Xe cá nhân tăng, xe buýt “tuột dốc”

NGỌC ẨN - TUẤN PHÙNG 10/10/2016 21:10 GMT+7

TTCT- Ngân sách đã đầu tư rất nhiều cho xe buýt, nhằm phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng này để giảm xe cá nhân. Thế nhưng sau thời kỳ đầu tăng, gần đây lượng hành khách đi xe buýt liên tục giảm, trong khi tiền trợ giá cho xe buýt ở TP.HCM và Hà Nội vẫn “ngốn” trên 2.000 tỉ đồng/năm.

Nhiều người chọn xe máy để đi lại trong khi có tuyến xe buýt chỉ có một hành khách. Ảnh chụp xe buýt đang lưu thông trên đường Phạm Hồng Thái, Q.1, TP.HCM -Hữu Khoa
Nhiều người chọn xe máy để đi lại trong khi có tuyến xe buýt chỉ có một hành khách. Ảnh chụp xe buýt đang lưu thông trên đường Phạm Hồng Thái, Q.1, TP.HCM -Hữu Khoa


Dù các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp để “kéo” hành khách trở lại với xe buýt nhưng thực tế vẫn chưa hiệu quả.

Nếu như từ năm 2002 đến năm 2012, lượng hành khách đi xe buýt tăng 11,4 lần, lên 413,14 triệu lượt hành khách (năm 2012), thì từ năm 2013 đến nay, lượng hành khách đi xe buýt liên tục giảm.

Theo Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) TP.HCM, nguyên nhân do tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường, đặc biệt là khu vực nội đô, trong khi đó chưa có làn đường dành riêng cho xe buýt. Còn theo báo cáo của UBND TP, việc hạn chế xe cá nhân vẫn chưa thực hiện được đã tác động đến sản lượng hành khách đi xe buýt.

TP.HCM: Khách giảm, tiền trợ giá vẫn cao

Trong khi lượng hành khách đi xe buýt giảm nhưng tiền ngân sách trợ giá cho xe buýt đã tăng hơn 30 lần (so 39,1 tỉ đồng trợ giá năm 2002 và 1.414 tỉ đồng vào năm 2012). Nhiều chuyên gia cho rằng tiền trợ giá chưa đạt hiệu quả khi hành khách đi xe buýt giảm.

Theo ông Lê Hoàng Minh - phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, hiện trung bình xe buýt vận chuyển khoảng 0,8 triệu lượt khách/ngày, cơ bản phục vụ nhu cầu đi lại của người dân TP, góp phần trong việc kéo giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, ông Minh thừa nhận hiện nay vấn đề ùn tắc giao thông ngày càng trở nên bức thiết, cần phải được giải quyết một cách khoa học và nhanh chóng.

Ngoài việc đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng, xây dựng các đường trên cao, cầu vượt cho TP thì trong tương lai gần, khi các phương thức vận tải khối lượng lớn như tàu điện ngầm, xe buýt nhanh (BRT) vẫn đang trong giai đoạn xây dựng thì xe buýt vẫn phải là động lực chính, phương thức chủ lực để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân TP.

Chưa kể các xe buýt đầu tư vào những năm 2003-2004 đến nay đã xuống cấp, không đảm bảo phục vụ hành khách.

Theo ông Đậu An Phúc - giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành VTHKCC, tính đến tháng 9-2016 TP mới thay được 200 xe buýt mới trong đề án 1.680 xe buýt (giai đoạn 2015-2017) là rất ít. Bên cạnh đó, nhiều loại xe sử dụng công nghệ trên điện thoại di động như Uber và Grab hoạt động mạnh khiến khách đi xe buýt giảm...

Hà Nội: phát triển đều, xe buýt khó đạt mục tiêu

Cần lộ trình hạn chế xe cá nhân

Sau gần 10 năm, lượng xe cá nhân ở TP.HCM tăng gần gấp đôi, trong khi diện tích đường dành cho giao thông tăng không đáng kể. Cụ thể năm 2006, TP.HCM có 3,2 triệu xe, trong đó xe máy 2,9 triệu và khoảng 300.000 xe ôtô. Đến tháng 7-2016 có khoảng 7,5 triệu xe, gồm 6,9 triệu xe máy và 574.000 xe ôtô.

Sở GTVT TP cho rằng sự phát triển nhanh của xe máy (tăng mỗi năm bình quân 10% với khoảng 300.000 - 350.000 xe), chưa kể khoảng 1 triệu xe máy của cư dân các tỉnh thành đến TP.HCM sinh sống, làm ăn, đã gây áp lực lên hạ tầng giao thông TP và làm giảm đáng kể sản lượng hành khách đi xe buýt.

N.ẨN

Hiện Hà Nội có 96 tuyến xe buýt (75 tuyến trợ giá) với 1.546 xe. Mạng lưới tuyến đạt độ bao phủ 71,7%, bao gồm 12 quận nội thành và 26/40 khu vực thị trấn, thị tứ và trung tâm hành chính các huyện ngoại thành.

Từ năm 2010 đến 2014, xe buýt Hà Nội tăng trưởng liên tục về sản lượng hành khách từ 462 triệu lượt khách năm 2010 lên 469 triệu lượt khách năm 2014. Nhưng từ năm 2015, lượng hành khách có sự suy giảm: năm 2015 giảm 5,7% so với năm 2014, bảy tháng đầu năm 2016 giảm tới 9,5%.

Tình trạng ùn tắc, thi công các dự án giao thông gây trở ngại cho hoạt động xe buýt khiến số lượt xe bình quân của một xe buýt trong năm 2010 là 3.600 lượt còn 3.300 lượt năm 2015 (giảm 10%).

Trong khi đó, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xe buýt Hà Nội chiếm 20% trong thị phần vận tải của giao thông công cộng vào năm 2020.

Tuy nhiên, tại hội thảo nâng cao chất lượng và phát triển hệ thống VTHKCC bằng xe buýt tại thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020, định hướng 2025 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu trên quá sức với thực trạng phát triển xe buýt Hà Nội.

TS Nguyễn Thanh Chương (Đại học GTVT) cho rằng nếu xe buýt vẫn phát triển đều đều trong bối cảnh không có cải thiện về hạ tầng như hiện nay thì đến năm 2020 tỉ lệ đáp ứng VTHKCC của xe buýt chỉ 11,66% (hiện nay khoảng 10%) và đến năm 2025 chỉ đáp ứng 13,38%.

“Nếu cứ phát triển như hiện nay thì là phương án bi quan, xe buýt không thể tăng trưởng trên nhiều trục đường” - ông Chương đánh giá.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải - giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, lượng khách đi xe buýt Hà Nội giảm có nhiều lý do: luồng tuyến không ổn định, mỗi năm điều chỉnh trên 4.000 lượt dừng, 80 lượt luồng tuyến; thời gian chuyến đi kéo dài do lộ trình bất hợp lý, ùn tắc trên tuyến; giá vé xe buýt kém hấp dẫn và kém cạnh tranh với xe Uber, Grab, xe điện ở cự ly ngắn.

Trong khi đó xe buýt xuống cấp, thông tin kém chất lượng, xe vận hành vi phạm pháp luật, lái xe, nhân viên ứng xử thiếu chuyên nghiệp, thiếu văn minh...

Xe buýt nhỏ: Hiệu quả nhưng sẽ không còn

Những năm 2000-2005, nhiều doanh nghiệp, HTX đã đầu tư 1.000 xe buýt nhỏ loại 12 chỗ ngồi (còn gọi là xe lam) để chở khách. Ông Đậu An Phúc cho rằng loại xe lam rất cần thiết duy trì vì phù hợp chở khách đi trong các tuyến đường hẹp.

Đồng thời, xe lam còn gom khách từ các tuyến đường nhỏ ra các trục đường lớn. Nhưng theo ông Phúc, cần chuyển đổi loại xe lam thành loại xe buýt nhỏ 12 chỗ, có máy điều hòa và che mưa nắng cho hành khách.

Tuy nhiên đến nay nhiều loại xe trên sắp hết niên hạn sử dụng. Theo Phòng quản lý vận tải đường bộ - Sở GTVT TP.HCM, do loại xe này được chuyển đổi công năng từ xe tải sang xe chở khách nên Bộ GTVT quy định niên hạn sử dụng chỉ 17 năm.

Trong những năm qua, các đơn vị xe buýt đã thay dần số xe buýt 12 chỗ bằng loại xe buýt B40 có sức chở 40 khách (ngồi và đứng). Vì vậy đến nay chỉ còn khoảng 200 chiếc và thời gian tới sẽ không còn xe buýt 12 chỗ ngồi.

Đồng thời theo quy định của Bộ GTVT, xe buýt nhỏ là loại từ 17 chỗ ngồi trở lên nên xe buýt 12 chỗ ngồi sẽ không thể tham gia vận chuyển khách. Vừa qua sở đã kiến nghị và bộ chấp nhận cho TP duy trì loại xe lam 12 chỗ ngồi đến khi xe hết niên hạn sử dụng.

Vì sao không phục hồi xe buýt 12 chỗ để phục vụ cư dân trên các tuyến đường nhỏ, các khu dân cư, giúp người dân đi lại tiện lợi hơn? Lãnh đạo Phòng quản lý vận tải đường bộ - Sở GTVT TP.HCM cho biết sở cũng muốn loại xe buýt nhỏ hoạt động, nhưng đến nay mới có doanh nghiệp Mai Linh đề xuất đưa loại xe điện vào chở khách trên các tuyến đường ở trung tâm TP. Vì vậy cần có cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp đầu tư.■

 

Có thời điểm phát triển “như mơ”

Xe buýt Hà Nội đã có những giai đoạn phát triển như mơ, từ năm 2001-2014, số lượng tuyến tăng gần 3 lần, phương tiện tăng hơn 4 lần, sản lượng tăng gần 30 lần. Nhưng từ năm 2015, sản lượng hành khách đi xe buýt liên tục giảm, chỉ còn 431,9 triệu lượt so với 469 triệu lượt năm 2014 và 7 tháng đầu năm 2016, sản lượng tiếp tục giảm khoảng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xe buýt TP.HCM cũng có quá trình phát triển tương tự. Hơn 14 năm hình thành và phát triển, đến cuối năm 2015 TP đã có một mạng lưới xe buýt với 136 tuyến, trong đó có 105 tuyến có trợ giá. Cùng với sự gia tăng về các tuyến, lượng hành khách vận chuyển của hệ thống xe buýt cũng có những sự tăng trưởng đáng ghi nhận.

Từ năm 2002 chỉ với 36,1 triệu lượt hành khách thì đến năm 2012 tăng lên 413,1 triệu lượt hành khách. Nhưng từ năm 2013 đến nay, lượng hành khách vận chuyển bằng xe buýt có xu hướng giảm. Năm 2013 sản lượng hành khách vận chuyển là 411,2 triệu lượt, năm 2014 là 367 triệu lượt, năm 2015 là 334,5 triệu lượt hành khách, 6 tháng đầu năm 2016 giảm 10% so với cùng kỳ và chỉ đạt 37% kế hoạch năm. P.S.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận