Từ chuyện tàu cá "hóa thân" thành tàu du lịch

TTCT - Vụ chìm tàu Thảo Vân 2 chở 56 người trên sông Hàn (Đà Nẵng) đêm 4-6 làm chết ba người thêm lời cảnh báo về tình trạng tàu cá “hóa thân” thành tàu du lịch chở khách. Đây không chỉ là chuyện ở Đà Nẵng mà diễn ra tại nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước từ nhiều năm qua.

Sự thay đổi vị trí trọng tâm tàu (CG) ảnh hưởng đến ổn định tàu
Sự thay đổi vị trí trọng tâm tàu (CG) ảnh hưởng đến ổn định tàu


Tàu cá và tàu khách hoàn toàn khác biệt, tính năng hàng hải cũng khác, nên tàu cá hay bất kỳ loại tàu nào hoán cải thay đổi công dụng để chở khách phải tuân thủ quy định về tàu chở khách, đặc biệt là ổn định và trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa.

Tiêu chuẩn ổn định gấp đôi tàu thường

Việc thay đổi từ tàu cá sang tàu chở khách thuộc dạng hoán cải thay đổi tính năng, công dụng, cấp tàu. Tàu cá do Chi cục Đăng kiểm tàu cá (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) quản lý, trong khi tàu khách thuộc chi cục đăng kiểm các địa phương, Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) quản lý.

Theo quy định của QCVN 72:2013/BGTVT (Bộ GTVT): “Thiết kế hoán cải là thiết kế cho phương tiện hiện có nhằm mục đích cải tạo hoặc thay đổi một số phần như vỏ, máy, điện, tính năng, công dụng, cấp tàu hoặc khả năng khai thác của phương tiện đó”.

Trong công tác giám sát đóng mới, hoán cải quy định như sau: “Trước khi thực hiện giám sát kỹ thuật đóng mới, hoán cải, phục hồi tàu, đăng kiểm phải kiểm tra điều kiện năng lực kỹ thuật của cơ sở đóng mới, hoán cải, phục hồi theo quy định hiện hành”.

Trước lúc hoán cải phải trình đăng kiểm bảng tính ổn định, tính theo khối lượng, vị trí trọng tâm giả định của trọng lượng tàu không; căn cứ số liệu thử nghiêng ngang, nếu trọng lượng tàu không tải chênh lệch quá 2%, chiều cao trọng tâm của trọng lượng tàu không tải chênh lệch quá 5% hoặc vị trí trọng tâm theo chiều dọc tàu chênh lệch quá 1% chiều dài tàu trong tính toán, so với số liệu giả định thì phải tính lại ổn định.

Việc cho hoán cải tàu cá hay các loại tàu khác thành tàu khách du lịch phù hợp nhu cầu của thực tế nhưng phải đảm bảo tính an toàn cao.

Tiêu chuẩn ổn định đối với tàu lưu trú du lịch, nhà hàng nổi, khách sạn nổi có hệ số an toàn ổn định tối thiểu gấp 2 lần tàu thông thường. Với tàu khách du lịch, nhà hàng nổi, kể cả khi đóng mới cũng phải có phương án dằn tàu thích hợp...

Việc này đòi hỏi người thiết kế phải tính toán chặt chẽ, luận chứng rõ ràng mới có thể đảm bảo an toàn ổn định cho con tàu. Hoán cải tàu cá thành tàu du lịch phải tính toán bổ sung và tiến hành thử nghiêng lệch tàu để xác định lại thông số tàu không, là cơ sở thiết lập bảng thông báo ổn định cho thuyền trưởng.

Ngoài việc tính toán ổn định cơ bản như các tàu thông thường khác, người thiết kế phải tính cho trường hợp “ổn định của tàu khách phải được đảm bảo trong trường hợp khách tập trung một bên mạn”.

Tập huấn cho khách như trên máy bay

Trang bị áo phao cho phà, tàu phục vụ dù ở cấp nào cũng phải đủ 100% số lượng hành khách chuyên chở, riêng với tàu khách phải đảm bảo cộng thêm 10% trang bị cho trẻ em đi cùng người lớn. Phao tròn, phao tròn có dây ném được trang bị tùy thuộc vào chiều dài tàu, đảm bảo sao cho ở mỗi boong khách có thể đến trực tiếp.

Nhà hàng nổi, khách sạn nổi phải trang bị áo phao cứu sinh đủ cho 100% số người trên tàu và được bố trí trong phòng ngủ, phòng ăn... phù hợp.

Số phao trẻ em là 30% lượng khách, phao tròn tối thiểu 8 chiếc, trong đó 4 chiếc có dây ném; mỗi mạn bố trí 4 chiếc, trong đó 2 chiếc có dây ném, nếu phương tiện di chuyển ra vùng phân cấp cao hơn phải tuân thủ quy định tương ứng với vùng hoạt động đó. Không quan tâm đến các yếu tố trên, tính mạng con người trên các tàu chở khách sẽ còn bị đe dọa.

Để hạn chế những vụ chìm tàu như ở Đà Nẵng, cơ quan chức năng nên kiểm soát chặt chẽ các phương tiện. Cụ thể, cơ quan đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, cảng vụ, biên phòng tại địa phương rà soát các phương tiện chở khách du lịch, khả năng chở khách tối đa theo số ghế ngồi, cho mỗi tầng (nếu tàu có hơn một tầng chở khách).

Bảng hướng dẫn bố trí hành khách, thông báo ổn định cho thuyền trưởng cần được thiết kế đơn giản, dễ hiểu, dễ sử dụng. Phổ biến, tập huấn công tác an toàn, xử lý tình huống khẩn cấp cho hành khách (như trên máy bay) trước khi tàu xuất bến. Kiểm soát chặt chẽ số áo phao cứu sinh, phao tròn cứu sinh đầy đủ, hành khách và trẻ em đi cùng phải mặc áo phao khi lên tàu.

Cần lưu ý các trang thiết bị cứu hỏa, cứu nạn và các thiết bị xử lý nước xả thải để đảm bảo an toàn tính mạng con người, môi trường sống. Tránh tình trạng mỗi khi khách du lịch đi qua là dòng sông oằn mình gánh ô nhiễm. Điều cần làm nữa là thức tỉnh thuyền trưởng, chủ tàu, chủ hãng du lịch có đạo đức nghề nghiệp, đừng vì đồng tiền làm lóa mắt mà xem nhẹ tính mạng khách du lịch.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận