Chọn ai đứng đầu bệnh viện?

LAN CHI - HẢI MINH 01/11/2016 17:11 GMT+7

TTCT- Tại các quốc gia phương Tây, ngày càng nhiều bệnh viện lựa chọn người quản lý với kiến thức và kỹ năng không hề liên quan đến chuyên môn y tế.

 

Xu thế trong ngành y tế

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Carlos Migoya được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành (CEO) hệ thống Bệnh viện Jackson Health System tại hạt Miami-Dade (bang Florida, Mỹ) vào tháng 5-2011. Khi đó ông hoàn toàn không có bằng cấp hay kinh nghiệm gì trong lĩnh vực chăm sóc y tế.

Migoya phải tiếp nhận một chuỗi bệnh viện đã lỗ tới 428 triệu USD bốn năm trước đó, được so sánh như một bệnh nhân đang hấp hối.

“Quỹ tiền mặt của chúng tôi chỉ còn đủ dùng trong 6-9 ngày” - ông Migoya nhớ lại. Ông phát hiện ngân sách của hệ thống Bệnh viện Jackson Health System có nhiều điểm mù mờ, việc kiểm soát chi tiêu rất thiếu chặt chẽ, nguồn thu hao hụt.

“Xét về cơ bản, bệnh viện không có một kế hoạch kinh doanh cụ thể nào cả” - ông Migoya nhấn mạnh. Thách thức đối với vị giám đốc cả đời làm trong ngành ngân hàng là cực lớn.

Nhưng dưới bàn tay lãnh đạo của ông Migoya, Jackson Health đã hồi phục thần kỳ và đạt mức lãi ròng 45,7 triệu USD sau hai năm. Sang năm 2014, Jackson Health đầu tư 830 triệu USD để nâng cấp hạ tầng và thắt chặt quan hệ với Đại học Miami, nơi cung cấp các bác sĩ chất lượng cao. “Ngành công nghiệp y tế đang trải qua những thay đổi lớn - ông khẳng định - Đôi khi bạn không thể nhận ra được điều đó”.

Ông Migoya là biểu tượng của một xu thế mới trong ngành y tế ở các quốc gia phương Tây. Ngày càng nhiều bệnh viện tìm kiếm người quản lý không cần phải có kiến thức và bằng cấp về chăm sóc y tế.

Theo khảo sát của Hãng Black Book Rankings, khoảng 75% các CEO bệnh viện được tuyển dụng trong năm 2014 là người ngoài ngành, tăng rất mạnh so với mức 19% của năm 2009. “Điều quan trọng là khả năng quản lý” - chuyên gia Doug Brown, giám đốc Black Book Rankings, nhận định.

Khảo sát cho thấy hội đồng quản trị các bệnh viện ưu tiên tuyển những chuyên gia về phát triển kinh doanh và quản lý tài chính. “Sự tương tác là điều cực kỳ quan trọng - chuyên gia Paul Esselman, phó chủ tịch Hãng tư vấn Cejka Executive Search, đánh giá - Đối với CEO bệnh viện, điểm mạnh quan trọng nhất phải là khả năng tương tác”. Theo ông Esselman, đây là sự thay đổi rất lớn của ngành y tế và là xu thế chung khó cưỡng.

Cải tổ và cung cấp giá trị

Ông Mike Keating, CEO của Bệnh viện Christ tại Cincinnati, trước đây là giám đốc ngân hàng đầu tư. Theo ông Keating, thách thức lớn nhất đối với các CEO bệnh viện, dù có bằng cấp y tế hay không, là việc chuyển đổi tổ chức của mình từ “cung cấp dịch vụ” sang “cung cấp giá trị”.

Khi lên nắm quyền lãnh đạo tại Bệnh viện Christ, ông Keating “thay máu” đội ngũ quản lý, bổ nhiệm một chuyên gia về bảo hiểm y tế và một chuyên gia tổ chức dự án. Chuyên gia Doug Brown cho rằng các CEO “ngoại đạo” thường tạo ra sự chuyển đổi quyết liệt “từ dưới lên trên”.

Chính sự quyết liệt của ông Migoya đã giúp Jackson Health vượt qua cơn bạo bệnh. Ngay từ đầu, ông thực hiện hàng loạt cải tổ, đưa những người có kinh nghiệm quản lý tài chính vào để kiểm soát chi tiêu của bệnh viện. Ông cũng quyết định cắt giảm nhân sự dù vấp phải sự phản đối kịch liệt.

“Đó là thời kỳ đầy khó khăn. Rất nhiều người đã không tin tưởng tôi” - ông Migoya nhớ lại. Theo bà Martha Baker - chủ tịch công đoàn bác sĩ và y tá SEIU Local 1991, khi ông Migoya đến Jackson Health, bệnh viện này đã tụt xuống đáy và buộc phải thay đổi. Và ông Migoya đã thành công.

“Chúng tôi đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng chúng tôi nhận thức được rằng ngành y tế đang thay đổi nhanh chóng. Vấn đề chủ chốt là nếu đội ngũ lãnh đạo và nhân sự không tìm được tiếng nói chung, bệnh viện sẽ không thể tồn tại lâu dài” - bà Baker kết luận. Điều quan trọng, theo các chuyên gia, là khả năng lãnh đạo, yếu tố then chốt đem lại sự ổn định và phát triển cho bệnh viện.

Trang Financial Post dẫn lời giáo sư Daniel Skarlicki thuộc Trường kinh doanh Sauder, Đại học British Columbia (Canada), mô tả ngành y tế hiện là ngành cung cấp dịch vụ khổng lồ với ngân sách cực lớn và đội ngũ nhân lực đông đảo.

Trong khi đó, phần lớn các bác sĩ lại không có kiến thức và kinh nghiệm quản lý, điều hành các hoạt động kinh doanh. “CEO bệnh viện cần phải hiểu rõ các vấn đề về tổ chức, hoạt động, công nghệ thông tin, nhân sự và ngân sách” - giáo sư Skarlicki khẳng định.

Chuyên gia Tammy Quigley thuộc Bệnh viện St. Joseph’s Home Care ở Hamilton cho biết bệnh viện bổ nhiệm CEO không có chuyên môn y tế là xu thế mới xuất hiện ở Canada.

“Bổ nhiệm các bác sĩ và y tá giỏi vào vị trí quản lý có thể gây tác dụng ngược. Bởi điều đó có nghĩa là đẩy họ vào các tình huống mà họ không thể hoạt động hiệu quả nhất” - chuyên gia Quigley khẳng định.

Do đó có thể nói những quyết định ở phòng của hội đồng quản trị và ban giám đốc bệnh viện cũng có tầm quan trọng không kém các quyết định của bác sĩ trong phòng mổ.

Ban lãnh đạo một bệnh viện tạo ra ảnh hưởng lên quá trình cung cấp dịch vụ theo cách mà một bác sĩ đơn lẻ không thể. Họ có thể thúc đẩy những quy chuẩn đảm bảo việc đưa thông tin đến đúng người vào đúng lúc chẳng hạn và để làm được điều đó, người ta không nhất thiết, thậm chí trong một số trường hợp không nên, là một bác sĩ.

Lãnh đạo bệnh viện cũng cần biết cách thiết lập những hệ thống đảm bảo trang thiết bị và các nguồn cung ứng thuốc men sẵn có khi cần. Họ đặt ra mục tiêu kỳ vọng về một văn hóa ứng xử cũng như thành tích cứu người ấn tượng.

Và họ có thể yêu cầu kiểm soát chất lượng dịch vụ thông qua các mục tiêu bằng con số và đánh vào động cơ của người làm việc trong bệnh viện. Tất cả những kỹ năng đó đều không nhất thiết thuộc về một bác sĩ.

Các CEO bệnh viện ở Mỹ nhận mức lương rất cao, trung bình gần 600.000 USD mỗi năm (gần 13,4 tỉ đồng). Đáng nói hơn, trong khi CEO là người ngoài ngành, những người nhận lương cao nhất lại làm việc ở các bệnh viện chuyên sâu nhất như ở các bệnh viện thuộc trường đại học và các bệnh viện công nghệ cao.

Chuyên gia kinh tế học y tế K. John McConnell thuộc Đại học Y tế và khoa học Oregan cùng các đồng nghiệp thấy rằng ban quản trị các bệnh viện áp dụng những cách làm của các ngành chế tạo và công nghệ, như phương pháp “sản xuất tinh gọn” (lean manufacturing) của hãng xe hơi Toyota chẳng hạn, có chất lượng dịch vụ tốt hơn và tỉ lệ tử vong thấp hơn.

Việc quản trị bao gồm loại bỏ sự thiếu hiệu quả và bất định, tăng cường hợp tác, thiết lập mục tiêu và theo dõi việc thực thi.

Các bệnh viện ở Mỹ thuê giám đốc “ngoại đạo” rồi đào tạo kiến thức về quản lý chất lượng dịch vụ y tế cho những người này. 32% thành viên ban quản trị các bệnh viện ở Mỹ từng trải qua huấn luyện về chất lượng quản trị y khoa.■

Theo một nghiên cứu của tạp chí Academic Medicine, trong gần 6.500 bệnh viện ở Mỹ chỉ 235 bệnh viện có những người điều hành là các bác sĩ. Tình trạng này đã tới mức ở các nước phương Tây giờ đang xuất hiện một xu hướng ngược: kêu gọi các bệnh viện phải có nhiều lãnh đạo là bác sĩ hơn.

Amanda Goodall, nghiên cứu viên cao cấp ở Viện Nghiên cứu lao động tại Bonn (Đức), đã so sánh 300 bệnh viện chuyên khoa hàng đầu ở Mỹ và thấy rằng các bệnh viện do bác sĩ điều hành vẫn tốt hơn một chút so với các chuyên gia quản trị ngoài ngành.

Tuy nhiên, tiến sĩ Goodall cũng nói các dữ liệu không chứng tỏ bác sĩ là những nhà quản trị tốt hơn, mà có lẽ đơn giản là bởi các bệnh viện tốt nhất luôn tìm được những thiên tài giỏi nhất, vừa có thể là bác sĩ vừa có thể là nhà quản lý, còn với hầu hết các bệnh viện đại trà thì một nhà quản trị chuyên nghiệp vẫn là điều bình thường.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận