Sức hút thương mại trực tuyến

TUYẾT ÂN 06/12/2016 21:12 GMT+7

TTCT - Cuộc cạnh tranh khốc liệt của ngành bán lẻ vài năm qua cũng được phản ánh qua kênh thương mại trực tuyến. Các tên tuổi lớn đang xác lập thương mại điện tử (TMĐT) thành kênh phân phối quan trọng cho tổng thể hệ sinh thái kinh doanh hiện đại của họ.

Khách hàng đặt mua sách trên mạng -DUYÊN PHAN
Khách hàng đặt mua sách trên mạng -DUYÊN PHAN

 

Tạo lập hệ sinh thái

Đầu tháng 11, Lotte công bố tất cả sản phẩm tại chuỗi siêu thị Lotte Mart chính thức có mặt trên trang mua sắm trực tuyến Lotte.vn.

Bên cạnh hàng ngàn mặt hàng thời trang, điện tử, gia dụng phổ thông từ chuỗi Lotte Mart thì đây cũng là địa điểm tích hợp các mặt hàng xa xỉ từ chuỗi Lotte Department Store thuộc kênh trung tâm thương mại Lotte và kênh mua sắm qua truyền hình Lotte Home Shopping.

Nhà bán lẻ Hàn Quốc đã triển khai nhanh chóng kênh TMĐT sau khi công bố hồi tháng 4, mảng Lotte eCommerce tại Việt Nam sẽ phát triển song song và bổ túc cho kênh bán hàng qua truyền hình đã hoạt động từ khá lâu.

Lotte cũng cho biết chuỗi 11 siêu thị của năm 2015 mang lại doanh thu 5.000 tỉ đồng, tăng trưởng hơn 30% so với năm trước, là thị trường tiềm năng để tiếp tục thúc đẩy mở rộng quy mô bán lẻ.

Ông Hong Won Sik, tổng giám đốc Lotte Mart Việt Nam, khẳng định tiếp tục theo đuổi tham vọng đạt chuỗi 60 trung tâm thương mại vào năm 2020 và sẵn sàng nguồn tài chính cho các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) để mở rộng quy mô tại Việt Nam. Chưa kể trong tương lai, các dịch vụ khác cũng có thể là một “phần tử” gắn kết trong kênh trực tuyến của họ như Lotteria, Lotte Cinema, Lotte Logistics...

Mô hình Lotte triển khai cũng là cách thức mà hầu hết các “tay chơi lớn” đang thực hiện như Vingroup, Central Group, Aeon, Saigon Co.op, Satra..., nhắm đến “hệ sinh thái” bán lẻ hiện đại khép kín để thiết lập vị thế thị trường.

Các tay chơi này gần như phủ kín các kênh từ trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích đến mua sắm trực tuyến. Trong tổng thể đó, TMĐT trở thành kênh phân phối tất yếu đưa hàng hóa đến từng người dùng. Với xu thế mua hàng trực tuyến phát triển và đang định hình lại phong cách mua sắm, các “tay chơi lớn” buộc phải tìm cách nắm bắt cơ hội trước khi thị trường bùng nổ.

Ước tính quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến tăng trung bình 20-30% mỗi năm và đạt khoảng 10 tỉ USD vào năm 2020, tương đương khoảng 20% tổng quy mô thị trường bán lẻ tiêu dùng.

Chính vì thế, các nhà bán lẻ truyền thống càng mở rộng quy mô càng không thể thiếu kênh trực tuyến để cạnh tranh trong xu thế mới.

Thế Giới Di Động sau hơn một năm mở chuỗi cửa hàng tiêu dùng Bách hóa xanh, tháng 11 này cũng quyết định mở Vuivui.com để hỗ trợ cho chuỗi này - một kênh trực tuyến mở rộng khác với Thegioididong.com hay Dienmayxanh.com nằm ở phân khúc chuyên doanh hàng điện tử - điện máy.

Các doanh nghiệp trong nước vốn chậm chân cũng buộc thay đổi chiến lược, Saigon Co.op công bố thúc đẩy mảng TMĐT hỗ trợ cho kênh bán hàng qua truyền hình Co.op Home Shopping.

Ông Nguyễn Phúc Khoa, phó tổng giám đốc Satra, cho biết chiến lược của Satra những năm tới là đầu tư cho sản xuất, thị trường và nguồn nhân lực gắn liền với phát triển công nghệ thông tin, đồng thời chú trọng vào TMĐT để hoàn thiện hệ thống bán lẻ hướng đến người dùng và mở rộng thị trường.

“Một thương hiệu bán lẻ được biết đến và tin cậy buộc phải xây dựng được hệ thống có sức lan tỏa làm nền tảng mở rộng quy mô và tạo lợi thế hỗ tương nhau trong điều kiện thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt” - ông Khoa nói.

M&A: rút ngắn đường vào thị trường

Cuộc cạnh tranh của các công ty TMĐT khởi đầu từ mô hình công nghệ cũng mạnh dần lên, khiến thị trường cạnh tranh sôi động và đa dạng hơn. Năm 2016 đã cho thấy sự khắc nghiệt với hàng loạt cuộc đào thải ở thị trường TMĐT song song với các thương vụ M&A xuyên biên giới, có quy mô và sức ảnh hưởng lớn đến Việt Nam.

Tiêu điểm của M&A lĩnh vực này, công ty TMĐT số 1 Trung Quốc Alibaba chi 1 tỉ USD thâu tóm Lazada - sàn TMĐT lớn nhất Đông Nam Á và đang dẫn dắt thị trường Việt Nam.

Alibaba thống lĩnh 80% thị trường TMĐT Trung Quốc với doanh thu năm 2015 xấp xỉ 12 tỉ USD. Họ có mặt tại Việt Nam từ giữa năm 2009 thông qua đại lý kinh doanh ủy quyền, trong khi Lazada hoạt động từ năm 2012.

“Thương vụ này sẽ giúp những nhãn hàng và nhà phân phối trên toàn cầu cũng như những nhà bán hàng địa phương đang kinh doanh trên nền tảng của Alibaba có thể tiếp cận được thị trường tiêu dùng Đông Nam Á” - Alibaba công bố.

Central Group (Thái Lan) sau khi thâu tóm hệ thống Big C và Nguyễn Kim tiếp tục mua lại Zalora - hệ thống bán lẻ thời trang trực tuyến hàng đầu châu Á - để phát triển tại Việt Nam và Thái Lan.

Họ cũng đồng thời thay đổi bộ mặt mới mẻ cho website Nguyenkim.com thành trang TMĐT chuyên doanh hàng điện máy. Sự chuyển động của thị trường này còn cho thấy qua việc VNG đầu tư vào nhà bán lẻ Tiki.vn đã nhanh chóng tạo ra bộ mặt hàng hóa đa dạng cho nhà bán lẻ này, vốn xuất phát từ trang bán sách trực tuyến.

FPT cũng dựa vào đối tác Nhật để phát triển Sendo. Theo bà Trương Tố Linh - người có nhiều năm kinh nghiệm điều hành tại các công ty TMĐT như VinaBook, Hotdeal, Adayroi.vn, eDoctor..., tiềm năng thị trường rất lớn nhưng không thể nhìn nhận chỉ ở phạm vi TMĐT, vì đó chỉ là một kênh trong tổng thể ngành bán lẻ, phụ thuộc nhất định vào độ chín của thị trường bán lẻ truyền thống và năng lực của ngành sản xuất.

Đa số thất bại lâu nay là do nhà kinh doanh chưa đánh giá tổng thể thị trường mà chỉ tập trung vào tiềm năng của mảng trực tuyến, trong khi phải đầu tư lớn nhưng thiếu nguồn lực dài hơi.

Theo bà Linh: “Sẽ có thêm các tay chơi lớn nước ngoài gia nhập thị trường bên cạnh các thương vụ M&A, đưa TMĐT phát triển ở quy mô lớn và chất lượng hơn, khi đó các nhà đầu tư có nghề thực sự sẽ đưa toàn thị trường vào giai đoạn nước rút”.

Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho rằng rất nhiều nhà marketing, bán lẻ và cả nhà sản xuất vẫn hoài nghi khả năng TMĐT sẽ là tương lai của kênh mua sắm hiện đại tại Việt Nam và liệu có quá sớm để đầu tư cho mảng trực tuyến thay vì tập trung phát triển cho kênh siêu thị và đại siêu thị.

Tuy nhiên, khoảng ba năm qua, TMĐT phát triển rõ rệt, mặc cho rất nhiều chuyên gia giả định Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng. Những "tay chơi" trong ngành đang cơ cấu lại cách nhanh chóng để sẵn sàng đáp ứng cho thế hệ tiêu dùng Millennials (khái niệm về thế hệ đầu tiên của xã hội kỹ thuật số từ thập niên 1980-2000) chiếm đến 35% dân số Việt Nam.

“Thế hệ tiêu dùng tiếp theo sẽ phá vỡ hoàn toàn cách thức mua sắm truyền thống, những nhu cầu mới tạo áp lực đòi hỏi các nhà sản xuất và bán lẻ cung cấp cho họ sự linh hoạt, chủ động và tiện lợi hơn” - Kantar Worldpanel nhận định.

Thế hệ Millennials cũng sẽ đưa TMĐT trở thành thương mại di động với các kỹ năng công nghệ và việc sử dụng rộng rãi các thiết bị thông minh ở Việt Nam.

Công ty nghiên cứu thị trường eMarketer ước tính vào năm 2020, chi tiêu cho TMĐT sẽ chiếm khoảng 14,6% toàn ngành bán lẻ, tương đương 4.058 tỉ USD. Riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là thị trường bán lẻ TMĐT lớn nhất thế giới, khoảng 1.000 tỉ USD trong năm 2016 và 2.725 tỉ USD năm 2020 với mức tăng trưởng cao nhất thế giới với 31,5% trong năm nay.

Việt Nam nằm trong toàn cảnh thị trường này và với 35% dân số ở độ tuổi 18-35 là thị trường hấp dẫn cho kinh doanh TMĐT và môi trường xuyên biên giới.

Các chuyên gia nhận định thị trường TMĐT Việt Nam vẫn còn rất sơ khai, so với GDP là một tỉ lệ “siêu nhỏ”, hiện chưa tới 1% GDP. Trong khi so với các thị trường đã phát triển, TMĐT chiếm mức trung bình 10-20% GDP hoặc tương đương 30-40% tổng quy mô thị trường bán lẻ tiêu dùng.

Theo phân tích của eMarketer, “tầng lớp trung lưu phát triển, môi trường di động, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và việc cải thiện kho vận, cơ sở hạ tầng là các động lực thúc đẩy TMĐT phát triển trong toàn khu vực, bao gồm Việt Nam”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận