Hiểu khác, làm khác

MAI VINH 23/02/2017 22:02 GMT+7

TTCT - Vùng nông nghiệp Đà Lạt bao gồm TP Đà Lạt, các huyện lân cận như Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng... được xem là trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, định hướng phát triển từ năm 2000. Nhưng công nghệ nào để sản xuất hiệu quả vẫn mông lung.

ở Đà Lạt, người nông dân vẫn loay hoay lựa chọn phương thức canh tác . Ảnh: MAI VINH


Tỉnh Lâm Đồng có gần 50.000ha nông sản, trong đó chiếm 20% là diện tích canh tác nông nghiệp được xem là nông nghiệp công nghệ cao.

Nông dân tìm công nghệ

Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, cho rằng khái niệm nông nghiệp công nghệ cao chỉ mới được hiểu trong phạm vi những người làm chính sách và giới nghiên cứu; còn đối với đa số nông dân, khái niệm này còn mù mờ.

“Mọi người cứ mặc nhiên dựng cái nhà kính che nắng che mưa cho rau, hoa rồi gọi đó là nông nghiệp công nghệ cao.

Trong khi đó, công nghệ cao trong nông nghiệp đòi hỏi nhiều yếu tố tổng hòa với nhau như giống, công nghệ canh tác, trình độ nông dân để đạt mục tiêu sản lượng cao, chất lượng tốt” - ông Sơn giải thích.

Và hiện ở Đà Lạt, người nông dân vẫn loay hoay lựa chọn phương thức canh tác phù hợp khi chưa có một phương thức nào định hướng từ cơ quan quản lý nông nghiệp được xem là tối ưu để tăng giá trị canh tác.

Những năm gần đây, nông dân có xu hướng giảm sự lệ thuộc vào đất thông qua canh tác trên giá thể hoặc trên giàn thủy canh, khí canh. Bà Phạm Thị Cúc, trang trại Bạch Cúc, thay đổi hình thức canh tác từ trồng rau dưới đất sang trồng trên giá thể và sau đó là trồng thủy canh.

Bà bảo: “Chưa biết cái nào sẽ cho ra mẻ rau chất lượng nhất nhưng bạn bè trồng rau đi trước bảo thủy canh nhìn sạch sẽ hơn, rau tươi hơn với lại khách mua rau có xu hướng chuộng rau thủy canh nên tôi đổi qua trồng thủy canh”. Hiện bà Cúc có khoảng 2ha rau thủy canh chuyên cung cấp cho các siêu thị lớn tại TP.HCM.

Làm nông nghiệp công nghệ cao sớm hơn bà Cúc và học hỏi nhiều công nghệ sản xuất từ Mỹ, Nhật nhưng ông Nguyễn Văn Thành, chủ tịch HĐQT Công ty nông sản An Phú Đà Lạt, định hướng nông trại của mình gắn bó với nông sản canh tác trên đất dinh dưỡng và trong giá thể trước khi có công nghệ canh tác mới hơn.

Ông Thành nhận định: “Tôi chưa xác định được cách nào tốt hơn nhưng các đối tác nhập khẩu rau do nông trại sản xuất tại Nhật, Canada yêu cầu nông sản không cách ly mặt đất và đầu tư giống phù hợp nên tôi canh tác theo hướng đó.

Quan điểm của các đối tác thể hiện rõ khi lập hợp đồng, nông sản không cách ly mặt đất, càng gần với đời sống tự nhiên thì càng ít khiếm khuyết và có lợi cho sức khỏe người dùng”.

Trang trại Phong Thúy (huyện Đức Trọng) là đơn vị cung ứng khoảng 20 tấn nông sản mỗi ngày cho các chợ đầu mối và siêu thị.

Trang trại này chọn cách linh hoạt trong việc lựa chọn công nghệ canh tác từ giống cho đến cách trồng. Tại trang trại có khu trồng rau, củ thẳng trên đất, có khu chuyên trồng rau trên giá thể và có khu trồng rau thủy canh với diện tích lớn, chiếm khoảng 20ha.

Ông Nguyễn Hồng Phong, chủ trang trại Phong Thúy, cho biết công nghệ nào không phải là điều quan trọng, chủ yếu là khách hàng chuộng nông sản nào. “Ý nghĩa của phương thức canh tác có lẽ không quá quan trọng với người sản xuất, chúng tôi cần sản xuất nhiều nhất và tốt nhất.

Khách hàng cần rau trồng trên đất nhiều thì chúng tôi sản xuất loại đó nhiều và miễn sao đạt tiêu chuẩn chất lượng đã công bố, các loại nông sản công nghệ khác cũng vậy” - ông Phong nói.

Theo ông Phong, hai năm trở lại đây, việc nhập công nghệ sản xuất tại Đà Lạt trở nên dễ dàng: “Nông dân không còn phải đi châu Âu, Mỹ, Nhật mà chỉ cần qua Thái Lan, Malaysia là có thể học hỏi công nghệ. Ở tại Việt Nam cũng dễ, các công ty chuyển giao công nghệ chào sản phẩm đến tận vườn”.

Sản xuất hoa trong nhà kính được trang bị thiết bị để cách ly môi trường xung quanh. Ảnh: M.VINH

 

Tháo nút nghẽn, xây giá trị

Theo ông Nguyễn Văn Sơn - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, nông dân làm theo yêu cầu của thị trường là điều dễ hiểu nhưng ở góc nhìn quản lý nhà nước, chưa phân tích được cái hay cái dở của công nghệ để khuyến cáo nông dân lựa chọn sản xuất là chưa được.

“Nếu lấy công nghệ thủy canh để canh tác rau chỉ đạt chuẩn an toàn của Bộ Y tế thì phí phạm công nghệ và chi phí đầu tư. Nếu làm GlobalGAP mà chọn trồng rau trên đất, ngoài trời, giống cũ thì viển vông, không thật thà trong sản xuất nông sản” - ông Sơn nói.

Theo quy hoạch vùng sản xuất nông sản đến năm 2020, tỉnh Lâm Đồng mới chỉ định hướng phát triển dựa trên diện tích, chưa có định hướng về công nghệ canh tác.

Ông Phạm S, phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, trao đổi: “Công nghệ phải được đầu tư dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng. Do đó, quy hoạch công nghệ canh tác phải dựa trên dự báo về nhu cầu thay đổi theo từng năm và nhiều năm.

Nếu công nghệ sản xuất nông sản được đầu tư không dựa trên quy hoạch hoặc dự báo thị trường sẽ dẫn đến tình trạng tương tự được mùa mất giá.

Tức nông sản canh tác theo công nghệ nào đó quá thừa trong khi thị trường chuộng loại khác và nông dân thua lỗ do mất giá. Tỉnh sẽ bổ sung vấn đề này vào quy hoạch sản xuất nông sản. Nếu thiếu quy hoạch công nghệ thì chiến lược phát triển giống, công nghệ sau thu hoạch cũng bị ảnh hưởng xấu”.

Trong quy hoạch vùng nông sản đến năm 2020, tỉnh Lâm Đồng thừa nhận Đà Lạt mới chỉ là vùng sản xuất nguyên liệu, chưa có những nhà máy chế biến nông sản, do đó tỉnh chỉ mới khuyến khích nông dân đầu tư sản xuất rau sạch, chưa khuyến khích đổi mới công nghệ để vừa sạch vừa đạt sản lượng cao.

Ông Đoàn Văn Việt, chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cũng thừa nhận tại một hội nghị gần đây rằng những điểm yếu của nông nghiệp Đà Lạt sau nhiều năm chưa thể khắc phục: thiếu nhà máy chế biến và xử lý nông sản sau thu hoạch, không có trung tâm thu mua, định giá và xuất khẩu hoa, công nghệ giống và cán bộ quản lý hoạt động nông nghiệp chưa đảm bảo...

Ông Việt cho rằng đây là nút nghẽn lớn nhất khiến nhiều năm qua chưa nâng được giá trị nông sản Đà Lạt.

Một số khảo sát cho thấy do yếu ở công nghệ sau thu hoạch, xây dựng thương hiệu mà giá trị sinh ra từ 1ha đất của Đà Lạt thấp gấp 8 lần so với Malaysia dù chất lượng sản phẩm không khác nhau nhiều.

Trao đổi với các doanh nghiệp Nhật, ông Việt đề nghị trước mắt cần cùng hợp tác đầu tư mạnh công nghệ sau thu hoạch tại khu công nghiệp, nông nghiệp chuyên xuất khẩu cho Nhật.

Mới đây, tỉnh Lâm Đồng bắt tay với Nhật Bản xây dựng kế hoạch thành lập khu công nghiệp, nông nghiệp chuyên xuất khẩu cho Nhật.

Lâm Đồng sẽ bàn giao quỹ đất dự định thực hiện Khu công nghiệp Tân Phú (huyện Đức Trọng) với hơn 300ha để xây dựng khu liên hợp công nghiệp - nông nghiệp.

Trong hai năm gần đây, tỉnh Lâm Đồng định hướng các dự án nông nghiệp phải có sự tham gia của nông dân địa phương. Doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến, chuyển giao công nghệ sản xuất nông sản nguyên liệu cho nông dân và nông dân cung ứng ngược lại theo hợp đồng thu mua.

Định hướng này nhằm tận dụng quỹ đất của người dân và tạo điều kiện để nông dân thay đổi tác phong làm nông.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận