Điện và môi trường: Mâu thuẫn về tầm nhìn

NGUYỄN ĐĂNG ANH THI 08/07/2015 19:07 GMT+7

Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công thương hoàn thiện đề án điều chỉnh quy hoạch điện VII sau bốn năm quy hoạch này đi vào thực tế và để lại nhiều bất cập. Theo quy hoạch hiện nay, nhiệt điện dùng than chiếm quá lớn, các chuyên gia cho rằng phải giảm tỉ trọng này xuống nếu không muốn trả giá về môi trường.

 

Theo Bộ Công thương, tăng trưởng điện năng sản xuất của Việt Nam giai đoạn 2010-2014 là gần 9%/năm, trong khi đó tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn này là 6%/năm, nghĩa là hệ số tăng trưởng điện năng/ tăng trưởng GDP là 1.5. Điều này cho thấy chúng ta đang sử dụng năng lượng không hiệu quả, trong đó có nguyên nhân từ việc thu hút đầu tư vào những ngành có nhu cầu cao về năng lượng.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) (*), Việt Nam đã xác định nhiệt điện (chiếm đa số là nhiệt điện đốt than) làm trọng tâm phát triển nguồn điện. Công suất nhiệt điện than năm 2020 là 36.000 MW, chiếm 48% cơ cấu nguồn điện; và công suất nhiệt điện than năm 2030 là 75.000 MW, chiếm 51% cơ cấu nguồn điện.

Nếu so với tổng công suất các nhà máy điện than của cả nước năm 2010 là 4.250 MW, chỉ trong vòng 10 năm, tổng công suất các nhà máy điện than tăng gấp 8,5 lần và sau 20 năm tăng gấp 17,6 lần.

Bỏ quên "tăng trưởng xanh"

Một năm sau sự ra đời của Quy hoạch điện VII, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (**).

Mục tiêu cụ thể của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh là: “(1). Tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có và khuyến khích phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao.

(2). Nghiên cứu, ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

(3). Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường thông qua tạo nhiều việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên, phát triển hạ tầng xanh”.

Trong đó, một trong ba nhiệm vụ chiến lược là “Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo theo những chỉ tiêu chủ yếu sau: giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8-10% so với mức 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 1-1,5% mỗi năm.

Giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 10-20% so với phương án phát triển bình thường, định hướng đến năm 2030, giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm ít nhất 1,5-2%, giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 20-30% so với phương án phát triển bình thường”.

Theo thống kê của Viện Năng lượng, tính đến cuối năm 2014, nhu cầu điện thực tế đạt trên 85% so với dự kiến, công suất nguồn điện đưa vào đạt 95% so với Quy hoạch điện VII. Nhu cầu điện tăng thấp hơn dự kiến là do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, suy giảm đầu tư kéo theo suy giảm tăng trưởng GDP.

Nhưng công suất nguồn điện đưa vào đạt 95% so với Quy hoạch điện VII là do chậm tiến độ khi xây dựng và lắp đặt các nhà máy nhiệt điện than, nhất là các nhà máy do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận như Hải Phòng 1, 2; Cẩm Phả 1, 2; Quảng Ninh 1, 2; Mạo Khê; Thái Nguyên; Vĩnh Tân 2; Duyên Hải 1...

Mặc dù chậm tiến độ nhưng các dự án đầu tư nguồn điện vẫn đang được thực hiện theo Quy hoạch điện VII, điều này rõ ràng đang mâu thuẫn với chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh.

Nếu đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII vẫn không thay đổi về chỉ tiêu phát triển nhiệt điện than thì nhu cầu than để vận hành 36.000 MW công suất các nhà máy nhiệt điện năm 2020 là 67 triệu tấn than/năm, và để vận hành 75.000 MW công suất các nhà máy nhiệt điện năm 2030 là 171 triệu tấn than/năm.

Nếu lấy trung bình lượng tro xỉ tạo ra là 35% so với than nhiên liệu, tương đương chất lượng than cám 6A (Hòn Gai - Cẩm Phả) đang được sử dụng tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Bình Thuận) và Nhiệt điện Duyên Hải 1, sắp tới là Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 mở rộng (Trà Vinh), lượng tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than năm 2020 là 23,5 triệu tấn và năm 2030 là 60 triệu tấn.

Với việc phân bố các nhà máy nhiệt điện than khắp cả nước, trải dài khắp Việt Nam từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa, Bình Thuận, Long An, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang..., nguy cơ ô nhiễm môi trường từ khí thải, tro xỉ và nước thải từ các nhà máy này là rất nghiêm trọng.

Cụ thể hơn, đó là các nguy cơ về mưa axit, nguy cơ khói mù, nguy cơ ô nhiễm kim loại nặng vào chuỗi thức ăn, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước và đất đai cho nông nghiệp, nguy cơ suy giảm nguồn lợi thủy sản, suy giảm năng suất nuôi trồng thủy sản, năng suất trồng trọt - nhất là trồng lúa ở ĐBSCL, nguy cơ xung đột nhu cầu sử dụng đất...

Ước tính nếu không có giải pháp tái sử dụng tro xỉ hợp lý từ các nhà máy nhiệt điện than, nhu cầu diện tích tích lũy cho các bãi chứa tro xỉ đến năm 2030 là trên 28.000ha hay 280km2 (giả sử chiều sâu bãi chứa là 2m), phân bố dọc theo chiều dài đất nước qua các trung tâm điện lực lớn từ miền Bắc, miền Trung cho đến đồng bằng sông Cửu Long.

Như vậy, đâu sẽ là những lựa chọn cho Việt Nam về phát triển nguồn điện, vừa đảm bảo hài hòa mục tiêu tăng trưởng xanh, vừa đảm bảo nguồn điện cho phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng?

Phát triển nhiệt điện than sạch

Lựa chọn nhiệt điện than dường như là một yêu cầu bắt buộc trong phát triển nguồn điện, và chính vì vậy cần nghiêm túc thực hiện chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh thông qua việc kiểm soát chặt chẽ các tiêu chuẩn thiết kế, lắp đặt, vận hành các nhà máy nhiệt điện than theo chuẩn mực của thế giới về công nghệ sạch và than sạch.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) năm 2014 cho biết các nhà máy nhiệt điện than chiếm khoảng 36% công suất các nguồn điện và đóng góp 73% trong tổng phát thải khí nhà kính của các nguồn điện, tương đương 29% lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu.

Trong khi đó, theo Quy hoạch điện VII, đến năm 2030 thì lượng phát thải khí nhà kính từ các nhà máy điện chiếm 85% tổng phát thải của quốc gia, nghĩa là lượng phát thải cao hơn trung bình của thế giới. Điều này do công suất nhiệt điện than dự kiến năm 2030 chiếm 51% các nguồn điện, cùng với đó là các vấn đề về hiệu suất thấp của công nghệ cũng như sử dụng than không sạch.

Việc hoàn thiện đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII cần phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược với nhiều kịch bản phát triển nguồn điện, trong đó tập trung đánh giá các kịch bản phát triển nhiệt điện than với nhiều loại công nghệ khác nhau, đi sâu vào tính toán tiềm năng ô nhiễm không khí, tính toán tải lượng các khí gây mưa axit, tải lượng tro xỉ, xây dựng bản đồ phân bố ô nhiễm và so sánh với tiêu chuẩn chất lượng môi trường không khí xung quanh.

Từ đó lựa chọn phương án phát triển tối ưu tính đến việc giảm phát triển nhiệt điện than.

Việc sử dụng than sạch đóng vai trò quyết định trong việc giảm lượng tro xỉ thải ra từ các nhà máy nhiệt điện. Than cám 6A đang được sử dụng có độ tro trung bình đến 37,5%, chỉ thấp hơn so với loại than cám 6B là loại có chất lượng kém nhất trong 11 loại than cám theo theo TCVN 8910:2011.

Sử dụng than có độ tro cao nghĩa là tải lượng phát thải tro xỉ cũng cao tương ứng, kéo theo đó là lượng than sử dụng và yêu cầu vận chuyển, tồn trữ cũng tăng lên. Do vậy, cần sớm có quy định chặt chẽ về độ tro của than càng thấp càng tốt cho các nhà máy nhiệt điện than.

Kiểm soát ô nhiễm khí thải là một vấn đề cực kỳ hệ trọng trong vận hành nhà máy nhiệt điện than, bao gồm kiểm soát tro bay (bụi), kiểm soát SO2, kiểm soát NOX và gần đây các nước phát triển đặt ra thêm yêu cầu kiểm soát thủy ngân bay hơi trong khí thải (nhưng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp nhiệt điện, QCVN 22:2009/BTNMT chưa quy định).

Mỗi nhà máy nhiệt điện than đều cần phải trang bị đầy đủ các hệ thống quan trắc liên tục, kết quả được công khai trên trang web của nhà máy hoặc doanh nghiệp sở hữu, công khai tại cổng nhà máy để bất kỳ người dân nào cũng đều có quyền kiểm tra việc tuân thủ quy định về kiểm soát khí thải của từng nhà máy.

Ngoài ra, các thông số quan trắc chất lượng không khí xung quanh nhà máy và vùng phụ cận; quan trắc thành phần ô nhiễm và nhiệt độ của nước thải, nước giải nhiệt nhà máy, kết quả quan trắc chất lượng môi trường và thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường theo định kỳ tại bãi thải tro xỉ cũng nên công khai để mọi người dân đều có thể giám sát.

Phát triển nhiệt điện than đang gặp nhiều thách thức không chỉ về môi trường mà còn về cơ sở hạ tầng phụ trợ cũng như thách thức về đảm bảo nguồn than ổn định lâu dài. Đây cũng chính là thách thức về an ninh năng lượng của quốc gia.

(*): Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/07/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

(**): Theo quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25-9-2012.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận