Tuổi già và lương hưu: nước giàu cũng khó

TTCT - Sinh - lão - bệnh - tử là quy luật tự nhiên của đời người. Tuy vậy nhìn dưới góc độ tài chính, giai đoạn lão là giai đoạn khó khăn nhất của một người do thu nhập sụt giảm nhiều so với trước đó, nhưng chi phí cá nhân lại tăng liên quan đến y tế, bảo hiểm. Vì vậy, nhu cầu thu nhập cho tuổi già được đảm bảo là cần thiết cho mỗi cá nhân và cả xã hội.

Khi chính phủ các nước ngày càng gặp khó khăn về ngân sách, gánh nặng lương hưu càng là vấn đề đau đầu          - L.N.M.

 

Ở các nước phát triển, mặc dù hệ thống an sinh xã hội tốt nhưng không phải vì thế mà người già nào cũng có được sự an tâm về tài chính. Một trong những nguyên nhân quan trọng của vấn đề này (bên cạnh những vấn đề nổi cộm như chi phí y tế cao, con người ngày một sống lâu, còn các chính phủ thì ngày càng nợ nần) là khả năng quản lý tài chính cá nhân kém, xuất phát từ sự thiếu hiệu quả của giáo dục về tài chính cá nhân từ nhỏ.

Pháp tăng tuổi hưu, tăng chi

Báo Les Echos ngày 10-10 cho biết chính sách thay đổi tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62 vào năm 2010 tại Pháp có những hệ lụy đáng buồn. Theo đó, tỉ lệ có việc làm ở tuổi 60 là khoảng 40% nhưng cũng ở độ tuổi này, 29% dân Pháp không có cả việc làm lẫn lương hưu.

Những người này phải trông chờ vào các nguồn trợ cấp hay hỗ trợ khác từ quỹ thất nghiệp, trợ cấp mức sống tối thiểu, trợ cấp ốm đau, trợ cấp mất khả năng lao động...

Việc tăng tuổi hưu lên hai tuổi ở Pháp giúp tiết kiệm được khoảng 14 tỉ euro trong giai đoạn 2017-2020, nhưng 15% trong số tiền này được chi trả cho những trường hợp mất khả năng lao động. Vì nhiều nguyên nhân, tăng tuổi hưu ở Pháp một mặt tăng tiết kiệm cho quỹ hưu trí, nhưng mặt khác phải chi thêm cho các quyền lợi khác lên đến 32%.

Ở Anh, tình trạng cũng không khá hơn. Một nghiên cứu năm 2015 của Institute of Fiscal Studies cho biết một bộ phận lớn những người ở độ tuổi gần 40 đang có nguy cơ về hưu với số tiền chỉ 271 bảng Anh mỗi tháng trong tài khoản hưu trí tư nhân (private pension), vừa đủ trả các hóa đơn cơ bản như tiền điện, nước, Internet hằng tháng, trong khi tuổi nhận tiền hưu trí nhà nước (state pension) nâng lên cao và số tiền hưu trí nhà nước trả sẽ rất thấp so với các thế hệ trước.

Nhiều báo cáo khác ở Anh cũng dự đoán tình trạng nghèo đói khi về già, đặc biệt là sau 70 tuổi, sẽ tăng lên rất đáng kể trong nhiều năm tới.

Con số ước tính của Tổ chức Independent Age cho biết hiện tại, hơn 1 triệu người trong độ tuổi 75 hoặc hơn đang sống trong đói nghèo, nhưng tình hình sẽ chuyển biến xấu hơn nhiều trong tương lai.

Trong khi đó, nguồn lực của chính phủ đang cạn kiệt dần và chi phí y tế sẽ còn tăng cao nữa (do chính phủ không thể tiếp tục bơm thêm tiền bù đắp những lỗ hổng ngân sách y tế hiện tại đang ngày một lớn lên).

Do đó, nghèo đói và bệnh tật tuổi già là nỗi lo cho cả những nước giàu chứ không nói gì đến Việt Nam, một nước đang đối mặt với nguy cơ “chưa giàu đã già”.

Khi các chính phủ trên toàn cầu đang ngày càng gặp nhiều khó khăn về ngân sách, tư duy “nhà nước nuôi” đã không còn phù hợp trên bình diện toàn cầu. Thay vào đó, nhà nước cần tạo điều kiện hết mức để người dân có thể “tự nuôi” bản thân khi về già thông qua giáo dục và ưu đãi cho các định chế tài chính cá nhân và một chính sách thuế khóa phù hợp.

Khả năng quản lý tài chính cá nhân cần được cải thiện

Trong khi các chính phủ đang thiếu tiền và tình trạng nghèo khổ khi về già đang trở thành sự thật ngay cả ở những nước giàu, người dân lại không có được sự cảnh báo và chuẩn bị thích đáng cho tình huống đó.

Theo khảo sát về kiến thức tài chính của người trưởng thành vừa được công bố trong tháng 10 của OECD/INFE, ba vấn đề liên quan đến kiến thức, ứng xử và quan điểm về tài chính của người dân ở 30 quốc gia được khảo sát cho thấy vấn đề khá nghiêm trọng (trong đó có 17 nước thuộc OECD, nghĩa là các nước có trình độ phát triển cao).

Thang điểm cao nhất của hiểu biết là 7, của ứng xử là 9 và của quan điểm là 5. Về kiến thức tài chính, chỉ có 56% người trưởng thành đạt yêu cầu tối thiểu là 5/7. Chẳng hạn, chỉ có 42% biết về lãi kép và 66% biết được có thể giảm thiểu rủi ro đầu tư bằng cách đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Về ứng xử tài chính, chỉ có 51% đạt yêu cầu tối thiểu là 6/9 liên quan đến lập kế hoạch chi tiêu, sử dụng dịch vụ tư vấn tài chính độc lập, nhất là tiết kiệm cho các kế hoạch trung - dài hạn.

Trong khi đó về quan điểm tài chính, nhiều người chỉ nhìn trong ngắn hạn khi chỉ có 50% đạt yêu cầu tối thiểu.

Với những người tham gia hưu trí qua bảo hiểm xã hội hay quỹ hưu trí, họ sẽ nhận được lương hưu khi đến độ tuổi nhất định. Nếu hệ thống hưu trí vận hành tốt, khoản thu nhập này dù có ít hơn trước đó vẫn đủ để họ trang trải các chi phí cần thiết (ở nhiều nước, du lịch cũng được xem là một chi phí cần thiết của người già).

Đương nhiên sẽ có những người khó khăn hơn khi tổng thời gian tham gia ít hơn quy định hay mức đóng góp thấp. Khi đó, họ cần sự trợ giúp của chính phủ hay nguồn thu khác để bù đắp.

Ở những quốc gia mà tỉ lệ tham gia hưu trí thấp (ở Việt Nam hiện nay ước tính khoảng 23% lực lượng lao động tham gia) hoặc lương hưu thực tế không theo kịp chi phí thực tế, nhiều người phải đầu tư, tích lũy dưới nhiều hình thức khác nhau để có “lương hưu thay thế” hoặc “lương hưu bổ sung”.

Chẳng hạn mở một tài khoản tiết kiệm, mua trả góp nhà để cho thuê, đầu tư dồn tích vào tài sản có giá (cổ phiếu, vàng, ngoại tệ...), thậm chí “đầu tư” vào con cái.

Mỗi người khi về già tùy nhu cầu chi tiêu sẽ có nhu cầu tài chính khác nhau, nhưng chắc rằng không ít với các chi phí y tế và bảo hiểm. Muốn được đảm bảo, cần tính toán trước khi đang ở lứa tuổi có nhiều khả năng tạo thu nhập để cân bằng và hài hòa chi tiêu.

Trong trường hợp thiếu hụt, cần có kế hoạch bù đắp sớm, chẳng hạn như nỗ lực làm việc nhiều hơn. Bên cạnh đó, sự phụ thuộc về tài chính, nếu có, cũng là một sự không thoải mái về tâm lý, như trong trường hợp trông chờ hiệu quả “đầu tư” vào con cái.

Dưới góc độ chính sách, chương trình giáo dục tài chính cá nhân cần được thực hiện sớm, từ tiểu học và trung học. Bên cạnh đó, các chương trình dự phòng tài chính và kế hoạch tài chính dài hạn của cá nhân cần được khuyến khích và tạo điều kiện, một trong những ví dụ là thông qua chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân khi bỏ tiền tiết kiệm vào quỹ hưu trí tư nhân.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận