Lãi suất và những câu hỏi

HỒ QUỐC TUẤN 03/04/2016 20:04 GMT+7

TTCT - Mặt bằng lãi suất trong những ngày cuối tháng 3 năm nay đã được điều chỉnh tăng, kể cả ở những ngân hàng (NH) thương mại lớn. Mặt bằng lãi suất kỳ hạn từ một đến sáu tháng ở nhiều NH dao động 5,5 - 6,5%/năm tùy vào NH và kỳ hạn, trong khi đó con số lãi suất 8% đã được nhắc đến ở những kỳ hạn dài.

Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động-Quang Định
Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động-Quang Định

Đợt tăng lãi suất lần này đặt ra nhiều câu hỏi thú vị.

Vì sao lãi suất tăng?

Trước hết, từ đầu năm 2016 nhiều báo cáo kinh tế đã dự đoán lãi suất phải tăng trong năm 2016. Nó là hệ quả từ sự hồi phục của thị trường bất động sản và tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2015 (tín dụng tăng trưởng đến 17,29% so với năm 2014).

Kể từ năm 2015, sự hồi phục của thị trường bất động sản đã thu hút một lượng lớn vốn nhàn rỗi chuyển sang thị trường này, trong khi NH cũng phải tăng cho vay để hỗ trợ tăng trưởng của khu vực bất động sản và xây dựng.

Tuy tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống trong các tháng đầu năm 2016 so với cuối năm 2015 không cao đột biến (1,54% trong quý 1), nó cũng không phải thấp so với tăng trưởng tín dụng quý 1-2015. Tại đầu tàu kinh tế TP.HCM, UBND thành phố cho biết tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thời điểm này vẫn tăng 18%, còn dư nợ tăng 15,44% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với mức tăng này của năm 2016 cộng với mức tăng tín dụng mạnh của năm 2015 và sự chênh lệch của kỳ hạn dài với kỳ hạn ngắn trong cho vay và huy động, nhiều NH sẽ vẫn phải tiếp tục nỗ lực tăng huy động, nhất là với kỳ hạn trung và dài hạn, để đảm bảo vốn cho các khoản vay và có tiền thanh toán lãi và gốc tiền gửi tiết kiệm cho khách hàng.

Điều này cho thấy sức ép đối với gia tăng huy động vốn trung và dài hạn của các NH thương mại vẫn rất đáng kể trong năm 2016. Mặt bằng lãi suất vì vậy khó tránh sẽ bị đẩy lên, nhất là với những kỳ hạn dài.

Trong khi đó, lạm phát tăng trở lại cũng góp phần khiến lãi suất tăng. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy lạm phát ba tháng đầu năm 2016 (đo lường theo chỉ số tiêu dùng) tăng bình quân 1,25% so với cùng kỳ năm trước, tăng đáng kể so với mức lạm phát 0,74% của quý 1-2015.

Nguy cơ lạm phát quay lại sẽ khiến nhà điều hành chính sách khó mà tính đến chuyện thực thi chính sách nới lỏng tiền tệ, bơm mạnh tiền ra nền kinh tế. NH cần tăng huy động mà tiền không thể bơm ra mạnh quá để tránh lạm phát tăng mạnh, nên lãi suất tăng là khó tránh.

Ngoài những yếu tố cơ bản như vậy, còn có những yếu tố đặc thù khác. Chẳng hạn vào đầu tháng 3 năm nay, ông Bùi Quốc Dũng, vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ của NH Nhà nước, cho biết dự kiến huy động vốn từ trái phiếu Chính phủ trong năm 2016 còn cao hơn năm 2015 và đây cũng sẽ là một yếu tố kéo mặt bằng lãi suất trung và dài hạn lên.

Trong khi đó, trong bài viết gần đây trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, tác giả Hải Lý cũng nhắc đến những yếu tố “kỹ thuật” không kém phần quan trọng.

Đó là áp lực giảm tỉ trọng vốn ngắn hạn trong cho vay trung và dài hạn để đáp ứng yêu cầu của dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều thông tư 36/2014/TT-NHNN (quy định các giới hạn, tỉ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng) và nhu cầu tăng vốn huy động để duy trì nguồn vốn nhằm duy trì hoạt động trong tiến trình tái cấu trúc và xử lý nợ xấu ở nhiều NH thương mại.

Những yếu tố cơ bản và yếu tố có tính thời điểm hiện tại đều tạo ra cùng sức ép đẩy mặt bằng lãi suất lên, mặc dù trong ngắn hạn không thấy có tình trạng căng thẳng thanh khoản mang tính hệ thống ở các NH thương mại.

Liệu lãi suất có còn tăng mạnh?

Câu trả lời này phụ thuộc vào ba yếu tố cơ bản.

Thứ nhất là lạm phát. Tăng trưởng kinh tế và hồi phục bất động sản của năm 2015 khiến dự báo của người dân về tăng trưởng và lạm phát trong năm 2016 đã tăng lên. Những số liệu kinh tế quý 1 cho thấy tăng trưởng kinh tế không cao như kỳ vọng, nhưng lạm phát đã là 1,25%.

Để tránh mức lạm phát vượt qua mục tiêu 4-5% trong năm nay, chính sách tiền tệ có thể phải duy trì ở trạng thái thận trọng để hạn chế lạm phát. Chính sách tiền tệ thận trọng đồng nghĩa với lượng tiền bơm ra nền kinh tế sẽ hạn chế và do đó lãi suất có thể còn tăng nếu nhu cầu vốn của NH còn lớn, một điều được dự báo nhiều khả năng sẽ xảy ra.

Thứ hai là bản thân sức khỏe của ngành NH. Nếu NH tiếp tục gia tăng cho vay trong khi nguồn vốn hiện có là giới hạn và phải đối mặt với những yếu tố kỹ thuật như bảo đảm an toàn vốn và giảm chênh lệch kỳ hạn trong huy động và cho vay, tăng lãi suất để thu hút tiết kiệm là tất yếu, nhất là ở những kỳ hạn dài.

Thứ ba là giá USD và vàng. Hiện tại tỉ giá vẫn đang khá ổn định và trong tầm kiểm soát, trong khi vàng, tuy đã hồi phục ít nhiều, vẫn chưa tạo ra những cơn sốt đáng kể. Đây chủ yếu nhờ những yếu tố bên ngoài, đặc biệt là việc vốn ngoại vào Việt Nam tăng lên, kiều hối dồi dào và đồng USD trên thị trường quốc tế không tăng mạnh nên không tạo ra cơn sốt găm giữ USD hay vàng.

Tuy nhiên, nếu có tín hiệu VND trượt giá mạnh, lạm phát nằm ngoài kiểm soát, các chuyên gia cho rằng sẽ không loại trừ tình huống người dân chuyển qua nắm giữ USD và vàng, bất kể lãi suất của chúng có là 0% hay âm đi nữa. Đây là vấn đề tâm lý. Vấn đề nằm ở niềm tin vào đồng tiền VND.

Nếu tâm lý găm giữ USD và vàng đột ngột tăng mạnh trở lại trong bối cảnh NH vẫn cần thu hút mạnh vốn VND, khó tránh một đợt chạy đua lãi suất do sốt vàng, USD gây ra. Tuy nhiên NH Nhà nước, vốn quyết tâm bình ổn tỉ giá và giá vàng trong vài năm gần đây, nhiều khả năng sẽ can thiệp bằng các biện pháp thị trường lẫn hành chính, do đó những áp lực này sẽ có tính thời điểm hơn là có tính dài hạn như hai yếu tố kể trên.

Trong điều kiện hiện tại, có thể thấy ba yếu tố này đều còn nằm trong tầm kiểm soát, do đó khả năng xảy ra cú sốc mạnh về lãi suất là không lớn. Tuy nhiên, việc ba yếu tố này nằm trong tầm kiểm soát có sự giúp đỡ rất nhiều từ các yếu tố bên ngoài hơn là nội tại nền kinh tế, do đó rủi ro trong điều hành lãi suất vẫn còn đó, nhất là về giai đoạn cuối năm.

Chẳng hạn, nhập siêu có thể bắt đầu tăng tốc kể từ mấy tháng cuối năm. Mặt khác, diễn biến của lạm phát chưa bao giờ là dễ dự đoán. Nếu lạm phát tăng đột biến, người dân cũng sẽ dự đoán tiền đồng khó tránh khỏi mất giá và chuyển sang giữ USD hay vàng. NH Nhà nước có thể cũng sẽ cần siết chặt tiền tệ, nâng các mức lãi suất chính sách để kiểm soát lạm phát, kéo mặt bằng lãi suất đi lên.

Vì vậy, mặc dù trong quý 2 sắp tới khả năng đột biến trong lãi suất (và cả tỉ giá) là không cao, khả năng kìm cương tỉ giá và lãi suất vào cuối năm vẫn là một câu hỏi, đặc biệt nếu lạm phát và nhập siêu trở nên đáng ngại hơn dự đoán, hoặc Chính phủ đột ngột cần hút nhiều vốn trung và dài hạn (chẳng hạn nếu đột ngột thiếu hụt nguồn thu ngân sách nghiêm trọng).

Tuy nhiên dù lãi suất vẫn nằm ở mặt bằng như hiện tại, một câu hỏi khác cần đặt ra là liệu nền kinh tế có thể chịu đựng một mức lãi suất huy động và cho vay ở mức cao như hiện tại bao lâu? Làm ăn tử tế mà kiếm lời để trả mức lãi suất 9-12% là một điều không hề dễ dàng.

Điều bí ẩn của nền kinh tế Việt Nam là người ta đã kiếm tiền để duy trì một mức vay nợ với lãi suất cao như vậy như thế nào? Liệu mức lợi nhuận biên bình quân 10-15% của một số ngành kinh doanh có duy trì được mãi để trả những khoản vay trung và dài hạn ở mức lãi suất đó? Đó là câu hỏi mà một đồng nghiệp ở Anh của tôi đã hỏi và tôi không biết câu trả lời.

Hi vọng độc giả nào đó hoặc nhà hoạch định chính sách có thể chỉ ra được doanh nghiệp chúng ta đã kiếm siêu lợi nhuận trong dài hạn như thế nào để trả lãi 9-12%, trong khi tăng trưởng kinh tế bình quân chỉ 5-6%. Hay là chúng ta đang bơm một quả bong bóng nợ xấu mới ở đâu đó?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận