“Nội địa” để cho ai?

MINH NGỌC 04/10/2016 17:10 GMT+7

TTCT - Kể từ khóa học 2013-2017, một chứng chỉ tiếng Anh mang tên VNU-EPT (Vietnam National University - English Proficiency Test) được ĐHQG TP.HCM (VNU) quy định là chuẩn đầu ra cho hệ cao học kể từ khóa 2014 và đại học. Nhưng đây cũng là một chứng chỉ đang gây rất nhiều bức xúc cho cả sinh viên lẫn giảng viên các trường thành viên.

Minh họa: DAD
Minh họa: DAD

 

Tầm cỡ quốc gia - chứng chỉ “nội địa”

Quyết định 1073/QĐ-ĐHQG-KT&ĐG ban hành quy định về tổ chức kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh và một loạt quy định về việc áp dụng chuẩn tiếng Anh, triển khai chứng chỉ tiếng Anh VNU căn cứ quyết định số 51/QĐ-ĐHQG-ĐH&SĐH ngày 25-1-2011 của VNU được xem là động thái xóa sổ các chứng chỉ ABC cũ của các trường thành viên vốn đã lỗi thời, thay bằng một chứng chỉ nội bộ khác.

Đây là quyết định nhằm “thu về một mối” việc tổ chức thi cử môn tiếng Anh cho sinh viên thuộc sáu trường thành viên VNU. Với tầm vóc quốc gia của VNU, việc ban hành một loại chứng chỉ nội bộ như VNU-EPT là một điều lạ lùng khi mà rất nhiều đại học cấp nhỏ hơn trên cả nước đã chọn các chứng chỉ quốc tế làm chuẩn đầu ra cho sinh viên của họ.

Một cổ hai tròng

Tôi thắc mắc là tại sao lại ra thêm chứng chỉ VNU-EPT mà không sử dụng luôn những thang đo quốc tế rất chuẩn như IELTS, TOEFL, TOEIC... hay các chứng chỉ ngoại ngữ của British Council. Tuy nhiên vấn đề gốc, theo tôi, là phương pháp học ngoại ngữ của học sinh, sinh viên VN. Không rõ họ học gì từ lớp 6 lên đến lớp 12 mà vẫn không sử dụng được ngoại ngữ, nên lên đến đại học là rơi rụng...

Thực tế cho thấy phương pháp dạy, phương pháp học tiếng Anh ở bậc phổ thông và cả ở bậc đại học đang có nhiều bất cập. Điều quan trọng hiện nay là tập trung vào giải pháp nâng cao năng lực ngoại ngữ của sinh viên như giáo trình học, phương pháp dạy và học, không gian học... giúp người học đạt chuẩn đầu ra theo thang đo quốc tế, thay vì buộc họ phải đạt chứng chỉ nội bộ như VNU-EPT.

TS Nguyễn Tuyết Phương

(phó trưởng khoa hóa học Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM)

Ngoài một số sinh viên dự thi IELTS hoặc TOEFL iBT để du học hay ứng thí vào những vị trí đòi hỏi những chứng chỉ trên, đa số sinh viên ở nhiều đại học hiện đều chuẩn bị tiếng Anh của mình theo định hướng TOEIC hai kỹ năng nghe - đọc, vì đa số công ty và nhà tuyển dụng hiện đều đòi hỏi loại chứng chỉ này và hầu như không ai biết đến VNU-EPT là gì.

Chính vì vậy, các sinh viên vừa phải dự thi chứng chỉ VNU để tốt nghiệp lại còn phải dự thi TOEIC để có thể xin việc.

Một lý do khiến các công ty đòi hỏi chứng chỉ TOEIC là loại tiếng Anh này phù hợp cho người đi làm. Nhiều đại học chọn kỳ thi hai kỹ năng TOEIC do lệ phí cho hai kỹ năng này chỉ trên dưới 700.000 đồng, trong khi lệ phí cho một lần thi IELTS lên đến 4,5 triệu đồng, TOEFL iBT cũng trên dưới 4 triệu đồng - một gánh nặng quá lớn cho nhiều sinh viên và gia đình họ.

Nhiều trường như ĐH Bách khoa TP.HCM đã triển khai rất tốt chương trình TOEIC hoặc các chương trình tiếng Anh quốc tế khác cho sinh viên của họ trong 10 năm qua, nay cũng phải “đối phó” với chứng chỉ VNU-EPT.

Tại một hội thảo do Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ (ETS) ở Việt Nam tổ chức tháng 7 vừa qua, một chuyên viên về tiếng Anh của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục cho biết đến nay, những loại chứng chỉ tiếng Anh “nội địa” đều có vấn đề.

Vị này khuyến cáo các trường thành viên VNU sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế cho chuẩn đầu ra của sinh viên trường mình.

Một loại chứng chỉ quốc tế khác mà sinh viên có thể tiếp cận là PET (Cambridge) do lệ phí thi tương đối phải chăng (950.000 đồng/lượt thi) so với IELTS, TOEFL iBT và vì tính chất khoa học, phổ biến của nó.

Tuy nhiên, chứng chỉ này bị VNU TP.HCM “làm khó” vì theo quy định của Bộ GD-ĐT, sinh viên đạt 70/100 chứng chỉ PET trở lên (bậc 3/6 khung ngoại ngữ của Bộ GD-ĐT cũng đủ điều kiện đầu ra thạc sĩ) là đủ đạt chuẩn đầu ra đại học, nhưng VNU TP.HCM đã nâng lên 80/100 (B1.2 theo quy định của VNU TP.HCM).

Không thể không hoài nghi rằng liệu mức điểm đã bị nâng lên cao vượt cả yêu cầu của Bộ GD-ĐT như thế có phải là cách ép sinh viên phải trở về thi chứng chỉ VNU-EPT hay không.

Cũng cần nói thêm, VNU TP.HCM công nhận các loại chứng chỉ tiếng Anh thuộc khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho VN do Bộ GD-ĐT ban hành (thông tư 01/2014/TT-BGDĐT) cho đầu vào cao học, nhưng lại không công nhận các chứng chỉ này cho đầu ra cao học (công văn 1212 ĐHQG-ĐH&SĐH ngày 15-7-2015).

Khi không chấp nhận chứng chỉ của bộ ủy quyền cho một số đại học tổ chức thi cử và cấp phát mà chỉ chấp nhận chứng chỉ nội bộ của mình, dư luận đặt câu hỏi: phải chăng VNU TP.HCM đang “vượt quyền” bộ và tạo ra tình trạng “cát cứ” về tiếng Anh cho riêng mình?

Tuy lệ phí dự thi chứng chỉ VNU-EPT là 500.000 đồng/lượt thi nhưng với khoảng 10.000 sinh viên mỗi năm phải qua “ải” VNU, đây là một khoản thu không nhỏ. Mà muốn lấy chứng chỉ ắt phải luyện thi thêm. Đây lại là một khoản chi tốn kém rất lớn cho sinh viên.

Trên một trang web của Trung tâm tiếng Anh (ĐH Kinh tế - luật) có cả một mẩu quảng cáo một lớp ôn tập cho kỳ thi chứng chỉ VNU lên tới 7 triệu đồng/khóa học!

Đủ chuyện lộn xộn

Hơn ai hết, chính VNU TP.HCM đã thấy rõ điều này ngay từ kỳ tuyển sinh cao học năm 2014, khi họ đòi hỏi sinh viên muốn vào học cao học ở các trường thành viên phải dự thi chứng chỉ VNU và vấp phải phản ứng tức thì từ phía người học khi số sinh viên dự tuyển cao học năm ấy sút giảm nghiêm trọng.

VNU TP.HCM đã phải trì hoãn quyết định này và đến nay vẫn chưa thể áp dụng cho các kỳ thi tuyển sinh sau đại học. Tuy thế, trường vẫn yêu cầu sinh viên phải có chứng chỉ VNU ở đầu ra khi họ đã “vào tròng”.

Hệ quả là có những khóa cao học tại các trường thành viên có đến 80% học viên chưa thể tốt nghiệp vì nợ chứng chỉ tiếng Anh. Thậm chí có học viên thi đầu vào bằng tiếng Anh nhưng đầu ra lại có chứng chỉ một ngoại ngữ khác mới đủ điều kiện tốt nghiệp.

Để thực hiện ý định đó, Trung tâm khảo thí ĐHQG TP.HCM đã “đề nghị” các trường tổ chức học kỳ cho sinh viên đại học theo định hướng kỳ thi VNU.

Theo đó, Trung tâm khảo thí sẽ cung cấp đề thi nghe và nói cho các trường (mặc dù chỉ một trường thành viên trong cả sáu trường là ĐH KHXH&NV xây dựng chương trình học cho sinh viên theo hướng 14 cấp độ VNU của VNU TP.HCM).

Đây là một động thái “ép” các trường phá vỡ những quy định về đánh giá mà họ đã cam kết. Sức “vận động” của VNU mạnh đến nỗi có trường thành viên đã quyết định một việc vô nguyên tắc là cộng điểm rèn luyện cho sinh viên dự thi chứng chỉ VNU!

Đáng nói là dịch vụ “ăn theo” xuất hiện khá rõ từ các cơ sở liên quan. Chẳng hạn, Viện Đào tạo quốc tế (ĐHQG TP.HCM) kịp tung ra tập sách giới thiệu dạng thức đề thi VNU để bán cho sinh viên với giá 150.000 đồng/cuốn.

Đã xuất hiện những trang web quảng cáo thi VNU đậu 100% hoặc cam kết sẽ “hỗ trợ” người thi rớt...

Ban lãnh đạo Trung tâm khảo thí ĐHQG TP.HCM luôn khẳng định trung tâm không luyện thi chứng chỉ VNU, nhưng cũng cần nói rõ rằng giám đốc Trung tâm khảo thí Trương Quang Được cũng là viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế, nơi tổ chức “luyện thi chính thống chứng chỉ VNU” như quảng cáo trên trang web.

Liệu đây có phải là điều “tạo đất” cho những đồn thổi trong sinh viên rằng luyện thi ở Viện Đào tạo quốc tế là “dễ đậu nhất” dù học phí ở đó không hề rẻ.

Nếu thực chất chỉ là kiểm tra trình độ tiếng Anh đầu ra và mong muốn tiết kiệm thật sự cho sinh viên, ĐHQG TP.HCM chỉ cần thành lập một hội đồng thi chung gọn nhẹ cho toàn ĐHQG với sự tham dự của giảng viên tiếng Anh các trường thành viên.

Hội đồng này sẽ tổ chức những kỳ thi định kỳ để sinh viên có thể tham dự với một lệ phí phải chăng, mang tính phi lợi nhuận (nhiều nhà quản lý cho biết lượng thí sinh càng đông thì chi phí càng thấp).

Ban đề án ngoại ngữ ĐHQG TP.HCM có nguồn kinh phí rất lớn, nên sử dụng nguồn kinh phí này để hỗ trợ cơ sở vật chất và những chương trình này một cách thiết thực cho sinh viên - với thành phần gia đình đa số rất nghèo ở tỉnh xa - hơn là cứ loay hoay với một loại chứng chỉ “hữu danh vô thực”.■

Luộm thuộm thi cử

Ở góc độ chuyên môn, nhiều giảng viên tiếng Anh thuộc các trường thành viên ĐHQG TP.HCM cho biết ngoài tính “nội địa” của chứng chỉ VNU-EPT thì dạng thức, cách tổ chức và tính khoa học của chứng chỉ chưa được kiểm chứng đầy đủ.

Theo phân tích của một số giảng viên tiếng Anh, dạng thức đề thi VNU là sự tổng hợp các đề thi quốc tế như IELTS, TOEFL iBT, TOEIC... Phần “sáng tạo” duy nhất của VNU là đoạn đọc hiểu với 10 từ được bôi đen để tìm từ đồng nghĩa.

Loại câu hỏi này, theo nhiều giảng viên, vừa làm rối mắt thí sinh, cắt đứt mạch đọc hiểu, không chứng minh gì được mức độ hiểu (reading comprehension) của thí sinh... Những phần thi không phải trắc nghiệm thì các tiêu chí chấm thi chưa rõ ràng.

Ở những đợt tập huấn chấm thi được tổ chức nhiều lần cho giảng viên các trường thành viên, chênh lệch về điểm số giữa các giám khảo rõ rệt ở phần thi viết. Phần thi nói càng gây rất nhiều tranh cãi... Những bất cập này chưa được giải quyết rốt ráo.

Để so sánh, trang web của các chứng chỉ quốc tế như IELTS và TOEFL iBT đều công bố những bài thi viết với những điểm số khác nhau để thí sinh tham khảo và chứng tỏ tính khách quan, minh bạch trong quy trình chấm thi - điều VNU chưa làm được.

Tính ổn định và độ khó tương đồng của các kỳ thi khác nhau trong các đề thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế cũng không được đảm bảo. Các chứng chỉ quốc tế luôn được thử nghiệm ở nhiều nơi khác nhau trước khi đưa vào ngân hàng đề thi chờ sử dụng, vì thế độ khó của các đề thi luôn nhất quán.

Chẳng hạn một thí sinh có trình độ TOEFL là 70 điểm, nếu dự thi TOEFL trong ba kỳ thi được tổ chức ở ba tuần lễ liên tiếp thì điểm số của thí sinh này vẫn nằm ở mức trên dưới 70, khó có sự thay đổi đột biến.

Sau nhiều phản ứng từ các trường thành viên, VNU TP.HCM tạm thời chấp nhận chứng chỉ TOEIC hai kỹ năng nhưng vẫn quàng thêm điều kiện “sinh viên phải thi thêm hai kỹ năng nói - viết của VNU” để được hợp thức hóa đầu ra của mình.

Chính trường cũng “phá rào”, chẳng hạn tách một kỳ thi thành hai phân đoạn bằng cách cho sinh viên ĐH KHXH&NV TP.HCM thi đợt 26-12-2015 đạt 88 điểm môn nghe - đọc tại trường được đóng thêm tiền (350.000 đồng) để thi đợt hai ngày 15-5-2016 (thông báo ngày 20-4-2016) để tích lũy điểm, dù quy định không hề cho phép điều này.

 

Vietnam Airlines đang có nhu cầu tuyển dụng tiếp viên hàng không với số lượng khá nhiều. Hội đồng tuyển dụng của chúng tôi hằng năm đều đến hầu hết các trường ĐH ở TP.HCM, Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác để tạo nguồn tuyển ứng viên.

Đối với vị trí tuyển dụng tiếp viên hàng không, điều kiện về ngoại ngữ là rất quan trọng, tuy nhiên nguồn sinh viên đáp ứng được yêu cầu này rất khó kiếm. Phần lớn các bạn chưa đủ điểm về tiếng Anh (TOEIC 550 điểm hoặc tương đương) để đáp ứng tiêu chí đầu vào.

Hiện nay, Vietnam Airlines yêu cầu ứng viên phải đạt tiêu chí về ngoại ngữ là chứng chỉ ngoại ngữ TOEIC vì đây là chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế coi trọng kỹ năng giao tiếp, được nhiều nước trên thế giới công nhận, trong khi các chứng chỉ khác thiên về học thuật, chứng chỉ của các trường ĐH chỉ mang tính nội bộ.

Chúng tôi chưa biết đến chứng chỉ VNU-EPT là gì. Sinh viên các trường thành viên ĐHQG TP.HCM muốn dự tuyển vào Vietnam Airlines vẫn phải có chứng chỉ TOEIC.

Bà Vũ Thị Kim Cúc (phó trưởng phòng đào tạo đoàn tiếp viên Vietnam Airlines)

Đối với khóa 2012 trở về trước, nhà trường yêu cầu sinh viên chỉ cần có chứng chỉ B ngoại ngữ quốc gia hoặc tương đương (có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế) là đạt chuẩn đầu ra. Theo tôi, việc yêu cầu sinh viên phải đạt được bốn kỹ năng ngoại ngữ nghe, nói, đọc, viết là điều cần thiết, nhưng không nhất thiết bắt buộc sinh viên phải thi lấy chứng chỉ nội bộ như VNU-EPT. ĐHQG TP.HCM nên có quy định mở để sinh viên tự chọn lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hay VNU-EPT, miễn sao họ đạt được bốn kỹ năng theo yêu cầu. Tôi từng theo học các lớp tiếng Anh do trường tổ chức nhưng giáo viên dạy rất chán, phương pháp dạy lạc hậu, chỉ xoay quanh ngữ pháp, không tạo được tính chủ động và môi trường rèn kỹ năng giao tiếp cho người học nên tôi ra ngoài học và tự học qua mạng. Sự thật là phần lớn sinh viên khối không chuyên hiện nay học ngoại ngữ mang tính đối phó để có chứng chỉ nộp cho trường. Không ít sinh viên thi đi thi lại nhiều lần vì thiếu kiến thức và “đánh lụi”.

Phan Thị Cẩm Tiên

(sinh viên khóa 2012 Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận