Cuộc xét lại vật chất

ĐỨC HOÀNG 02/01/2017 21:01 GMT+7

TTCT - Những khái niệm lấp lánh như “tăng tưởng” hay “phát triển” đã và vẫn sẽ là chủ đạo trong mọi cuộc bàn luận của năm qua và năm 2017 đang tới.

Những cư dân trong cù lao Nguyễn Kiệu -Đỗ Mạnh Cường
Những cư dân trong cù lao Nguyễn Kiệu -Đỗ Mạnh Cường


Nhưng đến một ngày vật chất cũng không quá thiếu thốn nữa, nhiều người nhận ra rằng điều gì cũng có hai mặt và bắt đầu nhìn sang mặt kia của xã hội vật chất.

Trong xóm nước đen

Khung cảnh phía dưới cầu Nguyễn Văn Cừ, bên bờ cái ngã tư kênh màu đen ngay rìa trung tâm thành phố có lẽ đã quen thuộc với người Sài Gòn đến mức không còn ai muốn bàn về nó nữa. Những mái nhà rách rưới dựng lên bằng đủ thứ ván, tôn, bạt, bám dọc bờ kênh tạo thành những “xóm nước đen” quy mô lẫn ấn tượng và người ta không còn nhớ được chúng đã hình thành từ khi nào.

Lần gần nhất, khu vực ấy được đặt ra một cách nghiêm túc trong những quy hoạch cũng đã 10 năm về trước. Khi ấy, chính quyền nói về một công viên ở cù lao Nguyễn Kiệu. Đã giải phóng mặt bằng. Những căn nhà, kể cả nhà kiên cố, bên dòng kênh đen đã được đập bỏ. Nhưng rồi 10 năm trôi qua, nơi này vẫn thế. Người dân vẫn bám trụ ở đó.

Trên những nền nhà gạch hoa vẫn sáng bóng, giữa những bức tường đang đập dang dở, bên cạnh đống gạch vụn từ các lần giải tỏa, họ giăng bạt, dựng lều, tiếp tục sống ở nơi từng là căn nhà của mình. Họ nói rằng mình không biết phải đi đâu.

Chính quyền đã hơn một lần cưỡng chế để lấy đất cho cái công viên trong kế hoạch, nhưng những con người nơi này vẫn chấp nhận sống trong một khung cảnh đầy tạm bợ và xác tín với nhau rằng như thế, còn đỡ bấp bênh hơn là rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn này.

6 giờ tối, nước triều bắt đầu lên. Nơi này, bốn dòng kênh gồm Tàu Hủ, kênh Đôi, kênh Tẻ và rạch Bến Nghé giao nhau, nước đen tràn tự do trên những lối đi, giữa những căn nhà đang bị phá dỡ.

6 giờ 30 tối, nước một vài nơi lên quá bắp đùi. Người dân đã quen. Họ vẫn cười nói. Họ lội bì bõm trong dòng nước hay ngồi xổm trên những cái ghế, ăn cơm tối. Một số nhà có mâm cơm, còn lại phần lớn hài lòng với việc cho tất cả vào một tô lớn, ăn vội vàng.

Cuối xóm, một phụ nữ đang ốm, nằm một mình trên cái giường ngay trước cửa “nhà” bị bao vây bởi bốn bề là nước.

Giữa xóm, căn nhà của ông Lâm - tổ trưởng dân phố một thời - đã tự sập thành một đống phế liệu khổng lồ. Ông từng là một người buôn bán thành công, có một tiệm bán nước giải khát cho người trong xóm.

Nhưng rồi xóm bị giải tỏa, biến thành một khu ổ chuột tạm bợ, ông không còn kế mưu sinh. Căn nhà tôn của ông cũng không còn tiền sang sửa, sập xuống theo mưa nắng. Những đồ đạc cũ nằm dưới, xe đạp gỉ sét, ghế sofa... bốc mùi ẩm mốc. Giờ vợ chồng ông quây lưới và bìa cactông lại ngay cạnh cơ ngơi ấy, kê vừa một tấm nệm, chờ tiền con cái, sống tiếp.

Họ không muốn tiếp nhà báo nữa. Đã mười năm, vẫn còn cả trăm người chưa bỏ cuộc, bám trụ cái cù lao tối ám này. Họ không tự trả lời được câu hỏi: “Bỏ nơi này rồi đi đâu, làm gì?”.

Họ không phải những người ngụ cư. Họ sinh ra ở Sài Gòn. Những dự án bất động sản dọc bến Vân Đồn, thứ nằm trên bản đồ quy hoạch, mới là lực lượng “ngoại lai” can thiệp không gian sống của họ. Ở đó có một bài toán kinh điển của sự phát triển.

Giữa cái cũ và cái mới. Giữa những người phải nhường chỗ cho không gian, cho phát triển và những quy luật (có vẻ) tất yếu của thị trường. Chúng chờ những dự liệu tốt hơn của người làm chính sách, kế hoạch hành động hiện thực hơn của người lập kế hoạch và một mạng lưới an sinh thực thụ có thể chuyển đổi thành những cơ hội cụ thể của sinh kế và học hành.

Năm 2016 là năm ghi dấu rất nhiều câu hỏi tương tự. Những người Mông ở Sa Pa tự hỏi chỗ đứng của mình trên quê hương của mình, giữa những dự án bất động sản đẹp đẽ.

Những ngư dân Thanh Hóa đã tổ chức một cuộc “hỏi” rất ồn ào về cái bãi biển họ hay neo thuyền sắp trở thành resort. Những câu hỏi không mới. Nhưng nhiều người chờ đợi câu trả lời mới cho một năm 2017 đang tới rất gần.

Dưới chân cáp treo

Sín Chải gần như nằm ở một “điểm mù” của những tuyến du lịch nhằng nhịt khắp Sa Pa. Nó chỉ cách thị trấn Sa Pa chừng 5km2, nhưng không được quy hoạch thành “bản du lịch” như Cát Cát hay Tả Phìn. Ít người tới thăm bản Sín Chải.

Nó nằm ngay dưới chân đỉnh núi Fansipan, cũng có nghĩa là nằm ngay dưới chân cáp treo Fansipan. Những khách đi cáp có thể nhìn thấy Sín Chải ngay dưới chân mình, một vùng biệt lập và hoang sơ giữa lòng thung lũng. Một khung cảnh kinh điển của những mái nhà xám nhấp nhô giữa ruộng bậc thang.

Nó là một vùng người Mông gần như được “đóng băng” giữa những xô bồ của Sa Pa. Họ vẫn làm nông, vẫn khâu những thước vải thổ cẩm mất hàng sáu tháng trời, vẫn hài lòng với đời sống đạm bạc như muôn đời. Buổi tối, mấy nhà cùng tổ chức một bữa “liên hoan” vì hôm nay đẽo được cây gỗ, đã nhờ nhau cùng khiêng về.

Nhưng đó chỉ là một vùng đi lạc khỏi sự phát triển của Sa Pa. Chưa bao giờ người ta đặt nhiều câu hỏi về sự phát triển của Sa Pa, hay là những vùng du lịch Tây Bắc nói chung như thế. Đặc biệt là về sự mâu thuẫn với không gian sống của những người bản địa.

Họ không được trang bị kỹ năng để “đối ứng” với những luồng văn hóa và chuyển động kinh tế bàng hoàng mà dòng vốn của ngành du lịch đổ tới.

Những đứa trẻ Mông vẫn ở đó, suốt cả chục năm qua, trong thị trấn Sa Pa, ngủ vạ vật trong giá lạnh, bày ra dăm thứ đồ thổ cẩm (mà phần lớn là hàng Trung Quốc) chờ khách du lịch đi qua hoặc một cơ may lớn, kiểu đoàn khách du lịch dưới xuôi, đi uống rượu về, vui vẻ kéo vào cùng chụp ảnh, cho tiền.

Từ phía ngoài bản Cát Cát, những người bán hàng đã mời chào bằng một thông điệp kỳ dị: “Anh chị lên chơi mua kẹo bánh để cho các cháu dân tộc”.

Thành thị bớt thờ ơ

Cậu phóng viên trẻ đang thử việc ở một tờ báo điện tử, vừa có một loạt phóng sự ảnh được xem nhiều về cù lao Nguyễn Kiệu, hồ hởi kể: “Em đã vào chỗ này ba lần. Rất ngứa khi phải lội trong dòng nước đầy rác rến ấy”.

Cậu cũng chẳng phải dạng phóng viên đã chai sạn, vẫn loay hoay nài nỉ người dân bên đường cho một cái túi nilông để đặt đôi giày của mình vào. Nhưng cậu đang nằm trong một lực lượng đã bắt đầu biết tò mò về những điều diễn ra bên ngoài sự phồn hoa đô thị.

Suốt gần hai chục năm kể từ khi mở cửa, phần lớn xã hội vẫn chưa thôi tò mò về vật chất. Tốc độ tăng trưởng nhanh và sự thiếu thốn trước đấy khiến xã hội vật chất trở thành chủ đề duy nhất đáng quan tâm.

Bây giờ nó vẫn là chính yếu, nhưng việc “xét lại” những hậu tố của cuộc tăng trưởng đã bắt đầu manh nha. Ở nhiều nơi, các đại dự án bất động sản, một biểu tượng của tăng trưởng, hứng chịu sự hoài nghi.

Sau những sự cố của các doanh nghiệp nước ngoài, tính hai mặt của vốn FDI và sự lụy thuộc vào nó được đặt ra. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trở thành chủ đề nóng, trước đó “trách nhiệm” đáng kể nhất mà một doanh nghiệp cần trưng ra là tạo ra được nhiều công ăn việc làm và đóng nhiều thuế. Nhưng từ nay, luận điểm đó có thể bị dư luận gạt đi.

Người ta bắt đầu xét đến các nhóm yếu thế. Họ bắt đầu nói nhiều hơn về ngư dân, nông dân, về người nhập cư, về đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm 2016 chứng kiến cuộc quyên góp từ thiện cá nhân có lẽ là lớn nhất lịch sử. Một phong trào mạnh hướng tới người yếu thế bắt đầu hình thành và phát triển. Năm 2016, Việt Nam nhận một giải thưởng từ UNESCO vì nỗ lực đem sách về nông thôn.

“Doanh nghiệp xã hội” trở thành từ khóa nóng. Người ta có thể gặp một doanh nhân trẻ bỏ doanh nghiệp chục tỉ về mở công ty hướng tới giúp giải quyết các vấn đề của trẻ em khuyết tật. Và bạn có thể gặp Vy - một cô gái - bước ra đời với công việc điển hình của một “cổ cồn xanh” điển hình: nhân viên của các tổ chức phi chính phủ.

Nhưng rồi một ngày cô quyết định từ bỏ và tạo ra một thứ gọi là “Hành trình của Vịt”. Đó là hành trình của một con vịt đi tìm chân ruộng của mình, cô nói. Vy đi lang thang khắp đất nước, trò chuyện, ghi chép với những người đang cố công theo đuổi một nền nông nghiệp xanh.

Xanh theo nghĩa tận cùng: tức là không sử dụng chút nào đến những công nghệ tân tiến đang được quảng cáo là “xanh” bây giờ, mà tìm đến những giá trị bản nguyên của việc nuôi - trồng. “Hành trình của Vịt” bằng cách nào đó đã gây sự chú ý và Vy - dù không đặt mục tiêu - trở thành người quảng bá cho những giá trị ấy.

Bạn có thể gặp rất nhiều startup hướng tới việc giải quyết vấn đề của những người bị bỏ lại. Năm 2016, nhiều tổ chức trong nước và quốc tế vinh danh Nguyễn Quang Thạch - người kiên quyết chỉ ra rằng đang có khoảng cách cực lớn giữa thành thị và nông thôn Việt Nam và muốn giải quyết điều đó bằng việc “cõng sách” về các vùng quê. Việc làm của anh khiến rất nhiều người xúc động.

Ở đâu đó, bạn tìm thấy một doanh nghiệp xã hội đang tìm cách xuất sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số, từ lá thuốc tắm đến giấy làm thủ công, chứ không phải cố biến họ thành người bán hàng rong khu du lịch nữa.

Và tất nhiên, bạn có thể bắt gặp cả những người giàu đang nghĩ khác. Họ chuyển từ việc làm phúc (charity) sang tạo dựng giá trị cộng đồng (entrepreneurship). “Anh không làm từ thiện nữa. Anh muốn xây dựng cái gì đó bền vững. Xây trường. Nhưng tìm cho anh những nơi nào mà cái trường xây lên sẽ duy trì được” - một đại gia tâm sự. Nhiều ngôi trường đã được xây theo cách như thế.

Tất nhiên, người ta có thể nói rằng tất cả chỉ là thiểu số và thành thị vẫn đang lao đi về phía trước, chứ không ngoái nhìn những gì họ đã bỏ lại. Nhưng năm 2016 sẽ là năm ghi dấu những cuộc luận chiến lớn về ý nghĩa của vật chất, tăng trưởng và giàu - nghèo, bất công... hoặc ít nhất đó là điều tôi quan sát được trên mạng xã hội.

Trong cuộc luận chiến ấy, bạn bắt gặp hình ảnh của những ông cổ cồn lang thang trên các bãi biển miền Trung, trò chuyện với những ngư dân mất nghiệp và đặt ra một câu hỏi: Phát triển bằng mọi giá có đáng không?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận