Xu hướng công nghệ trong trường học 

HẠNH NGUYÊN 19/11/2016 15:11 GMT+7

TTCT- Vai trò truyền bá kiến thức trong trường học đang thay đổi với sự tham gia của các công nghệ mới. Đâu là các xu hướng công nghệ đang tạo sự thay đổi lớn trong giáo dục?

Máy in 3D-pbs.twimg.com
Máy in 3D-pbs.twimg.com


Nguyễn Thị Mai Thy là người Việt Nam duy nhất trong lứa sinh viên đầu tiên của Trường Minerva - một mô hình đại học hoàn toàn mới trên thế giới. Tổng chi phí cho bốn năm học khoảng 120.000 USD được giảm nhờ Thy có học bổng và nhận công việc song song với việc học để có thu nhập.

Nhưng đó không chỉ là phần phấn khích duy nhất của thời gian cô theo học hai ngành song song là khoa học máy tính và kinh doanh. Lớp Thy có môi trường sống và học tập ở bảy thành phố khác nhau trong bốn năm học là San Francisco, Berlin, Buenos Aires, Seoul, Hyderabad, Đài Bắc và London. 80% bạn học của cô từ 49 quốc gia ngoài Mỹ.

Lật ngược truyền thống

Minerva có lẽ là trường hiếm hoi áp dụng cùng lúc nhiều phương pháp mới trong một ngôi trường mới, với mục tiêu “bồi dưỡng trí tuệ phản biện” để đào tạo những nhà lãnh đạo và những người làm được việc (leaders và doers).

Minerva kết hợp với một trong những cơ sở giảng dạy đại học được xem là sáng tạo nhất trên thế giới - KGI (Keck Graduate Institute), tên tuổi lớn về khoa học ứng dụng, thành viên mới nhất của Claremont Consortium danh tiếng, nơi thường được gọi là “Ivies of the West”.

Ra đời năm 2012, Minerva có những quỹ đầu tư danh tiếng bỏ tiền vào như Benchmark Capital, TAL, Zhen Fund và Learn Capital. Họ đặt mục tiêu phát triển trường học theo hướng toàn cầu, các thành phố ngoại quốc chính là lớp học, là giảng đường. Vì sao?

Như Michael B.Horn, đồng sáng lập Clayton Christensen Institue, viết: “Ngày càng có nhiều sinh viên nhận ra rằng mình có thể học những kiến thức cơ bản trên Internet và rồi nếu họ có trải nghiệm với thế giới thì sẽ giúp cải thiện họ rất nhiều. Thế giới sẽ cần những con người luôn giữ cho mình sự chín chắn, trí tò mò, tinh thần khai phá mạo hiểm, thái độ linh hoạt và cởi mở”.

Minerva do một người từng làm trong ngành công nghệ là Ben Nelson, người tin là trường đại học truyền thống không chuẩn bị đủ cho sinh viên đối mặt với thế giới, sáng lập và hiện là chủ tịch kiêm CEO. Các sinh viên ở cùng nhau tại một khu nhà thuê, tự nấu ăn, học nhóm ở thư viện, bảo tàng hoặc công viên.

Nhưng tiếp cận của Minerva theo cách lật ngược những cách thức giáo dục truyền thống ở bậc cao không dừng ở đấy. Thy kể qua email: “Chương trình học rất nặng nhưng được cá nhân hóa: các lớp học nhỏ dưới 20 học sinh trên Diễn đàn học chủ động (Active Learning Forum) chú trọng các phương pháp học hiệu quả cho học sinh như thảo luận, tranh luận, lớp học lật ngược (flipped classroom), học tập chủ động...

Giảng viên sẽ dẫn dắt các buổi thảo luận video trực tuyến dành cho dự án nhóm và tranh luận, mục tiêu cuối cùng là dạy sinh viên cách suy nghĩ phản biện, sáng tạo và để giao tiếp, tương tác hiệu quả với người khác”.

Thế giới đang thay đổi chóng mặt. Nhận định đó nghe quen thuộc đến nhàm chán. Nhưng quả thật những dự báo về thế giới nhanh chóng mất đi tính hợp thời của nó. “Chúng tôi muốn họ có thể thích nghi được với những công việc thậm chí còn chưa tồn tại, nên chúng tôi đem lại cho họ những công cụ nhận thức tốt nhất” - Stephen Kosslyn, hiệu trưởng Minerva, cho biết.

Vì mô hình quá mới, Minerva đến nay vẫn được xem là trong quá trình thử nghiệm vì chưa có một dữ liệu nào chứng minh tính hiệu quả của nó.

Khi lứa sinh viên đầu tiên sẽ tốt nghiệp năm 2019, Ben Nelson tin rằng sẽ có nhiều trường bắt chước phương pháp của họ và có sự thay đổi ngoạn mục khi các trường dịch chuyển nhiều hơn sang mô hình của doanh nghiệp, thay vì xu hướng hoàn toàn hàn lâm.

Nhưng quan trọng nhất là kết quả sau khi kết thúc 4 năm học. Thành viên của khóa đầu tiên đã có những vị trí thực tập ở Ashoka, Learn Capital, Santa Fe Institute, Uber... để có được kinh nghiệm và cách làm việc trong môi trường quốc tế - những cơ hội mà sinh viên của Ivy League nhận được.

Minerva không bác bỏ hoàn toàn việc học và có học xá, nhưng muốn thúc đẩy một phong trào chấp nhận và thực hành các phương pháp để sản xuất ra những nhà tư tưởng và nhà hành động. Để làm việc đó, họ muốn thay đổi hệ thống một cách căn bản, chia tay phương pháp dạy học truyền thống và những chương trình học không gắn liền với thực tiễn.

VR (Virtual Reality) đem đến một chiều kích mới về học tập-morganlinton.com
VR (Virtual Reality) đem đến một chiều kích mới về học tập-morganlinton.com

 

Công nghệ hòa vào dòng chảy giáo dục

Các trường đại học truyền thống vẫn coi việc truyền bá kiến thức là trách nhiệm hàng đầu của mình. Ben Nelson lại cho điều đó không còn hợp thời nữa. Vậy đâu là các xu hướng công nghệ sẽ thay đổi lớn giáo dục trong năm 2016?

Công nghệ của tương lai đã có mặt trong ngành giáo dục, đặt nền tảng cho phương pháp học tập của học sinh, như tác giả William Gibson từng nói: “Tương lai ở đây rồi - chỉ là nó không được phân phối đều thôi”. Sau đây là một số công nghệ đã tham gia giáo dục, ảnh hưởng tới các cấp học từ thấp tới cao.

VR (Virtual Reality) khởi đầu một cuộc chiến công nghệ mới giữa các công ty toàn cầu như Google, Samsung, HTC, Sony và Oculus (thuộc Facebook). Tại hội nghị của Hội quốc tế về công nghệ trong giáo dục (ISTE) 2015, đại diện của Google và Samsung giới thiệu cách VR sẽ thay đổi cách học và cuộc sống của học sinh.

Sức mạnh của công nghệ này thu hút sự quan tâm của Jon Phillips, giám đốc điều hành chiến lược toàn cầu về giáo dục tại Dell. Ông cho biết học tập trải nghiệm có thể dạy học sinh các vấn đề phức tạp theo những cách rất khác các phương pháp giáo dục truyền thống. “Đã đến lúc diễn ra những sự tiếp cận căn bản, đem công nghệ như VR vào lớp học, cho phép học trò học tập trải nghiệm” - ông nói.

robot va hoc duong
robot va hoc duong

 

Chương trình “Expeditions Pioneer” của Google đã đem các thiết bị cardboard với sự hỗ trợ của smartphone đến các lớp học. Giám đốc sản phẩm của Google Ben Schrom cho biết “Expeditions” đem lại trải nghiệm VR xã hội, thay vì mỗi người dùng chỉ bị bó buộc trong thế giới ảo của riêng mình.

Các máy in 3D đã tham gia lĩnh vực giáo dục, giúp học trò đưa ý tưởng của các em vào thực tế. Công nghệ này đang ngày càng rẻ và dễ tiếp cận hơn. Jordan Brehove, phó chủ tịch của MekerBot, cho rằng sức mạnh của in 3D trong giáo dục không nằm ở chỗ tạo ra những ý tưởng mới.

Số lượng những công nghệ kết nối mà ta dùng ngày nay đang nhân lên rất nhiều, kích cỡ ngày càng nhỏ đi và công năng càng lớn hơn, thay đổi cách cuộc sống con người kết nối với công nghệ. International Data Corp dự báo chi tiêu vào Internet of Things (IoT) sẽ tăng từ hơn 655 tỉ USD (năm 2014) lên 1,7 ngàn tỉ (năm 2020), thời điểm mà Gartner Inc. ước tính 26 tỉ thiết bị sẽ kết nối Internet.

Việc ứng dụng IoT vào giáo dục cũng đang bùng nổ, trong khi tiềm năng ứng dụng công nghệ này rất đa dạng.
Ngôi sao của xu hướng IoT là thiết bị đeo người sẽ cần thời gian chứng minh hiệu quả với các nhà giáo dục. Các nhà phân tích tại New Media Consortium dự báo nó sẽ xuất hiện nhiều trong các lớp học trong vòng 4 năm tới, nhưng đây đã là ví dụ rõ ràng về cách công nghệ tạo ra làn sóng trong giáo dục.

Công nghệ đeo người đang phá bỏ các biên giới sáng tạo của học trò. Năm 2015, UNICEF đã ra mắt chương trình thể lực “Kid Power” theo dõi bước đi của 10.000 học trò đeo các đồng hồ thể lực.

Các em sẽ tính số bước chân và chuyển thành tiền hiến tặng, giúp mua đồ ăn cho các bạn nhỏ suy dinh dưỡng. Từ việc tìm ra vị trí tới ghi lại quan điểm về bài học..., thiết bị này giúp trò và thầy nhiều cơ hội tương tác và hợp tác với nhau.

Sporty woman using smart watch.
Sporty woman using smart watch.

 

Hãy đặt chúng vào tay học trò

Các công việc mà thiết bị công nghệ thực hiện được ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp, trở thành những máy móc biết suy nghĩ. Trong những năm tới, vài sáng chế có thể thay đổi vai trò truyền thống của công nghệ trong giáo dục.

Ví dụ nền tảng điện toán nhận thức Watson của IBM gần đây được dùng để cách mạng hóa phương thức nghiên cứu của giáo dục bậc cao.

Người ta đã nhìn thấy kết quả của các phương pháp nghiên cứu có sự hỗ trợ của trí thông minh nhân tạo. Năm 2014, công ty cho ra mắt “Watson Discovery Advisor” để hỗ trợ các nhà nghiên cứu vật lộn với núi dữ liệu. Constance Smith of Frog, một công ty thiết kế, cho biết các đồ chơi người máy có thể giúp học sinh cần sự hỗ trợ đặc biệt trong lớp học.

Chúng ta sẽ nhìn thấy các đồ chơi người máy đảm nhận vai trò tư vấn và là bạn chơi của trẻ gặp phải nhiều vấn đề, ví dụ trẻ tự kỷ, giúp các em có được tương tác cá nhân và vui vẻ hơn. Các thiết bị kết nối như robot lập trình đã có mặt trong lớp học. Theo nhà giáo dục Sam Patterson, vấn đề bây giờ là chỉ cần giáo án hợp lý để khai mở tiềm năng của chúng.

Lời khuyên của tôi là hãy có người máy và đặt chúng vào tay học trò, xem xem chúng có thể làm gì. Hãy tạo ra những thách thức và hãy chào đón những thất bại. Học tập có thể khó, nhưng cũng có thể rất vui và những người máy có thể giúp kết hợp hai thứ đó dễ dàng” - ông viết trên EdTech.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận