảm bớt các quy định về GMO, bảo vệ các sản phẩm xuất khẩu của Mỹ, và gây sức ép buộc các nước đang phát triển chấp nhận nông sản GMO cả trong tiêu thụ và sản xuất.

Cụ thể, một công hàm gửi từ lãnh sự quán ở Slovakia năm 2005 cho thấy Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu phái bộ địa phương “tiếp tục các nỗ lực xua tan nghi ngờ về GMO và thúc đẩy (các sản phẩm này) đại diện cho Monsanto”. Hay năm 2009, một công hàm gửi đi từ Madrid, Tây Ban Nha nói Monsanto yêu cầu phái bộ Mỹ ở địa phương “có những hành động khẩn cấp” để đối phó với các chiến dịch chống GMO đang lan rộng.

Công nghệ biến đổi gen với nông sản chỉ trở thành hiện thực vào đầu những năm 1970. Lúc bấy giờ, đó là một phát kiến mang tính đột phá. Theo nhà khoa học được trao giải Nobel George Wald, đó là sự can thiệp lớn nhất và cực đoan nhất của con người với tự nhiên. Ngay cả những nhà khoa học tiến hành việc đó cũng không thể nhận thức đầy đủ ảnh hưởng của nó và nhiều học giả tên tuổi đã lên tiếng cảnh báo về công nghệ mới này.

“Nhưng rồi họ nhận ra rằng những phản hồi từ dư luận sẽ là tiêu cực - Druker giải thích - Nên cùng với thời gian, họ bắt đầu thay đổi câu chuyện. Dần rõ ràng là họ phải thống nhất lại để tạo ra sự tự tin về công nghệ mới. Đó là lúc chúng ta bắt đầu chứng kiến một chiến dịch giải thích sai lạc ở quy mô lớn... để thuyết phục dư luận và các chính phủ rằng công nghệ biến đổi gen là cần thiết và không khác so với các quá trình chọn lọc khác diễn ra trong thiên nhiên... Điều kỳ lạ là họ đã thành công”.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận