Phía sau niềm vui "đạt chuẩn kiểm định đại học”

TS ĐỖ THỊ NGỌC QUYÊN 27/06/2017 03:06 GMT+7

TTCT- Bốn trường đại học vừa loan báo họ đã “đạt chuẩn kiểm định trường đại học” có hiệu lực 5 năm với sự công nhận của Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học (HCERES) của Pháp. Cần hiểu như thế nào về việc đạt chuẩn này?

Minh họa: Sà Và Ná
Minh họa: Sà Và Ná

Việc kiểm định chất lượng (KĐCL) cơ sở đào tạo bởi HCERES của Pháp đối với 4 trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Bách khoa TPHCM và Đại học Xây dựng Hà Nội nằm trong khuôn khổ triển khai thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ hai nước Pháp và Việt Nam năm 2016.

Xin được lưu ý rằng thông thường kiểm định chất lượng là hoạt động xuất phát từ nhu cầu đảm bảo chất lượng của cơ sở đào tạo, chứ không phải là từ quan hệ hợp tác cấp nhà nước.

Bốn trường được kiểm định cũng đồng thời là các trường tham gia chương trình PFIEV đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam, các chương trình này đều đã được KĐCL cấp chương trình của Ủy ban bằng kỹ sư Pháp CTI.

Đây là đánh giá và kiểm định chương trình theo chuyên ngành. Với việc đạt kiểm định của CTI, bằng tốt nghiệp các chương trình này được cho là được công nhận ở thị trường lao động Pháp.

HCERES là cơ quan hành chính độc lập được thành lập năm 2013 với chức năng đánh giá các cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức nghiên cứu khoa học, các tổ chức hợp tác nghiên cứu và cơ quan nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp.

Cơ quan này cũng tiến hành đánh giá và kiểm định các cơ sở đào tạo của nước ngoài hoặc của Pháp tại nước ngoài.

Để triển khai đánh giá này, HCERES phát triển hai bộ tiêu chuẩn để đánh giá hai đối tượng là chương trình và cơ sở đào tạo. Cả hai bộ tiêu chuẩn này đều chứa đựng các tiêu chí theo yêu cầu của Hiệp hội Đảm bảo chất lượng giáo dục đại học châu Âu - ENQA, và được ENQA công nhận là thành viên của hiệp hội.

Họ đánh giá cái gì?

Thuật ngữ “chất lượng giáo dục” trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng giáo dục có nhiều định nghĩa khác nhau. Để phù hợp các bối cảnh giáo dục đa dạng, định nghĩa phổ biến nhất mà các tổ chức đảm bảo chất lượng và KĐCL sử dụng là “sự phù hợp với mục tiêu” (fitness for purpose).

Theo tiêu chuẩn KĐCL trường của HCERES, các mảng hoạt động của trường đại học được đánh giá bao gồm: Chiến lược và quản trị nhà trường; Nghiên cứu và giảng dạy; Phát triển hướng nghiệp cho người học; Đối ngoại; Quản lý; Chất lượng và đạo đức.

Như vậy, cần hiểu rằng chiến lược phát triển, mô hình và cách thức quản lý, quản trị, hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, đối ngoại, các chính sách đối với người học... của nhà trường phải phù hợp sứ mệnh, mục tiêu của trường, định vị nhà trường trong bối cảnh cụ thể của trường và phải góp phần hiện thực hóa các mục tiêu này.

Cụ thể, tiêu chuẩn 1, 2 và 3 của nhóm tiêu chí 1 về Chiến lược và quản trị nêu rõ yêu cầu cơ sở đào tạo phải (1) xác định rõ sứ mệnh của mình, (2) phải tự định vị trong bối cảnh trong nước và quốc tế của trường, và (3) phải xây dựng chiến lược phù hợp với sứ mệnh và bối cảnh đó.

Các nhóm tiêu chuẩn, tiêu chí khác có cách tiếp cận tương tự.

Như vậy, nếu một trường đại học được chứng nhận KĐCL của HCERES không đồng nghĩa mức phát triển, chất lượng hay bất cứ khía cạnh nào trong hoạt động và kết quả của nó tương đương với các trường đại học ở châu Âu hay các trường đại học khác cũng do HCERES kiểm định, đơn giản bởi vì cơ sở đào tạo không được đánh giá theo các chỉ số giáo dục của châu Âu.

KĐCL chỉ đơn giản là một công cụ quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học, đánh giá mức độ đáp ứng hoặc tuân thủ các yêu cầu do một tổ chức đặt ra.

Triển khai KĐCL không đương nhiên dẫn tới sự nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Bởi KĐCL được cho là có thể đem lại nhiều “điều cần học” đối với các cơ sở đào tạo trong chu kỳ kiểm định đầu tiên, nhưng đồng thời có thể tạo ra văn hóa đối phó, thúc đẩy việc làm giả thông tin, minh chứng.

Điều cốt lõi và giá trị của KĐCL không nằm ở tấm chứng chỉ hay dấu chứng nhận đạt KĐCL. Cần nhớ rằng thế giới đã triển khai KĐCL và cả “mua” KĐCL quốc tế từ rất lâu.

tt
 

 Kiểm định chất lượng có dẫn tới chất lượng đào tạo cao hơn?

Đến nay chưa có nghiên cứu hoặc báo cáo nào cho thấy KĐCL, dù cấp trường hay cấp chương trình, nghiễm nhiên dẫn tới chất lượng đào tạo cao hơn.

Theo đánh giá của giới học thuật và chuyên gia nghiên cứu giáo dục đại học trên thế giới, KĐCL chủ yếu nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình của các trường hơn là đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục.

KĐCL là “quá trình một tổ chức chính phủ hoặc tư nhân đánh giá chất lượng của toàn bộ cơ sở giáo dục đại học hoặc của một chương trình giáo dục cụ thể nhằm chính thức công nhận cơ sở hoặc chương trình đã đáp ứng những tiêu chuẩn hoặc tiêu chí tối thiểu nào đó do tổ chức đánh giá đặt ra” (Vlăsceanu, Grunberg et al. 2007, pp. 25).

Có thể thấy từ định nghĩa này, bộ tiêu chuẩn KĐCL do các tổ chức KĐCL đặt ra chỉ là các chuẩn tối thiểu đối với cơ sở và chương trình đào tạo, không phải là tiêu chí, tiêu chuẩn để đạt sự xuất sắc (excellence).

Đã có nhiều chỉ trích xoáy vào việc triển khai KĐCL, ví dụ cách tiếp cận KĐCL khiến người ta chỉ chú tâm đến kết quả KĐCL; KĐCL tạo ra văn hóa đối phó, bất lợi cho cải tiến chất lượng về lâu dài; KĐCL gây ra quan liêu giấy tờ.

KĐCL với khâu quan trọng nhất là “đánh giá ngoài” được thực hiện chủ yếu dựa trên đánh giá hồ sơ, báo cáo của cơ sở đào tạo về trường hoặc về chương trình đào tạo, tiếp theo là đợt “đánh giá ngoài” tại trường kéo dài 2-3 ngày, khó mà giúp đánh giá được chất lượng đào tạo của trường hoặc chương trình xét về khía cạnh sản phẩm đầu ra và năng lực của người học, cũng không đánh giá được quá trình hoặc thực hành giảng dạy trên thực tế.

KĐCL về cơ bản chỉ có thể đánh giá được các điều kiện quan trọng cần có để có thể triển khai chương trình đào tạo hoặc vận hành cơ sở đào tạo ở mức tối thiểu, và mức độ đạt được các kết quả nghiên cứu, đào tạo trên thực tế so với mục tiêu.

Nó rõ ràng không phải là phương thuốc thần kỳ để khắc phục hay cứu chữa những yếu kém về chất lượng giáo dục ở bất cứ hệ thống nào.

 

 Nên kiểm định gì?

Ở tất cả các hệ thống có sử dụng KĐCL, câu hỏi quan trọng đặt ra đối với các trường đại học và cao đẳng là sử dụng loại KĐCL nào, cấp cơ sở giáo dục (trường) hay cấp chương trình?

Ở cấp trường, nội dung đánh giá phủ rộng các mặt hoạt động của trường, tập trung vào sứ mệnh, mục tiêu, chiến lược, quản trị và quản lý, đồng thời đánh giá các nguồn lực như cơ sở vật chất trên phạm vi toàn trường.

Ngược lại, đối với chương trình đào tạo, việc đánh giá tập trung sâu vào chương trình và quá trình giáo dục, do đó các nguồn lực được đánh giá cũng chỉ giới hạn trong phạm vi một chương trình.

Như vậy, trong khi KĐCL cấp trường mang tính phổ quát cho nhiều loại trường thì KĐCL cấp chương trình lại tính đến sự khác biệt và tính đặc thù của mỗi chuyên ngành.

Do tính chất và phạm vi của hai hình thức KĐCL này, thông thường KĐCL cấp chương trình sẽ do các tổ chức KĐCL chuyên ngành thực hiện. Ví dụ, AACSB chuyên kiểm định các chuyên ngành kinh doanh, quản trị kinh doanh hay kế toán; ABET kiểm định các chuyên ngành như khoa học ứng dụng, khoa học máy tính, kỹ sư và khoa học công nghệ; ACUP kiểm định các chương trình về châm cứu và đông y.

KĐCL ở nhiều nước được triển khai trên cơ sở tự nguyện, nhưng do kết quả KĐCL thường được gắn với các hình thức khuyến khích như là điều kiện để cấp ngân sách trên đầu sinh viên (ở Mỹ) và các lợi ích khác do KĐCL mang lại, nhu cầu triển khai KĐCL ngày càng tăng cao, đặc biệt ở những nước có nền giáo dục đại học chưa phát triển.

Cùng với nhu cầu này là sự xuất hiện của các tổ chức kiểm định giả. Để xử lý vấn đề này, các hệ thống đều xây dựng cơ chế kiểm soát và giám sát các tổ chức kiểm định.

Ví dụ ở Mỹ, Hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục đại học Mỹ (CHEA) giám sát và công nhận các tổ chức kiểm định độc lập. Bộ Giáo dục Mỹ công bố danh sách các tổ chức kiểm định mà họ công nhận. Các tổ chức được công nhận chịu sự đánh giá theo chu kỳ 4 năm.

Tương tự, ở châu Âu, ENQA là cơ quan đảm bảo chất lượng “mẹ”, công nhận các đơn vị đảm bảo chất lượng và KĐCL thuộc các quốc gia thành viên châu Âu nếu họ đáp ứng các tiêu chí của bộ tiêu chuẩn và hướng dẫn đảm bảo chất lượng trong giáo dục đại học châu Âu do ENQA ban hành.

Điều dễ thấy là KĐCL chương trình đào tạo không những hiệu quả hơn mà còn thiết thực và thực chất hơn.

Việc triển khai đánh giá toàn bộ nhà trường quá cồng kềnh và gây nhiều mệt mỏi, do vậy việc đánh giá chương trình khiến khối lượng công việc giảm đi khá nhiều, đánh giá để KĐCL do vậy trở nên khả thi hơn.

Hơn thế, KĐCL chương trình xác nhận đích danh chương trình được kiểm định, giúp sinh viên tốt nghiệp dễ tìm được việc làm hơn, đồng thời cho phép trao đổi sinh viên, công nhận tín chỉ giữa các trường đại học.

Quan sát sự phát triển của KĐCL trên thế giới cho thấy các nước có xu hướng đẩy mạnh KĐCL chương trình, chẳng hạn Hà Lan, nơi từng bắt buộc KĐCL trường từ năm 2002, đã xóa bỏ điều này sau khi họ rà soát, đánh giá hệ thống KĐCL năm 2011. Hiện chỉ có KĐCL chương trình là chính thức và bắt buộc, KĐCL trường chỉ là “thẩm định trường” mang tính tùy chọn.

Quy trình đánh giá để triển khai KĐCL khá phức tạp, thường rất tốn kém nguồn tài lực và nhân lực. Đối với những hệ thống còn nhiều hạn chế về nguồn lực như Việt Nam, việc lựa chọn để KĐCL chương trình đào tạo rõ ràng là mục tiêu vừa sức và thực tế hơn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận