Gánh nặng tiền trường: phụ phí nghẹt thở

VĨNH HÀ 13/09/2016 17:09 GMT+7

TTCT - Theo Luật giáo dục hiện hành, trẻ 6 tuổi đều được quyền đi học tại các cơ sở giáo dục công lập và được miễn học phí. Nhưng khác với việc “miễn học phí” cho học sinh (HS) ở nhiều nước, ở Việt Nam miễn mà không phải miễn.

Niềm vui của các em học sinh trường tiểu học Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh với chiếc áo trắng mới cho mùa tựu trường. Ảnh Tự Trung

 

Phụ phí “nặng” gấp chục lần học phí

Khung học phí quy định đối với bậc mầm non và phổ thông, mức cao nhất mà nhiều địa phương đang áp dụng là 180.000 - 200.000 đồng/HS (đối với HS THPT chuyên). Ở Hà Nội, bậc mầm non và phổ thông chỉ thu cao nhất là 80.000 đồng/HS/tháng (đối với khu vực thành thị) và 10.000 đồng/HS/tháng (khu vực miền núi).

Ở Hà Nội, tiếng là HS tiểu học được miễn học phí nhưng đầu năm học, phụ huynh có con học tiểu học vẫn phải đối diện với các khoản thu: tiền học phí cho buổi thứ 2 (100% các trường tiểu học ở Hà Nội dạy học 2 buổi/ngày, buổi học thứ 2 phụ huynh phải hỗ trợ kinh phí), tiền quản lý bán trú, tiền ăn bán trú (hầu hết HS nội thành Hà Nội đều phải học bán trú do không có người trông giữ), tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, các khoản Đoàn phí, Đội phí...

Đây được xem là các khoản thu hợp lệ. Ngoài ra là các khoản khác phục vụ trực tiếp cho HS như tiền nước uống, tiền vệ sinh, tiền photo tài liệu học tập, tiền chăm sóc cây xanh, tiền học tăng cường tiếng Anh, tiền sinh hoạt câu lạc bộ...

Nhiều nhà trường với vỏ bọc “tự nguyện” còn thu tiền mua máy điều hòa, rèm cửa, sửa chữa lớp học, mua máy chiếu, bảng tương tác. Trào lưu “phủ kín” bảng tương tác, máy chiếu, máy điều hòa và rèm cửa tại Hà Nội vài năm qua đã khiến phụ huynh phải đóng hàng trăm triệu đồng.

Nhưng tới nay chưa có một rà soát, tổng kết nào về tác dụng của bảng tương tác, máy chiếu ở nhiều trường thì đã “đắp chiếu”, chỉ trình diễn trong những buổi hội giảng, buổi học có giáo viên dự giờ.

Cứ mỗi mùa khai trường, phản ảnh của phụ huynh ở nhiều địa phương gửi các cơ quan công luận lại tái diễn với nguyên nỗi bức xúc. Nhiều phụ huynh tại Hà Nội cho biết chỉ riêng trong tháng đầu tiên đi học, họ phải nộp 5-7 triệu đồng.

Trong thư phản ảnh kèm thông báo nộp tiền, một phụ huynh ở huyện Ý Yên (Nam Định) đã cho biết phải nộp cả tiền hỗ trợ giáo viên hợp đồng, tiền bổ sung cây xanh trong sân trường, tiền điện, nước, vệ sinh và tiền xây dựng (mà không biết xây dựng gì).

Với thu nhập của người dân ở nông thôn, có con học tiểu học không dễ thở tí nào, khi học phí được miễn vài chục ngàn đồng nhưng phụ phí thu hàng triệu đồng.

Ngoài những khoản chi trên, còn phải kể tới tiền quỹ hội phụ huynh lớp. Đối với trường công lập, quỹ phụ huynh lớp chủ yếu dùng cho việc “cảm ơn” thầy cô giáo. Trong các buổi họp phụ huynh, hiếm người lên tiếng phản đối, vì thế thường các mức thu quỹ đều “100% đồng thuận”.

Và quà cho thầy cô giáo trong nhiều dịp lễ tết cũng là tự nguyện, nhưng dần dần chuyện này thành “lệ”, lớp này nhìn vào lớp kia để cùng... nâng dần mức tiền nộp quỹ.

Những “gánh nặng” khác

Nếu trước đây các nhà trường đều có thư viện, tủ sách dùng chung cho HS mượn sách giáo khoa (SGK) thì hàng chục năm nay, phụ huynh phải mua sách mới cho con vào mỗi năm học mới. Ngoài SGK là sách tham khảo. Có hàng ngàn lý do để HS tiểu học phải mua sách tham khảo.

NXB Giáo Dục cho biết năm học này đã phát hành 103 triệu bản SGK và trên 90 triệu sách tham khảo. Một số lượng lớn trong đó đã theo hệ thống các nhà trường đưa đến tay HS, góp phần tăng thêm gánh nặng của các phụ huynh.

Mặc dù Bộ GD-ĐT đã cấm các nhà trường tiếp thị, phát hành sách tham khảo nhưng đây vẫn là một trong nhiều điều cấm của Bộ GD-ĐT đưa ra mà không kiểm soát được việc thực thi.

Dạy thêm, học thêm sai quy định cũng là một điều tương tự. Ở Hà Nội, hiếm có trường tiểu học nào đạt được quy định trong điều lệ trường tiểu học là 35 HS/lớp, nhiều trường sĩ số gấp đôi quy định. Chủ trương đạt 100% HS học 2 buổi/ngày đã khiến khá nhiều trường hiện phải cho HS học buổi 2 ở điểm lẻ đi thuê mượn, ở nhà dân.

Chưa đủ, nhiều HS sau hai ca học vẫn phải tiếp tục đi học thêm ở nhà giáo viên vì các áp lực do giáo viên mang lại. Những “phụ phí” vì thế tiếp tục được nối dài.

Với mục tiêu hoàn thành và duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, trên danh nghĩa đây là đối tượng được đầu tư nhiều trong những năm qua, cũng là đối tượng duy nhất được miễn học phí để khuyến khích HS đến trường đúng độ tuổi. Nhưng những gánh nặng mà HS tiểu học phải mang đang đi ngược mục đích trên.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận