Chất vấn tại nghị trường: Vẫn khó để “đi đến cùng”

LÊ KIÊN 21/11/2016 22:11 GMT+7

TTCT - Nét mới nhất dễ nhìn thấy tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIV là những tấm bảng được đại biểu giơ lên trong các phiên thảo luận, chất vấn để sử dụng quyền tranh luận. Việc đổi mới này đã tạo ra không khí hấp dẫn, lôi cuốn hơn trên nghị trường, nhưng vẫn chưa đủ để “đẩy” các vấn đề “đi đến cùng” như mong muốn.

Ông Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) là một trong những đại biểu đầu tiên giơ bảng để sử dụng quyền tranh luận -VIỆT DŨNG
Ông Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) là một trong những đại biểu đầu tiên giơ bảng để sử dụng quyền tranh luận -VIỆT DŨNG

Sôi động

Vào đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ sáng 16-11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thông báo có tới 59 vị đại biểu ấn nút đăng ký chất vấn.

Số này là quá nhiều so với thời gian được ấn định cho phần trả lời chất vấn của vị bộ trưởng này là khoảng ba giờ đồng hồ. Nhưng khi ông Nhạ chưa kịp trả lời xong những vấn đề bốn đại biểu đầu tiên nêu ra thì đã có nhiều tấm bảng được giơ lên yêu cầu tranh luận.

Không hài lòng”; “Chưa thỏa đáng”, “Bộ trưởng nói như vậy nhưng tôi thấy ngược lại”. Các đại biểu Quốc hội đã sử dụng những từ ngữ như vậy với tần suất nhiều hơn ngay trong phiên chất vấn, thậm chí ngay khi bộ trưởng vừa dứt lời, điều hiếm khi xảy ra ở các kỳ họp trước do các đại biểu phải “xếp hàng” theo danh sách đã ấn nút đăng ký lúc đầu giờ và thường xảy ra tình trạng là đăng ký nhưng không đến lượt.

Một lý do quan trọng nữa để các phiên họp kỳ này sôi động hơn, đó là sự vào cuộc nhanh của các đại biểu, trong đó có không ít đại biểu trúng cử lần đầu.

Ví dụ, chất vấn của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) về “thép Cà Ná” đối với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã khiến hội trường im lặng trong giây lát (hình ảnh của vị đại biểu này xuất hiện trên hầu hết các trang báo sau đó).

Đại biểu Minh Hiền cũng lập tức sử dụng quyền tranh luận để thẳng thắn bày tỏ quan điểm không đồng tình và thấy đau lòng khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói rằng việc điều giáo viên đi tiếp khách như ở Hà Tĩnh đôi khi là chuyện “vui vẻ thôi” của lãnh đạo địa phương.

Cũng tại phiên chất vấn người đứng đầu ngành giáo dục, hội trường có nhiều tiếng cười ồ lên khi đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Nga (Hải Dương) nêu câu chuyện trong lớp thi trắc nghiệm cử ra một học sinh giỏi và em này ho một tiếng thì cả lớp đánh dấu phương án một, ho hai tiếng thì đánh dấu phương án hai.

Trước những truy vấn liên tiếp như vậy, các bộ trưởng trả lời chất vấn lần này có một điểm chung là rất hay nhận trách nhiệm, cảm thấy day dứt, đau lòng, chua xót... trước những vấn đề đại biểu nêu. Bộ trưởng cũng giải trình và hứa nhiều hơn trong khi trả lời.

Còn nhiều dư địa để đổi mới

Trước khi kỳ họp diễn ra, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề xuất một phương án để Quốc hội có thể “làm hết việc chứ không làm hết giờ”, đó là nên kéo dài thời gian họp buổi chiều trong trường hợp đại biểu vẫn còn hăng say tranh luận. Ông Hiển còn gợi ý tổng thư ký Quốc hội bố trí ăn nhẹ cho đại biểu vào những phiên họp như vậy.

Nhưng thực tế thì các phiên họp vẫn kết thúc vào lúc 17 giờ chiều, trong đó có những phiên đại biểu vẫn “xếp hàng” dài chờ đến lượt.

Trước áp lực thời gian và việc phải để cho tối đa số đại biểu đã đăng ký được nêu vấn đề, chiều 15-11, khi điều hành phần chất vấn bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã lần lượt mời 28 đại biểu nêu chất vấn (điều này chưa từng xảy ra trong điều hành các phiên họp Quốc hội).

Bộ trưởng Trần Hồng Hà có một đêm chuẩn bị, ông viết ra giấy và sáng hôm sau đem đến hội trường để đọc. Với thời lượng được ấn định chỉ có 20 phút, bộ trưởng không thể trình bày kỹ những vấn đề được đại biểu nêu và đại biểu cũng không còn cơ hội tranh luận.

Trong trường hợp này, mục đích “tranh luận, đi đến cùng sự việc” đã bị triệt tiêu. Điều tương tự cũng xảy ra trước đó khi người điều hành mời lần lượt 18 đại biểu nêu chất vấn bộ trưởng Bộ Công thương.

Nhiều người hỏi như vậy nên xảy ra chuyện Bộ trưởng Trần Tuấn Anh quên trả lời câu hỏi được chú ý của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) về dự án thép Cà Ná cũng là bình thường. Ông Nhưỡng hỏi: “Chủ tịch Tôn Hoa Sen hứa trước Thủ tướng là nếu có sai phạm thì giao toàn bộ tài sản cho Nhà nước.

Tôi cũng đánh giá cao lời hứa này, hôm nay muốn hỏi bộ trưởng một câu, tôi không muốn có hệ lụy xảy ra với nhân dân, với đất nước, với Tổ quốc này, tôi hỏi bộ trưởng là nếu sau này có hệ lụy thì bộ trưởng sẽ từ chức trước Quốc hội không?”.

Trong nhiều kỳ họp, với mong muốn tạo ra không khí tranh luận, đi đến cùng các vấn đề, nội dung chất vấn, không ít đại biểu Quốc hội đã đề nghị cần tăng thêm thời gian cho hoạt động chất vấn, không nên ấn định 2,5 ngày cho mọi kỳ họp.

Và trong lúc những vấn đề nóng còn chưa ngã ngũ trên bàn nghị sự, nhiều đại biểu vẫn còn “xếp hàng” để được nói, thì Quốc hội không nên cứ hết giờ là nghỉ họp.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận