Cần cải tổ toàn diện 

NGUYỄN ĐĂNG ANH THI 26/06/2017 19:06 GMT+7

TTCT- Dự thảo Luật thuế bảo vệ môi trường đang được tiếp tục lấy ý kiến đóng góp từ xã hội. Nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” đã không được ban soạn thảo nghiêm túc xem xét, trong khi mức “khủng” với xăng dầu vẫn giữ nguyên, tác nhân gây ô nhiễm lớn như than đá lại được xem nhẹ.

Các chuyên gia môi trường cho rằng cần xem xét lại toàn diện về thuế bảo vệ môi trường để tuân thủ đúng nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Trong ảnh là một nhà máy nhiệt điện than ở Quảng Ninh -Nguyễn Khánh
Các chuyên gia môi trường cho rằng cần xem xét lại toàn diện về thuế bảo vệ môi trường để tuân thủ đúng nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Trong ảnh là một nhà máy nhiệt điện than ở Quảng Ninh - Nguyễn Khánh

 

Ngày 26-5, Bộ Tài chính gửi Chính phủ tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường (BVMT) lần 2 sau một thời gian tiếp nhận các ý kiến phản hồi từ dự thảo lần 1.

Tuy vậy, thay vì tập trung sửa đổi những bất cập về thuế BVMT đối với các loại nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu và than đá) mà dư luận đã phản đối mạnh mẽ, Bộ Tài chính lại chỉ tập trung nói về các khoản chi cho môi trường và hầu như giữ nguyên mức thuế so với đề xuất khung thuế sửa đổi lần trước.

Những con số... lủng củng

Những khoản chi nào được xếp vào loại chi BVMT? Luật BVMT, điều 147 về “Chi ngân sách nhà nước cho BVMT” quy định chi cho BVMT gồm: chi hoạt động sự nghiệp BVMT và chi đầu tư phát triển BVMT.

Điều này được Bộ Tài chính khẳng định trong tờ trình lần 1: “Chi ngân sách nhà nước cho BVMT là chi cho mục đích đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng BVMT công cộng, chi thường xuyên cho sự nghiệp môi trường (như chi cho hoạt động điều tra, thống kê chất thải, đánh giá tình hình ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường; xây dựng năng lực tái chế chất thải, xử lý chất thải nguy hại, hỗ trợ hoạt động tái chế, xử lý, chôn lấp chất thải, hỗ trợ xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...)”.

Theo tờ trình lần 1, trong giai đoạn 2012-2016, tổng thu thuế BVMT là 105.985 tỉ đồng và tổng chi BVMT là 47.452 tỉ đồng.

Vậy nhưng sau chưa đầy 5 tháng, “bỗng dưng” tổng chi BVMT giai đoạn 2012-2016 vọt lên 131.857 tỉ đồng, cao hơn cả tổng thu như trong tờ trình lần 2!

Vì sao có sự tăng vọt bất ngờ như vậy? Đó là Bộ Tài chính đã... nhẹ nhàng xóa bỏ định nghĩa các khoản chi môi trường theo luật BVMT đã được khẳng định trong tờ trình lần 1, mở đường cho việc liệt kê những hạng mục hoàn toàn nằm ngoài phạm vi định nghĩa chi BVMT vào tờ trình lần 2.

Ví dụ: Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; chi thực hiện các chính sách quản lý sử dụng đất trồng lúa, phát triển rừng, quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản, duy tu đê điều, khuyến nông, công ích thủy nông; chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ các địa phương xử lý các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách trong năm như đê kè, hồ chứa...

Đó là chưa kể Bộ Tài chính còn “nhẹ tay”, chưa tính đến các khoản chi như “dự án xây dựng tuyến đường sắt trên cao”...; nếu không, những khoản chi cho BVMT theo cách hiểu của Bộ Tài chính còn cao hơn rất nhiều so với con số 131.857 tỉ đồng!

Có lẽ Bộ Tài chính “nỗ lực” để đưa vào những khoản chi trên nhằm chứng minh rằng thuế BVMT hiện nay là thu không đủ chi, nên đó là lý do để tăng thuế BVMT.

Vậy thực ra những khoản chi “mới bổ sung” trên có nguồn thu đặc thù nào khác không, hay chỉ “trông cậy” duy nhất vào nguồn thu thuế BVMT?

Xin thưa rằng: Có, và rất đa dạng! Ví dụ như thu quỹ phòng chống thiên tai mà hằng năm các tổ chức kinh tế hạch toán độc lập và công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi lao động phải đóng góp; thu thuế tài nguyên (dầu, khí, khoáng sản, nước sản xuất thủy điện, thủy hải sản, sản phẩm rừng tự nhiên...); thu phí BVMT đối với nước thải, chất thải rắn và khai thác khoáng sản; thu từ bán chứng chỉ giảm phát thải (CDM)...

Có lẽ Bộ Tài chính chỉ “nhớ” để bổ sung những khoản chi nhưng lại “quên” rằng những khoản chi này đã được bảo đảm bằng các nguồn thu đặc thù khác như đã liệt kê sơ bộ ở trên, nên đưa đến kết luận là thuế BVMT chi nhiều hơn thu?

Một điều đáng chú ý nữa mà tờ trình lần 2 của Bộ Tài chính đã làm lộ ra một thực tế là chi đầu tư phát triển chỉ bằng 22,9% so với tổng thu thuế (24.246 tỉ đồng so với 105.985 tỉ đồng).

Điều này giải thích vì sao cả nước có 802 đô thị nhưng chỉ có 37 nhà máy xử lý nước thải tập trung với tỉ lệ xử lý chỉ khoảng 12-13%, còn lại là thải trực tiếp ra môi trường, theo thống kê của Bộ Xây dựng tính đến cuối năm 2016.

Điều này cũng giải thích vì sao cả nước có 660 bãi chôn lấp rác nhưng chỉ có 203 bãi chôn lấp hợp vệ sinh và hiện có 132 bãi chôn lấp rác đang gây ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng, cũng từ số liệu của Bộ Xây dựng tính năm 2016!

Đó là chưa kể vấn đề ô nhiễm chưa kiểm soát được và tình hình suy thoái môi trường ngày càng nghiêm trọng tại các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề, cũng như sự hình thành và gia tăng các “làng ung thư” gây nhức nhối xã hội...

Người gây ô nhiễm phải trả tiền!

Phân tích những điều trên không nhằm mục đích tranh luận từng con số, mà điều thể hiện ở đây chính là các khoản chi cho BVMT không được hiểu đúng và quản lý chặt chẽ ngay cả từ cơ quan trực tiếp quản lý ngân sách nhà nước, mặc dù Luật BVMT đã quy định rất rõ.

Như Bộ Tài chính thừa nhận trong tờ trình lần 2: “Chính sách thuế BVMT đã bộc lộ một số vướng mắc cần được hoàn thiện”.

Vậy, để đạt được mục tiêu “đảm bảo thuế BVMT là một công cụ kinh tế quan trọng góp phần hạn chế việc sản xuất và sử dụng các hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, hướng tới phát triển bền vững”, Luật thuế BVMT cần đảm bảo nguyên tắc nào?

Nguyên tắc quan trọng nhất và xuyên suốt để soạn thảo, ban hành và thực thi Luật thuế BVMT đó là nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.

Đây là nguyên tắc mà Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã khuyến nghị các nước thành viên áp dụng lần đầu tiên năm 1972 và được cụ thể hóa bằng nguyên tắc 16 trong bảng Tuyên bố của Liên Hiệp Quốc về môi trường và phát triển tại Hội nghị thượng đỉnh Trái đất 1992 ở Rio de Janeiro.

Nguyên tắc này cũng đã được đưa vào nghị quyết số 24-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT mà Bộ Tài chính cũng đã dẫn ra:

“Quán triệt và vận dụng có hiệu quả các nguyên tắc: người gây ô nhiễm phải trả chi phí để xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường; người được hưởng lợi từ tài nguyên, môi trường phải có nghĩa vụ đóng góp để đầu tư trở lại cho quản lý tài nguyên và BVMT”.

Để đảm bảo đúng nguyên tắc này trong xây dựng Luật thuế BVMT, lại cần phải đảm bảo tuân thủ hai nguyên tắc tiếp nối: một là, chi phí gây ô nhiễm mà xã hội gánh chịu phải được thể hiện chính xác để quy ra tiền thuế phải đóng cho mỗi đơn vị hàng hóa; hai là, đảm bảo cân bằng về thuế, nghĩa là tiền thuế BVMT thu được phải hoàn toàn đầu tư ngược lại cho môi trường để ngăn ngừa và khắc phục ô nhiễm, nhằm duy trì chất lượng môi trường ở mức chấp nhận được theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, ngăn ngừa suy thoái tài nguyên và giữ vững cân bằng sinh thái.

Có như vậy thì luật BVMT mới được thực thi hiệu quả và đạt được đúng mục tiêu BVMT của nó.

Dự thảo Luật thuế BVMT sửa đổi có trọng tâm là đề xuất tăng thuế suất đối với xăng dầu, trong khi hoàn toàn không đụng chạm đến một sản phẩm còn gây ô nhiễm nguy hại gấp nhiều lần là than đá.

Khoản 2b, điều 8 Luật BVMT đã quy định rõ: “Mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa”.

Để xác định mức thuế suất của từng loại hàng hóa và mối tương quan thuế suất giữa các loại hàng hóa khác nhau, cần phải có báo cáo đánh giá khoa học tổng thể nhằm xác định thiệt hại môi trường do các loại hàng hóa kia gây ra.

Có thể tham khảo từ thống kê của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), tổng phát thải CO2 do tất cả các hoạt động đốt nhiên liệu của Việt Nam năm 2014 là 143,3 triệu tấn, trong đó than đá đóng góp 55%, xăng dầu 30% và khí 15%, nghĩa là than đá chính là nguồn phát thải gây ô nhiễm chi phối tại Việt Nam chứ không phải xăng dầu.

Cũng từ số liệu của IEA về đốt nhiên liệu, ngành sản xuất điện năng và nhiệt năng Việt Nam đóng góp 35% lượng phát thải CO2, ngành công nghiệp và xây dựng đóng góp 34% lượng phát thải CO2, trong khi đó ngành giao thông chỉ đóng góp 22% lượng phát thải CO2.

Những số liệu này cho thấy rằng xăng dầu và ngành giao thông không phải là nguồn ô nhiễm chính tại Việt Nam nhưng phải gánh tới 98% nguồn thu thuế BVMT và dự kiến còn tăng lên.

Nguyên do là mức thuế BVMT hiện hành của xăng cao gấp 80 lần (theo dự thảo sẽ tăng gấp 160 lần) và của dầu diesel cao gấp 40 lần (theo dự thảo sẽ tăng gấp 80 lần) so với than đá, là một điều cực kỳ vô lý tồn tại lâu nay!

Cần xem xét toàn diện để sửa đổi Luật thuế BVMT cho phù hợp, thay vì chỉ tập trung sửa đổi theo hướng tăng thuế suất đối với các sản phẩm xăng dầu như hiện nay.

Việc ấn định các mức thuế suất cụ thể phải dựa trên các căn cứ khoa học nhằm chứng minh các mức thuế suất này “được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa” như Luật thuế BVMT hiện hành quy định. Quan trọng hơn cả, Luật thuế BVMT sửa đổi cần đưa vào quy định nguồn thu thuế BVMT phải được quản lý trong trương mục riêng của ngân sách nhà nước và chỉ dành riêng để đầu tư ngược lại cho các hoạt động BVMT.

Cuối cùng, phải quy định việc phân bổ với tỉ lệ cao hơn một cách xác đáng cho đầu tư phát triển BVMT (các công trình hạ tầng bảo vệ môi trường) để kịp thời cải thiện hiện trạng môi trường đang suy thoái ngày càng nghiêm trọng, thay vì chủ yếu chi cho các hoạt động sự nghiệp BVMT như hiện nay. ■

Phải quy định trong Luật thuế BVMT một cách chi tiết các khoản chi cho BVMT, trong đó bao gồm cả những khoản chi nhằm khuyến khích áp dụng công nghệ thân thiện môi trường và ưu đãi, hỗ trợ tiêu thụ những hàng hóa thân thiện với môi trường.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận