TTCT - Liệu có một ngày chính những thuật toán của trí tuệ nhân tạo sẽ thay ta chọn ra người lãnh đạo và do đó là thể chế kinh tế - xã hội tương ứng? Và xa hơn, chúng ta phải sống thế nào trong một thời đại như thế? Ảnh: Pinterest Việt Nam không ngoại lệ trong trào lưu khởi nghiệp toàn cầu dấy lên vài năm gần đây. 2016 được chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp. Làn gió mới đầy hứng khởi ấy tràn qua nhà nhà, người người với nhiều kỳ vọng lớn lao của cả người trong và ngoài cuộc. Từ một hiện tượng Nhưng nếu quan sát kỹ hơn, ta sẽ thấy phong trào khởi nghiệp này diễn ra chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh - công nghệ, luôn gắn với việc sử dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm mới, dịch vụ mới, hoặc những mô hình kinh doanh mới “nhanh - nhiều - tốt - rẻ” hơn so với các sản phẩm hoặc mô hình tương ứng đã có. Khởi nghiệp mặc nhiên được coi là chuyện của giới kinh doanh - công nghệ. Cho đến khi ông Donald Trump xuất hiện... Thành công của ông Trump trong kỳ bầu cử Mỹ vừa qua làm ta không khỏi liên tưởng đến phong trào khởi nghiệp đang dâng cao, chỉ có điều đây là khởi nghiệp trong lĩnh vực chính trị, chứ không phải trong lĩnh vực kinh doanh - công nghệ như thường thấy. Ông ta đã tạo ra một cách thức vận động bầu cử rất riêng, nói theo ngôn ngữ của dân khởi nghiệp là tạo ra mô hình kinh doanh mới, hiệu quả hơn so với các mô hình đã có. Một mình ông Trump chống lại cả giới truyền thông chính thống và giới học giả tinh hoa để cán đích, tương tự những công ty một người đương đầu với các đế chế kinh doanh khi khởi nghiệp. Một mình ông Trump miệng nói tay tweet, làm điên đảo cả giới truyền thông Mỹ, đến mức có cảm giác cả cỗ máy truyền thông Mỹ đều chạy theo những dòng tweet đó mà vẫn bị hụt hơi... Nhờ sử dụng các công cụ và công nghệ mới này, chiến dịch truyền thông của ông Trump trở nên vô cùng hiệu quả. Big Data (khoa học dữ liệu lớn) cũng có ảnh hưởng quyết định đến chiến thắng của ông Trump. Chính các phân tích dữ liệu lớn của Công ty Cambridge Analytica đã giúp ông Trump có những thay đổi ngoạn mục trong vận động tranh cử của những ngày cuối, tức đến những bang không ai nghĩ ông Trump sẽ đến, để lật ngược thế cờ. Cuộc bầu cử Mỹ vì thế còn là cuộc chiến của hai hình thức truyền thông và hai công ty phân tích dữ liệu lớn. Sự đổi thay tất yếu Các thể chế kinh tế - chính trị hiện thời được thiết kế để vận hành cho các xã hội công nghiệp và tiền công nghiệp. Nền giáo dục hiện thời cũng là nền giáo dục hướng đến phục vụ của xã hội công nghiệp. Khi thiết kế các thể chế đó, không ai nghĩ đến viễn cảnh cả thế giới kết nối với nhau 24/7. Công nghệ ngày càng trở nên quan trọng, ảnh hưởng đến hành vi và lối sống của bất kỳ ai trên Trái đất này. Những công nghệ này vượt ra biên giới của các thể chế kinh tế - chính trị hiện thời. Twitter và Facebook đã có ảnh hưởng quan trọng đến kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, khi cho phép các thông điệp tranh cử được chạy dưới dạng quảng cáo hướng mục tiêu một chương trình quảng cáo thương mại đơn thuần. Điều này những nhà lập pháp Hoa Kỳ đã không hình dung đến. Nhờ vậy, ông Trump đã truyền tải được thông điệp của mình nhanh nhất và rẻ nhất đến những người ủng hộ tiềm năng. Kết hợp với Big Data, chiến dịch truyền thông của ông Trump trên mạng xã hội càng hiệu quả khi cho phép cá nhân hóa các thông điệp truyền tải, gần như đến mức ai thích kiểu nào thì ông Trump chiều kiểu đó. Sử dụng tư duy tiếp thị vào các chiến dịch chính trị tương tự như cuộc bầu cử này, một xu hướng mới trong vận động chính trị đã ra đời, đó là tiếp thị chính trị (political marketing). Nhưng đã là tiếp thị thì thế nào cũng gắn với kinh doanh. Vậy phải chăng chính trị đã trở thành một ngành kinh doanh công khai? Nếu vậy, trong ngành kinh doanh này, công nghệ ngày càng giữ vai trò quan trọng. Điều này dẫn đến việc các doanh nhân công nghệ, rộng hơn là các doanh nhân, ngày càng có ảnh hưởng lớn đến chính trường. Các chủ tịch và CEO của những tập đoàn lớn ngày càng hành xử giống các chính trị gia. Nội các của ông Trump phần lớn là các triệu phú và tỉ phú. Ban cố vấn kinh tế của ông Trump có mặt rất nhiều CEO của các tập đoàn công nghệ hàng đầu nước Mỹ. Sự xâm nhập của công nghệ vào chính trị ngày càng trở nên rõ ràng. Nhờ đó, việc sử dụng công nghệ để khởi nghiệp chính trị bỗng trở nên khả thi như trường hợp của ông Trump. Khi sử dụng công nghệ, ngay cả những tin đồn, hoặc những tin tức không kiểm chứng có khả năng lây lan rất nhanh trên mạng xã hội, cũng là một nhân tố quan trọng cho một chiến dịch chính trị. Việc cá nhân hóa thông điệp chính trị với sự hỗ trợ của Big Data và marketing bỗng trở thành khả thi. Khi đó, mỗi khách hàng chính trị sẽ có thông điệp chính trị mà họ muốn, do các chuyên gia chế biến và cá nhân hóa cho vừa khẩu vị. Khi đó, chính những thuật toán phân tích và những máy tính được trang bị trí tuệ nhân tạo, những chuyên gia chế biến thông tin... là kẻ quyết định trong việc chọn ra người đứng đầu của một quốc gia, hoặc định hình cả một thể chế kinh tế chính trị - xã hội, chứ không phải những giá trị nhân văn hay những chính sách kinh tế - xã hội của các ứng viên. Hiện còn quá sớm để nói đó là vinh hay họa, nhưng một sự thay đổi về cách thức chính trị vận hành là rõ ràng. Vấn đề đặt ra: Nếu coi ông Donald Trump là một mô hình khởi nghiệp chính trị thì liệu mô hình này có lan ra khắp thế giới? Các thể chế kinh tế - chính trị hiện thời sẽ phải thay đổi ra sao với sự xuất hiện của hiện tượng khởi nghiệp chính trị, với vai trò ngày càng quan trọng của công nghệ này? Liệu có một ngày chính những thuật toán của trí tuệ nhân tạo sẽ thay ta chọn ra người lãnh đạo và do đó là thể chế kinh tế - xã hội tương ứng? Và xa hơn, chúng ta phải sống thế nào trong một thời đại như thế? Sẽ là quá sớm để đưa ra bất cứ câu trả lời nào vào thời điểm này. Nhưng có một điều chắc chắn thay đổi sẽ đến sớm, trong đó kinh doanh và công nghệ sẽ chi phối ngày càng lớn đến chính trị. Chỉ có điều chưa biết được về dài hạn điều này là tốt hay xấu, là nâng đỡ con người hay hủy hoại con người. Nếu khởi nghiệp trong kinh doanh - công nghệ thất bại thì chỉ ảnh hưởng đến một nhóm người. Còn khởi nghiệp chính trị thất bại thì ảnh hưởng đến một quốc gia. Sự xuất hiện của ông Trump là may mắn, hay tai họa cho nước Mỹ và rộng hơn là cho cả thế giới ta cũng chưa biết. Dù kịch bản nào xảy ra đi chăng nữa thì chưa bao giờ nhân tính và các giá trị nhân văn trở nên quan trọng như bây giờ. Thay đổi nào nuôi dưỡng nhân tính, bảo vệ nhân văn, phát triển con người sẽ được đón nhận như một cơ hội. Ngược lại, thay đổi hoặc không hề thay đổi, chống lại nhân tính, phá hủy nhân văn, chà đạp con người sẽ trở thành tai họa chung cho tất cả.■ Tags: Khởi nghiệp chính trị
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam không nên đến Ukraine THANH HIỀN 21/11/2024 Bộ Ngoại giao Việt Nam khuyến cáo công dân Việt Nam không đi sang Ukraine trừ trường hợp thật sự cần thiết.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.