Khởi nghiệp là xây dựng cơ đồ

LƯU VĨ LÂN 17/08/2016 17:08 GMT+7

TTCT - Những sự nghiệp lớn được sinh ra một cách từ tốn, thật sự, chứ không phải là cái bong bóng được tạo ra và thổi phình lên cho lấp lánh nhưng đầy giả tạo.

Xe mì truyền thống của ông Từ Thiếm tại 388 Nguyễn Oanh, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Chiếc xe đã có tuổi thọ 56 năm, lớn hơn ông 1 tuổi. Anh em, chú bác trong gia đình ông mỗi người đều có xe mì như thế này ở Q.1, Q.8, Q.10, Q.11, Q.Gò Vấp và Bình Dương- Ảnh: Hữu Khoa
Xe mì truyền thống của ông Từ Thiếm tại 388 Nguyễn Oanh, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Chiếc xe đã có tuổi thọ 56 năm, lớn hơn ông 1 tuổi. Anh em, chú bác trong gia đình ông mỗi người đều có xe mì như thế này ở Q.1, Q.8, Q.10, Q.11, Q.Gò Vấp và Bình Dương- Ảnh: Hữu Khoa


Tuần rồi, trong cuộc trao đổi với giới doanh nghiệp Việt Nam - Mông Cổ tại thủ đô Ulan Bator, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu một chi tiết thú vị: có đến 70 cơ sở sửa chữa ôtô do người Việt làm chủ đang hoạt động ở Mông Cổ.

Từ 50 năm trước, gia đình người viết bài do gắn bó với giới vận tải, xe hơi nên không lạ về chi tiết này vì đã thấy tài hoa của người Việt trong nghề cơ khí vận tải. Một phần có lẽ thụ hưởng từ chất “mécanicien”: tỉ mỉ, kiên trì, khoa học... từ thời Pháp thuộc, bởi những kỹ sư - thợ máy Pháp là bậc thầy trong lãnh vực này.

Từ cuối những năm 1960, tôi đã được tháp tùng đi xem đấu thầu mua lại những bãi xe quân sự phế thải của quân đội Mỹ, rồi về biến các xe Jeep quân sự loại nắp capô cao, xe Jeep lùn đời A1, A2 thành các xe Jeep dân sự sơn trắng, xanh... đẹp để bán lại cho người tiêu dùng thời thượng.

Lúc ấy, họ cũng biết cách biến các xe vận tải quân sự GMC cỡ lớn thành các xe “ben” chở gỗ trong chốn rừng sâu. Đây là một biến thể khôn khéo của một chiếc xe tải có dàn khung bên trên với cáp và tời để có thể đơn độc kéo gỗ lên xe, chở về cảng và tự xả gỗ xuống mà không cần một thiết bị bốc dỡ nào đi kèm.

Bước qua những năm 1970, giới xe hơi Việt tiến gần hơn đến việc cho ra đời chiếc xe hơi con đầu tiên mang thương hiệu Việt, đó là chiếc La Dalat (mang tên thành phố cao nguyên đẹp đẽ), với thùng và phần cơ đóng tại Việt Nam còn máy nhập từ Hãng Citroen của Pháp.

Chiếc xe thấp, thùng sắt dợn sóng, có mái che bằng vải bạt, một thời nức tiếng nhờ chất nghệ sĩ, lãng du hơn là tính tiện nghi, nhưng cũng được người Sài Gòn yêu mến.

Ở một chiều khác, các chiếc xe vận tải quân sự của miền Bắc lầm lũi, rách nát vì bom đạn nhưng đủ sức đội bao nhiêu là súng đạn xẻ dọc Trường Sơn vào chiến trường cũng là một ví dụ đáng kính nể về... mặt cơ khí, bảo trì.

Họ làm sao để cho cái khung sắt trơ trụi ấy vượt được núi rừng, bom đạn để vào đến tận Sài Gòn ngày 30-4-1975? Đó là câu hỏi mà người rành xe hơi tự hỏi khi đón đoàn quân Giải phóng.

Vì đã sống trong thế giới của những người khởi nghiệp từ nghề xe hơi thời nó còn mới manh nha ở xứ Việt, tôi không ngạc nhiên về việc 70 cơ sở cơ khí xe hơi đang dựng nghiệp ở thảo nguyên Mông Cổ, nơi mà địa hình chỉ phù hợp với vó ngựa của các Đại Hãn thì phải có những người thợ từng biết tạo ra các chiếc xe ben chở gỗ rừng sâu hay các con ngựa sắt vượt Trường Sơn mới có thể phù hợp.

Tìm ngách nhỏ của thị trường

Gia đình tôi khởi nghiệp bằng nghề phụ tùng xe hơi (nói khởi nghiệp vì hồi những năm 1940, 1950 xe hơi còn ít ỏi nên nghề này cũng mới và thời thượng không kém nghề công nghệ thông tin bây giờ). Khu đất vàng mọi thời ở đầu đường Nguyễn Huệ, nay là khách sạn Rex, lúc ấy tọa lạc garage Charner chuyên bán xe hơi.

Sau đó thấy có đường làm ăn chuyển qua nghề vận tải từ miền Trung vào Sài Gòn, rồi từ đó chuyển qua nghề buôn luôn. Ông bác tôi là một chàng trai Hà thành lịch lãm vào Nam đón gió làn sóng du lịch và người Mỹ đến miền Nam, nên đưa cái lịch lãm, sành ăn của ông mở nhà hàng loại sang tên Nhà hàng Việt Nam ở Đà Nẵng rồi chi nhánh Sài Gòn.

Người bác khác học nghề điện lạnh bên Anh từ năm 1950, rồi Mỹ qua mang kỹ nghệ lạnh về, gặp thời ông trúng thầu cung cấp dàn lạnh cho dinh Độc Lập vừa mới xây dựng lại, rồi năm 1972 Mỹ rút, ông lại trúng to khi mua lại kho lạnh của Mỹ ở căn cứ Cam Ranh và bắt đầu làm tôm đông lạnh xuất khẩu từ thời đó...

Người Việt từ xưa không quen với việc làm công ăn lương. Tôi còn nhớ cặp vợ chồng trẻ đẩy xe hốt rác gặp hơn chục năm trước, hỏi ra mới biết họ chán việc làm công nhân dệt quá rồi nên ra thầu một đường rác dân sinh.

Ban đầu là chiếc xe ba gác, chồng hốt, vợ gom nilông, ve chai... cứ thế từ chiếc ba gác lên xe lam, rồi xe tải nhẹ và gần đây gặp là... xe Toyota đời mới. Họ đã trở thành chủ nhân của nhiều đường rác như vậy sau mười năm làm lụng. Giờ họ thuê người làm, xây cả một căn nhà riêng cho công nhân ở và để xe rác, vợ chồng chỉ lo việc quản lý và thu tiền. Mai đây, gặp thời họ có thể là một đại gia trong ngành rác chứ ít gì!

Tôi cũng gặp hai vợ chồng trung niên bán trái cây ở khu chợ gần nhà suốt 20 năm qua. Cứ 5g sáng là chồng chở vợ đưa các loại bưởi vườn đặc sản, măng cụt da nhám, nhỏ trái không hạt, sầu riêng loại ngon đầu bảng và nhiều loại trái cây tuyển lựa khác lên đây bán.

Hàng của họ là phải đặt mua trước, đến sau 7g sáng là không còn. Họ sống ở Long Thành, gần miệt vườn cây trái đặc sản. Họ nhìn ra một “ngách” nhỏ của thị trường: nhu cầu các loại cây trái ngon, sạch, hàng tuyển..., nên buổi chiều đi vào vườn thu gom mỗi thứ một ít, 3g sáng chở lên Sài Gòn và khách hàng chầu chực chờ mua... Họ có một cơ nghiệp nhỏ độc đáo và ổn định đến không ngờ.

Khởi nghiệp và dựng nghiệp

Tuần rồi vừa ghé quán cà phê quen thuộc trước nhà thờ Đức Bà nghe tin cửa hàng thuộc chuỗi NYDC nức tiếng ngay bên cạnh vừa đóng cửa, dường như toàn bộ chuỗi này đã kết thúc “mission Việt Nam” và rút hết ra.

Lại một tin không vui về sự thất bại của các chuỗi ẩm thực quốc tế cũng như quốc nội tại thị trường nước ta. Đây không phải là đất của các “chain” (chuỗi)! Mọi người ta thán thế.

Nhưng đâu đến nỗi bi quan dzậy. Chợt nhớ câu chuyện của chiếc xe mì xá xíu ngon lành và đầy khách tại Gò Vấp, ăn lâu lân la hỏi chuyện mới biết: xe mì này gốc ở đường Mạc Thị Bưởi, quận 1, nổi tiếng giữa trung tâm Sài thành, trước đây do ông già nấu bán, một xe khác tại quận 8 cho ông anh đầu, các xe khác nữa cho anh chị em ở quận 10, quận 11, Bình Dương và Gò Vấp…, tất cả dùng chung nguồn sợi mì bí truyền, cách nấu nước dùng, cách ướp thịt xá xíu...

Trời đất, vậy là chuỗi rồi còn gì, và chuỗi này đã tồn tại hơn 50 năm rồi chứ chẳng thử nghiệm, thử thách gì cả.

Hôm rồi đi nghiên cứu viết bài ở Đông Hà gần vĩ tuyến 17, tôi được ăn một bữa cơm âm phủ đúng điệu, hỏi ra mới biết đây là một nhánh của gia đình cơm Âm Phủ nức tiếng của Huế ra mở hàng ở đây, họ không dùng những danh xưng rổn rảng nhưng rõ ràng họ biết sức mạnh thật của sản phẩm mình làm ra và từ tốn “nở nồi” lớn dậy.

Như vậy, mấy ông lớn “chain” quốc tế xem ra đang “hít khói” các anh hủ tiếu, cơm tấm, mì gõ lóc cóc xứ Việt mất rồi!

Cho nên, khởi nghiệp đâu phải câu chuyện quá cầu kỳ, thời thượng, kiểu “khoa học kinh tế”, “chiến lược quốc gia”... Từ cội rễ, đây là chuyện con người tìm một phương thức để làm ăn sinh sống. Và cả một xã hội với mọi ngóc ngách phức tạp vi diệu nên khó có ai tỏ tường hết được, chỉ có dân gian nhìn thấy rõ nhất các cơ hội làm ăn, họ giỏi hơn bất cứ một chuyên gia hay nhà hoạch định chính sách nào.

Nhưng, trước hết không cần phải tạo ra một động tác nhân tạo trong cụm từ “khởi nghiệp” kiểu phương Tây - thứ phong cách thích cái hào nhoáng, thường được “chơi” trên nền của các hoạt động kinh tế phát triển cao của họ: phần mềm, kinh doanh trên nền tảng Internet, công nghệ mobile, tài chính...

Ở nước ta từ bao đời nay, “khởi nghiệp” là thấy có một công việc sống được (hốt rác, bán trái cây, thầu sửa ôtô...), vào nghề, làm nghề thật tinh thông, tích lũy tiền bạc, kinh nghiệm, quan hệ, cộng thêm may mắn sẽ “nở nồi” mà dựng nên nghiệp lớn.

Cuối cùng, khởi nghiệp tức là tự dựng cơ đồ, tự mình làm chủ cuộc đời mình, đó là tự do, là độc lập vốn từ ngàn đời, là cái hồn hào sảng thấm đậm sâu sắc trong tim óc của dân tộc này. Một chính sách nếu cần chính là phát động lại một cuộc chấn hưng tinh thần tự doanh vốn có từ lâu đời ấy, chính trong tinh thần ấy, những tiểu thương, thợ thủ công, người nông dân, anh công nhân có tay nghề... sẽ nâng cao sự tinh thông nghề nghiệp, cộng với một xã hội thông tin rộng mở ngày nay, xã hội sẽ có những cơ đồ lớn trong tương lai. ■

Còn nhiều rào cản khởi nghiệp

Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng hiện nay khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn khó, bởi một số chính sách, pháp luật còn hiệu lực mà lại không hợp lý và khả thi, thậm chí trái ngược nhau.

Điều này khiến doanh nghiệp dễ lâm vào cảnh kiểu gì cũng sai, làm nhiều sai nhiều, càng sáng tạo càng dễ sai. Ông Lộc nêu câu chuyện một số bạn trẻ thay vì lập doanh nghiệp ở Việt Nam thì đi lập doanh nghiệp ở nước khác, đặc biệt là Singapore do gần, thủ tục nhanh gọn, lại có cơ chế thoáng. Điều mà theo ông, sẽ khiến Việt Nam thất thu thuế.

Theo ông Lộc, doanh nhân Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn làm yếu sức cạnh tranh: thời gian nộp thuế, thời gian thông quan, thời gian tiếp cận điện năng, thủ tục đầu tư xây dựng… kém so với nhiều nước ASEAN khác.

Ông cho rằng Bộ Kế hoạch - đầu tư, với tư cách cơ quan chủ trì thực hiện nghị quyết 19/2015 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, cần nghiên cứu cách làm của sáu nước ASEAN về thủ tục hành chính, cách thức thực hiện thanh tra, kiểm tra, cách họ làm để được xếp thứ hạng cao trong báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới.

Và “chính sách, pháp luật cần theo hướng đơn giản, dễ hiểu, rõ trách nhiệm các bên, tiến tới hạn chế các thông tư hướng dẫn bởi các thông tư có thể khiến chính sách thay đổi nhanh, khó đoán định”.

C.V.K. ghi

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận