Khách hàng được gì?

D.NGỌC HÀ THỰC HIỆN 29/03/2017 22:03 GMT+7

TTCT - Vừa qua, các khách hàng bị chậm giao nhà đệ đơn lên TAND TP.HCM yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với chủ đầu tư dự án PetroVietnam Landmark (Q.2, TP.HCM).

Minh họa: DAD
Minh họa: DAD


Hiện nay tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung rất nhiều dự án trong tình trạng tương tự, liệu khách hàng có thể yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản doanh nghiệp (DN) như trường hợp trên không?

Luật sư Trần Thái Bình, Đoàn luật sư TP.HCM, nói:

- Theo quy định, chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn trả nợ mà DN, hợp tác xã không thanh toán khoản nợ.

Ngoài chủ nợ, thì người lao động, công đoàn cơ sở cũng có quyền nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản khi DN thiếu lương quá 3 tháng. Người đại diện theo pháp luật của DN hay nhóm cổ đông sở hữu từ 20% cổ phần trở lên trong DN có quyền nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản nếu thấy DN mất khả năng thanh toán.

Người yêu cầu mở thủ tục phá sản DN phải chứng minh điều gì khi nộp đơn yêu cầu?

- Người yêu cầu mở thủ tục phá sản phải chứng minh DN có nghĩa vụ thanh toán cho mình nhưng đã trễ hạn trên 3 tháng.

Ngoài ra người nộp đơn yêu cầu phải chứng minh DN mất khả năng thanh toán hoặc chứng minh việc đã đi đòi nợ 3 tháng mà DN không trả, không còn khả năng thanh toán nữa.

Cần lưu ý, nếu DN không thừa nhận khoản nợ trên và cho rằng DN không có trách nhiệm phải thanh toán thì là tranh chấp dân sự chứ không phải là thủ tục yêu cầu mở phá sản. Sau khi nhận đơn yêu cầu, tòa án sẽ xét tư cách của chủ nợ, trong 30 ngày kể từ ngày thụ lý, tòa ra quyết định mở thủ tục phá sản DN.

Đây có thể xem là một cách “đòi nợ” chính thức, hợp pháp. Thực tế có trường hợp khoản nợ không nhiều so với tài sản của DN nên DN bị yêu cầu mở phá sản phải cân nhắc vì khi tòa án mở thủ tục này thì ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của DN.

Vậy những khách hàng khác của dự án có chủ đầu tư bị mở thủ tục phá sản phải làm gì và tòa án có nghĩa vụ phải bảo vệ quyền lợi cho những khách hàng này không?

- Trong vòng 30 ngày kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản, thẩm phán ra thông báo công khai cho những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (khách hàng mua nhà ở dự án của DN, ngân hàng, nhà thầu cung cấp vật liệu xây dựng, nhà thầu thi công mà DN chưa thanh toán xong, người góp vốn, cổ đông, lao động bị nợ lương, cơ quan thuế...).

Những người có quyền lợi liên quan phải nộp chứng cứ chứng minh quyền lợi của mình trong DN. Khách hàng mua nhà thì nên nộp hợp đồng mua bán nhà, hóa đơn chứng từ về việc thanh toán tiền, những người đã nhận nhà thì phải có biên bản bàn giao nhà... để tòa án xác định và lập danh sách chủ nợ của DN.

Luật phá sản lần đầu vào năm 1997, luật mới năm 2014 nhưng theo tôi biết thì trước vụ PetroVietnam Landmark chưa có vụ án nào về phá sản do tâm lý của người dân và doanh nghiệp VN chưa quen

Luật sư Trần Thái Bình

Liệu khách hàng mua nhà trong các dự án do DN bị tuyên bố phá sản làm chủ đầu tư có được ưu tiên thanh toán?

- Tài sản của DN sẽ thanh toán theo thứ tự sau: Chi phí cho thủ tục phá sản, lương của người lao động, chi phí phát sinh khi phục hồi hoạt động kinh doanh và chi phí cho những hoạt động của DN trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước (thuế hoặc nghĩa vụ khác).

Sau khi thanh toán hết những khoản trên, những chủ nợ có bảo đảm thì có quyền lấy tài sản mình đang nhận thế chấp. Sau đó, tài sản của DN sẽ trả cho những chủ nợ không có bảo đảm.

Nếu những chủ nợ có bảo đảm đã lấy phần tài sản bảo đảm nhưng vẫn chưa đủ khoản nợ thì sẽ được thanh toán sau các chủ nợ không có bảo đảm. Cuối cùng là phân chia phần tài sản còn lại của DN cho các cổ đông.

Nếu tài sản của DN còn không đủ để trả nợ thì sẽ chia theo tỉ lệ. Ví dụ sau khi thanh toán chi phí phá sản, tài sản của DN chỉ còn 70% so với tổng các khoản nợ người lao động thì mỗi người lao động sẽ nhận 70% giá trị những khoản nợ. Lúc đó, các nghĩa vụ tiếp theo như thuế, nghĩa vụ tài chính và các chủ nợ... không nhận được đồng nào.

Trong một dự án có khách hàng chưa trả hết tiền mua nhà, có người đã trả hết tiền nhưng chưa nhận nhà, có người đã nhận nhà... thì quyền lợi có ngang nhau trong quá trình giải quyết thủ tục phá sản?

- Người mua nhà chưa trả hết tiền và những người mua nhà đã trả hết tiền nhưng chưa nhận nhà được xếp vào nhóm chủ nợ không có bảo đảm và nhận được ưu tiên thanh toán như trên.

Khách hàng đứng ra yêu cầu tòa án mở thủ tục tuyên bố phá sản cũng được xếp vào nhóm chủ nợ không có bảo đảm. Trường hợp khách hàng đã trả tiền (đúng theo tiến độ hợp đồng) và đã nhận nhà rồi thì xem như đã có quyền sở hữu nhà.

Những căn hộ đã bàn giao không còn là tài sản của DN nữa và tất nhiên không là tài sản thanh lý khi thực hiện thủ tục phá sản.

Trong một dự án nhà ở, có trường hợp chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu, đơn vị thi công... bằng căn hộ và những đơn vị này đem bán căn hộ cho khách hàng. Nếu khách hàng mua nhà ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư thì được xem như mua nhà của chủ đầu tư và chủ đầu tư có trách nhiệm trả lại tiền mua nhà cho khách hàng.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận