Tìm tiếng nói chung qua đối thoại

DƯƠNG NGỌC HÀ 05/05/2017 01:05 GMT+7

TTCT - Cơ chế đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại về đất đai đã được luật định từ nhiều năm nay. Thực tế ở TP.HCM và một số địa phương cho thấy đối thoại để giải quyết khiếu nại thường đem lại những kết quả tốt.

Người dân Q.Tân Bình (TP.HCM) trình bày nguyện vọng của mình trong buổi đối thoại với lãnh đạo UBND TP ngày 15-3-2017 để giải quyết khiếu nại về bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi- Vành đai ngoài -Tự Trung.
Người dân Q.Tân Bình (TP.HCM) trình bày nguyện vọng của mình trong buổi đối thoại với lãnh đạo UBND TP ngày 15-3-2017 để giải quyết khiếu nại về bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi- Vành đai ngoài -Tự Trung.

 

Ngày 22-4, hình ảnh Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung quàng tay trên vai một người dân xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) đi từ hội trường xã (nơi tổ chức buổi đối thoại giải quyết khiếu nại về đất đai của người dân thôn Hoành) sang nhà văn hóa để tiếp nhận những cán bộ đang bị người dân giữ làm hàng ngàn người theo dõi vụ việc trên khắp đất nước thở phào nhẹ nhõm.

Sau 7 ngày căng thẳng, vụ khiếu nại đất đai ở xã Đồng Tâm đã được “tháo ngòi” bằng hai giờ đối thoại giữa chủ tịch UBND TP và người dân. Tất nhiên, câu chuyện đất đai ở Đồng Tâm vẫn đang được giải quyết.

Chính quyền cũng có lúc sai

Tháng 2-2017, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đã tiếp xúc, đối thoại, giải quyết hai trường hợp khiếu nại kéo dài nhiều năm.

Vụ thứ nhất: năm 2012, một người dân bị UBND Q.12 thu hồi giấy chủ quyền của căn nhà tình nghĩa được cấp năm 1998 với lý do: qua thanh tra phát hiện quyết định giao nhà đất trước đó không ghi rõ diện tích.

Người dân khiếu nại quyết định thu hồi giấy chủ quyền và bị UBND Q.12 bác đơn khi giải quyết khiếu nại lần đầu.

Qua đối thoại, Chủ tịch UBND TP nhận định UBND Q.12 đã xử lý vụ việc sai quy định, bác quyết định giải quyết khiếu nại của quận và chấp nhận đơn khiếu nại của người dân. Ông đã xin lỗi người dân vì việc khiếu nại kéo dài đã khiến họ lo lắng và mệt mỏi.

Trường hợp thứ hai là một người dân ở Q.10 khiếu nại đòi lại ba căn nhà trên đường Ngô Gia Tự do Nhà nước mượn của gia đình bà từ sau năm 1975.

Trước đó, các cơ quan chức năng giải quyết trả cho gia đình bà hơn 3 tỉ đồng tiền mua thanh lý ba căn nhà theo quy định, nhưng bà cho rằng số tiền này quá ít. Tại cuộc đối thoại, chủ tịch UBND TP cho rằng việc giải quyết nguyện vọng của người dân phải trên cơ sở pháp luật, ông sẽ cố gắng vận dụng những quy định pháp luật có lợi nhất để người dân bớt thiệt thòi.

Pháp luật hiện hành không giải quyết trả lại nhà mà Nhà nước đã quản lý, sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách cải tạo đất đai, nhưng có thể vận dụng quy định để giải quyết khó khăn về nhà ở cho người dân.

Cuối cùng, ông kết luận: không thể trả lại nhà cho người dân, nhưng người dân có thể chọn mua căn hộ tái định cư. Riêng một số tài sản do Nhà nước trưng dụng trước kia có thể được xem xét quy ra giá vàng để thanh toán lại cho người dân nhằm giảm thiệt hại.

Cũng vẫn là những quy định pháp luật mà các cơ quan nhà nước đã dẫn ra để giải thích nhiều lần, nhưng khi chủ tịch UBND TP chủ trì đối thoại, lắng nghe và giải thích thì người dân này lại chấp nhận, chấm dứt chuỗi ngày dài khiếu nại đòi lại nhà kéo dài mấy chục năm trường.

70% đơn, thư khiếu nại, tố cáo gửi đến Quốc hội liên quan tới đất đai

Bà Nguyễn Thanh Hải, trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho biết như trên tại phiên họp ngày 17-4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo bà Hải, hiện mỗi tuần Ban Dân nguyện tiếp nhận khoảng 500 đơn, thư (mỗi năm khoảng 20.000 đơn, thư). Trong đó, 70% đơn, thư liên quan đến vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, đất đai... Bà Hải cho rằng qua quá trình giám sát các vấn đề liên quan đến đơn, thư khiếu nại, tố cáo cho thấy việc thực hiện giải quyết đơn, thư khiếu nại ở địa phương còn nhiều bất cập. Việc giám sát giải quyết các đơn, thư này rất quan trọng, được người dân kỳ vọng.

Giữa tháng 3-2017, tại cuộc đối thoại của UBND TP.HCM giải quyết khiếu nại của người dân Q.Tân Bình về việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng khi làm dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, đại diện UBND TP đã xin lỗi người dân về việc nắn tim tuyến đường Hồng Hà làm ảnh hưởng đến nhà, đất của một số hộ dân trong dự án.

Việc điều chỉnh tim tuyến đường này là một trong những nội dung khiếu nại của 23 hộ dân ở Q.Tân Bình kéo dài nhiều năm nay.

“TP đã có văn bản nhận thiếu sót với Thủ tướng Chính phủ. Với sự nghiêm túc, tôi báo cáo với bà con là TP đã nhận thiếu sót. Chúng tôi cũng thấy có thiếu sót với dân, có lỗi và sẵn sàng xin lỗi dân” - Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa nói trong cuộc đối thoại.

Cũng liên quan dự án này, trước đó tháng 5-2014, khi đối thoại với 47 hộ dân ở P.3, Q.Gò Vấp để giải quyết khiếu nại, đại diện UBND TP.HCM cũng thừa nhận lỗi của chính quyền trong quá trình quản lý sử dụng đất đai ở địa phương.

Người dân cho rằng nhà, đất của họ đã có quá trình sử dụng lâu dài, việc mua bán giấy tay có chính quyền xác nhận. Nhưng khi tính bồi thường, họ bị “liệt” vào diện đất lấn chiếm và chỉ “hỗ trợ” chứ không bồi thường. Người dân khiếu nại từ năm 2005 đến năm 2014 thì được lãnh đạo UBND TP đối thoại và giải quyết rốt ráo.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong với người dân khiếu nại đòi nhà sau buổi tiếp xúc, đối thoại ngày 17-2-2017-Tự Trung
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong với người dân khiếu nại đòi nhà sau buổi tiếp xúc, đối thoại ngày 17-2-2017-Tự Trung

 

Cần lắng nghe, gần dân nhiều hơn

Tại TP.HCM, nhiều cuộc đối thoại giữa người dân và chính quyền để giải quyết khiếu nại về đất đai diễn ra trong những năm qua mang lại kết quả tốt.

Có những vụ khiếu nại kéo dài hàng chục năm hoặc mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền trong thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài 5-7 năm đã nhờ một cuộc đối thoại mà kết thúc ổn thỏa.

Trong các cuộc đối thoại đó, chính quyền và người dân tìm được tiếng nói chung: người dân (đi khiếu nại) được nói, được người giải quyết khiếu nại lắng nghe nên họ mở lòng, chấp nhận phần nào những quy định của pháp luật mà trước đây họ cho rằng bất công với họ.

Còn người giải quyết khiếu nại được nghe trực tiếp ý kiến của người khiếu nại, nắm bắt vấn đề rõ hơn. Trong thực tế, người giải quyết khiếu nại có thẩm quyền có thể quyết định vận dụng những quy định pháp luật có lợi cho dân để giảm thiệt hại, đáp ứng phần nào yêu cầu của người khiếu nại.

Bà Phan Thị Kim Phụng - người dân ở xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp - có hành trình 14 năm khiếu nại chính quyền tỉnh Đồng Tháp vì đã thu hồi đất ngoài ranh quy hoạch của gia đình bà.

Đến năm 2013, UBND tỉnh Đồng Tháp chấp nhận khiếu nại, cấp đất tái định cư và bồi thường những thiệt hại, oan sai của gia đình bà Phụng.

Nếu người dân được lắng nghe, được giải quyết các quyền và lợi ích chính đáng một cách hợp lý thì họ sẽ không phải đi khiếu nại lâu ngày, dai dẳng, vượt cấp vì ai cũng muốn yên ổn làm ăn, ai cũng muốn an cư lạc nghiệp.

Nếu như ngay từ đầu những người có trách nhiệm lắng nghe dân nhiều hơn, gần dân hơn, đừng giải quyết công việc chỉ dựa trên những báo cáo của các chuyên viên thì những người dân như tôi đâu phải đi khiếu nại đòi quyền lợi của mình.

Trước khi ra một quyết định gì, nhất là những quyết định cưỡng chế thu hồi đất của dân, lãnh đạo nên dành thời gian lắng nghe người dân, đi thực tế để biết rõ hơn bản chất sự việc, cân nhắc những ảnh hưởng trước sau” - bà Phụng nói.

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng nhiều trường hợp khiếu nại, khiếu kiện đất đai xuất phát từ lỗi của chính quyền chứ không phải của người dân, nhưng khi giải quyết thì người dân luôn chịu thiệt.

Theo ông Nhị: “Trong giải quyết khiếu nại, cái gì chính quyền sai thì phải nhận sai, cái gì dân sai thì chỉ cho họ biết. Nếu mình làm chính quyền mà không chịu nhận sai, cứ chỉ ra cái sai của người dân thì họ rất khó chấp nhận ý kiến của mình.

Hai bên phải hiểu và “thông” nhau từ đầu thì đâu có mâu thuẫn tích tụ, đâu có khiếu nại đông người. Người làm chính quyền phải đặt mình vào vị trí người dân khi giải quyết khiếu nại, có tình có lý thì người dân sẽ nghe ra, ủng hộ và chấm dứt khiếu nại”.

Ông cho rằng đó là lý do người giải quyết khiếu nại, nhất là khiếu nại về đất đai, phải gặp gỡ và lắng nghe người đi khiếu nại, không chỉ ở cấp tỉnh, thành phố mà cả những cấp thấp hơn. ■

Đối thoại: cơ chế bắt buộc trong giải quyết khiếu nại

Đối thoại với người khiếu nại trong quá trình giải quyết khiếu nại nói chung, trong đó có khiếu nại về đất đai, đã được quy định trong Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998, nhưng không phải là một thủ tục bắt buộc.

Người giải quyết khiếu nại lần đầu chỉ tổ chức đối thoại, gặp gỡ bên khiếu nại và bên bị khiếu nại khi cần thiết để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại.

Đến Luật khiếu nại, tố cáo sửa đổi bổ sung năm 2005 mới bắt buộc người giải quyết khiếu nại lần đầu phải gặp gỡ, đối thoại với người bị khiếu nại, còn người giải quyết khiếu nại lần hai thì “có thể” chứ không bắt buộc phải gặp gỡ, đối thoại.

Điều 30 Luật khiếu nại năm 2011 về giải quyết khiếu nại lần đầu quy định: nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu và hướng giải quyết khiếu nại.

Điều luật này cũng nêu rõ cách tổ chức đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ. Người giải quyết khiếu nại thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung việc đối thoại.

Khi đối thoại phải nêu rõ nội dung cần đối thoại, kết quả xác minh nội dung khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ liên quan đến khiếu nại và yêu cầu của mình.

Việc đối thoại phải được lập thành biên bản; biên bản phải ghi rõ ý kiến của những người tham gia, kết quả đối thoại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tham gia; biên bản này được lưu vào hồ sơ vụ việc khiếu nại.

Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại. Nếu đối thoại trong giải quyết khiếu nại lần đầu là có điều kiện thì đối thoại trong giải quyết khiếu nại lần 2 theo luật hiện hành là bắt buộc.

Theo Luật tố tụng hành chính, trường hợp người dân không khiếu nại về đất đai mà khởi kiện ra tòa án thì trong quá trình giải quyết vụ án, thẩm phán có trách nhiệm tổ chức cho bên khởi kiện và bên bị kiện đối thoại với nhau trước khi đưa ra xét xử.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận