Nguồn vốn thiên nhiên, tính sao cho đủ?

ANH THI 25/05/2016 19:05 GMT+7

TTCT - Dự án giao thông thủy xuyên Á (GTTXA) trên sông Hồng chưa được xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư vì nhiều lý do, quan trọng nhất là tác động của nó đối với toàn bộ lưu vực con sông chưa được tính toán đầy đủ. Cần có cách tiếp cận mới về nguồn vốn xã hội hóa.

"Động" tới sông Hồng, cần suy tính đến sự tác động đến 26 triệu người dân-Huy Trường


Những câu hỏi chưa có lời giải

Dự án GTTXA bị phản đối vì sử dụng nguồn nước sông Hồng, con sông khởi nguồn của nền văn minh sông Hồng, cho hoạt động giao thông thủy và phát điện.

Bởi lẽ, sông Hồng là con sông có diện tích lưu vực lớn nhất ở Việt Nam, cung cấp trung bình 100 triệu tấn phù sa/năm cho vùng châu thổ sông Hồng, trên lưu vực này đến gần 26 triệu dân (28,5% dân số cả nước) đang dựa vào nguồn nước con sông này để cấp nước sạch cho sản xuất và sinh hoạt, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, canh tác nông nghiệp và những sinh kế khác.

Tham khảo một báo cáo năm 2015 của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cho thấy những lo ngại của các nhà khoa học về dự án này là có cơ sở.

Theo WWF, chỉ trong vòng 20 năm sau khi Trung Quốc xây 5 đập thủy điện và Lào xây 1 đập thủy điện trên dòng chính Mekong, trầm tích của dòng sông đã bị giảm đi 50%. Còn nhóm tác giả thuộc Trung tâm Nghiên cứu - đào tạo quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên thuộc Đại học Mae Fah Luang (Thái Lan) ước tính thiệt hại này tương đương 1 tỉ USD/năm.

Thiếu hụt phù sa cũng làm cho đất ngày càng kém màu mỡ, gây suy thoái đất, giảm năng suất lúa tại vựa lúa sông Hồng, nguồn cung cấp lương thực quan trọng chỉ sau vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long. Kiểm soát dòng chảy tại các đập phía thượng nguồn cũng gây hạn hán và xâm nhập mặn, suy giảm nguồn thủy sản tại châu thổ sông Hồng.

Bài học nhãn tiền về hạn hán và xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long do tác động của các đập thủy điện trên dòng chính Mekong vẫn đang còn nóng bỏng và chưa thể giải quyết.

Gia tăng vận tải đường thủy cũng sẽ làm gia tăng nguy cơ tai nạn và xảy ra sự cố tràn dầu nghiêm trọng, nguồn nước sinh hoạt cho 26 triệu dân trong lưu vực sẽ bị tác động mà hậu quả không hề dễ giải quyết.

Đó là chưa nói đến trong thời gian dự kiến sáu năm xây dựng dự án GTTXA này, ô nhiễm nguồn nước từ hoạt động nạo vét lòng sông và xây dựng các công trình hạ tầng trên tuyến như thế nào? Có bao nhiêu diện tích đất rừng bị mất vĩnh viễn, bao nhiêu cây rừng bị đốn hạ, bao nhiêu động vật hoang dã bị mất môi trường sống?

Quan trọng hơn nữa, những tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản “tận thu” được trong giai đoạn thi công dự án sẽ được quản lý như thế nào hay sẽ rơi vào túi ai? Và quan trọng nhất, giá trị văn hóa của văn minh sông Hồng hàng ngàn năm mà không thể đo lường bằng những giá trị kinh tế, sẽ bị mất mát như thế nào?

Chẳng có bữa trưa nào miễn phí

Nguồn vốn xã hội hóa đâu chỉ đến từ túi tiền của doanh nghiệp đầu tư. Không thể bỏ qua giá trị kinh tế về tài nguyên thuộc sở hữu chung của toàn cộng đồng bị đưa vào phục vụ cho dự án trong suốt vòng đời dự án.

Nếu tính đúng, tính đủ giá trị kinh tế về tài nguyên của sông Hồng mà hiện nay 26 triệu người đang sống trên lưu vực và phần lớn sinh kế dựa vào đó, chúng ta sẽ thấy việc biện luận nguồn vốn xã hội hóa không sử dụng ngân sách nên được khuyến khích đầu tư cần phải được xem xét lại một cách nghiêm túc.

Đã đến lúc cần một cách tiếp cận mới về việc huy động nguồn vốn xã hội hóa, nhất là những dự án đầu tư hạ tầng, để đảm bảo rằng người dân được quyền lựa chọn và quyết định liệu có nên tồn tại dự án đó hay không, hay được quyền lựa chọn liệu có nên sử dụng dịch vụ từ dự án đó cung cấp hay không, trên cơ sở xem xét những tác động môi trường và xã hội của dự án đó đến cuộc sống của họ như thế nào.

Giáo sư sinh thái học Barry Commoner, một trong những người đặt nền tảng cho nền khoa học môi trường hiện đại, đã đưa ra bốn định luật sinh thái học trong cuốn The Closing Circle (Chu trình khép kín) như sau: Tất cả mọi thứ đều được kết nối với mọi thứ khác.

Có một sinh quyển cho tất cả các sinh vật sống và những gì ảnh hưởng đến một, sẽ ảnh hưởng đến tất cả. Tất cả mọi thứ phải đi đâu đó. Không có gì là “chất thải” trong tự nhiên và không có gì “đi xa” khi người ta ném cái gì đó, mọi thứ vẫn tồn tại ở dạng này hay dạng khác.

Thiên nhiên biết rõ nhất. Nhân loại phát triển công nghệ để cải thiện tự nhiên, nhưng thay đổi hệ thống tự nhiên có khả năng gây phương hại đến bản thân hệ thống đó. Không có những điều như là bữa ăn trưa miễn phí. Chắc chắn khai thác thiên nhiên sẽ chuyển đổi các nguồn tài nguyên từ hữu ích trở thành vô dụng.

Rõ ràng, chẳng có bữa ăn trưa nào là miễn phí, chẳng ai “bỗng dưng” cho không ai cái gì, tất cả mọi thứ đều có giá của nó, và những thiệt hại trong hệ thống sẽ có liên quan và ảnh hưởng lẫn nhau. Nếu áp dụng những định luật trên khi phân tích các dự án mang hơi hướng “xã hội hóa”, các nhà quản lý và người dân sẽ hiểu rõ những nhà đầu tư theo hình thức “xã hội hóa” kia muốn gì đằng sau những dự án mà họ muốn đầu tư.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận