TTCT - Hàng vạn lao động ở vùng đất trù phú ĐBSCL lần lượt bỏ xứ đi nơi khác kiếm kế sinh cơ. Đã có những cuộc di dân diễn ra âm thầm. Đến chừng giật mình nhìn lại thì nhiều xóm làng đã xơ xác. Tuyến dân cư dọc theo kênh T29 của huyện U Minh (Cà Mau) được hình thành hơn 10 năm nay. Lúc mới di dân về đây, nhiều gia đình đã mừng phát khóc khi mọi thứ cần thiết cho một cuộc sống mới dường như được chuẩn bị sẵn: con lộ nhựa dài hàng chục cây số xẻ dọc rừng tràm chạy theo tuyến dân cư, điện lưới kéo tới nhà, mỗi gia đình được cấp trên 1ha đất, nhà cửa cất sẵn, chỉ việc dọn đồ vào ở, các hộ dân còn được cho vay ưu đãi một số vốn để lận lưng. Thế rồi... Đi vì thắt ngặt Tâm sự với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Hải, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, trầm giọng kể ông vừa trở lại tuyến kênh T29. Nhiều gia đình ở đây đã bỏ nhà, bỏ đất đi xứ khác làm ăn. Hỏi chuyện, những người còn ở lại đã tình thiệt với lãnh đạo tỉnh: Đất đai đã bị nhiễm phèn rất nặng. Trồng lúa không được nên nhiều hộ dân đành bỏ đi. Ông Hải đã lệnh ngay cho lãnh đạo Sở NN&PTNT gấp rút thi công các công trình tháo úng, xổ phèn, cải tạo đất đai để người dân có thể trở lại sinh sống trên chính mảnh đất của mình. Tuy nhiên, chuyện “kéo” nông dân về với đồng đất ở đây không phải là chuyện một sớm một chiều. Chúng tôi trở lại kênh T29 khi những người dân ở đây đang trải qua những ngày “giáp hạt”. Chị Bùi Bé Tám (35 tuổi, ở ấp 11, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) nói chuyện mùa “giáp hạt” là chuyện từ xưa rồi. Đó là khi người nông dân còn trông chờ vào vụ lúa, gói ghém tất cả những hi vọng sinh kế vào đồng lúa. Nhưng những nông dân như gia đình chị đã phải liên tiếp trải qua những mùa vụ thật bẽ bàng. “Gia đình tôi có hơn 2 công (2.000m2 - PV) đất. Mấy năm trước còn được 3-4 giạ lúa một mùa. Nhưng có năm không có thúng lúa nào. Bình thường đã khó, năm rồi lại thêm cơn hạn kéo dài, tới mùa nhưng đất khô không phát được. Đến khi lúa tới lứa cấy thì mưa “chụp” xuống. Lúa chết sạch!” - chị Bé Tám nói. Quay một vòng thất bại thì mùa gió bấc về, không thể xuống mạ. Gia đình chị Bé Tám cũng như nhiều nông dân khác tại tuyến kênh T29 đành bỏ mặc đất cho... ông trời. Thắt ngặt, anh Nguyễn Văn Lực (32 tuổi), chồng chị Bé Tám, đành đi các tỉnh miền Đông làm thuê kiếm tiền nuôi vợ con. Anh Lực có nghề hồ. Dù là người được tiếng chịu thương, chịu khó nhưng đến xứ lạ quê người không phải lúc nào cũng có việc làm. Hôm chúng tôi ghé nhà, chị Bé Tám khoe chồng chị vừa về tới. Nhưng khi hỏi đến công việc, chị lại đượm buồn: “Đi cả tháng trời, anh trở về trong túi chỉ còn... 26.000 đồng”. Để có cái ăn trong nhà, vợ chồng chị lại phải tiền vay bạc hỏi. Và họ lại tính tiếp chuyện bỏ xứ mưu sinh. Ông Trần Quốc Việt - trưởng Ban nhân dân ấp 11, xã Nguyễn Phích - bấm đốt ngón tay: “Cả nhà anh Danh Sơn, Phan Văn Sang, Đỗ Tấn Ninh, Nguyễn Thị Ninh... dẫn nhau đi xứ khác làm ăn. Còn những hộ đi 1-2 người thì nhiều lắm. Đi tá lả hết”. Đất đai khô cằn nên việc canh tác ngày càng khó hơn Đồng ruộng vắng người Câu chuyện ở tuyến dân cư kênh T29 là bức tranh không hiếm ở tỉnh Cà Mau cũng như cả vùng ĐBSCL, nhất là ở những vùng quê nghèo. Xã Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng) được xem là nơi có di dân đông nhất trong toàn tỉnh. Trong đợt hạn mặn năm 2016, hơn 6.000 dân đã đi nơi khác kiếm sống bằng đủ thứ nghề. Đó mới chỉ là con số mà xã thống kê được khi người dân đến xã để làm thủ tục xin việc. Dọc hai bên đường ở xã Long Phú, nhiều nhà đóng cửa im ỉm, làng xóm vắng ngắt. Ông Sơn Sil (60 tuổi, ở ấp Tân Lập) đang hì hục cuốc đất trên miếng đất bỏ hoang lâu ngày để trồng hoa màu. Ông nói miếng đất này của người bạn đã đi nơi khác làm ăn từ nhiều năm qua, để lại cho vợ con trông coi. Nhưng đợt hạn mặn vừa rồi, nợ nần chồng chất nên cả nhà kéo đến miền Đông làm thuê. Ngay cả bản thân ông cũng đang làm “cha mẹ già”, phải giữ ba đứa trẻ vừa cháu nội, vừa cháu ngoại để mấy người con đang đi làm thuê ở Bình Dương. “Tụi nó đi vậy mà có cái ăn, mỗi tháng còn gửi chút tiền cho hai ông bà để trang trải. Mà tui cũng rầu, tụi nó đi làm ở công ty may nên người ta trả lương thất thường lắm, tháng này tui trông mà chưa thấy gửi tiền về” - ông Sil than. Bà Lâm Thị Thủy (53 tuổi, ở ấp Bưng Long) và những phụ nữ đang giặm lúa thuê gần đó nói thêm giờ đi hết mấy ấp từ Nước Mặn, Kinh Ngang, Bưng Long..., xã Long Phú khó mà kiếm được thanh niên trai tráng. Toàn người già và trẻ. Bà Thủy tập hợp những nông dân nhàn rỗi thành “đội quân làm thuê xuyên ấp”. Nay “đội quân” của bà trên dưới chục người nhưng chỉ toàn là người lớn tuổi. “Giờ vô mùa rồi không lẽ bỏ, mà cũng đâu còn thanh niên để làm. Người ta đành phải thuê người lớn tuổi như tụi tui thôi” - bà Thủy nói. Cách đó không xa, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) cũng chung cảnh hiu hắt. Ông Đặng Thanh Quang, phó chủ tịch UBND huyện Trần Đề, cho biết hiện nay là vô mùa vụ mà bà con vẫn chưa về làm lúa. “Ruộng đồng thì không thể bỏ được nên chúng tôi vận động, hỗ trợ giống tốt, chịu mặn cho bà con tiếp tục mùa vụ. Nhưng giờ lao động không có, chúng tôi phải khuyên bà con nói người thân mình trở về làm cho kịp vụ mùa” - ông Quang nói. Có những xóm không tìm thấy trai tráng “Về, sợ đi không nỡ...” Tại Kiên Giang, việc thanh niên tới tuổi lao động rủ nhau rời quê đi các tỉnh miền Đông tìm việc đã trở thành phong trào tại nhiều địa phương. Nông dân Dương Văn Đạt (ngụ xã Hưng Yên, huyện An Biên) có hai người con hiện đi làm thuê ở Bà Rịa - Vũng Tàu, nói thu nhập từ trồng lúa chỉ khoảng 1,2-1,8 triệu đồng/công đất, lại cần ít lao động nên trai tráng coi như thất nghiệp quanh năm. Ông Nguyễn Văn Tâm, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, cho rằng mấy năm gần đây quá trình sản xuất nông nghiệp phần lớn sử dụng máy móc, nên lao động nông thôn dôi ra khá nhiều. Không có việc làm tại địa phương thì chuyện nông dân rời quê đi làm xa nhà là khó tránh khỏi. Theo tìm hiểu của TTCT, phần lớn nông dân miền Tây rời quê đi tìm việc ở những đô thị, ở miền Đông Nam bộ. Riêng đảo Phú Quốc (Kiên Giang) với tốc độ phát triển cực nóng cũng đang là thỏi nam châm thu hút làn sóng di dân từ các nơi. Vài năm trở lại đây, do nhu cầu lao động thủ công tại các công trình xây dựng ở Phú Quốc tăng mạnh, đã có hàng chục ngàn người ra Phú Quốc với hi vọng tìm được việc làm ổn định. Nếu như trước đây, đa số công nhân tại các công trình ở Phú Quốc là người miền Bắc, miền Trung thì giờ chủ yếu là người miền Tây. Trong số những di dân ra Phú Quốc làm việc phổ thông không chỉ có người trẻ, mà còn có cả những nông dân đang tuổi “về hưu”. Gặp chúng tôi tại Phú Quốc, ông Trần Văn Như (60 tuổi, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) cho biết: “Ở quê giờ kiếm việc khó lắm chú ơi! Hai vợ chồng tui chuyên gặt lúa mướn nhưng giờ người ta gặt bằng máy nên tụi tui thất nghiệp. Nghe một số người làm phụ hồ rủ nên mấy chục anh em trong xóm kéo nhau ra đây. Giờ xóm tui chỉ còn con nít chứ người già cũng ít lắm”. Ngồi trước dãy nhà trọ ở khu phố 6, thị trấn An Thới (Phú Quốc) chờ vợ nấu cơm chiều, ông Trần Văn Út (42 tuổi, quê An Biên, Kiên Giang) cho biết hai vợ chồng ông ra Phú Quốc được 10 tháng, ông Út làm thợ xây còn vợ thì phụ hồ để dành tiền gửi về cho bà ngoại nuôi hai đứa con đi học. “Mấy năm nay xảy ra hạn mặn nên quê tui giờ làm lúa không có lời. Mấy công ruộng bỏ hoang, cho mượn cũng không ai thèm chứ nói chi cho mướn!” - ông Út nói. Bưng mâm cơm chiều chỉ có đĩa cá biển kho mặn cùng tô canh bầu nấu tép, bà Vân, vợ ông Út, nói: “Nhà ngay trong tỉnh, chỉ cần lên tàu ngồi hơn ba tiếng là tới nhà nhưng gần một năm nay hổng dám về quê. Về sợ thấy mấy đứa nhỏ rồi không nỡ đi. Vả lại vé tàu xe đi lại cũng gần cả triệu đồng. Tiếc lắm, ráng mần tết về luôn!”. Cải tạo đất, hỗ trợ vốn Mỗi tỉnh hàng chục ngàn người đi Chưa có con số thống kê đầy đủ có bao nhiêu người dân ở vùng đồng bằng được coi là trù phú nhất cả nước này phải xa xứ mưu sinh. Chỉ nhìn qua báo cáo (chưa đầy đủ) của các cơ quan quản lý lao động ở một số tỉnh vùng bán đảo Cà Mau có thể giật mình: Trong 10 tháng đầu năm 2016, tỉnh Cà Mau có 26.382 lao động rời địa phương đi tỉnh khác làm thuê (nguồn: Sở LĐ-TB&XH Cà Mau); Sở LĐ-TB&XH Sóc Trăng cho biết mỗi năm có trên 10.000 lượt người đi lao động ngoài tỉnh. Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh cho biết số lao động rời tỉnh đi làm việc ở các tỉnh khác hàng năm trên 20.000 người... Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho rằng việc lao động nông thôn ào ạt rời xứ đi làm thuê ngoài tỉnh còn do yếu tố “phong trào”, người trước đi được về quê rủ người sau đi theo. Tuy nhiên, ông Hải cũng thừa nhận diễn biến khí hậu bất lợi, môi trường suy thoái, nuôi tôm, trồng lúa của nông dân Cà Mau ngày càng gặp nhiều thách thức. Lợi nhuận trên đất ngày càng bị thu hẹp, người dân nhiều nơi gặp khó khăn đã tác động khiến nhiều người bỏ đất đi làm thuê. Hiện tỉnh Cà Mau đang tập trung thi công các công trình thủy lợi để cải tạo đồng đất, giúp người dân ở những vùng bị nhiễm phèn, mặn có thể canh tác. Tuy nhiên, để cải tạo được một diện tích rộng đất đai bị suy thoái thì cần nguồn vốn không nhỏ. Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau cũng có chủ trương, tạo vốn để người dân chuyển đổi diện tích trồng lúa không hiệu quả sang trồng các loại cây khác. Ông Lê Hoàng Điện, giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng, cho rằng nhu cầu việc làm, tăng thu nhập để ổn định cuộc sống của người dân là tất yếu. Bởi đa số lao động ở nông thôn đều sống bằng nghề nông, mang tính thời vụ, thời gian nhàn rỗi chiếm tỉ lệ cao (gần 79%). Trong khi doanh nghiệp trong tỉnh quy mô nhỏ, không có nhu cầu lao động nhiều, còn nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp ngoài tỉnh lại rất lớn. “Để tránh trường hợp lao động rời bỏ địa phương đi làm ăn xa, đồng thời để giữ gìn, ổn định trật tự xã hội trước mắt UBND tỉnh đã hỗ trợ cho các hộ bị ảnh hưởng với tổng số tiền hơn 40 tỉ đồng để bà con khắc phục thiên tai, ổn định cuộc sống. Về lâu dài, chúng tôi đang tích cực kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp lớn về Sóc Trăng nhằm giải quyết việc làm cho lao động địa phương” - ông Điện nói. ■ Tìm cách giữ chân người lao động Theo ông Mai Văn Huỳnh - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, với hàng chục ngàn lao động rời quê như hiện nay, rõ ràng địa phương đang có một khoảng trống khó bù đắp về nguồn nhân lực tại chỗ. Ông khẳng định quan điểm của địa phương là cố gắng giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông nghiệp chuyển dịch sang các lĩnh vực phi nông nghiệp. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có 2.400 lao động vào làm việc tại Khu công nghiệp Thạnh Lộc (huyện Châu Thành). Chưa kể lao động tại các nhà máy thủy sản tập trung nhiều ở cảng cá Tắc Cậu và các nhà máy rải rác tại các huyện An Biên, An Minh, Kiên Lương... Ông Trần Văn Liêm, chủ tịch UBND xã Giục Tượng (huyện Châu Thành, Kiên Giang), cho biết cả xã hiện có 19 nhà máy chế biến thủy sản các loại quy mô vừa và nhỏ. Các nhà máy này giải quyết việc làm tại chỗ cho hơn 2.000 lao động là người địa phương và các huyện lân cận như An Biên, Giồng Riềng, Gò Quao, Tân Hiệp. Việc giữ chân được người dân làm việc tại chỗ có nhiều cái lợi: Trước hết là gia đình, chòm xóm đông vui. Thứ hai là các phong trào mặt trận, đoàn thể phát động đều thuận lợi do có nhiều người hưởng ứng, tham gia. K.Nam Tags: Đồng bằng sông Cửu LongDi dânMiền Tây di dânBỏ làng ra phố
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam không nên đến Ukraine THANH HIỀN 21/11/2024 Bộ Ngoại giao Việt Nam khuyến cáo công dân Việt Nam không đi sang Ukraine, trừ trường hợp thật sự cần thiết.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.