Cố gắng gấp đôi, hạnh phúc cũng gấp đôi

TIẾN TRÌNH (THỰC HIỆN) 08/03/2017 07:03 GMT+7

TTCT - GS.TS Nguyễn Thị Lang - nữ khoa học gia đầu ngành trong lĩnh vực giống nông nghiệp - được biết đến như người có công lớn trong việc chọn tạo thành công hàng chục giống lúa chất lượng, chịu được thời tiết khắc nghiệt...

GS.TS Nguyễn Thị Lang  -Ảnh do Quỹ L'oreal cung cấp
GS.TS Nguyễn Thị Lang -Ảnh do Quỹ L'oreal cung cấp

 

Bao nhiêu năm, bà vẫn giữ thói quen đi sớm và về nhà rất trễ. Lần nào hẹn được bà cũng đều trong chiều muộn thế này?

- Do công việc, tôi phải thường xuyên ra khỏi nhà trước 6h, đi hơn 30km đến chỗ làm, có khi ở ngoài đồng đến tối.

Anh biết đó, làm khoa học nông nghiệp rất đặc thù. Để giống lúa của mình phát huy được trên đồng đất, giúp được nông dân trong nhiều vụ mùa, phải theo nó từ phòng thí nghiệm ra đồng, coi nó lớn hằng ngày cho đến khi thu hoạch..., giống như nuôi con đến ngày dựng vợ gả chồng vậy.

Chưa hết, để giống lúa của mình được công nhận, tôi phải bảo vệ “con” mình trước hội đồng phản biện khoa học; ra đồng thì lo ứng phó với thời tiết rồi kiêm luôn cán bộ khuyến nông để chỉ dẫn nông dân cách trồng, chăm sóc lúa... Dầm mưa dãi nắng chỉ là chuyện nhỏ. Mà tôi bao nhiêu năm làm như vậy và sẽ vẫn làm như vậy.

Khoa học có lấy hết thời gian bà dành cho gia đình?

- Không đâu. Chồng tôi cũng làm khoa học (GS.TS Bùi Chí Bửu), đi không kém gì tôi. Nhưng vợ chồng phải chia nhau nuôi dạy con, tôi cũng nội trợ, cùng chồng lo cơm áo gạo tiền... chứ thời buổi này chỉ có một người làm kinh tế vất vả lắm.

Đứa con lớn của tôi là tiến sĩ y khoa, nó cứ nói cùng làm khoa học nhưng sao làm nông nghiệp vất vả quá. Có dịp đi công tác xa, các nhà khoa học nước ngoài thì ở khách sạn hạng sang, còn mẹ nó thì ở khách sạn rẻ tiền...

Nhưng tôi dạy con tôi sống không nên quá lệ thuộc vào hình thức, vào đồng tiền. Giá trị của một người làm khoa học là những gì mình mang đến cho cuộc sống. Ở nhà, các cu cậu cũng chia sẻ việc nhà, chúng động viên mẹ rất nhiều. Dù bận thế nào thì gia đình chúng tôi cũng thường xuyên dành những ngày nghỉ cho nhau.

Nhưng làm khoa học và nội trợ, muốn chu toàn cả hai thì e khó...

- Đương nhiên. Một người phụ nữ vừa là người của khoa học, vừa là người có gia đình thì khó trăm bề. Tôi muốn chu toàn cả hai nên phải cố gắng gấp đôi.

Nhưng bù lại, tôi có hạnh phúc gấp đôi. Thấy chồng con vui khỏe, con cái ngoan hiền, học hành tử tế; thấy giống lúa của mình giúp được vụ mùa cho nông dân, cho nền lúa gạo Việt Nam... thì mình hạnh phúc lắm. Chuyện chăm sóc gia đình là hiển nhiên, cũng như giống lúa của mình, nông dân sản xuất thắng lợi thì coi là bình thường.

Với những cống hiến cho cây lúa Việt Nam, bà có hài lòng với những gì đã làm?

- Tôi đang lo. Tháng sau tôi về hưu tại Viện Lúa ĐBSCL. Nhưng làm khoa học thì làm gì có chuyện về hưu là nghỉ nghiên cứu.

Tôi lo khi nhận quyết định nghỉ hưu, những dự án tâm huyết của tôi đang dở dang, cần thêm thời gian để hoàn thành sẽ bị ngưng trệ khi không có tôi.

Tại Viện Lúa, tôi có nhiều học trò tốt, các em rất yêu công việc mình làm. Anh coi, không nói thì không ai biết: chỗ tôi, các em nhận ruộng để làm nghiên cứu, nói là làm khoa học, công trình này, dự án nọ... nhưng thật ra các em bỏ thêm tiền túi để làm.

Ngay như tôi, từ trước đến nay, ngoài lương căn bản, tôi phải tự tìm nguồn để nghiên cứu. Một số nước tiên tiến phân bổ kinh phí cho các nhà khoa học đầu ngành để phục vụ nghiên cứu. Còn ở Việt Nam mình thì khác.

Để có tiền phục vụ nghiên cứu, tôi phải đi tìm nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế, bộ, ngành đến các địa phương... Vừa làm chuyên môn vừa “chạy gạo” như thế đối với người làm khoa học không thể nói là không bị chi phối. Nhất là nhà khoa học nữ càng bị chi phối nhiều hơn...

Một nhà khoa học đầu ngành mà than không được đầu tư cho nghiên cứu trong khi chính sách của Nhà nước đầu tư cho hoạt động khoa học đâu phải ít.

- Tôi không biết các đồng nghiệp nam có được ưu đãi hơn không. Nhưng riêng tôi thấy phụ nữ làm khoa học thì phải cố gắng gấp đôi nam giới.

Đàn ông có nhiều cơ hội để dấn thân, có thời gian nhiều hơn để nghiên cứu. Còn phụ nữ, ngoài thời gian cho công việc thì đến thời gian cho gia đình. Họ đâu thể thường xuyên ở các bàn tiệc để tranh thủ các mối quan hệ. Tôi lo một điều là những khó khăn từ nhiều phía làm giảm dần số phụ nữ nghiên cứu khoa học.

Ngay nhiều em nữ làm nghiên cứu trong lĩnh vực này cũng bị “lụt” dần vì bị hụt hơi, không phấn đấu nữa, thường tới tiến sĩ thì dừng. Mà làm tiến sĩ rồi thì cũng không nâng được tay nghề lên. Tình trạng “tiến sĩ cùng” đang tồn tại khá nhiều là vì thế.

Khó khăn, bất công nhưng nhiều phụ nữ đã rất thành công trong lĩnh vực của mình, mà bà là một ví dụ...

- Trước hết bắt đầu từ gia đình. Chồng tôi cũng là một nhà khoa học đầu ngành, cùng trong lĩnh vực nông nghiệp. Vợ chồng tôi thường xuyên gặp nhau ở... nước ngoài, khi đi hội thảo, hội nghị nào đó. Tôi mang thai cậu nhỏ khi cùng chồng đi công tác ở Nhật.

Gần sinh, tôi về Việt Nam. Khi cháu 2 tháng tuổi thì phải theo tôi đi sang Philippines rồi các nước khác, đi đâu cũng bế con theo, vừa dự hội nghị, vừa làm nghiên cứu vừa chăm sóc con... Trong hoàn cảnh đó, nhiều phụ nữ sẽ bỏ dở công việc. Nhưng khi cố gắng tột bậc thì không lo sẽ không thành công trong lĩnh vực mà mình theo đuổi.

Bên cạnh đó, bà cũng được sự hậu thuẫn nào đó chứ?

- Đôi lúc tôi thấy “đuối” thật sự. Nhưng tôi may mắn được sự ủng hộ từ những người hiểu và cảm thông, tạo điều kiện cho tôi cống hiến hết mình cho khoa học, cho hạt lúa ĐBSCL, từ các anh chị ở Bộ KH-CN, các em ở Viện Lúa, những nông dân chân lấm tay bùn, bạn bè và các tổ chức quốc tế...

Tôi may mắn có một hậu phương vững chắc, mười mấy người em chồng, năm anh chị em ruột cùng chín anh chị nuôi, ai cũng ủng hộ hết mình việc tôi làm. Thỉnh thoảng thấy vợ chồng tôi cứ đi đông về tây, họ lại hỏi có gì cần họ giúp không.

Và bà đã giúp nông dân nhiều nơi có được cuộc sống tốt hơn nhờ hạt giống mà bà chọn tạo?

- Tôi có nhiều thành quả nghiên cứu. Nhiều tỉnh cần là tôi cho không, chứ không lấy tiền. Tôi cũng giúp các em ở thế hệ sau theo đuổi công việc chọn, tạo giống. Tôi phải tìm nguồn tài trợ để các em ở lại duy trì những công việc đang làm. Quan trọng hơn, đừng để các em nguội lạnh bầu nhiệt huyết. Tôi có nhiệm vụ thắp cho các em ngọn lửa nhiệt tình và tinh thần làm việc bền bỉ, cũng vì một tình yêu với hạt lúa quê hương mình.

* Rất cảm ơn bà.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận