Tour ngắm Hoa rau

TRẦN THÙY LINH 12/03/2016 02:03 GMT+7

TTCT - Tên gọi của tháng 3 trong tiếng Anh hay tiếng Đức cũng giống như các tháng khác trong năm, bắt nguồn từ tiếng Latin. Tháng 3 được đặt theo tên vị thần chiến tranh Mars trong thần thoại La Mã. Ngày đầu tiên của tháng 3 năm nay lại rơi đúng vào ngày thứ ba của tuần, cũng là ngày vía của vị thần dũng mãnh này.

Hoa cà rốt làm ngạc nhiên bao lữ khách-T.T.L.
Hoa cà rốt làm ngạc nhiên bao lữ khách-T.T.L.


Trong tiếng Đức cổ, tháng 3 có tên là Lenzing, Lenzmond - nghĩa là tháng của mùa xuân khi trăm hoa đua nở. Ngày còn ở Đức, mỗi lần tháng 3 tới tôi rất thích đi tìm những bông hoa chuông nhỏ xíu màu trắng, những bông hoa cỏ trong veo màu tím đang cựa mình thức giấc, xuyên qua lớp băng tuyết phủ đầy trong những khu vườn hay trên đồng cỏ.

Tháng 3 năm nay lại được gặp mùa xuân qua muôn loài kỳ hoa dị thảo tại vương quốc hoa của Việt Nam. Được gặp lại người tình muôn thuở tên gọi poppy mà người Đà Lạt hay gọi là colico (tiếng Pháp là coquelicot). Loài hoa thân cỏ, cánh mỏng tang như cánh bướm của đồng cỏ châu Âu, tại Việt Nam có lẽ chỉ duy nhất ở Đà Lạt.

Đa sắc màu hoa rau

Nhưng thú vị nhất vẫn là được thấy nhiều hoa của các loài rau, củ, trái và ngỡ ngàng vì vẻ đẹp của chúng. Bình dị mà đầy sức sống. Hoa dưa leo cánh mỏng, tinh khiết. Hoa cà rốt như những chiếc gương tròn trên cuống dài mềm mại, đung đưa theo gió...

Khi là nụ thì xanh non, khi nở cứ ngày một trắng và xòe to dần, có khi đường kính lớn hơn cả bàn tay. Nông dân để ruộng cà rốt nở hoa lấy hạt gây giống cho mùa sau. Tôi chui vào hẳn giữa ruộng cà rốt. Những sóng hoa cà rốt cao ngang hông theo gió quấn quýt, tỏa ra một mùi hăng hăng nhưng rất dễ chịu. Cảm giác tươi mát và dịu êm.

Đất vàng đất đỏ dưới chân dính đầy vào giày và quần áo. Đối diện ruộng cà rốt là một cánh đồng dâu tây cũng đang mùa trổ bông. Thoạt nhìn không mấy cuốn hút, nhưng vừa cúi xuống là thấy ngay những bông hoa tròn trắng tươi tinh, nhụy vàng bên những chùm quả đỏ hồng xanh lúc lỉu trên mặt đất. Người thành phố mấy ai biết rằng trái dâu tây được hình thành từ nhụy của bông hoa?

Mấy người nhà nông nhìn tôi cười và tôi học được rằng: Đà Lạt có hai màu đất. Đất đỏ trồng củ, đất vàng trồng rau lá. Không xa những luống dâu tây là cánh đồng khoai tây xanh um cũng đang trổ những bông hoa tím li ti. Ngửa mặt lên thấy mây trắng và nắng vàng trên nền trời xanh. Khung cảnh như ở chốn nào đó, không thể tin là có thật.

Có lẽ khen những con đường đèo quanh co xuyên rừng, xuyên núi ở Đà Lạt là thừa vì ở đây đường nào cũng như vậy. Tháng 3, những dây bìm bìm hoa tím, hoa ngũ sắc và loài hoa dại không biết tên màu vàng cam rực rỡ phủ kín những triền đồi.

Thú vị ở chỗ là tầm nhìn luôn thay đổi, lên xuống theo con đường. Hai bên đường những cây bơ cao lớn, thứ trái đặc sản của Đà Lạt, đang trổ bông. Hoa bơ màu vàng, mọc thành từng chùm lớn nhìn hơi giống hoa xoài. Con đường đưa chúng tôi đi xuyên qua những thung lũng trồng cây hồng nổi tiếng của Đà Lạt. Mùa đông, những cây hồng trút hết lá.

Những gốc hồng xù xì và cành trắng mốc ken vào nhau dày đặc, tạo thành những mảng màu sáng nổi bật giữa màu xanh núi rừng. Những ruộng rau đủ các tông độ xanh xen kẽ giữa những con đường đất đỏ rực và những mái nhà kính lấp loáng dưới ánh nắng chiều. Công bằng mà nói, giá không có những mái kính kia thì Đà Lạt ở những vùng ven sẽ mãi là Đà Lạt như trong ký ức của biết bao thế hệ từng yêu và gắn bó với vùng đất này.

Con đường dài gần 30km được đặt tên là đường Mimosa vì loài cây này được trồng thành hàng hai bên đường. Đây cũng là một trong những dự án khôi phục các loài cây truyền thống đã làm nên tên tuổi của Đà Lạt xưa.

Tour rau, tại sao không?

Chúng tôi dừng chân bên một đồi atiso ven đường. Con dốc nhỏ phủ đầy cỏ dại dẫn lối xuống thung lũng có hai nếp nhà gỗ giữa ruộng atiso nhấp nhô theo triền đồi. Chị chủ vườn hay chuyện, đon đả mời khách vào chụp hình.

Tôi thích thú khi được biết ruộng atiso cánh tròn và thân nhỏ hơn là loại atiso trắng dùng để ăn tươi, còn loại thân mập mạp, cao tới gần 1m là atiso tím, trồng một năm mới thu hoạch, dùng để phơi khô, 6kg hoa tươi mới được 1kg khô nên giá mắc hơn.

Một thân atiso phải có ít nhất 2-3 bông mới là đạt. Hoa khác thì xuống màu khi già và héo đi, nhưng bông atiso chỉ đổi màu nhụy từ trắng sang tím nhạt rồi tím sậm dần. Mặt trời hoàng hôn rải những tia nắng dài trên đèo mimosa và tưới những tia nắng cuối cùng của ngày lên những bông hoa cánh cứng, khiến chúng rực sáng lên trong lời chào giã biệt.

Chúng tôi tiếc rẻ rời đồi atiso, tạm biệt những người nông dân dễ thương và mến khách. Chị chủ nhà cắt cho tôi một bông atiso tím khổng lồ. Trong hành trang hôm nay trở về của tôi có một mặt trời tím.

Lại cồn lên mong ước về một tour du lịch thăm những cánh đồng hoa rau trên những triền đồi Đà Lạt dành cho những người yêu hoa, yêu rau. Một tour thăm thành phố hoa dưới một góc nhìn khác.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận