Để người thổi sáo hay nhất được dùng cây sáo tốt nhất

HUỲNH THẾ DU 23/01/2017 17:01 GMT+7

TTCT - Đối với Việt Nam, con đường duy nhất là trở thành nơi để những người có khả năng phát huy trí tuệ và bước then chốt ban đầu là giữ được những người con ưu tú của mình.

tt
tt


Người bạn cũng là sếp và thầy của tôi ở Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright hay lấy ví dụ rằng cả Hàn Quốc và Việt Nam đã là hai nước nghèo suốt chiều dài lịch sử và có những đặc điểm giống nhau, nhưng giờ đây Hàn Quốc trở nên giàu có, Việt Nam thì chưa.

Đến Harvard, tôi ấn tượng trước sự hiện diện rất đông sinh viên Hàn Quốc, dù dân số của họ chỉ hơn phân nửa Việt Nam.

Họ có cơ hội ở khắp nơi, nhưng nhiều người đã trở về vì cơ hội thi thố tài năng ở quê hương không kém bất kỳ nơi nào trên thế giới, trong khi lại được “vinh quy bái tổ” - một đặc trưng quan trọng của những nước có nền văn hóa Khổng giáo.

Quốc gia phát triển xếp hạng 11 thế giới về chỉ số sáng tạo, 26 về năng lực cạnh tranh này đang là một xã hội học tập thật sự. Họ có gần 250.000 du học sinh (gấp gần 2 lần Việt Nam) với hơn 61.000 người ở Mỹ (gấp gần 3 lần Việt Nam) và tỉ lệ số người vào đại học so với dân số ở cùng độ tuổi gần như toàn bộ, trong khi ở Việt Nam hiện chỉ khoảng 20%.

Những hình dung của tôi về xứ sở kim chi rõ thêm khi lần đầu tiên đến Seoul dự một hội thảo quốc tế và thăm ba người bạn Hàn Quốc thân nhất ở Harvard.

Cả ba đều đang làm trong ngành giáo dục (hai người là giảng viên đại học và một người là quản lý cao cấp cho một tổ chức tư vấn giáo dục nổi tiếng toàn cầu).

Họ cho tôi biết những người như họ rất được trọng vọng và có nhiều đất dụng võ trong xã hội Hàn Quốc.

Anh bạn cùng nghiên cứu về đô thị còn cho tôi biết thêm sở dĩ khu Gangnam - nơi xuất phát điệu nhảy huyền thoại với số người xem kỷ lục trên YouTube - có giá nhà đắt nhất Seoul là do ở đó có những chương trình hỗ trợ du học với tỉ lệ được vào những trường hàng đầu thế giới rất cao.

Con đường đi lên của Hàn Quốc

Có rất nhiều điều đáng học hỏi từ một nước nghèo đã trở nên phát triển chỉ sau ba thập kỷ. Trong đó cách thức xây dựng xã hội trọng dụng người tài, khuyến khích vươn lên theo nguyên tắc “người thổi sáo hay nhất có được cơ hội sử dụng chiếc sáo tốt nhất” và tạo công bằng bằng cách nâng người có vị trí thấp nhất lên thay vì kéo người trên cao xuống là rất đáng tham khảo.

Muốn quốc gia phát triển thì cần phải tập hợp và phát huy được khả năng của những tài năng trong xã hội - những người thường tự biết tìm kiếm các cơ hội để thi thố tài năng chứ không cần cầu xin hay được ưu đãi.

Nhu cầu quan trọng nhất của họ là được làm việc đúng sở trường để thể hiện năng lực, chứ không phải là điều kiện vật chất. Đặc biệt, họ rất ghét bất công và không chịu luồn cúi.

Từ giữa thế kỷ 20, đang còn nghèo, Hàn Quốc không thể đáp ứng điều kiện vật chất cho những người trở về như điều họ có nếu ở lại, nhưng chính phủ đã thỏa mãn nhu cầu bậc nhất của họ - những người có khả năng không chỉ được lắng nghe mà còn trực tiếp tham gia quá trình hoạch định và thực thi chính sách.

Hàn Quốc hiểu rằng điều có ý nghĩa sống còn với họ là khả năng cạnh tranh với bên ngoài thông qua những doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu và trường đại học đẳng cấp thế giới ở những đô thị đáng sống. Đây chính là nơi giữ chân và phát huy trí tuệ của những người Hàn Quốc tài năng.

Việc ưu tiên có trọng điểm trong từng giai đoạn trên nguyên tắc dành đủ nguồn lực cho những nơi có lợi thế nhằm kéo cả nước đi lên, nhưng cũng có những chính sách hợp lý để nâng những người/những nơi đang ở vị trí thấp lên cao hơn đã được hết sức coi trọng.

Ví dụ, một cơ sở hạ tầng quan trọng đầu tiên được xây dựng chính là tuyến đường cao tốc nối liền Seoul và Busan - hành lang kinh tế quan trọng nhất của Hàn Quốc.

Nhiều nguồn lực đã được đầu tư vào các đô thị, nhất là Seoul, với mục tiêu trở thành đô thị cạnh tranh quốc tế. Bất kỳ xã hội nào cũng có những người rớt lại, vai trò quan trọng của nhà nước là kéo những người này đi lên mà không làm giảm động lực của chính họ và toàn xã hội.

Thành công của chương trình chỉnh trang đô thị, xóa nhà ổ chuột là điển hình. Điều quan trọng đối với các chương trình như vậy là để khuyến khích những người đang có vị trí bất lợi vươn lên, chứ không tạo ra tư tưởng ỷ lại hay cảm giác bị đẩy ra ngoài lề xã hội dẫn đến tâm lý bất mãn và chống đối.

Kết quả, Hàn Quốc được tưởng thưởng bằng một nền kinh tế phát triển và xã hội hài hòa dựa trên những công ty và đại học hàng đầu thế giới như Samsung, Hyundai, POSCO, Đại học Quốc gia Seoul và Viện KAIST đặt ở những thành phố vang danh như Seoul hay Busan.

Thể chế phát triển có tính bao trùm bắt đầu từ kinh tế rồi đến chính trị đã được tạo ra. Tất nhiên, mặt trái của tấm huy chương chính là áp lực buộc phải thành công. Ở Seoul, tôi thấy rất nhiều người hút thuốc và tỉ lệ người tự tử ở Hàn Quốc thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Đó là một quá trình phát triển mà Hàn Quốc gặp rất nhiều vấn đề, đến nay vẫn gặp nhưng ở bình diện toàn cầu, họ đã rất thành công. Điều này làm người Hàn Quốc rất tự hào và gắn bó với quê hương bản quán.

Trở lại Việt Nam

Mỗi khi tâm tình với những du học sinh, chuyện về hay ở thường làm câu chuyện của chúng tôi chùng xuống. Là người đã trở về và hào hứng với những việc đang làm, tôi thấy nên về vì trong nước có nhiều cơ hội để thử thách.

Nhưng dưới góc độ của một người nghiên cứu chính sách công, để có nhiều du học sinh trở về không phải là điều dễ dàng với Việt Nam. Rất ít người đã học xong bậc tiến sĩ ở các trường danh tiếng trở về nước làm việc.

Một số đã trở về với bao nhiêu tâm huyết và hoài bão ấp ủ, nhưng rồi lại phải ra đi vì những lý do rất đời thường hoặc không có đất dụng võ, từ chuyện sức khỏe và an toàn của bản thân đến chuyện học hành của con cái.

Quan trọng hơn cả là việc làm và thể hiện bản thân. Để kiếm tiền cũng phải trở thành những người biết xoay xở và cần những kỹ năng hay các mối quan hệ, vốn có thể là thứ mà họ không muốn dùng đến trong những môi trường khác có thể lựa chọn.

Rất ít cơ hội có được cây sáo tốt nhất nếu trở thành người thổi giỏi nhất trong một xã hội mà dân gian có câu “thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ”.

Do vậy, rất nhiều người trăn trở vẫn đang sắp xếp thời gian và công sức để trở về và có những đóng góp ở chừng mực nhất định, nhưng nếu nói về hẳn thì phần đông sẽ là “Ừ, để xem...”.

Những điều đó cho thấy Việt Nam cần có những nơi có được môi trường sống và điều kiện làm việc tương ứng những nơi phát triển khác.

Có như vậy mới giữ và phát huy được khả năng của những người Việt tài năng, xa hơn nữa là thu hút được nhiều người có khả năng từ những nước khác. Vùng Hà Nội và TP.HCM có khả năng này, nếu cơ hội của hai nơi này không ngày một cạn do cách thức quản lý và cơ chế khuyến khích ngược, nhất là TP.HCM.

Những căn nguyên cản trở con đường đi đến hạnh phúc ấm no của dân tộc Việt Nam đang dần hiện rõ. Đã đến lúc cần có những thay đổi mạnh mẽ. Đối với Việt Nam, con đường duy nhất là trở thành nơi để những người có khả năng phát huy trí tuệ, mà bước then chốt ban đầu là giữ được những người con ưu tú của mình. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận