Lập kỷ cương hay sửa chữa?

HẢI MINH 25/09/2016 17:09 GMT+7

TTCT- Ở hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu (Trung Quốc) đầu tháng 9, Tổng thống Pháp François Hollande tuyên bố ông muốn “lập kỷ cương” (regulate) toàn cầu hóa.

Minh họa
Minh họa

Hơn một tuần sau đó, hôm 13-9, trên trang chủ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), giám đốc Christine Lagarde - cũng người Pháp - đăng một diễn từ dài với tựa đề “Làm sao để toàn cầu hóa có lợi cho tất cả”. Chưa bao giờ câu hỏi về “phải làm gì với toàn cầu hóa?” lại trở nên cấp thiết như lúc này.

Nước Pháp từng có tham vọng bá chủ thế giới trước kia, hay ít ra là châu Âu, ở thời Louis XIV hay Napoleon, nhưng đề xuất “lập kỷ cương cho hành tinh này” của ông Hollande là nhắm tới toàn cầu hóa.

Nước Pháp từ chối sự toàn cầu hóa không có luật lệ, nơi các mô hình xã hội đối đầu với nhau và kéo nhau tụt xuống, trong khi sự bất bình đẳng gia tăng và quyền sở hữu trí tuệ, và chính vì thế là sự đa dạng văn hóa, bị đe dọa” - ông Hollande nói ở Hàng Châu.

Toàn cầu hóa đang biến đổi

Chính quyền của ông thật sự đã rất đau đầu với toàn cầu hóa, từ những vụ tấn công khủng bố đẫm máu gắn với làn sóng người nhập cư từ Bắc Phi và Trung Đông, Hiệp định tự do thương mại Mỹ - EU bị phản đối dữ dội, bạo động ở các thành phố lớn do thanh niên không có việc làm, và cả những cuộc đình công toàn quốc, nước Pháp là quốc gia phát triển đối mặt với toàn cầu hóa có lẽ trực diện nhất.

Biểu tình và phản đối đã ở trong ADN chính trị của Pháp, nhưng toàn cầu hóa khiến bức xúc của người dân thêm phần quyết liệt.

Và không chỉ những người xã hội như ông Hollande đòi lập kỷ cương cho toàn cầu hóa, các chính trị gia cực hữu cũng đang chớp thời cơ: Marine Le Pen, lãnh đạo Đảng cực hữu Mặt trận dân tộc, đã giành 7 triệu phiếu vào tháng 12-2015 trong các cuộc bầu cử cấp vùng và đang đòi đóng cửa hoàn toàn nước Pháp.

Và không chỉ có ở Pháp. Các hiệp định thương mại tự do tham vọng đang đứng trước nguy cơ bế tắc hoặc đổ vỡ hoàn toàn. Nước Anh đã bỏ phiếu rời EU. Thương mại toàn cầu đang chậm lại. Phải chăng toàn cầu hóa đã va vào một bức tường gạch?

Theo chuyên gia Tyler Cowen của Đại học George Mason (Mỹ) thì không hẳn. Toàn cầu hóa chỉ đang chuyển sang những dạng thức khác.

Dạng thức toàn cầu hóa mạnh mẽ nhất ngày nay là sự toàn cầu hóa diễn ra bên trong các quốc gia, đáng chú ý nhất là Trung Quốc và Ấn Độ” - Cowen viết trên Bloomberg ngày 15-9.

Ông nói trong bối cảnh hiện tại, vẫn còn nhiều nền kinh tế cực lớn thiếu sự tích hợp các hoạt động kinh tế bên trong biên giới của họ, nên những quốc gia này vẫn có thể tiếp tục thu lợi từ thương mại bằng cách mở cửa hơn ở chính thị trường của mình, và quá trình này rất giống toàn cầu hóa ở quy mô thế giới.

Ở Trung Quốc chẳng hạn, sự phân rã địa lý mang tính lịch sử hàng nghìn năm. Nền kinh tế nước này đã có khuynh hướng lâu đời chỉ tập trung xung quanh vài cụm siêu đô thị, như Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc ở miền bắc, Thượng Hải - Nam Kinh ở miền trung hay Quảng Châu - Thâm Quyến - Hong Kong ở miền nam, Thành Đô - Trùng Khánh ở miền tây...

Trung Quốc giờ đã qua giai đoạn chỉ xuất khẩu và hướng tới các cảng biển. Bắc Kinh giờ muốn xây dựng một thương hiệu quốc gia và Internet đang kết nối mạnh mẽ nền kinh tế 1,3 tỉ dân này thông qua Alibaba, WeChat và rất nhiều nền tảng dịch vụ khác có quy mô toàn quốc.

Thật khó có thể gọi đây là “toàn cầu hóa” vì sự tích hợp kinh tế không đi khỏi biên giới quốc gia. Nhưng trong thời gian qua, nhiều khu vực hàng trăm triệu dân của Trung Quốc về mặt kinh tế không khác gì các quốc gia riêng biệt.

Sự tích hợp nội địa, ở những nền kinh tế như thế, cũng giúp giảm chi phí, san bằng khác biệt giá cả, thậm chí khác biệt văn hóa - ngôn ngữ và tăng cường sự trao đổi ý tưởng, không khác gì toàn cầu hóa. Điều này đúng không chỉ ở Trung Quốc mà cả Ấn Độ, Brazil, Indonesia và bất kỳ nền kinh tế đang phát triển lớn nào còn chưa được kết nối thật sự từ bên trong.

Ấn Độ là một ví dụ khác khi các bang và vùng lãnh thổ khác nhau đang đồng nhất hóa nhanh chóng nhờ công nghệ, một dấu hiệu không thể chối cãi của toàn cầu hóa. Món gà tandoori và bánh mì dosa đã trở thành tiêu chuẩn toàn quốc có mặt khắp nơi.

Tiếng Hindi dần trở thành ngôn ngữ mọi người đều biết ở quốc gia có hơn 700 ngôn ngữ và cũng từng đó sắc dân này. Internet và thương mại đã giúp những thông điệp giống nhau được truyền đi khắp cả nước với chi phí cực thấp.

Những phát triển mang tính “toàn cầu hóa” đó đang mang kỹ năng chuyên môn cũng như vốn từ miền nam và miền tây phát triển hơn tới miền đông và vùng nội địa còn nghèo khó của Ấn Độ. Lao động cũng đã di cư ồ ạt từ các bang nghèo hơn tới những thành phố phồn thịnh hơn, một dấu hiệu nữa của “toàn cầu hóa”.

Ngay cả các rào cản còn tồn tại của hai nền kinh tế lớn này cũng rất giống với những gì đang diễn ra ở phạm vi thế giới.

Ở Trung Quốc là chủ nghĩa bảo hộ của các doanh nghiệp nhà nước nhiều đặc quyền đặc lợi, không chỉ tại trung ương, mà quan trọng hơn là ở các địa phương, với mỗi tỉnh đều có những công ty nhà nước lớn, với những nhà thầu của riêng họ và các chế độ ưu đãi chỉ có trong tỉnh đó.

Ở Ấn Độ là chi phí do thiếu cơ sở hạ tầng: chi phí kho vận chiếm 13% GDP của nền kinh tế nước này, và giống như ở phạm vi thế giới, các doanh nhân Ấn Độ đang kêu gọi chính quyền các bang bỏ bớt những loại thuế đánh vào thương mại nội địa. Nếu Uttar Pradesh (200 triệu dân) và Bihar (hơn 100 triệu dân) có quan hệ kinh tế gần gũi hơn thì đó chắc chắn cũng là một bước tiến lớn của toàn cầu hóa.

Để mọi người đều được hưởng lợi

Trong diễn từ quan trọng của bà Lagarde được nhắc ở trên, nhân vật 60 tuổi người Paris này đã tính lại thiệt hơn của toàn cầu hóa với một “bảng cân đối kế toán của riêng bà”.

Theo đó, những lợi ích của sự hội nhập - tự do thương mại, lao động, vốn và công nghệ - “là rất hữu hình, là có thật cho hầu hết mọi người ở hầu hết quốc gia”. Bà Lagarde nói các nền kinh tế đang phát triển hưởng lợi chính từ sự mở cửa kinh tế.

Thương mại góp phần lớn trong việc giảm một nửa tỉ lệ người nghèo cùng cực toàn cầu giai đoạn 1990-2010, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB).

Một ví dụ khác là Việt Nam, quốc gia mà chỉ trong một thế hệ đã từ chỗ là một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành nước có thu nhập trung bình, cho phép tăng thêm đầu tư vào giáo dục và y tế - bà Lagarde nói - Ngày nay Việt Nam có thể tự hào vì họ xếp trên rất xa các nước giàu hơn khác trong khoa học cơ bản, toán và kỹ năng đọc. Điểm số của họ trong cuộc điều tra mới nhất của OECD với các trẻ 15 tuổi cao hơn của Pháp, Đức, Anh và Mỹ”.

Nhưng cả các nước giàu cũng hưởng lợi nhờ quá trình này, với những việc làm mới, các thị trường mới và cả nguồn vốn con người quý giá nhờ di cư.

Canada là một ví dụ điển hình về lợi ích của người di cư - bà Lagarde nói - Bằng cách chào đón 1/4 triệu người mới mỗi năm, và mở cửa nhà và trái tim họ cho di dân, Canada đang tăng trưởng, làm mới lại lực lượng lao động, tăng sự giàu có và đa dạng cho xã hội”.

Nhưng trong phần “ghi nợ” của bảng cân đối, bà Lagarde đã không quên những tác dụng phụ: cạnh tranh lương thấp đã dẫn tới sự suy giảm trong ngành công nghiệp chế tạo ở một số nước giàu; những hoạt động tài chính trở nên khó kiểm soát, gây ra rủi ro hệ thống và bất ổn cho tài chính toàn thế giới; và cuối cùng, sự bất bình đẳng trong thu nhập và cơ hội gia tăng ở nhiều nước.

Các chính phủ có thể làm gì trong bối cảnh đó giờ là câu hỏi quan trọng nhất với bước đi sắp tới của toàn cầu hóa. Bà Lagarde chỉ ra ba hướng đi quan trọng.

Trước hết, cần nhiều sự hỗ trợ và công bằng hơn, bao gồm hỗ trợ cho những người lao động kỹ năng thấp.

Triển khai điều này trong thực tế, trước những hệ lụy khó kiểm soát của toàn cầu hóa, các chính quyền phải đầu tư nhiều và hiệu quả hơn cho giáo dục công, tái đào tạo, và tạo điều kiện cho sự cơ động trong nghề nghiệp - vùng địa lý ở mỗi quốc gia.

Hệ thống thực tập nghề ở Đức, trong khi đã được duy trì hàng trăm năm, giờ được coi là một hình mẫu để hỗ trợ các thế hệ tương lai trong cuộc đua toàn cầu hóa, với những công nhân lành nghề không làm tốn kém của xã hội một bằng đại học, nhưng lại đóng góp rất quan trọng và có thể làm việc ở nhiều nơi.

Thứ hai, cần tăng cường mạng lưới phúc lợi xã hội với chính sách bảo hiểm thất nghiệp, y tế và hưu trí bền vững, không cách nào khác ngoài việc tăng thuế đánh vào người giàu và những chính sách liên quan đến thu nhập khác.

Ví dụ được bà Lagarde đưa ra là các nước Bắc Âu, nơi chính sách hỗ trợ lao động không nhắm tới việc bảo vệ người lao động giữ việc làm, mà làm sao để họ nhận được sự hỗ trợ cần thiết khi thất nghiệp và tìm việc mới. Mô hình này giúp thị trường lao động linh hoạt hơn, vốn là điều tốt cho tăng trưởng.

Thứ ba, cần thúc đẩy công bằng kinh tế để xây dựng lòng tin và vận động năng lượng chính trị cho các cải tổ. Đây là thách thức khó khăn nhất trong bối cảnh nhiều nền kinh tế phát triển đang chứng kiến sự tập trung ngày càng lớn tài sản và quyền lực vào tay một số tập đoàn, tổ chức và cả cá nhân.

Thúc đẩy công bằng còn đồng nghĩa với tấn công nạn trốn thuế và việc chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế.■

Bà Lagarde cũng muốn tăng cường hơn nữa sự hợp tác toàn cầu. Không có lĩnh vực nào mà sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế lớn như lĩnh vực thương mại.

Trong hai thập niên trước năm 2000, thương mại toàn cầu tăng trưởng 7% mỗi năm, hay gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nhưng ngày nay, thương mại đang tăng trưởng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ vào khoảng 2%. Nguy cơ càng lớn khi nhiều nước muốn bảo hộ và đóng cửa.

Để minh họa lợi ích tiêu dùng của thương mại, một nhà phân tích mới đây đã so sánh các sản phẩm liệt kê tổng danh mục sản phẩm năm 1971 của Hãng Sears-Roebuck với giá ngày nay.

Theo đó, mọi thứ được sản xuất ở Mỹ, sau khi điều chỉnh lạm phát, rẻ hơn nhiều vào ngày nay so với 45 năm trước. Chẳng hạn, một máy điều hòa nhiệt độ được quảng cáo với giá 820 USD thời bấy giờ chỉ có giá 139,9 USD hiện nay. Kết quả là người lao động Mỹ ngày nay chỉ cần làm việc khoảng 17 tuần để có được mức thu nhập cả năm của công nhân vào năm 1915.

Lợi ích của toàn cầu hóa, vì thế, là không thể phủ nhận. Lập kỷ cương cho nó, như đề xuất của ông Hollande, có thể là điều bất khả thi. Nhưng giảm bớt những tác động xấu của nó, như của bà Lagarde, là có thể làm được, và dừng lại tiến trình đó không chỉ là có hại, mà còn là không thể.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận