Bãi rác đe dọa nguồn nước

QUANG KHẢI 25/08/2015 20:08 GMT+7

Mưa lớn, người dân TP.HCM không chỉ đối mặt với tình trạng ngập lụt trong một vài giờ trên đường đi làm về. Mưa lớn còn làm tăng tốc độ nước thải từ các bãi rác khổng lồ rỉ ra môi trường, vào cả nguồn nước sạch.

Nước thải rỉ ra từ các bãi rác khổng lồ đe dọa môi trường sống . Ảnh Quang Khải

Nước thải chảy vô tư

Mấy cơn mưa lớn liên tiếp gần đây khiến người dân ở TP.HCM lo ngại lượng nước thải từ các bãi rác không còn... rỉ nữa mà chảy ào ào ra môi trường.

Bởi, trước đó một vài cơn mưa đã khiến xảy ra sự cố. Mưa lớn ngày 6-7 thấm vào các bãi rác lộ thiên trong khuôn viên Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Tâm Sinh Nghĩa chảy tràn ra như suối, phá bể bờ bao bãi lưu chứa “chạy thẳng” ra kênh thủy lợi TC-17 và lan rộng vào khu vực đất trồng tràm của dân.

Các cơ quan chức năng ghi nhận nguồn nước có màu đen và bốc mùi hôi thối. Trước đó hôm 11-7, UBND huyện Củ Chi phối hợp với các đơn vị liên quan đi kiểm tra và phát hiện nước rỉ từ bãi rác khu vực lưu chứa của Công ty cổ phần Vietstar làm bể bờ bao chảy tràn ra kênh thủy lợi TC-18, chứ không chỉ phát sinh mùi hôi như phản ảnh của người dân xã Thái Mỹ chôn lấp rác...

Nguy cơ của việc lưu trữ rác, không đưa đi chôn lấp đúng quy định, làm nước rỉ rác tràn ra bên ngoài gây ô nhiễm môi trường đã được nhiều cơ quan chức năng cảnh báo các đơn vị này nhưng đều không có tác dụng.

Ngày 13-7, tại khu vực dọc các tuyến kênh nội đồng gần khu vực Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Tâm Sinh Nghĩa, dù những đoạn bờ bao bị bể đã được gia cố, đắp thêm lớp đất dày khoảng 30cm, song lớp đất mỏng này khó trụ vững trước những cơn mưa lớn, nguy cơ tiếp tục bể bờ bao vẫn có thể xảy ra.

Cách bờ bao không xa là một núi rác lộ thiên khổng lồ phủ bạt lớt phớt, xung quanh vẫn đọng những vũng nước rỉ rác lớn màu nâu đen, bốc mùi hôi, nhiều bụi cây xanh không chịu nổi ô nhiễm trụi lá, khô héo.

Sai, sao vẫn cho làm tiếp?

Tại phiên chất vấn kỳ họp lần thứ 18 HĐND khóa VII, đại biểu HĐND TP.HCM Võ Văn Tân đặt thẳng vấn đề với người đứng đầu Sở Tài nguyên - môi trường về tình hình ô nhiễm xung quanh Công ty cổ phần Vietstar, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Tâm Sinh Nghĩa và hỏi khi nào lượng rác này mới đưa đi chôn lấp đúng quy định?

Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đào Anh Kiệt lòng vòng rằng rác được đưa về hai công ty trên là rác xấu, độ ẩm cao tới 45-47%, không xử lý phân compost hoặc tái chế được. Theo quy định, những loại rác này phải được đưa đi chôn lấp... Nhưng mới đây UBND TP có tìm hiểu một số công nghệ đốt rác thay vì chôn. Vì vậy Vietstar có xin cho ủ rác để làm thí điểm cho công nghệ đốt rác sắp tới. Tuy nhiên trong quá trình ủ gây ô nhiễm, việc này đã xử lý và báo cáo UBND TP.

Không bằng lòng với cách giải thích trên, đại biểu Tân cho rằng trả lời của giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường là không thỏa đáng. Ông đặt câu hỏi: nước ô nhiễm tràn ra ngoài thì khắc phục như thế nào, đưa một hai xe đến có hút hết nước rỉ đã tràn ra ngoài không? “Áp dụng công nghệ đốt, vậy khi nào triển khai? Nước rỉ rác còn có khả năng tràn ra môi trường nữa” - ông Tân tiếp tục truy vấn và câu trả lời tiếp tục ở thể mơ hồ.

Hệ quả của các sự cố môi trường này không chỉ gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, hàng chục ngàn hecta hoa màu đang sử dụng nguồn nước mà còn đe dọa đến hàng triệu người đang sử dụng nguồn nước này cho mục đích sinh hoạt, ăn uống.

Một cán bộ Công ty TNHH một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi cảnh báo lượng nước rỉ rác thải tràn ra các tuyến kênh nội đồng rồi chảy thẳng ra sông Sài Gòn - nơi có nhiều khu vực cấp nước thô cho Nhà máy nước Tân Hiệp (công suất 300.000m3/ngày, đang nâng lên 600.000m3/ngày) cung cấp nước cho hàng triệu người dân trên địa bàn TP.HCM.

Theo kết quả quan trắc chất lượng nước tại các điểm phục vụ mục đích cấp nước trên sông Sài Gòn như Bến Củi, Bến Súc, Hòa Phú... (tháng 5-2015), hàm lượng coliform (vi khuẩn gây bệnh đường ruột) ở 83% các trạm đều không đạt tiêu chuẩn cho phép.

Tương tự, nồng độ DO, nồng độ dầu và chất rắn lơ lửng trong nước tại 100% điểm quan trắc đều không đạt quy chuẩn cho phép. So với trước đó, các chỉ tiêu COD, coliform, BOD có xu hướng tăng tại 83-100% điểm quan trắc.

Chất lượng nước sông Sài Gòn còn phụ thuộc vào các hoạt động ở đầu nguồn. Nhưng rõ ràng những hậu quả về môi trường phát sinh từ hai đơn vị xử lý rác tại khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp làm nguồn nước ngày càng xấu thêm. Nếu các vấn đề này không được giải quyết rốt ráo, ô nhiễm cứ tích tụ dần, đến một lúc nào đó sẽ bùng phát. Khi đó dù có bỏ bao nhiêu tiền cũng chưa chắc khôi phục được môi trường. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận