Biên chế giáo viên nhìn từ vị hiệu trưởng

PHẠM THỊ LY 05/06/2017 21:06 GMT+7

TTCT - Cải cách giáo dục phổ thông đang được khởi động bằng những động thái hướng đến sự thay đổi mạnh mẽ trong chương trình tổng thể, trong chủ trương chung về sách giáo khoa và mới nhất là về nhân sự và tổ chức quản lý ở các trường.

Chuyển giáo viên sang chế độ hợp đồng thay cho viên chức có thể là một trong những bước đi đúng hướng như vậy, nếu...

Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của giáo viên đối với chất lượng giáo dục phổ thông. Chương trình có hay, sách giáo khoa có tốt, mà giáo viên không có chất lượng thì không có hi vọng gì cả. Bất cứ ai có con đi học đều hiểu rõ như vậy.

Chất lượng giáo viên thì phụ thuộc những gì? Không chỉ là quá trình đào tạo họ, mà còn cả việc tuyển dụng đúng người đúng việc, chế độ đãi ngộ, điều kiện và môi trường làm việc phù hợp. Đó cũng là những gì có thể vừa giúp thu hút và giữ được những người thầy giỏi, có tâm, vừa khích lệ khả năng cống hiến của họ về lâu dài.

Từ góc nhìn này, thực tế bức tranh về giáo viên hiện lên khá ảm đạm: thu nhập thấp là vấn đề đã kéo dài nhiều thập kỷ, vài năm gần đây còn nổi lên chuyện cử nhân sư phạm thất nghiệp và chạy việc.

Tình trạng thiếu dân chủ trong trường học và không có cơ chế để hiệu trưởng giải trình trách nhiệm trước giáo viên và phụ huynh, khiến vai trò và tiếng nói của giáo viên trong trường càng thêm mờ nhạt.

Tất cả tạo thành một môi trường làm hỏng khả năng sáng tạo và chủ động của giáo viên, tạo ra nhiều hiện trạng tiêu cực mà ta đều đã biết.

Trả lại vị trí của người thầy

Hệ quả của sự đối xử với người thầy trên đây là ngày nay chúng ta đang biến nghề dạy học thành một nghề nghiệp bạc bẽo và rủi ro. Chẳng những thiếu thốn về vật chất mà cả lòng kính trọng của xã hội, của nhà trường, của phụ huynh, của học sinh cũng suy giảm.

Khi phải tìm đủ cách để kiếm sống, lại bị “đe dọa” tứ phía, khó có người thầy nào để tâm học hỏi và làm tốt công việc được. Có tổ chức bao nhiêu lớp tập huấn cũng bằng thừa.

Nghề giáo không cao quý hơn bất cứ nghề nào khác, nhưng đặc thù của nghề nghiệp đòi hỏi họ phải giữ gìn tư cách và hình ảnh. Đặc thù đó xứng đáng với sự tôn trọng của xã hội và nhất là của nhà trường.

Vì thế, trả lại vị trí đích thực của người thầy trong nhà trường, có thể nói không sợ quá lời, là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công đổi mới chương trình, sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy. Vị trí đúng của người thầy là vị trí của nhà giáo dục.

Họ phải được bảo vệ trong chừng mực nhất định khỏi nỗi lo lắng cơm áo gạo tiền, phải được tuyển chọn trên cơ sở có đủ năng lực chủ động vận dụng các nguyên lý giáo dục vào thực tế. Đó là điều hiện nay chúng ta chưa có. Các nhà làm chính sách cần hướng tới mục tiêu này.

Thay chế độ viên chức bằng hợp đồng đối với giáo viên các trường phổ thông công lập liệu có phải là một bước đi đúng hướng, góp phần vào mục tiêu nói trên?

Giáo viên cần được trả lại vị trí đúng của họ, nhưng điều này phải đi cùng với những yêu cầu về mặt chất lượng. Vì thế, bảo vệ giáo viên nghĩa là đem lại cho họ một điều kiện và môi trường làm việc phù hợp, không có nghĩa là họ nên có một chỗ làm suốt đời bất chấp kết quả công việc và nỗ lực của họ như thế nào.

Hiện nay, giáo viên trường công đang là viên chức, làm việc theo chế độ hợp đồng có thời hạn hoặc không thời hạn.

Chuyển sang lao động hợp đồng thật ra không có nhiều khác biệt về quyền lợi. Việc này chỉ có ý nghĩa nếu nó tạo ra sự linh hoạt trong việc sử dụng quỹ lương, giúp nhà trường chủ động tạo ra thu nhập cao hơn cho giáo viên, và đi cùng với thu nhập cao hơn là đòi hỏi nhiều hơn về chất lượng và kết quả công việc.

Nói cách khác, nó tạo điều kiện cho hiệu trưởng các trường đổi mới nếu họ thực sự muốn làm.

Việc trao quyền chủ động nhiều hơn cho hiệu trưởng là một xu hướng đúng đắn và đáng khuyến khích, nhưng nó phải đi cùng một điều kiện tiên quyết là cơ chế lựa chọn và bổ nhiệm hiệu trưởng phải bảo đảm được tiếng nói và lợi ích của các bên, và bảo đảm được việc thực hiện các mục tiêu giáo dục mà Nhà nước tuyên bố trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới đây.

Quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng như công chức theo cách làm hiện nay và cách đánh giá kết quả công việc của họ không giúp tuyển chọn được những người có khả năng giải trình trách nhiệm trước giáo viên, trước phụ huynh và kể cả trước học sinh, cũng không khích lệ tinh thần chủ động dám làm dám chịu của họ, mà đó lại là điều rất cần đối với mọi cuộc đổi mới.

Hệ quả là các bên quan trọng nhất của giáo dục: giáo viên, phụ huynh, học sinh hầu như không có tiếng nói gì trong những quyết định của nhà trường.

Hội phụ huynh thì thường được gọi là “hội phụ thu”, vì một trong những việc chủ yếu là giúp nhà trường thu tiền của cha mẹ học sinh. Công đoàn thì chủ yếu lo việc hiếu hỉ hay nghỉ mát. Nếu những vấn đề trên không được thay đổi thì việc trao thêm quyền cho hiệu trưởng khó hứa hẹn điều gì tốt đẹp.

Cân bằng tiếng nói của các bên

Phản ứng chỉ trích của công luận hiện nay đối với chủ trương này của Bộ GD-ĐT là kết quả của tình trạng thiếu niềm tin nói chung trong xã hội, nhưng một phần vì bộ chưa thuyết phục được bằng một lộ trình hợp lý nhằm đảm bảo các điều kiện thực thi việc đổi mới.

Những người quan tâm đến giáo dục và có thời gian quan sát, trải nghiệm với giáo dục Việt Nam, nhất là giáo dục phổ thông, đều nói rằng có một cơ chế đúng để bổ nhiệm được đúng người vào vị trí hiệu trưởng, là việc cải cách đã đi được đến một phần ba quãng đường.

Cơ chế đó phải dựa vào các bên liên quan của giáo dục: hội đồng trường, hội đồng sư phạm, hội đồng phụ huynh, công đoàn và cơ quan cấp trên.

Các hội đồng này nhất thiết cần được hình thành qua bầu chọn, để bảo đảm tính chất đại diện và sự cân bằng của tiếng nói các bên. Các định chế nhằm cân bằng quyền lực cần phải được thiết lập, trong đó hiệu trưởng phải là người giữ được sự hài hòa về lợi ích của các bên, được trao quyền chủ động cùng một thiết chế giải trình trách nhiệm rõ ràng với các bên.

Trong các định chế nhằm cân bằng quyền lực trong quản trị nhà trường trên đây, hội đồng sư phạm nhằm phản ánh ý kiến giáo viên về mặt chuyên môn, công đoàn nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, hội đồng phụ huynh nhằm bảo vệ mục tiêu giáo dục và lợi ích của học sinh, cơ quan cấp trên nhằm bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo của Nhà nước đối với giáo dục, còn hội đồng trường là đơn vị trực tiếp có trách nhiệm thực hiện việc tuyển chọn, bổ nhiệm và đánh giá hiệu trưởng dựa trên sự cân nhắc quan điểm của các bên và xem xét kết quả công việc của hiệu trưởng căn cứ vào mục tiêu giáo dục của nhà trường.

Khi có một cơ chế tổ chức như vậy, cùng với một cơ chế tài chính phù hợp, mới có thể hi vọng thu nhập giáo viên sẽ tốt hơn, nghề giáo được tôn trọng hơn và xã hội có quyền đòi hỏi giáo viên thực hiện tốt vai trò của mình.

Hiện vẫn có nhiều cơ chế để bảo vệ giáo viên không bị sa thải vô cớ và đã được quy định trong Luật lao động.

Luật công đoàn cũng đã trao cho công đoàn nhiều quyền hạn trong việc bảo vệ quyền của người lao động, chẳng hạn phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết, thực hiện thỏa ước lao động tập thể và quy chế dân chủ cơ sở, giải quyết tranh chấp lao động và thực hiện Luật lao động.

Vấn đề là không phải người lao động nào cũng hiểu rõ quyền của mình, và không phải tổ chức công đoàn nào cũng chú trọng đầy đủ tới bảo vệ lợi ích của người lao động.

Chế độ làm việc hợp đồng với giáo viên tạo ra sự linh hoạt, khích lệ sự học hỏi và nỗ lực không ngừng, chỉ khi nó đi cùng với một thu nhập tương xứng và một môi trường làm việc trong đó tiếng nói của giáo viên, với tư cách là những nhà giáo dục thực hành, được tôn trọng. ■

Cần quy trình cụ thể, khoa học

Tôi hiểu chủ trương bỏ công chức, viên chức trong ngành giáo dục nhằm hướng đến mục đích đẩy mạnh sự phát triển của các đơn vị trường học. 

Vì khi các trường được tự chủ tuyển dụng giáo viên thì sẽ có nhiều cơ hội tuyển dụng được giáo viên giỏi; các giáo viên có động lực rèn luyện, trau dồi để phát triển nghề nghiệp; các hiệu trưởng cũng phải rèn luyện, trau dồi để trở thành người lãnh đạo có tầm nhìn đúng đắn nhằm tập hợp được những người giỏi xung quanh mình.

Tuy nhiên, cần làm rõ nhiều điều: đội ngũ giáo viên cũ, nếu không đạt chuẩn thì sẽ đi đâu, về đâu? 

Rất cần một quy trình cùng những tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá giáo viên một cách khoa học và thuyết phục, để người được đánh giá tốt cảm thấy tự hào, còn người không đạt cũng “tâm phục khẩu phục”.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện chủ trương này, cần có sự giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng hiệu trưởng lạm quyền, thiên vị. 

Tính phản biện và đối thoại trong nhà trường là rất cần thiết, giúp nhà trường phát triển đi lên.

Do vậy, khi triển khai bỏ công chức, viên chức trong ngành giáo dục, cũng nên đặt ra điều kiện: hiệu trưởng phải xây dựng môi trường làm việc dân chủ, công bằng và khách quan.

Ông Huỳnh Thanh Phú

(hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM)

 

Đánh giá giáo viên qua nhiều “kênh”

Tôi ủng hộ chủ trương này vì nó sẽ thúc đẩy giáo viên phải “vận động” đi lên, giảm sức ì và sự an phận vốn đang tồn tại ở một số giáo viên công lập từ lâu nay.

Nhưng để thực hiện được, các trường cần những hiệu trưởng công tâm, khách quan, không bè phái... để đánh giá chính xác giáo viên. Việc đánh giá đó của hiệu trưởng phải dựa trên sự tham khảo ý kiến của nhiều bộ phận khác trong trường. Cần để giáo viên góp ý về quy trình tuyển dụng, đánh giá giáo viên hằng năm.

Tôi đề xuất đánh giá giáo viên thông qua nhiều kênh: ý kiến học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp, tổ trưởng chuyên môn; qua hiệu quả giáo dục và ban giám hiệu.

Hi vọng chúng tôi sẽ được nghe, xem về những điển hình nhà trường dân chủ và phát triển, giáo viên không phải bức xúc về cách hành xử của hiệu trưởng, không phải lo lắng về việc mình bị hiệu trưởng “để ý”, không phải an ủi nhau: lo dạy đi, ý kiến ý cò làm gì...

Bà Cao Thị Đan Thanh

(giáo viên Trường THPT Thanh Bình, quận Tân Bình, TP.HCM)

Biến hiệu trưởng thành “quan phụ mẫu”?

Đề tài này “nóng hổi” đối với giáo viên chúng tôi trong những ngày này. Nhiều đồng nghiệp của tôi tỏ ra hoang mang, nhất là những người thẳng tính, hay phản biện, hay đấu tranh, những người “không được lòng” ban giám hiệu...

Tôi cho rằng việc giao cho hiệu trưởng toàn quyền quyết định nhận hay không nhận một giáo viên nào đó, đuổi hay không đuổi một giáo viên nào đó, nếu không khéo sẽ biến hiệu trưởng thành “quan phụ mẫu” ban phát ân huệ cho giáo viên, giáo viên thì không dám góp ý gì vì sợ bị ghét, bị “đì”...

Cần nói thêm: chủ trương bỏ công chức, viên chức nhằm loại bỏ những giáo viên không đạt về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc đạo đức.

Thế thì tại sao trong ngành giáo dục lại có những người như thế? Theo tôi có hai nguyên nhân: một là, các trường sư phạm đã cho “ra lò” những giáo viên không đạt yêu cầu; hai là các cơ quan tuyển dụng giáo viên vẫn tuyển vào ngành những người thiếu năng lực đứng lớp, thiếu cái “tâm” của một người thầy.

Chúng tôi đều mong rằng nếu chủ trương trên đi vào thực tế, Bộ GD-ĐT cần có quy chế chặt chẽ: hiệu trưởng có quyền nhận và đuổi giáo viên thì giáo viên cũng có quyền kiện hiệu trưởng nếu hiệu trưởng làm sai quy định.

Các cấp quản lý phải thanh tra, kiểm tra và xử lý rốt ráo, đúng người đúng tội với hiệu trưởng, đừng bao che, chạy tội cho cấp dưới như một số trường hợp từng xảy ra.

Ông Đỗ Đức Anh

(giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận