Có lương sư, mới hưng quốc

HỮU NGHỊ 22/08/2017 21:08 GMT+7

TTCT - Nếu nhớ lại ý nghĩa của từ “sư phạm” lấy từ từ nguyên Hi Lạp “paidagogós” để gọi người thầy giáo là “người dẫn dắt con trẻ”, cần tự đặt ra câu hỏi: Phải như thế nào mới có thể dẫn dắt con trẻ “tới nơi tới chốn” trên con đường thụ đắc kiến thức, kỹ năng và thái độ sống?

 

 Nói đến đây tức nói đến ý nghĩa của nghề giáo.

Năm 1973, số sinh viên tốt nghiệp nhận học bổng tu nghiệp sư phạm tại Pháp đọc thấy tên gọi khóa của họ là khóa “đào tạo những người đào tạo” (Formation de formateurs).

Cụm từ này thúc đẩy suy nghĩ về chức năng của các trường sư phạm. Cơ bản, để trở thành người thầy tốt, lành, hay, khéo, giỏi trong ý nghĩa của từ “lương sư”, nhất thiết phải được tuyển vào một cách chọn lọc, được đào tạo đầy đủ và thật tốt.

Muốn thế, những người làm công việc đào tạo những người thầy tất nhiên phải được tuyển chọn từ những người vào hạng giỏi, nếu không muốn nói là giỏi nhất, rồi được đào tạo thật tốt trong những trường sư phạm.

Có hoài cổ lắm không khi giở lại giáo huấn của Rabelais cách đây 485 năm: “Ta muốn con học hoàn hảo các ngôn ngữ...; ...không có lịch sử nào mà con không ghi nhớ trong hiện tại bằng vào cái thế giới quan của những người đã viết nên lịch sử đó.

Còn các môn nhân văn, hình học, số học, âm nhạc, ta muốn cho con đôi chút hứng thú ngay khi con còn tấm bé... Còn về dân luật, ta muốn con thuộc lòng những áng văn tuyệt vời và bàn luận với ta một cách triết lý...”? (Pantagruel, năm 1532)

Nhất định sự “dẫn dắt con trẻ” ấy của Rabelais không phải là học vẹt, càng không phải là học để đối phó với các kỳ thi.

Và đầy tính nhân văn. Người thầy, theo quan niệm của Rabelais, không chỉ trang bị kiến thức mà còn là tập cho con trẻ rút tỉa được từ những gì được học, trong đó có những bài học lịch sử, không phải ngày tháng và thắng thua, mà là tìm hiểu những bối cảnh của những sự kiện đó rồi rút tỉa ra những kết luận cho ngày hôm nay; chuẩn bị cho con trẻ vào đời với một sự biết và hiểu luật pháp...

Quan niệm dạy và học của Rabelais như trên là một bổ sung cho quan niệm “một đầu óc đâu ra đó hơn là một đầu óc nhét đầy - nhà tư tưởng cùng thời là Montaigne bất hủ với phản kháng quyết liệt cách học từ chương - Người ta không ngừng hét vào tai chúng ta giống như rót vào trong một cái phễu, và nhiệm vụ của chúng ta chỉ là lặp lại những gì người ta nói với chúng ta”.

Quan niệm của Montaigne về công việc của người thầy rất sát với định nghĩa của từ nguyên “paidagogós”, tức “người dẫn dắt con trẻ”:

Tôi không muốn người thầy độc thoại, tôi muốn người thầy, tới lượt học trò phát biểu, lắng nghe học trò của mình, không chỉ đòi học trò tụng lại những từ ngữ của bài học mà còn về ý nghĩa và nội dung..., không chỉ đòi thuật lại từ ký ức mà đòi hỏi nhận xét”. (Les essais, 1533-1592)

Trên đây là hai trong vô vàn nhà tư tưởng giáo dục. Nhắc đến không để bám trở lại vào đó, mà là để cùng nhớ rằng tư tưởng giáo dục, cũng như tư tưởng loài người, là một “chuỗi tuyến tính”, tư tưởng này tiếp nối tư tưởng kia, và rằng sẽ là sai lầm nếu khăng khăng quả quyết rằng cái phương pháp mà “chúng tôi sử dụng” là hiện đại nhất, nên mặc nhiên là nhất, nên xóa sạch những phương pháp trước.

Chính vì cứ lấy cái này thay cái kia nên chẳng có cái nào “vĩnh hằng” được cả. Vấn đề không chỉ là dẫn dắt trẻ con bằng phương pháp này hay nọ, mà từ một định hướng muốn giáo dục và đào tạo ra con người như thế nào.

Khi không được “gieo trồng” một vốn liếng nhân văn, nhân vị thì mọi hình thức vào đời kỳ cục, thiếu đủ thứ từ “văn hóa giao thông”, “văn hóa làm quan” đến “văn hóa từ chức”, “văn hóa kinh doanh”... sẽ là chuyện tất yếu.

Chính vì thiếu coi trọng ý nghĩa và nội dung công việc “đào tạo những người đào tạo” mà lần hồi dẫn tới việc những người đào tạo mất đi chỗ đứng trong xã hội.

Thiệt ra, sự sa sút đó cũng chưa lâu lắm. Mới thế hệ trước vẫn còn xem trọng ngành sư phạm ngang với ngành y.

Vậy mà bây giờ trong khi ngành y vẫn còn “lẫm liệt” trên các thang bậc xã hội, ngành sư phạm lại... tuột không thắng. Chẳng phải đơn giản do hành nghề y kiếm tiền nhiều hơn, mà là do nghề giáo ngày càng “xuống thang” trong trật tự xã hội ngày nay.

Cứ nhìn vào thực tế hằng ngày mà hỏi: người làm nghề giáo đứng ở đâu trong một địa phương, tức xã hội thu nhỏ?

Chuyện cũ kể lại: Vào thuở ra trường sư phạm dạy cấp III, chỉ số lương giáo chức là 470, còn tốt nghiệp trường hành chánh ra làm phó quận thì chỉ số lương 430, xã hội tự khắc hiểu vị trí người thầy ở đâu.

Vào cái thuở mới có “Honda - Dame”, trong số những người đầu tiên hành nghề lái xe ôm không có giáo chức, mà phần lớn là công chức hạng B (tức thư ký hành chánh, thư ký đánh máy).

Nay, khi lương không đủ sống, ông thầy phải dạy thêm, vui vẻ không sao, hết vui ra lệnh cấm, mãi rồi xuất hiện một dư luận xem thầy cô như những người đang rút rỉa thu nhập phụ huynh học sinh.

Ở những vùng xa xôi khác mãi không hết cảnh cực nhọc thầy cô “cõng con chữ lên non, vượt suối tới lớp”... Đãi ngộ con người dạy học và nhà trường như thế, làm sao con em không ngán nộp đơn vô trường sư phạm?

Tất nhiên, có nhiều lý do tự thân. Và chừng nào ngành giáo dục còn loay hoay thử nghiệm hết phương pháp này tới phương pháp khác, trước khi thử nghiệm lại chưa đào tạo đủ sâu sắc nhóm người tình nguyện tham gia, chưa kiểm tra kỹ xem sách giáo khoa đi kèm có dư “sạn” hay không, các địa phương, trường làm thí điểm như thế nào... thì việc “đầu xuôi mà đuôi tắc” khó tránh khỏi.

Cứ thế mà càng làm mòn niềm tin vào ngành. Hậu quả nhãn tiền của sự “thất bát” đó là: không lương sư thì làm sao hưng quốc được! Không có đầu vào cực sáng giá cho các trường sư phạm, thì những học sinh giỏi vào các trường lấy điểm hàng đầu đó rồi sẽ do ai dạy?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận