Khả năng nắm bắt cơ hội đang rất khác nhau

THANH HÀ 08/03/2017 07:03 GMT+7

TTCT - Ngày đầu tuần của TS Đỗ Thị Phúc bắt đầu bằng một hội thảo khoa học và hạn chót cho một đề xuất nghiên cứu... Chị sẽ phải hoàn tất những việc này sau hai đêm mất ngủ vì trông cô con gái nhỏ mới 2 tuổi bị sốt.

TS Đỗ Thị Phúc -Ảnh do Quỹ L'oreal cung cấp
TS Đỗ Thị Phúc -Ảnh do Quỹ L'oreal cung cấp


Tất tả qua trường ĐH giải quyết nốt chuyện giấy tờ cho đúng hạn rồi ngược đường đến hội thảo, buổi trưa chị chạy về nhà thăm con... Và đó là những ngày thường xảy ra đối với TS Phúc và rất nhiều nhà khoa học nữ khác.

“Tôi chỉ mong muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy và tham gia nghiên cứu khoa học, có nhiều thời gian dành cho gia đình, chăm sóc, dạy dỗ con cái và cho bản thân, cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng” - chị nói, dù thừa nhận làm được điều này không hề dễ dàng.

Theo UNESCO, chỉ 30% số nhà khoa học trên thế giới là phụ nữ và vẫn còn nhiều trở ngại với phụ nữ khi theo đuổi sự nghiệp khoa học...

- Tôi không cho rằng có sự bất bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ trong nghiên cứu khoa học. Trong nghiên cứu khoa học, tất cả đều phải được đánh giá trên những tiêu chí chung, cùng một mức độ yêu cầu, không có sự phân biệt giữa nam và nữ.

Cơ hội dành cho các nhà khoa học nam và nữ như nhau. Nhưng khả năng nắm bắt cơ hội đang rất khác nhau, có sự chênh lệch.

Phụ nữ thiệt thòi hơn khi bị phân tán về quỹ thời gian, tâm trí, sức lực dành cho gia đình. Đó là những yếu tố khách quan hạn chế khả năng tiếp cận cơ hội và phấn đấu của nhà khoa học nữ.

Hạn chế này sẽ càng tăng nếu các nhà khoa học nữ không được tạo điều kiện để tăng khả năng đón nhận cơ hội. Nếu thật sự quan tâm đến việc tạo cơ hội bình đẳng cho các nhà khoa học nữ trong tiếp cận các cơ hội, có thể điều tiết bằng những chính sách chủ quan.

Thực tế cho thấy đó là việc có thể làm được trong phạm vi những cơ quan, môi trường làm việc cụ thể, đối với những trường hợp cụ thể. Hiện đang có những thay đổi đáng ghi nhận như có những giải thưởng dành riêng cho nhà khoa học nữ, những học bổng, quỹ nghiên cứu... dành riêng cho phụ nữ.

Là một nhà nghiên cứu sinh học và là mẹ của hai con nhỏ, dù có “cháy” hết mình với những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, vẫn có những lúc cần gạt đam mê sang một bên để trở về với vai trò người vợ, người mẹ. Đó có lẽ không phải là một sự lựa chọn dễ dàng?

- Khó khăn lớn đối với phụ nữ nói chung, đặc biệt đối với những người làm khoa học như chúng tôi là sự cân bằng, cân đối thời gian, sức lực giữa công việc và gia đình. Tùy từng thời điểm mà nên đặt mục tiêu nào quan trọng hơn và được ưu tiên hơn.■

TS Đỗ Thị Phúc, giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), vừa được trao học bổng Nhà nghiên cứu khoa học nữ tài năng 2016 L’Oreal - UNESCO For Women in Science, với đề tài nghiên cứu hiện tượng methyl hóa microARN164 ở cây lúa trong điều kiện mặn, nhằm tăng cường khả năng chịu mặn ở cây trồng.

Chị tốt nghiệp chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng ngành sinh học của Trường ĐH Khoa học tự nhiên năm 2002, hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ tại Đức, thực tập nghiên cứu sau tiến sĩ 5 năm tại Viện Max Planck về sinh lý học phân tử thực vật.

Từ năm 2013, chị giảng dạy và nghiên cứu tại khoa sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên. Từ đó đến nay, chị đã chủ trì bốn đề tài, trong đó có một đề tài cấp nhà nước, một đề tài hợp tác quốc tế và công bố 17 bài báo khoa học quốc tế.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận