Cần đạo luật vì quyền tự do hiệp hội

NGUYỄN ĐỨC LAM 11/11/2016 23:11 GMT+7

TTCT- Trong lịch sử lập pháp của VN, có lẽ Luật về hội là đạo luật được “nâng lên, đặt xuống” nhiều nhất.

 

 Cách đây khoảng 20 năm, ý tưởng về một đạo luật như vậy đã được đưa ra. Quá trình chuẩn bị 20 năm “nhiều trăn trở”, tưởng rằng tư duy sẽ đổi khác, nhưng lần này dự thảo luật gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của các chuyên gia, các hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Tại sao như vậy?

Vấn đề “đầu tiên”?

Theo khoản 5, điều 8 của dự thảo Luật về hội bản ngày 10-10 và 24-10, “Hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”.

Đây là điều khoản gặp phải sự phản đối “dữ dội” nhất từ các hội, chuyên gia cũng như các ĐBQH. Hầu hết trong số 49 ĐBQH phát biểu tại hội trường ngày 25-10 đều nói về khoản 5, điều 8 và không đồng ý với dự thảo.

Một số ĐBQH đề nghị hội được liên kết, gia nhập hội nước ngoài, nhận tài trợ của nước ngoài, nhưng để Chính phủ quy định cụ thể.

Còn các ĐBQH khác yêu cầu bỏ quy định “quá chặt” này vì không phù hợp với chủ trương chủ động hội nhập quốc tế, khép lại kênh quan hệ quốc tế rất quan trọng của ngoại giao nhân dân, mất đi cơ hội huy động và tiếp nhận nguồn kinh phí đáng kể trong điều kiện hội hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự trang trải kinh phí.

Hơn nữa, lý do quy định như trên “nhằm phòng ngừa việc lợi dụng liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, nhận tài trợ nước ngoài để hoạt động trái pháp luật, chống phá Nhà nước và chế độ, làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của nhân dân” là không thuyết phục.

Giả sử có chuyện trên thì ngược lại, có rất nhiều hội liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, nhận tài trợ nước ngoài để hoạt động mang lại lợi ích cho Nhà nước, để cuộc sống của nhân dân bình yên hơn.

Theo Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật VN (VUSTA), riêng năm 2015, Hội Huyết học - truyền máu VN nhận 10 triệu USD tài trợ nước ngoài, cứu sống bao nhiêu con người.

ĐBQH Nghiêm Vũ Khải cho biết bình quân mỗi năm từ 250-300 triệu USD được viện trợ và thông qua dự án phi Chính phủ nước ngoài, giúp các tổ chức nâng cao năng lực hoạt động; hướng vào các mục tiêu như xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe, biến đổi khí hậu...

Như vậy, không thể vì phòng ngừa số ít mà làm ảnh hưởng đến quyền hiến định của số đông các hội. Rốt cuộc người thiệt thòi là người dân có hoàn cảnh khó khăn. Vấn đề là chúng ta có đủ bộ máy quản lý nhà nước, pháp luật để phát hiện, xử lý những hiện tượng đó mà không phải cấm như dự thảo luật.

Cuối cùng, quy định như vậy là trái với Hiến pháp. Thứ nhất: xâm phạm quyền bình đẳng trước pháp luật do Hiến pháp ghi nhận; các hội sẽ thiệt thòi hơn các tổ chức chính trị - xã hội; còn “trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định” tạo ra tình trạng hội hơn, hội kém.

Thứ hai: đây là việc giới hạn quyền, mà theo Hiến pháp, điều này chỉ do luật của Quốc hội quy định, không phải do văn bản của Chính phủ.

Thứ ba: dù điều 14 của Hiến pháp quy định những trường hợp có thể hạn chế quyền, nhưng không thể nói nhận tiền tài trợ của các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới... là ảnh hưởng đến“quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Cơ chế “xin - cho”

Nhiều chuyên gia, ĐBQH cho rằng việc đăng ký, thành lập hội như trong dự thảo Luật về hội còn rườm rà, nặng về thủ tục, trái với tinh thần cải cách hành chính; có những thủ tục bất hợp lý, thậm chí trái Hiến pháp, như người sáng lập hội phải có sức khỏe, vậy những người khuyết tật muốn thành lập hội thì sao?

Hoặc người sáng lập hội phải có uy tín, vậy xác định uy tín như thế nào... Tóm lại, nếu muốn thành lập hội, công dân phải qua không chỉ một lần “xin - cho” với cơ quan có thẩm quyền. Nhiều ĐBQH đề nghị cần giảm bớt thủ tục hành chính, hướng đến đảm bảo quyền tự do của công dân; “cởi trói cho các hội hoạt động”.

Một trong những vấn đề được các hội, chuyên gia, ĐBQH nêu là dự thảo luật còn bỏ sót nhiều loại hội. Theo dự thảo, hội phải “được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập, công nhận điều lệ và người đứng đầu”.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng phân tích: có những loại hội như hội học sinh, hội đại học... giao lưu một năm một lần, chẳng có trụ sở, hoặc hàng ngàn nhóm hội đã và sẽ ra đời trong các lĩnh vực như thiện nguyện, họ có phải đăng ký không?

Dự thảo luật nên bổ sung quy phạm để phân loại làm rõ cơ cấu của các tổ chức hội đơn nhất khác gì với hiệp hội, tổng hội, liên hiệp hội, liên đoàn, liên minh, hội có đăng ký và hội không đăng ký như các dự thảo trước.

Bên cạnh, thanh thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi cũng có quyền lập hội cho phù hợp với điều 15, Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em.

Bản chất của Luật về hội là luật để công dân thực thi quyền thuận lợi, luật về quyền chứ không phải luật để quản hội cho chặt.

Nhiều ĐBQH đề nghị dự thảo luật cần bảo đảm hài hòa giữa việc quản lý của Nhà nước đối với hội và việc thể hiện nội dung quyền lập hội, trách nhiệm của Nhà nước tạo điều kiện để hội hoạt động, phát triển theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Đúng ra, từ thuật ngữ cho đến quan niệm, đây là Luật về quyền tự do hiệp hội, chứ không phải Luật về hội. “Tự do hiệp hội” bao gồm “tự do từ khi người ta đến với nhau, kết giao với nhau, nhận các nguồn đóng góp tài trợ như thế nào, kết giao bất kể biên giới hành chính, đến khi giải thể, chấm dứt việc hiệp hội”.

Nói như ông Dương Trung Quốc, “chúng ta đã có một trải nghiệm lịch sử”, từ xa xưa tổ tiên chúng ta chủ yếu dựa vào những mối quan hệ hội hè trong làng xã, Nhà nước hầu như không can thiệp. Ngày nay, VN đang dần theo hướng Nhà nước nhỏ, xã hội lớn; Nhà nước kiến tạo phát triển.

Tương tự như Luật doanh nghiệp, Luật về hội cũng cần phải là một đạo luật cởi mở, tạo động lực cho các cộng đồng xã hội ra đời, lớn mạnh, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.■

 Đúng ra, đây là Luật về quyền tự do hiệp hội, chứ không phải Luật về hội. “Tự do hiệp hội” bao gồm “tự do từ khi người ta đến với nhau, kết giao với nhau, nhận các nguồn đóng góp tài trợ như thế nào, kết giao bất kể biên giới hành chính, đến khi giải thể, chấm dứt việc hiệp hội”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận