Tự chọn… bắt buộc!

DƯƠNG THỊ HOÀNG OANH 06/06/2016 19:06 GMT+7

TTCT - Tự chọn, nhưng bắt buộc? Bạn có thể nghĩ tôi đang nói đùa hay đang chơi chữ? Không đâu, đây là một cụm từ có thật mà có trường còn gọi là môn tự chọn “cứng”.

Minh họa: Đức Trí
Minh họa: Đức Trí

Tự chọn “cứng”

Trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, một trong những nét đáng lưu ý là xác định các môn tự chọn và bắt buộc.

Tên gọi các môn học bắt buộc và tự chọn đã có trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Trong chương trình mới có thể nhận thấy có nhiều bổ sung, thay đổi về hệ thống các môn học bắt buộc và tự chọn gồm ba loại: tự chọn tùy ý (TC1), tự chọn trong nhóm môn học (TC2), tự chọn trong môn học (TC3). Đây là các nỗ lực đáng trân trọng, có thể thấy là sự áp dụng các mô hình môn học đã được vận hành thành công ở những nước có nền giáo dục tiên tiến.

Trong cấu trúc chương trình giáo dục của phần lớn cơ sở giáo dục tại những nước tiên tiến, kể cả bậc phổ thông và đại học, phần tự chọn đóng một vai trò rất quan trọng với giáo viên, trợ giảng, tư vấn, phương tiện phục vụ hỗ trợ giảng dạy chặt chẽ.

Nhiều nhà nước không chủ trương có một chương trình thống nhất cho toàn quốc, mà mỗi một trường (kể cả công lập và tư thục) đều có tính tự chủ và độc lập rất cao, kể cả về chương trình giảng dạy, đánh giá, cấp bằng, kiểm định chất lượng và kinh phí. 

Mỗi trường đều tự quyết một hướng đi riêng và tự chịu trách nhiệm về sản phẩm đào tạo (một số trường tính khối lượng kiến thức cần học theo môn và trường khác lại tính theo tín chỉ).

Tại Đại học Yale hay Princeton (Mỹ), với cấp đào tạo bậc cử nhân, trung bình mỗi năm sinh viên sẽ học 8-9 môn, trong đó có một số môn tự chọn nhất định (cả hai trường này đều một năm có hai học kỳ; tuy nhiên một số trường khác một năm học có đến ba, bốn học kỳ).

Sinh viên phải có đủ một số tín chỉ nhất định để hoàn thành một khóa học (nhiều trường không tính theo năm; thiếu tín chỉ năm này thì có thể bù lại năm khác; kể cả học phí, có trường trả học phí theo tín chỉ, trường khác trả học phí theo năm).

Trong đó phải có một số tín chỉ trong một số môn nhất định bắt buộc (như lịch sử hay khoa học tự nhiên) và một số môn bắt buộc nằm trong chuyên môn của mỗi sinh viên. Tính tự học và độc lập được đánh giá rất cao, xem như là trọng tâm phẩm chất yêu cầu hàng đầu của mỗi sinh viên.

Theo đó, sinh viên phải quyết định chọn lấy các môn học - một quá trình yêu cầu cao và phức tạp - nên họ được chuẩn bị kỹ trước khi lựa chọn. Ba tháng trước khi nhập học, mỗi sinh viên sẽ được nhận một kỷ yếu các môn học trong năm dày 300 - 400 trang, trong đó có ghi rõ tất cả các môn bắt buộc và tự chọn, với đầy đủ giải thích về mục tiêu, nội dung, hình thức dạy - học - đánh giá, các tài liệu tham khảo, các giáo sư phụ trách và các phương tiện học tập hỗ trợ.

Sinh viên phải nghiên cứu rất kỹ trước khi quyết định chọn học môn nào.

Khi bắt đầu năm học, trong hai tuần đầu tiên sinh viên có thể tự ý đổi môn học mà không bị ràng buộc. Ở Đại học Yale, giai đoạn này được gọi là “shopping period” (như đi chọn hàng khi mua sắm, sinh viên là khách hàng, giáo sư là những người chủ gian hàng).

Sinh viên được quyền dự thính bất cứ lớp học nào mình quan tâm, không bị ràng buộc với bất cứ quy định của bất cứ lớp học nào. Sau hai tuần, sinh viên sẽ quyết định lớp học mình chọn, đăng ký với phòng đào tạo để ghi danh theo học các lớp đó. 

Cả một bộ máy hành chính, đào tạo và bộ phận hỗ trợ phải hoạt động hết công suất để phục vụ lựa chọn này của sinh viên. Bộ phận tư vấn học tập phải “trực chiến” 24/7 nhằm giúp sinh viên có lựa chọn phù hợp nhất khi các em còn lưỡng lự.

Ta có thể tưởng tượng được khối lượng công việc đồ sộ ấy và một bộ máy nhiều thành phần phải kết hợp nhịp nhàng ra sao để có thể thực hiện được việc đưa ra các môn tự chọn mang tính khả thi, lại phải cập nhật trên một nền nghiên cứu tốt để đáp ứng nhu cầu của sinh viên, nhà trường và khối tuyển dụng trong xã hội.

Điểm sáng và hạn chế của quá trình tự chọn môn học

Nhưng không phải toàn bộ bức tranh tự chọn môn học trong chương trình giáo dục đều là màu hồng. Đại học Yale và Princeton đã rất thành công trong mô hình này, họ đã liên tục được xếp nhất, nhì, ba... trong hệ thống xếp loại các trường của Mỹ và cả thế giới.

Nhưng theo một nghiên cứu của tôi (năm 2011) về ảnh hưởng của cấu trúc giáo dục lên tính tự học của sinh viên, các bên liên quan đến guồng máy hoạt động này đều có điểm chưa hài lòng. Phòng đào tạo phàn nàn rằng họ không thể chủ động được trong việc sắp xếp phòng ốc, lớp học, thời gian... Các giáo sư phàn nàn rằng họ không chủ động được việc tổ chức các lớp học cũng như biết được số lượng và thành phần đối tượng sinh viên sẽ theo học lớp của mình.

Và dù hệ thống này được thiết lập và vận hành nhằm phục vụ sinh viên một cách tối ưu, nhiều sinh viên cũng không hài lòng. Một số cho biết khi đối mặt với quá nhiều chọn lựa, nhiều khi các em thấy quá tải và lúng túng khi chọn, chọn xong vẫn băn khoăn không biết như vậy là tối ưu chưa...

Có em phàn nàn về việc chưa được chuẩn bị đồng bộ và sâu sắc để phải đương đầu với các quyết định lớn mang tính chất đổi đời/quyết định tương lai và nghề nghiệp như thế. Mà đấy là ở một nền giáo dục đã định hướng tính độc lập, kỹ năng lựa chọn và quyết đoán cho người học từ cấp cơ sở và rất sớm.

Như thế, tự chọn các môn học là một quá trình khó khăn và phức tạp, liên quan nhiều phía. Nhà trường phải có đội ngũ chuyên gia chuẩn bị toàn diện các điều kiện để thiết kế, vận hành và kiểm định chương trình đào tạo. Các khoa phải có đội ngũ giáo viên và trợ giảng cùng các tài liệu hướng dẫn cần thiết cho sự lựa chọn của sinh viên.

Chưa kể họ phải kết hợp với các tổ chức xã hội/đoàn thể để luôn có một đường dây nóng tư vấn, hỗ trợ và giải đáp thắc mắc kịp thời cho sinh viên. Phòng đào tạo và phòng cơ sở vật chất phải chủ động sắp xếp, giải quyết và cung ứng các tài liệu, thiết bị, phòng học, phòng đọc, phòng học thêm... cho sinh viên cùng một hệ thống thư viện giấy/điện tử liên kết với các cơ sở đào tạo khác và luôn cập nhật.

Sinh viên phải chủ động nghiên cứu kỹ những tài liệu được cung cấp, tìm kiếm tài liệu liên quan, liên lạc với giáo sư và các cán bộ phục vụ... nhằm có được một bức tranh toàn cảnh và sâu sắc về những gì nhà trường có thể cung cấp, để sau cùng đưa ra lựa chọn đúng đắn, phù hợp và mang tính khả thi cho chương trình học của mình.

Ở Đại học Yale, nếu sinh viên không tìm thấy môn mình muốn học trong chương trình học của nhà trường, họ có thể yêu cầu được trình bày nguyện vọng với hội đồng khoa học khoa. Nếu hội đồng này nhận thấy yêu cầu về môn học đó là hợp lý và bổ ích, họ sẽ sáng lập môn học mới đó, cử giáo sư phụ trách và sắp xếp các công tác liên quan phục vụ môn học, trong khi có thể chỉ có một sinh viên theo học môn học này (phải lưu ý tỉ lệ giáo viên/sinh viên của Đại học Yale và Princeton là 6/1).

Thực tế ứng dụng ở Việt Nam

Ở Việt Nam, trong những năm học gần đây, đặc biệt trong khối đại học và các chương trình liên kết với nước ngoài, bên cạnh các môn học bắt buộc sẽ có danh sách môn học tự chọn. Tuy nhiên trong rất nhiều trường hợp, chúng được liệt kê dưới các tiêu đề “môn học lựa chọn” với chú thích “sinh viên chọn ba môn học tự chọn”. Danh sách các môn học tự chọn dừng lại con số... ba môn!

Khi được hỏi vì sao gọi là môn “tự chọn” mà lại chỉ có ba, câu trả lời luôn là: nhà trường/khoa chưa có đủ điều kiện về giáo viên, về thiết kế chương trình học, về tư liệu, về cơ sở vật chất. Một số trường đã gọi hiện tượng này là tự chọn “cứng”, đối lập với tự chọn ”mềm”.

Một trưởng khoa một trường đại học giải thích: tự chọn “cứng” là môn thuộc danh mục sinh viên tự lựa chọn tích lũy theo nhu cầu cá nhân, nhưng vì trường không có nhiều sinh viên và không đủ giáo viên nên trường chọn thay cho sinh viên một trong các môn thuộc nhóm tự chọn luôn. Như thế, “mang danh” tự chọn nhưng thực chất vẫn là môn bắt buộc. Từ “tự chọn” trong bối cảnh này được mang một ý nghĩa “mới” (hay là sai), thật ra chính là tự chọn... “bắt buộc”.

Trở lại dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, tên các môn “tự chọn” đưa ra rất ấn tượng, bao trùm các mảng giáo dục với một khối lượng đồ sộ, áp dụng cho tất cả các trường phổ thông từ Bắc chí Nam, từ thành thị, nông thôn đến vùng xa xôi hẻo lánh và miền núi.

Dù ý định của các nhà thiết kế chương trình giáo dục là rất tốt, ta không khỏi trăn trở về tính khả thi của điều này. Bởi hàng loạt câu hỏi chưa có lời giải: công tác chuẩn bị cho tất cả các ngành, các cấp nhân lực, vật lực... liên quan đã lâu dài, vững chắc, bao quát và phổ cập chưa? Ta đã có đủ kiến thức, kinh nghiệm, phương pháp, kinh phí và một thái độ thích hợp để vận hành và đánh giá hệ thống các môn chọn lựa này chưa?

Đã chuẩn bị đủ tài liệu và đào tạo phương pháp cho nguồn nhân lực rộng khắp đáp ứng yêu cầu chọn lựa này chưa? Làm thế nào để các môn “tự chọn” này không tồn tại trên giấy mà phải được thực hiện đúng thực chất? Trên hết là việc đào tạo giáo viên và cả sinh viên đủ sức thực hiện “sự chọn lựa” này.

Nếu giao cho sinh viên/học sinh quyền lựa chọn mà lại không cung cấp đủ kỹ năng để lựa chọn đưa đến quyết định đúng thì đó là một khiếm khuyết. Cần bắt đầu bằng việc trang bị cho các em khả năng thu thập, xử lý, sàng lọc, liên kết thông tin để đưa ra quyết định tốt và kịp thời.

Đặc biệt là phải cung cấp đủ cơ hội để sinh viên có thể nêu quan điểm và chọn trong số các cơ hội đó, chứ không phải là “bình mới rượu cũ”, mang danh là được “lựa chọn” nhưng lại chỉ các “lựa chọn” chết cứng, đóng khung mà người đi chọn thật ra lại... không có lựa chọn nào khác ngoài việc đành chấp nhận.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận