Đâu chỉ là cơ cấu biểu giá?

ANH THI 06/10/2015 01:10 GMT+7

TTCT - Điện là một loại hàng hóa đặc biệt. Ngành điện - ở tư cách người bán - tìm cách bảo vệ quyền lợi của mình. Vậy người dân - ở tư cách khách hàng đặc biệt - cũng muốn được bảo đảm quyền của bên mua. Đó là quyền được thông tin công khai, minh bạch cơ cấu giá điện.

Điện sinh hoạt của người dân cần được phân bổ hợp lý -N.C.T.
Điện sinh hoạt của người dân cần được phân bổ hợp lý -N.C.T.

Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán điện (dành cho sinh hoạt) đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra lấy ý kiến để hoàn thiện gửi Cục Điều tiết điện lực (ERAV) tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Công thương xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trong tháng 10. Là một loại hàng hóa đặc biệt, giá điện và cơ chế vận hành của giá điện rõ ràng có ảnh hưởng sâu rộng sự phát triển kinh tế - xã hội, do vậy sự quan tâm rộng rãi của người dân đến đề án này là điều đương nhiên.

Sao không thể dự báo giá tương lai?

Trong chi tiết nội dung của đề án, có vẻ EVN chỉ giới hạn việc tham khảo biểu giá của Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Singapore, vùng Tây Úc và Hong Kong để minh họa các phương án đề xuất cơ cấu biểu giá theo ý đồ của họ.

Không rõ vì sao việc tham khảo này không mở rộng đến các quốc gia khác và cũng không thấy EVN phân tích những ưu điểm cơ cấu biểu giá của các quốc gia và vùng lãnh thổ này để đề xuất áp dụng cho Việt Nam. Đi xa hơn một chút, nếu thật sự EVN muốn tham khảo về việc thiết lập giá điện bán lẻ tại Thái Lan, họ sẽ thấy có nhiều điều để học hỏi.

Theo Hội đồng Điều hành năng lượng Thái Lan (ERC), giá điện bán lẻ tại Thái Lan được tính toán dựa trên ba thành tố là giá cơ sở, hệ số điều chỉnh (Ft) và thuế VAT (7%). Giá cơ sở được xác định 5 năm/lần, bao gồm chi phí phát điện, chi phí truyền tải, phân phối và bán lẻ.

Còn Ft được áp dụng cơ chế tự động điều chỉnh bốn tháng một lần nhằm linh hoạt điều chỉnh khi có sự biến động so với giá cơ sở về giá nhiên liệu (chiếm 27% Ft), giá mua điện từ các nhà máy điện độc lập, các nhà máy điện nhỏ hoặc giá nhập khẩu điện (chiếm 72% Ft) và sự thay đổi về chính sách như thúc đẩy ứng dụng năng lượng tái tạo, xây dựng quỹ phát triển điện năng... (chiếm 1% Ft).

Với chu kỳ thay đổi hoặc điều chỉnh giá điện đã được xác định theo cách minh bạch như trên, người dân và doanh nghiệp tại Thái Lan rất chủ động nắm được thông tin và có thể dự báo giá điện tương lai.

-        Giá điện dịch vụ (nhà nghỉ, khách sạn) của Thái Lan luôn thấp nhất trong cơ cấu biểu giá, thể hiện sự hỗ trợ của chính phủ Thái Lan trong việc thúc đẩy phát triển ngành du lịch. Trong khi đó, giá điện dịch vụ tại Việt Nam luôn bị tính cao nhất.

-        Năm 2000, giá điện công nghiệp của Thái Lan thấp hơn giá điện sinh hoạt, tương tự như Việt Nam. Tuy vậy, đến năm 2011, giá điện công nghiệp được điều chỉnh cao hơn giá điện sinh hoạt và được duy trì đến nay. Trong khi đó, Việt Nam luôn giữ giá điện sinh hoạt cao hơn giá điện công nghiệp, mặc dù tỷ trọng điện năng sử dụng trong công nghiệp càng ngày càng tăng.

(Nguồn: Nguồn: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Báo cáo Đánh giá Tái cấu trúc ngành Điện tại Việt Nam, 2015. Tác giả tính toán dựa theo số liệu của Hội đồng Điều hành Năng lượng Thái Lan (ERC) và thông tin trong Đề án biểu giá điện. Tỷ giá tham khảo VCB ngày 28/09/2015: 1 US$ = 22.505 VND; 1 THB = 634,16 VND.)

Trong khi đó tại Việt Nam, không thể biết được tương lai giá điện sẽ thay đổi như thế nào, chỉ biết giá sẽ ngày một tăng, và mỗi lần nghe EVN rục rịch tăng giá điện thì người dân (và doanh nghiệp) lại một phen “sống trong sợ hãi”.

Có thể thấy mục đích chính của EVN trong đề án này là sửa đổi cơ cấu biểu giá điện “theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch, dễ áp dụng...”. Nhưng các giả định tính toán của EVN cũng đưa ra những con số cho thấy dù sửa đổi cơ cấu biểu giá điện theo phương án nào, doanh thu của bên bán điện cũng không thay đổi, nghĩa là quyền lợi của ngành điện vẫn luôn được đảm bảo.

Khi mà ngành điện muốn đảm bảo quyền lợi cho ngành mình thì người dân - khách hàng đặc biệt của ngành điện - cũng muốn được đảm bảo những quyền cơ bản về công khai và minh bạch thông tin trong giá điện. Do vậy, mối quan tâm của người dân đối với ngành điện không chỉ dừng lại ở cơ cấu biểu giá, mà còn là sự công khai và minh bạch thông tin.

Người dân cần được biết rõ trong từng đồng mà họ phải trả trên mỗi kWh điện cho EVN bao nhiêu là chi phí sản xuất điện, bao nhiêu là chi phí điều độ hệ thống điện, truyền tải và phân phối, bao nhiêu là chi phí quản lý và các chi phí khác, bao nhiêu là lợi nhuận của EVN...

Nếu không trả lời được những câu hỏi này, việc giải quyết cơ cấu biểu giá như đề án của EVN đặt ra cũng chỉ tiếp cận một phần rất nhỏ trong phần nổi của tảng băng và nếu thế, câu chuyện giá điện tại Việt Nam sẽ không bao giờ đi đến hồi kết.

Sự vô lý của biểu giá bán lẻ điện

Nhờ cách tính toán của EVN trong đề án, người ta mới biết mức giá điện bình quân của biểu giá điện sinh hoạt bậc thang hiện hành là 1.747 đồng/kWh (chưa VAT). Trong khi đó, mức giá bán lẻ điện bình quân theo quyết định số 2256/QĐ-BCT của Bộ Công thương ban hành ngày 12-3-2015 và đang được áp dụng là 1.622,01 đồng/kWh (chưa VAT).

Điều đó có nghĩa người dân đang trả tiền cho điện sinh hoạt cao hơn mức giá trung bình khoảng 125 đồng/kWh (chưa VAT), tương đương cao hơn 7,7%. Sự vô lý này đang diễn ra là do trong cách phân bổ của ngành điện, giá điện sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ cao hơn giá điện cho sản xuất và cho khối hành chính sự nghiệp.

Theo báo cáo đánh giá tái cấu trúc ngành điện tại Việt Nam do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố (năm 2015), liên quan đến cơ cấu tiêu thụ điện thì trong vòng 10 năm từ 2003-2013, điện năng tiêu thụ trong công nghiệp tăng từ 42,9% lên 52,8%, đồng thời điện năng tiêu thụ trong sinh hoạt giảm từ 45,8% còn 36,3%.

Theo báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh của EVN đến tháng 8-2015, điện năng tiêu thụ trong công nghiệp chiếm 53,3% và điện năng tiêu thụ trong sinh hoạt chiếm 35,4%. Do vậy, có thể thấy người dân đang phải hi sinh túi tiền của mình để hỗ trợ giá điện sản xuất, và sự “hỗ trợ bất đắc dĩ” này ngày càng tăng khi tỉ trọng tiêu thụ điện trong công nghiệp ngày càng lớn.

Nếu ngành điện có sự tính toán hợp lý về phân bổ giá điện cho các đối tượng khách hàng thì mơ ước giảm giá điện sinh hoạt của người dân không phải không có cơ sở. Tuy vậy, đến nay đó chỉ là mơ ước viển vông khi người dân được hiểu “giá điện theo cơ chế thị trường” nghĩa là giá chỉ tăng chứ không thể giảm, và cũng không thấy ai muốn trả lời câu hỏi vì sao người dân phải “hỗ trợ” giá điện sản xuất.

Lực lượng công nhân, nhân viên làm việc cho ngành điện là vấn đề lớn trong quản lý ngành điện hiện nay  -TIẾN THÀNH
Lực lượng công nhân, nhân viên làm việc cho ngành điện là vấn đề lớn trong quản lý ngành điện hiện nay -TIẾN THÀNH

Minh bạch: đã làm, cần đầy đủ

Hiện nay, trên trang web của Bộ Công thương đã xây dựng chuyên trang Công khai minh bạch hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu tại địa chỉ: http://minhbach.moit.gov.vn/. Câu hỏi về công khai và minh bạch thông tin trong giá điện đã được trả lời một phần trên chuyên trang này, thông qua các mục liên quan như giá mua điện bình quân (cập nhật đến tháng 6-2015), giá truyền tải điện (định mức), các thông số đầu vào cơ bản...

Tuy nhiên, sẽ là không khả thi nếu có ai muốn tìm thêm thông tin đầy đủ và có tính bổ sung để xác minh những con số ấy trên chuyên trang này. Nếu ai đó muốn tính toán giá thành sản xuất kinh doanh điện thì phải tự tổng hợp và tính toán trên những thông tin được cung cấp một cách hạn chế ấy.

Thông tin chính thức mới nhất và có tính tổng hợp mà Bộ Công thương công bố là “Thông cáo báo chí về công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2013” ngày 30-12-2014, tức là cần đúng một năm để ngành điện tổng hợp số liệu và kiểm toán, trong đó cũng đã đưa ra được chi phí sản xuất kinh doanh điện các khâu để tính được giá thành sản xuất kinh doanh điện từ năm 2013 (là 1.473,8 đồng/kWh).

Trong khi đó, những số liệu về giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2014 đến thời điểm này là hết tháng 9-2015 vẫn chưa được công bố, nhưng trước đó biểu giá và đơn giá bán lẻ điện đã được ban hành áp dụng từ ngày 12-3-2015.

Phân tích như vậy để thấy hiện nay việc công khai và minh bạch thông tin trong giá điện chỉ mới thực hiện một cách nửa vời, thông tin có độ trễ rất lớn. Mọi vấn đề của ngành điện cần được tập trung giải quyết tận gốc, nếu không dư luận sẽ tiếp tục lên tiếng phản đối những đề án liên quan đến giá điện và cơ cấu biểu giá trong tương lai... ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận