Khởi nghiệp ở ASEAN

NGUYỄN PHI VÂN 23/03/2016 22:03 GMT+7

TTCT - LTS: Trong số báo trước, TTCT kể câu chuyện bạn trẻ loay hoay khởi nghiệp ở Việt Nam. Xin tiếp nối câu chuyện từ góc nhìn hỗ trợ của nhà nước qua lăng kính của một chuyên gia nhiều năm làm việc với các nước ASEAN.

Hoạt động startup rất sôi động trong cộng đồng ASEAN với giải thưởng mang tên Rice Bowl
Hoạt động startup rất sôi động trong cộng đồng ASEAN với giải thưởng mang tên Rice Bowl


Đã đến lúc khởi nghiệp cần được xác định đúng vị trí trong chiến lược chung về phát triển kinh tế của quốc gia. Hỗ trợ khởi nghiệp phải nằm trong chuỗi giá trị xuyên suốt về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Đó là cách mà các quốc gia ASEAN đang triển khai một cách tích cực và hiệu quả.

Chút phác họa nhỏ và vừa

Với 89-99% số doanh nghiệp trong khu vực ASEAN là DNVVN, việc khuyến khích DNVVN khởi nghiệp, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trở thành một nền tảng không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế của từng nước thành viên, trong đó có Việt Nam.

Một vòng quanh ASEAN sẽ cho chúng ta cái nhìn toàn cảnh về hiệu quả triển khai các vấn đề khuyến khích khởi nghiệp và hỗ trợ phát triển cho DNVVN.

Theo báo cáo đánh giá về mức độ hỗ trợ hiệu quả của nhà nước đối với DNVVN của cộng đồng kinh tế ASEAN, các quốc gia trong khu vực đang chia thành hai nhóm khác nhau. Nhóm có chỉ số hỗ trợ chính sách cao xếp hạng cao nhất từ trên xuống bao gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Philippines.

Đây là nhóm được đánh giá có chính sách và chương trình hỗ trợ hiệu quả cho DNVVN với chỉ số dao động từ 3,8 (Philippines) đến 5,4% (Singapore). Nhóm có chỉ số dưới chỉ số trung bình của ASEAN là 3,7% theo thứ tự thấp dần bao gồm Việt Nam, Brunei, Myanmar, Lào và Campuchia.

Cũng như vòng đời sản phẩm, vòng đời của một doanh nghiệp bao gồm năm giai đoạn: tiền khởi nghiệp, khởi nghiệp, phát triển, trưởng thành và phục hồi. Để có thể hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp bền vững, chính sách hỗ trợ không thể chỉ dừng lại ở giai đoạn 1 - tiền khởi nghiệp hay giai đoạn 2 - khởi nghiệp.

Chính sách hỗ trợ nhất thiết phải xuyên suốt theo sự phát triển của vòng đời doanh nghiệp nhằm tạo ra những doanh nghiệp phát triển bền vững, đóng góp ổn định vào kinh tế quốc gia.

Chính sách hỗ trợ hiệu quả vì vậy được xác định theo tám đề mục chính là cơ chế hỗ trợ, mức độ dễ dàng tiếp cận dịch vụ hỗ trợ, thủ tục đơn giản và chi phí khởi nghiệp thấp, mức độ dễ dàng tiếp cận nguồn tài chính, chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường thế giới, xúc tiến đào tạo quản trị doanh nghiệp, và bảo vệ quyền lợi DNVVN.

Trong tám đề mục nêu trên, mức độ chênh lệch về hiệu quả triển khai và thực hiện tại các nước ASEAN chủ yếu nằm trong năm đề mục là mức độ dễ dàng tiếp cận dịch vụ hỗ trợ, thủ tục đơn giản và chi phí khởi nghiệp thấp, mức độ dễ dàng tiếp cận nguồn tài chính, chuyển giao công nghệ và xúc tiến đào tạo quản trị doanh nghiệp. Những chỉ số này thấp nhất tại bốn nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam).

Dễ dàng tiếp cận dịch vụ hỗ trợ

Thiếu thông tin là một trong những trở ngại lớn nhất đối với DNVVN, nhất là doanh nghiệp trong giai đoạn khởi nghiệp. Thiếu thông tin có thể là do nguồn thông tin cung cấp không đầy đủ, không xuyên suốt do có quá nhiều tổ chức và nhiều kênh thông tin rải rác.

Vì vậy, đòi hỏi nhà nước phải xây dựng nhiều trung tâm hỗ trợ một cửa, giúp doanh nghiệp dễ dàng tương tác cả về vị trí địa lý lẫn về nguồn thông tin hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển. Dịch vụ hỗ trợ của nhà nước trong thời đại thông tin cần phải online, cần có một cổng tương tác nhất quán và xuyên suốt cho doanh nghiệp.

Về đề mục hỗ trợ này, top 3 quốc gia được đánh giá hiệu quả nhất bao gồm Singapore, Malaysia và Indonesia. Qua dự án hỗ trợ SPRING Singapore, hơn 10 trung tâm hỗ trợ DNVVN đã được triển khai với mục tiêu cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí cho doanh nghiệp.

Mỗi trung tâm có một đội ngũ chuyên viên tư vấn chuyên nghiệp trong nhiều lĩnh vực, từ pháp lý đến tài chính, sáng tạo, công nghệ và phát triển thị trường quốc tế. Tôi từng tham gia diễn thuyết tại những hội thảo chuyên đề phát triển quốc tế cho những trung tâm này năm 2013.

Thủ tục đơn giản, chi phí thấp

Đây là một trong những hỗ trợ giúp doanh nghiệp mạnh dạn và dễ dàng khởi nghiệp. Việc cải cách hành chính để thủ tục đăng ký hay giải thể công ty đơn giản, nhanh chóng, chi phí thấp sẽ khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp nhiều hơn.

Đối với đề mục này, top 3 nước có chỉ số cao nhất về hiệu quả cũng vẫn là Singapore, Malaysia và Indonesia. Tại Malaysia chẳng hạn, chương trình “Giấy phép 1 ngày” giúp doanh nghiệp đăng ký và nhận giấy phép thành lập công ty chỉ trong vòng 1 ngày với thủ tục đơn giản.

Nhằm khuyến khích nhiều doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp, Malaysia cũng đã thành lập Quỹ Khởi nghiệp để trực tiếp đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp mới về công nghệ, theo mô hình kết hợp giữa cho vay tài chính và sở hữu cổ phần.

Theo nghiên cứu của tổ chức ERIA (Viện Nghiên cứu kinh tế khu vực ASEAN và Đông Á) năm 2010, rất nhiều DNVVN vẫn đang khởi nghiệp hoặc phát triển bằng nguồn vốn tự có hoặc nguồn vốn tái đầu tư của chính mình.

Ngân hàng và các tổ chức tài chính có khuynh hướng xem xét mức độ rủi ro của khoản vay theo độ lớn của doanh nghiệp và mức độ phát triển của thị trường tài chính quốc gia. Vì vậy, doanh nghiệp càng lớn ở các quốc gia có thị trường tài chính càng phát triển như Indonesia, Malaysia, Thái Lan lại càng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp.

Do đó, nhà nước cần can thiệp bằng cách mở rộng thị trường tài chính, tạo điều kiện cho nhiều tổ chức tài chính tham gia vào thị trường, tạo ra sự cạnh tranh, qua đó giúp giảm lãi suất cho vay, khuyến khích sự đa dạng của các sản phẩm và dịch vụ tài chính cho DNVVN.

Đối với đề mục hỗ trợ này, top 4 thị trường có chỉ số hiệu quả cao nhất là Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.

Trong thời gian cố vấn cho Chính phủ Malaysia về xuất khẩu thương hiệu quốc gia ra quốc tế, tôi đã làm việc với rất nhiều DNVVN của Malaysia tham gia chương trình nâng cấp thương hiệu quốc gia và qua đó dễ dàng tham gia vay vốn từ các tổ chức tài chính nhờ vào xác nhận đảm bảo tín dụng từ chính phủ.

Đến cuối năm 2012, chương trình này đã tạo điều kiện vay vốn cho 420.217 DNVVN với tổng giá trị cho vay lên đến 12,5 tỉ USD. Ngoài ra, Malaysia hiện cũng có rất nhiều tổ chức cho vay tài chính dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ (micro-financing), có khả năng cho vay lên đến 12.000 USD cho mỗi giao dịch.

Chuyển giao công nghệ và đào tạo quản trị

Trong thế kỷ 21, khi thế giới thay đổi từ thời đại công nghiệp sang thời đại thông tin, mọi vấn đề sáng tạo và đổi mới đều ít nhiều có liên quan đến công nghệ. Sáng tạo có thể bắt đầu từ nguồn lực bên trong, nhưng rất thường xuyên lại dựa vào nguồn lực bên ngoài. Ví dụ: hình thức doanh nghiệp liên kết với các trường đại học đầu ngành.

Trường đại học, theo định nghĩa hiện đại phải là nơi ươm mầm, chuyển giao và thương mại hóa công nghệ. Chính những nguồn lực bên ngoài này, từ trường đại học đến tổ chức nghiên cứu của chính phủ, hiệp hội nghề, tổ chức hỗ trợ chính phủ hay phi chính phủ..., là những nguồn lực quý giá hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khả năng đổi mới, sáng tạo qua các hoạt động chuyển giao công nghệ và chia sẻ tri thức.

Nhà nước có thể xây dựng những chương trình miễn giảm thuế hay hỗ trợ kỹ thuật khi doanh nghiệp đầu tư vào sáng tạo và công nghệ. Ba quốc gia có chỉ số thực hiện việc chuyển giao tri thức và công nghệ hiệu quả nhất là Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Tuy xếp sau nhưng gần đây Thái Lan đã đạt được một số thành tựu mà nhiều nước phải... ghen tị trong việc tổ chức chương trình “Vườn ươm doanh nghiệp” tại các trường đại học. Hiện người Thái đã xây dựng được 9 hệ thống với sự tham gia của 56 trường đại học trên cả nước, trong đó có khoảng 10 trường có thể chuyển giao công nghệ qua văn phòng cấp phép chuyển giao công nghệ.

Muốn có doanh nghiệp khởi nghiệp bền vững cần phải có doanh nhân có kiến thức và kỹ năng. Trong sự phát triển tất yếu của kinh tế tri thức, nguồn lực con người chính là sức mạnh.

Cần có những chương trình tổng thể, xuyên suốt nhằm hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp về quản trị chuyên nghiệp, hệ thống sản xuất, cải tiến chất lượng, tiếp thị, phân phối, nâng cao hiệu suất, hiệu quả, tỉ lệ lợi nhuận. Quan trọng không kém là việc thương mại hóa ý tưởng sáng tạo và phát triển thị trường.

Trong bối cảnh khu vực như vậy, Việt Nam hiện đang triển khai vấn đề này một cách thiếu hiệu quả nhất (chỉ số đánh giá 2,9 - thấp nhất trong tất cả các chỉ số đánh giá của Việt Nam). Thiết nghĩ chúng ta cần có chiến lược và kế hoạch tức thời và thực tế để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. ■

Ba nước hiện đang triển khai hiệu quả nhất là Singapore, Malaysia và Indonesia. Singapore triển khai rất thành công chương trình đưa đào tạo kiến thức và kỹ năng kinh doanh vào trường học.

Chương trình mang tên YES! Schools (Youth Entrepreneurship Scheme for Schools - đào tạo kiến thức và kỹ năng kinh doanh cho thế hệ trẻ). Chương trình hoàn toàn do chính phủ tài trợ, triển khai tại 131 trường cấp II, với hơn 32.000 học sinh tham gia học.

Nếu kiến thức và kỹ năng được đưa vào chương trình giáo dục ngay từ trường cấp II, rõ ràng doanh nghiệp khởi nghiệp tại Singapore đã được chuẩn bị từ trong trứng nước. Tương tự như thế, Indonesia cũng đã triển khai chương trình đào tạo kiến thức và kỹ năng kinh doanh vào các trường cấp III từ năm 2013 theo kế hoạch phát triển trung hạn 2010-2014.

Mục tiêu của chương trình này nhằm xây dựng nền tảng phát triển kinh tế vượt bậc dựa vào nguồn lao động chuyên nghiệp và có kỹ năng kinh doanh.

Tại Malaysia, cả kế hoạch MP10 và tầm nhìn 2020 của quốc gia này đều hướng đến nền kinh tế tri thức lấy nguồn lực con người làm gốc.

Với tư cách là cố vấn tham gia chương trình xuất khẩu thương hiệu quốc gia tại Malaysia, tác giả đã mục kích và tham gia nhiều chương trình hội nghị, hội thảo, lớp đào tạo kỹ năng, chương trình tư vấn và đỡ đầu doanh nghiệp do Chính phủ Malaysia triển khai với ngân sách quốc gia và hoàn toàn miễn phí cho DNVVN.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận