Miếng bánh trong tay ai?

PHẠM HIỆP 15/09/2016 01:09 GMT+7

TTCT - Trong chuyến đi ngắn cuối tháng 8 vừa qua tại một số tỉnh lân cận Hà Nội, tôi ngạc nhiên thấy khá nhiều băngrôn quảng cáo tuyển sinh đại học chính quy được treo tại các miền quê dọc trên đường đi.

Minh họa
Minh họa


 Đó phần nhiều là quảng cáo của các trường kém tên tuổi, đều khó nhớ tên (mất công tra cứu thì mới dám chắc đó thật sự là các cơ sở giáo dục đại học được Nhà nước công nhận). Các quảng cáo này nằm lẫn với các quảng cáo khác về tuyển công nhân cho khu công nghiệp hay xuất khẩu lao động mà ta thường thấy ở các miền quê.

Rời tháp ngà, đi tìm khách

Dấu hiệu này cho thấy giáo dục đại học ngày nay đã trở nên “thị trường” hơn. Ở đó, người bán (các trường) đã chủ động hơn để tiếp cận người mua (sinh viên, phụ huynh) như bất kỳ ngành dịch vụ nào khác. Nhưng điều này có vẻ chỉ đúng với các trường đại học thuộc tốp dưới.

Các trường đại học thuộc tốp trên vốn quá quen với việc “đuổi thí sinh đi không hết” vẫn giữ những thói quen cũ và có vẻ đang kém nhạy bén với thị trường hơn là các trường tốp dưới.

Bằng chứng rõ nét nhất là với việc quy chế tuyển sinh năm nay thay đổi, lượng thí sinh ảo phát sinh, kết quả là nhiều đại học tốp trên, phần vì kém kỹ năng “bán hàng”, phần vì thiếu chuẩn bị trong việc đối phó với tình trạng “khách hàng ảo” (điều rất bình thường trong mọi ngành, lĩnh vực khác), nên không tuyển đủ sinh viên cho đợt xét tuyển đầu tiên - điều chưa có tiền lệ trong lịch sử.

Chính cái “chưa có tiền lệ trong lịch sử” này để lộ một vấn đề sâu xa hơn của giáo dục đại học Việt Nam: những trường được gọi là “tốp trên” dường như thiếu năng động, thiếu nhạy bén hơn các trường vốn được gọi là “tốp dưới”.

Và xét cho kỹ, khác với các đại học trên thế giới phải “vất vả chiến đấu” để giữ được vị trí “top” của mình trên các bảng xếp hạng toàn cầu, các đại học tốp trên ở Việt Nam chưa bao giờ phải “nhọc sức” để giữ vị trí “top” của mình. Vị trí “top” của họ tự thân có được và là nhờ một số chính sách “thiên vị” của Nhà nước.

Thực vậy, ngay từ khi thành lập, các đại học nằm vào danh sách tốp trên ở Việt Nam đã luôn được ưu đãi hơn từ đầu tư tài chính, cơ sở vật chất, con người so với các đại học khác (thường là ra đời muộn hơn).

Những chính sách mới, những dự án mới, nếu có, cũng lại luôn ưu tiên các trường này, trong khi các yêu cầu, sức ép về kết quả đầu ra (ví dụ đại học tốp trên thì sinh viên ra trường phải có mức thu nhập trung bình cao hơn) hầu như chưa bao giờ được đưa ra như một điều kiện bắt buộc.

Hoặc cũng chưa bao giờ thấy có một đại học nào ở Việt Nam bị mất “danh hiệu tốp trên” nếu không hoàn thành một trách nhiệm được giao trước đó. Nói cách khác, khái niệm đại học “tốp trên”, “tốp dưới” ở Việt Nam về cơ bản là một khái niệm “tĩnh” mà ở đó các trường không mất công để thay đổi, và không có hậu quả nào nếu không thay đổi.

Trong nhà chưa yên, ngoài ngõ đã rộn

Tuy vậy, nếu nhìn rộng hơn ra ngoài biên giới của Việt Nam, có thể thấy sẽ rất nguy hại nếu trạng thái “tĩnh” của giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục kéo dài. Bởi chúng ta sẽ không thể “tĩnh” mãi trong một thế giới đang “động” không ngừng.

Và nếu không có các thay đổi để chí ít là “bớt tĩnh hơn”, miếng bánh giáo dục đại học, dường như đang được các đại học Việt Nam chia rất đều, sẽ bị các đối thủ năng động hơn, quyết liệt hơn từ khắp nơi trên thế giới giành mất. Thực tế miếng bánh đó đã bị giành một phần đáng kể, một cách âm thầm, trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Số liệu thống kê cho thấy trong giai đoạn 2010-2015, tổng quy mô giáo dục đại học ở Việt Nam tăng nhẹ từ 2,16 triệu (năm 2010) đến 2,36 triệu (năm 2014) và tụt về lại khoảng 2,2 triệu năm 2015.

Cũng trong thời gian này, số lượng sinh viên Việt Nam du học nước ngoài không ngừng tăng: từ 47.000 (năm 2010) lên tới 130.000 (năm 2015). Nhiều nghiên cứu trên thế giới đều đánh giá rằng Việt Nam là một trong những thị trường “béo bở” nhất về giáo dục đại học, bên cạnh Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ hay Brazil.

Xét trên đầu sinh viên, số lượng 2,2 triệu sinh viên trong nước so với 130.000 sinh viên quốc tế vẫn là một chênh lệch đáng kể. Nhưng nếu nhìn sang khía cạnh tài chính, miếng bánh giáo dục đại học thật ra lại đang được chia khá đều giữa thị phần trong nước và quốc tế.

Theo ước tính, tổng chi cho học phí của 130.000 sinh viên du học hiện nay khoảng 1,5 tỉ USD/năm (tương đương 1/2 của tổng chi 3 tỉ USD). Con số này thực tế tương đương mức đầu tư thường xuyên của Nhà nước, cộng với học phí của 2,2 triệu sinh viên trong nước. Thậm chí, nguy cơ đã nhìn thấy là miếng bánh đó sẽ tiếp tục nghiêng về phần nước ngoài trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, những tín hiệu theo hướng thị trường hơn như đã liệt kê ở đầu bài (các đại học tốp dưới chủ động trong tuyển sinh hơn và các đại học tốp trên tuyển không đủ chỉ tiêu) hóa ra lại là một chuyển biến rất tích cực cho giáo dục đại học Việt Nam hiện nay.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận