Để tránh những bất ngờ không thú vị

TTCT - Khủng hoảng tài chính châu Á diễn ra năm 1997, còn khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra năm 2007. Liệu năm 2017 có điều gì tương tự, “sốc” như vậy không?

 


Đây là một chủ đề đáng chú ý ở một số diễn đàn đầu tư nghiêm túc trong những tháng cuối năm 2016. Một trong những “ngòi nổ” chính được cho là do tình trạng nợ tư nhân tăng vọt ở một số nền kinh tế mới nổi, trong đó nổi bật là Trung Quốc.

Từ khóa “Trung Quốc”

Ai đọc các báo cáo về an ninh tài chính (chẳng hạn như Global Financial Stability Report 2017 của Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF) sẽ không khó nhận ra từ khóa “Trung Quốc” xuất hiện nhiều lần.

Nguyên nhân là người ta ước tính các khoản nợ của toàn nền kinh tế Trung Quốc đã vượt 250% GDP, trong đó rất nhiều khoản nợ là của doanh nghiệp tư nhân vay nợ các ngân hàng và các công ty tài chính.

Các khoản tín dụng phi ngân hàng là nỗi lo lớn của hầu hết tổ chức phân tích vì đó là một ma trận không ai biết rõ chứa cái gì trong đó, quy mô thật sự lớn đến đâu và tình hình xấu đến đâu.

Các ngân hàng nhỏ ở Trung Quốc và các công ty tài chính trong vài năm trước đã hình thành những sản phẩm tín dụng phức tạp, thiếu minh bạch và bơm một lượng tín dụng đáng kể ra nền kinh tế không thông qua con đường tín dụng truyền thống.

Một số chuyên gia IMF và ngân hàng đầu tư tin rằng một vài khoản vay như vậy còn lớn hơn vốn tự có của các ngân hàng và các công ty này nhiều lần.

Một mặt Trung Quốc nỗ lực chỉnh đốn hệ thống ngân hàng, mặt khác vẫn tiếp tục đẩy mạnh bơm vốn ra nền kinh tế để duy trì tăng trưởng, do đó tiến trình làm sạch hệ thống ngân hàng chính thức và phi chính thức diễn ra chậm chạp.

Vì vậy, không ai biết rõ các khoản tín dụng phức tạp đó là của ai, cho ai và đi đâu nếu như công ty cho vay không phải là một ngân hàng chịu kiểm soát bởi các quy định về an toàn vốn, mà chỉ là một dạng công ty chứng khoán, quỹ ủy thác hoặc công ty đầu tư tài chính, thậm chí là một công ty thương mại.

Do sức ép kiểm soát chất lượng tín dụng và an toàn vốn ngân hàng trong khi nhiều công ty Trung Quốc vẫn khát vốn (trong đó có những công ty toàn làm ăn lỗ), nhiều hình thức tín dụng phi ngân hàng đã được ra đời để lách luật và không phải chịu kiểm soát của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC).

Điều này dẫn đến nhiều đồn đoán về tình hình nợ xấu phát sinh từ những hình thức tín dụng phi ngân hàng này như những quả bom hẹn giờ trong nền kinh tế Trung Quốc.

Chỉ cần tăng trưởng kinh tế tiếp tục ảm đạm, chứng khoán và bất động sản chững lại, nhiều quả bom hẹn giờ ở Trung Quốc có thể nổ bất cứ lúc nào. Hệ quả của một chấn động diện rộng ở các ngân hàng nhỏ và các công ty tài chính ở Trung Quốc là khó tưởng tượng, chưa nói đến những ngân hàng lớn.

Trong bối cảnh đồng nhân dân tệ sụt giá, dự trữ ngoại hối giảm vài chục tỉ USD và vốn ngoại tháo chạy như trong năm 2016 ở Trung Quốc, người ta có lý do lo sợ một cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ Trung Quốc lây lan ra toàn khu Đông Á và Đông Nam Á, thậm chí châu Mỹ Latin.

Có một số nguyên nhân chính. Thứ nhất, khủng hoảng ngân hàng ở Trung Quốc sẽ khiến vốn ngoại chảy ra khỏi nền kinh tế này mạnh hơn (báo chí đưa tin rằng Trung Quốc đã âm thầm áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn để đề phòng tình huống này) và kéo nền kinh tế vào suy thoái. Vốn ngoại chảy ra thì khó ngăn đồng nhân dân tệ tiếp tục mất giá.

Đồng nhân dân tệ mất giá và nền kinh tế Trung Quốc có thể lâm vào suy thoái sẽ gây khó khăn cho xuất khẩu của các nền kinh tế châu Á khác (như khối ASEAN) sang Trung Quốc. Thứ hai, nó có thể tạo ra một sự chững lại hay đảo ngược của các dòng vốn đầu tư FDI từ Trung Quốc sang các nước khác, một trong những nguồn vốn quan trọng cho một số nền kinh tế đang phát triển ở châu Phi, châu Mỹ và châu Á.

Vì vậy, rủi ro đến từ núi nợ tư nhân của Trung Quốc không phải là điều các nước láng giềng nên vui mừng. Trong bối cảnh Mỹ có thể còn tiếp tục tăng lãi suất đồng USD, kinh tế châu Á bất ổn hơn có thể khiến dự đoán vốn ngoại quay lại một vài nền kinh tế mới nổi ở châu Á trong năm 2017 sẽ không thành hiện thực.

Dự báo thì chưa, nhưng...

Theo đánh giá của các tổ chức tài chính quốc tế, rủi ro khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra trong năm 2017 là chưa cao. Cần nhấn mạnh là “chưa” vì các nhà phân tích đã bình tĩnh hơn sau sự kiện Brexit và Trump.

Họ thấy rằng kể cả những thứ tưởng chừng là thảm họa nhưng không quá đáng sợ. Ngay cả trong tình trạng các khoản nợ ở Trung Quốc quả thật là quả bom tấn, Trung Quốc có thể kiểm soát tổn thất gây ra bởi nó qua các công cụ kiểm soát vốn và can thiệp bằng nguồn lực nhà nước.

Vì vậy tiến trình “gỡ bom” của Trung Quốc có thể không yên ả, nhưng kinh nghiệm hành động của nước này cho thấy họ có thể có những giải pháp mạnh tay giữ tình hình trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên nếu các quả bom nợ của Trung Quốc nổ, dù là Trung Quốc kiểm soát được thì khả năng châu Á lâm vào suy thoái (chứ chưa đến mức khủng hoảng) là có thật vì ít nhiều gì sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng đầu tư.

Nhiều nền kinh tế liên hệ trực tiếp với Trung Quốc như Singapore, Úc và một số nước ASEAN sẽ cảm nhận được dư chấn từ nền kinh tế này. Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng Nhật và Hàn Quốc cũng không mấy lành mạnh, châu Á có thể đi vào một đợt suy thoái. Nhưng khủng hoảng ngay lập tức có lẽ là chưa.

Ở khía cạnh lạc quan, hiện một số nền kinh tế mới nổi ở châu Á đang hưởng lợi nhờ giá thương phẩm (commodity) tăng trở lại, và dự đoán trong năm 2017 dòng vốn quốc tế sẽ chảy ra khỏi các nền kinh tế mới nổi với tốc độ chậm hơn so với năm 2016.

Một số nhà phân tích cho rằng nếu loại Trung Quốc ra khỏi tính toán, có thể dòng vốn quốc tế ở một số nền kinh tế châu Á sẽ chảy vào ròng thay vì chảy ra ròng (tức là vốn vào cao hơn vốn ra). Mặt khác, nhiều nền kinh tế châu Á đã rà soát lại hệ thống ngân hàng của mình (chẳng hạn như Việt Nam), do đó dư chấn còn nằm trong tầm kiểm soát.

Dù khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính châu Á 2017 là thấp, IMF tin rằng rủi ro sẽ ngày càng tăng vì nhiều quả bong bóng ẩn mình trong lĩnh vực bất động sản, cổ phiếu và nợ doanh nghiệp vẫn đang được bơm căng lên ở nhiều nước châu Á thông qua các chính sách tiền tệ nới lỏng trên diện rộng trong năm qua.

Điều bất ngờ có xảy ra?

Bài học năm 2016 là những gì tưởng chừng khó xảy ra nhất lại xảy ra. Vài năm gần đây, vào dịp cuối năm Hãng tin Bloomberg đưa ra một danh sách gọi là Hướng dẫn của một người bi quan về thế giới (A Pessimist’s guide to the world).

Danh sách đó nêu lên những sự kiện xấu nhất có thể xảy ra trong năm sau, mà thường kết quả là chúng... đều không trở thành sự thật vì đây là những sự kiện có xác suất xảy ra rất thấp và tác động có tính tiêu cực trên bình diện khu vực hoặc thế giới, nên các chính phủ trên thế giới sẽ cố gắng ngăn chặn chúng bằng mọi giá.

Chẳng hạn, trong danh sách này của năm 2016 thì kinh tế Trung Quốc sụp đổ toàn diện, giá dầu lên trên 100 USD... đều không xảy ra. Rủi thay, có tới hai sự kiện đúng: Brexit và ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ.

Với năm 2017, danh sách này đề cập đến chiến tranh kinh tế Mỹ - Trung, mà hệ quả có thể là một thập kỷ suy thoái đối với Trung Quốc.

Chỉ riêng nỗi sợ điều đó sẽ xảy ra cũng đủ khiến vốn ngoại chảy ra khỏi Trung Quốc và quá trình gỡ bom hẹn giờ trong nền kinh tế Trung Quốc trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, quan sát kỹ các tin tức về nền kinh tế Trung Quốc và biến động của những công cụ phòng ngừa rủi ro như vàng trong năm 2017 sẽ không bao giờ thừa. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận